CARATEN 25

daydreaming distracted girl in class

CARATEN 25

Thành phần

Thành phần của thuốc gồm 25mg Carvedilol.

Công dụng – chỉ định

Carvedilol được chỉ định sử dụng trong các trường hợp:

-Điều trị đau thắt ngực ổn định mạn tính.

-Tăng huyết áp nguyên phát.

-Hỗ trợ trong điều trị suy tim mạn tính ổn định từ mức độ trung bình tới nặng.

Liều dùng – cách dùng

Liều dùng:

Tăng huyết áp: 

Carvedilol có thể được sử dụng đơn trị trong điều trị tăng huyết áp hoặc hay hợp với các thuốc điều trị tăng huyết áp khác, nhất là các thuốc lợi tiểu thiazid. Khuyến cáo sử dụng 1 lần/ ngày. Liều tối đa khuyến cáo mỗi lần uống là 25 mg và liều dùng hàng ngày tối đa khuyến cáo là 50 mg.

Người lớn: Sử dụng liều khởi đầu khuyến cáo 12,5 mg x 1 lần/ ngày; Sau 2 ngày có thể tăng lên 25 mg x 1 lần/ ngày. Khi cần, có thể tăng liều dần dần với khoảng cách ít nhất mỗi 2 tuần.

Người cao tuổi: Liều dùng khởi đầu khuyến cáo là 12,5 mg x 1 lần/ ngày, cũng có thể cho hiệu quả đầy đủ khi tiếp tục liệu trình điều trị. Tuy nhiên, khi đáp ứng điều trị không đầy đủ, có thể tăng liều dần dần với khoảng cách ít nhất mỗi 2 tuần.

Đau thắt ngực ổn định mạn tính:

Người lớn: Liều sử dụng khởi đầu khuyến cáo là 12,5 mg x 2 lần/ ngày, uống trong vòng 2 ngày; Sau đó tiếp tục sử dụng liều 25 mg x 2 lần/ ngày. Khi cần, có thể tăng liều thêm dần dần sau khoảng cách ít nhất 2 tuần cho đến liều khuyến cáo tối đa là 100 mg/ ngày, chia ra 2 lần/ ngày.

Người cao tuổi: Liều sử dụng khởi đầu khuyến cáo là 12,5 mg x 2 lần/ ngày. Sau đó, có thể tiếp tục điều trị với liều hàng ngày tối đa được khuyến cáo là 25 mg x 2 lần/ ngày.

Suy tim:

Carvedilol được sử dụng điều trị hỗ trợ cho các liệu pháp điều trị cơ bản trong suy tim với thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế ACE (ACE-I), digitalis, và/ hoặc thuốc giãn mạch. Bệnh nhân trước khi sử dụng cần được ổn định trên mặt lâm sàng (không có sự thay đổi nhóm NYHA, không cần nhập viện do suy tim) và các liệu pháp cơ bản phải được sử dụng ổn định ít nhất 4 tuần trước khi bắt đầu điều trị. Bên cạnh đó, sử dụng ở bệnh nhân cần giảm phân suất tống máu thất trái, nhịp tim > 50 nhịp/ phút, huyết áp tâm thu > 85 mmHg.

Liều sử dụng khởi đầu khuyến cáo là 3,125 mg x 2 lần/ ngày trong vòng 2 tuần. Nếu liều khởi đầu có thể được dung nạp tốt, có thể tăng dần sau khoảng ít nhất 2 tuần, đầu tiên là lên 6,25 mg x 2 lần/ ngày, tiếp theo tới 12,5 mg x 2 lần/ ngày và sau đó là 25 mg x 2 lần/ ngày. Khuyến cáo nên tăng liều lên tới liều tối đa mà bệnh nhân có thể dung nạp.

Liều sử dụng tối đa được khuyến cáo là 25 mg x 2 lần/ ngày đối với bệnh nhân có cân nặng dưới 85 kg hay 50 mg x 2 lần/ ngày đối với bệnh nhân có cân nặng trên 85 kg, miễn là tình trạng suy tim không nặng. Việc tăng liều dùng lên 50 mg x 2 lần/ ngày nên được thực hiện thận trọng dưới sự giám sát của các bác sĩ chuyên khoa.

Các triệu chứng của suy tim nặng thêm thoáng qua có thể xuất hiện khi bắt đầu điều trị hay khi tăng liều, nhất là bệnh nhân suy tim nặng và/ hay đang sử dụng thuốc lợi tiểu liều cao, thường không cần phải ngưng điều trị nhưng cũng không nên tăng liều. Bệnh nhân cần được theo dõi trong vòng 2 giờ, khi bắt đầu điều trị hay tăng liều. Trước mỗi khi tăng liều, cần tiến hành kiểm tra các nguy cơ gây triệu chứng suy tim nặng thêm hay các triệu chứng của giãn mạch quá mức (chẳng hạn như chức năng thận, huyết áp, thể trọng, nhịp tim). Suy tim nặng thêm hay ứ dịch được điều trị bằng tăng liều lợi tiểu, và không nên tăng liều dùng carvedilol cho tới khi bệnh nhân ổn định. Khi xảy ra chậm nhịp tim hay kéo dài dẫn truyền nhĩ - thất, đầu tiên cần theo dõi nồng độ digoxin. Đôi khi có thể sẽ cần giảm liều carvedilol hay tạm thời ngưng điều trị. Ngay cả trong trường hợp này, việc điều chỉnh liều carvedilol thường có thể được tiếp tục.

Chức năng thận, tiểu cầu, glucose (đối với trường hợp bệnh nhân đái tháo đường phụ thuộc insulin và/ hay không phụ thuộc insulin) cần được theo dõi thường xuyên khi đã chỉnh liều. Tuy nhiên, sau khi đã chỉnh liều, tần suất theo dõi có thể giảm xuống.

Nếu đã ngưng dùng carvedilol trong hơn 2 tuần, cần tiến hành khởi đầu điều trị lại với liều từ 3,125 mg x 2 lần/ ngày và tăng dần như đã khuyến cáo ở trên.

Liều sử dụng ở các đối tượng đặc biệt:

Suy giảm chức năng thận: Cần xác định liều dùng tùy theo mỗi bệnh nhân, nhưng dựa trên thông số dược động học, không có bằng chứng về việc chỉnh liều carvedilol cho bệnh nhân bị suy giảm chức năng thận là cần thiết.

Rối loạn chức năng gan mức độ trung bình: Không cần hiệu chỉnh liều.

Trẻ em < 18 tuổi: Không khuyến cáo sử dụng carvedilol cho trẻ em dưới 18 tuổi do những thông tin về tính an toàn và hiệu quả của carvedilol ở nhóm bệnh nhân này vẫn chưa đầy đủ.

Người cao tuổi: Người cao tuổi có thể sẽ nhạy cảm hơn với tác động của carvedilol và cần được theo dõi cẩn thận.

Tương tự các thