LÔ HỘI

Lô hội hay còn được gọi với cái tên rất phổ biến là nha đam, đã được chứng minh và sử dụng rộng rãi với các tác dụng trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cũng như làm đẹp. Chẳng hạn, Lô hội có vai trò giúp hỗ trợ điều trị các tình trạng táo bón, đái tháo đường, tốt cho gan và giúp giảm viêm xương khớp,… Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, người bệnh nên dùng đúng cách và đúng liều lượng, tránh tình trạng lạm dụng gây nên những tác động không tốt đến sức khỏe.

daydreaming distracted girl in class

LÔ HỘI

Mô tả về Lô hội

- Tên gọi khác của Lô hội: Nha đam, Lưỡi hổ, Hổ thiệt, Long tu, Tượng đởm, Lú hội,…

- Tên khoa học: Aloe vera L. Asphodelaceae

- Mô tả cây Lô hội:

  • Lô hội: (tên khoa học của các loài Lô hội như Aloe vera L. var. sinensis Berger, Aloe barbadensis Haw hoặc Aloe perfoliata Lour. (non L.)) là một loài cây có thân ngắn, hóa gỗ, to và thô. Lá Lô hội mọc rất sát nhau thành cụm như hoa thị ở gốc, không có cuống, phiến lá dày, hình 3 cạnh, rộng khoảng 5 – 10 cm, dài từ 30 – 50 cm, dày khoảng 1 – 1.5 cm ở phía cuống. Mép lá dày, có răng cưa thưa và cứng.

  • Cụm hoa Lô hội mọc thành chùm dài khoảng 1 m, mang hoa màu vàng xanh lục nhạt dài khoảng 3 – 4 cm. Lúc đầu hoa mọc thẳng đứng, sau đó rũ xuống dần. Quả nang có hình trứng thuôn, lúc đầu có màu xanh và sau chuyển thành màu nâu, dai. Quả có 3 ô, mỗi ô chứa nhiều hạt. Cây ra hoa vào mùa thu.

- Dược liệu Lô hội: Dịch từ cây Lô hội được  cô đặc để tạo thành khối nhựa có kích không đồng đều. Khối màu nâu đen óng ánh, thể chất giòn khi làm khô. Dịch này tan được trong cồn, tan hoàn toàn trong nước sôi, có mùi hơi đặc biệt và có vị đắng nồng. Hai loại thường được dùng làm thuốc là Aloe vera L. gọi là Lão lô hội, loại của cây Aloe ferox Mill. gọi là Tân Lô hội.

Phân bố

Lô hội dùng ở Việt Nam (dùng trong cả Đông và Tây y) chủ yếu là nhập từ nước ngoài. Dù cho nhập từ Pháp hoặc từ Trung Quốc cũng có nguồn gốc từ những nước sau đây:

  • Loài Aloe vulgaris Lamk, ở Bắc Phi, phía Nam Châu Á, Ấn Độ. Tên trên thị trường quốc tế là Aloe des barbades, Aloe Curacao (Aloe des Inas.)

  • Loài Aloe ferox L. và những loại lai của nó với các loài Aloe africana Mill., Aloe spicata Thumb., Aloe perfoliata L. cho vị Lô hội với tên trên thị trường là Aloe du Cap.

  • Loài Aloe perry I Bak. cho vị Lô hội Aloe socotrin hay Aloe succotrin. Trong Y học cổ truyền rất chú ý phân biệt 2 loại này.

  • Chung quy lại địa lý phân bố chủ yếu của Lô hội là từ phía Đông châu Phi (từ Nam đến Bắc đều có), Ấn Độ và Châu Mỹ.

  • Tại Việt Nam, cây Lô hội mọc hoang ở bờ biển các tỉnh như Ninh Thuận (Phan Rang, Phan Ri) & Bình Thuận, ở miền Bắc được trồng để làm cảnh nhưng ít phổ biến hơn.

Bộ phận dùng, thu hái và chế biến

- Bộ phận dùng: phần gel và lớp thịt dày bên trong lá Lô hội.

- Thu hái: hái lá quanh năm.

- Chế biến: theo 1 trong các phương pháp sau:

  • Phương pháp áp dụng ở nam châu Phi: cắt lá Lô hội xếp thành đống cao 1 m, ở miệng hố đào dưới đất, dưới có lót da dê hoặc da ngựa, những lá xếp cao thì càng vươn ra để nhựa chảy vào trong hố. Khi nhựa đã chảy hết, thì bỏ hết lá đi, lấy nhựa đem đi cô đặc trong nồi bằng đồng. Khi cô đặc sẽ có mùi & khói rất khó chịu. Nếu đun quá thì bị cháy, còn đun chưa tới thì Lô hội sẽ còn mềm, cho nên người ta thường tập trung vào 1 xưởng riêng để cô đặc.

  • Phương pháp ở Curacao phương pháp áp dụng ở miền Nam Trung Bộ nước ta: cắt lá, xếp thành hình chữ V vào trong hố, đầu cắt quay xuống dưới, nhựa sẽ chảy xuống tự nhiên, không cần ép. Cô đặc nhựa được thực hiện trong nồi đồng.

  • Phương pháp khác:

  • Cắt nhỏ lá, giã & ép. Để lắng trong vòng 24 giờ. Gạn, phần nước thu được đem đi cô đặc ngoài nắng hoặc có thể đun cho đặc. Phương pháp không thực sự tốt đối với Lô hội vì sẽ lẫn nhiều các tạp chất. Có thề ngâm lá đã giã nhỏ với nước, lọc lấy phần nước. Đun bã với 1 ít nước nữa, trộn chỗ nước sau với nước trước và tiến hành cô đặc lại.

  • Có thể đem thái lá nhỏ, cho vào rổ bằng dây thép và nhúng 10 phút vào nước sôi. Lặp lại bước trên với các lá Lô hội mới cho đến khi thu được phần nước đen đặc thì đem gạn và tiến hành cô đặc. Do phương pháp chế biến khác nhau cho nên Lô hội chế biến được cũng sẽ có thể chất khác nhau.

  • Trước đây theo các tài liệu cũ cho thấy tại các các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận sản xuất khoảng từ 500 – 600 kg Lô hội mỗi năm, một phần sử dụng trong nước và một phần xuất khẩu sang Trung Quốc.

  • Hoặc cũng có thể sử dụng Lô hội tươi, gọt bỏ phần vỏ và làm sạch lớp nhựa mủ màu vàng, sau đó cắt thành từng khúc để sử dụng làm thuốc hoặc thực phẩm.

Thành phần hóa học

Lô hội chứa thành phần hóa học gồm hơn 75 hợp chất khác nhau bao gồm:

  • Nhựa Lô hội: 12 – 13%.

  • Tinh dầu.

  • Các monosaccharide & polysaccharide như: glucose, aldopentose, xylose, rhamnose, arabinose, cellulose, acemannan & mannose.

  • Acid béo không bão hoà & prostaglandin như acid γ-linolenic.

  • Enzym: amylase, oxidase, lipase, peroxidase và catalase 

  • Nhóm anthraglycoside bao gồm: hoạt chất chính aloin (16 – 26%), emodin, barbaloin, aloinoside A, aloezin, aloectin, aloinoside B, anthranol, acid cinnamic & hysophanic

  • Các khoáng chất: kẽm, đồng, selen và calci,…

  • Các vitamin như: A, C, E và B12.

  • Hormon: auxin và gibberellins.

Tác dụng – công dụng theo y học hiện đại

- Điều trị táo bón: Lô hội thường được dùng trong điều trị táo bón nhờ công dụng nhuận tràng. Bên cạnh đó, Lô hội còn có tác dụng giúp giảm đau và giảm xuất huyết sau khi đi tiêu.

- Chống oxy hóa và kháng khuẩn:

  • Các chất chống oxy hóa rất quan trọng đối với sức khỏe. Gel Lô hội có chứa các chất chống oxy hóa mạnh như alkaloid, các hợp chất phenolic, glycoside flavonoid & saponin. 

  • Các hợp chất trên, cùng với một số hợp chất khác trong Lô hội có thể giúp ức chế sự phát triển của một số vi khuẩn gây bệnh ở người. Ngoài ra, các thành phần trong Lô hội còn có khả năng giúp kháng viêm và chống oxy hóa tế bào gan.

- Cải thiện tình trạng bỏng:

  • Lô hội được dùng phổ biến nhất như là một loại thuốc bôi lên da. Từ lâu, đây đã được biết đến như là một cách điều trị loét, đặc biệt là các vết bỏng bao gồm cả cháy nắng.

  • Năm 1959 là lần đầu tiên FDA chấp thuận thuốc mỡ Aloe vera là thuốc không kê đơn dùng để điều trị bỏng da. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng đây là một phương pháp điều trị tại chỗ hiệu quả đối với bỏng độ 1 & độ 2. 

  • Một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng Lô hội có thể giúp tăng tốc độ làm lành vết bỏng nhanh hơn khoảng 9 ngày so với các thuốc thông thường.

- Bảo vệ dạ dày: bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) gây ra các triệu chứng ợ nóng hoặc những triệu chứng khác. Một nghiên cứu chỉ ra rằng sử dụng 10 mL thảo dược này hằng ngày trong vòng 4 tuần. Và kết quả nghiên cứu cho thấy Lô hội giúp làm giảm tần suất của các triệu chứng bệnh như ợ nóng, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, nôn và trào ngược dịch vị mà không gây các tác dụng phụ trên dạ dày.

- Hạ đường huyết: Lô hội đôi khi được dùng như một phương thuốc điều trị bệnh đái tháo đường. Về cơ chế có thể là Lô hội giúp tăng cường nhạy cảm insulin từ đó làm giảm nồng độ đường trong máu, bên cạnh đó còn có công dụng cải thiện chức năng của tế bào β đảo tụy. 

- Tác dụng đối với tế bào ung thư: các nghiên cứu được thực hiện đến hiện nay chủ yếu là các nghiên cứu in vitro và in vivo. Kết quả chỉ ra rằng Lô hội có khả năng chống ung thư. Có tác động giúp làm giảm tăng sinh tế bào & cải thiện quá trình chết theo chương trình của tế bào khối u.

Vị thuốc Lô hội trong Y học cổ truyền

Tính vị: vị đắng, tính hàn

Quy kinh: Đại trường, Can, Vị

Công năng: thanh can nhiệt, thông tiện.

Công dụng:

- Nhựa thường dùng trị: Kinh bế, kinh nguyệt ít, táo bón; đại tiện bí, sung huyết não, kinh phong.

- Lá thường dùng trị: Nhức đầu, chóng mặt, táo bón, trẻ em co giật, suy dinh dưỡng, ho gà. Còn dùng trị sâu răng, viêm da, vết chảy & bỏng, chàm.

Cách dùng, liều lượng: 0,4 – 2 g cho vào hoàn tán, không cho vào thuốc thang. Dùng ngoài: vừa đủ đắp vào vị trí bệnh.

Bảo quản: bảo quản trong thùng để nơi thoáng mát, tránh ánh nắng do nhựa sẽ chảy khi gặp nóng.

Một số bài thuốc có vị Lô hội

- Điều trị xơ gan cổ trướng: sử dụng 1 nắm lá Lô hội, cắt bỏ vỏ. Tiếp đến rửa sạch & cho vào máy xay sinh tố cùng với 0,5 L mật ong nguyên chất. Uống nước nha đam mật ong trước bữa ăn khoảng 15 phút. Uống 3 lần hằng ngày và mỗi lần dùng khoảng 20 mL. Sử dụng liên tục đến khi các triệu chứng bệnh thuyên giảm thì ngưng.

- Chữa bệnh tiểu đường và cao huyết áp:

  • Cách 1: sử dụng 1 nắm lá Lô hội, bỏ vỏ & phần gai hai bên rồi rửa sạch. Sau đó, nấu sôi rồi để nguội. Tiếp đến cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn và lấy phần nước uống. Dùng 3 lần 1 ngày, mỗi lần dùng với lượng 1 muỗng. sử dụng trước khi ăn khoảng 15 phút.

  • Cách 2: Dùng từ 2 – 3 nhánh cây Lô hội, bỏ vỏ & rửa sạch. Tiếp đến, nấu sôi rồi uống và ăn luôn cả phần thịt lá. Uống 3 lần 1 ngày và mỗi lần uống với lượng 1 muỗng canh, dùng trước bữa ăn khoảng 15 phút.

  • Cách 3: Dùng 1 đến 2 lá Lô hội gọt lấy phần thịt, rửa sạch rồi ăn sống. Tốt nhất là ăn 3 lần 1 ngày để cải thiện các triệu chứng bệnh.

- Dùng trong điều trị mụn:

  • Mỗi ngày sử dụng khoảng 200 g Lô hội tươi gọt vỏ rồi rửa sạch. Tiếp đến cắt thành những miếng nhỏ và thêm 2 muỗng mật ong cùng với 50 g đường cát trắng rồi ăn.

  • Hoặc cũng có thể sử dụng 500 mL nước cốt Lô hội trộn đều với 200 mL mật ong rồi để tủ lạnh sử dụng dần. Uống 3 lần 1 ngày, mỗi lần uống với lượng khoảng 3 muỗng canh, dùng trước khi ăn. Bên cạnh đó còn có thể dùng phần thịt lá Lô hội trộn với nước vo gạo đã lắng và đắp lên mặt mỗi buổi tối.

Lưu ý khi sử dụng Lô hội

Một vài loại thuốc có thể tương tác với thành phần hóa học của Lô hội như:

  • Digoxin.

  • Thuốc điều trị đái tháo đường như glyburide, glipizide, insulin, tolbutamide,…

  • Sevoflurane.

  • Warfarin.

  • Thuốc nhuận tràng: Senna hoặc bisacodyl.

  • Thuốc lợi tiểu: chlorthalidone, hydrochlorothiazid, chlorothiazide và furosemid.

Lô hội an toàn và được dung nạp tốt cho hầu hết mọi người khi sử dụng ngoài da. Tuy nhiên, phụ nữ có thai hoặc cho con bú và trẻ em dưới 12 tuổi nên tránh dùng. 

Bên cạnh đó tác dụng nhuận tràng từ nhựa (chất màu vàng) của Lô hội có khả năng gây tiêu chảy & đau quặn bụng. Các tác dụng này có thể ức chế sự hấp thụ của các thuốc khác qua đường tiêu hóa và làm giảm hiệu quả điều trị.

 

Có thể bạn quan tâm?
CỐT KHÍ CỦ

CỐT KHÍ CỦ

Cốt khí củ, hay còn được biết đến với những tên gọi: Điền thất, nam hoàng cầm, Hỗ tượng căn, Co hớn hườn, mèng kéng, hồng liu. Cốt khí củ là một loại cây hoang dại được tìm thấy nhiều ở Sa Pa. Cốt khí củ trong dân gian được sử dụng như một vị thuốc làm tan huyết ứ, dùng khi kinh nguyệt bế tắc gây đau bụng, té ngã chấn thương gây đau. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của dược liệu này.
administrator
NẤM LIM XANH

NẤM LIM XANH

Từ xưa đến này, Nấm lim xanh đã được coi là một loại dược liệu quý hiếm, có tính đại bổ mà những tầng lớp quý tộc mới có thể sử dụng. Nhưng qua thời gian thì dược liệu này dần đi vào quên lãng.
administrator
BÁCH THẢO SƯƠNG

BÁCH THẢO SƯƠNG

Bách thảo sương là vị thuốc dân gian nhọ nồi từ nơi đáy bếp. Trong quá trình nấu nướng bếp, đốt các loại rơm rạ cây cỏ, khói bốc lên ám vào đáy nồi, lâu dần kết lại tạo thành thứ chất đen nhẹ như sương nên được gọi là Bách thảo sương.
administrator
NGŨ LINH CHI

NGŨ LINH CHI

Ngũ linh chi cũng là một vị thuốc xuất hiện nhiều trong y học cổ truyền với nhiều tác dụng chữa bệnh. Hiện nay vị thuốc này chỉ có thể được nhập từ Trung Quốc do chưa tự bào chế và sản xuất được ở Việt Nam.
administrator
LÁ LỐT

LÁ LỐT

Lá lốt, hay còn được biết đến với những tên gọi: Tất bát. Ở Việt Nam, lá lốt là một trong những loại rau quen thuộc và được sử dụng phổ biến trong các bữa ăn hằng ngày. Công dụng của cây lá lốt được phát huy hiệu quả trong điều trị nhiều bệnh khác nhau như bệnh tổ đỉa, mụn nhọt và xương khớp. Tuy nhiên, nếu dùng quá mức sẽ đem lại các tác dụng không mong muốn. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của dược liệu này.
administrator
TỎI ĐỘC

TỎI ĐỘC

Tỏi độc (Colchicum autumnale) là một loại dược liệu được sử dụng từ lâu trong y học cổ truyền và được đánh giá là có tác dụng trong việc chữa trị nhiều loại bệnh. Tỏi độc chứa nhiều hoạt chất có tính kháng viêm, giảm đau, chống oxy hóa, chống ung thư, tác động đến hệ thống miễn dịch. Đặc biệt, Tỏi độc được sử dụng trong điều trị bệnh gout, có độc tính cao, do đó cần phải được sử dụng đúng liều lượng và theo chỉ định của bác sĩ.
administrator
CÂY SẬY

CÂY SẬY

Cây sậy, hay còn được biết đến với những tên gọi: Sậy trúc, lau sậy, lô vi, lô trúc, lô vi căn. Ít ai ngờ rằng, cây sậy mặc dù mọc hoang dại nhưng lại có nhiều công dụng chữa bệnh. Phần rễ cây được sử dụng phổ biến để làm vị thuốc với tên gọi Lô căn. Có tác dụng tả hỏa, thanh nhiệt, lợi tiểu… thường dùng để chữa tiểu tiện bất lợi, viêm dạ dày cấp, viêm phế quản, đau họng, táo bón, nôn mửa,…Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của dược liệu này.
administrator
NAM SÂM

NAM SÂM

Dược liệu Nam sâm hoặc còn được biết đến với tên gọi khác phổ biến hơn là Ngũ gia bì chân chim, là một loại cây đặc trưng của vùng rừng núi Đông Dương. Từ xa xưa loại dược liệu này đã được biết đến như một vị thuốc có tác dụng tăng lực, kích thích thần kinh, chữa cảm sốt hoặc các chứng đau nhức xương khớp, hay còn chữa các chứng lở ngứa ngoài da.
administrator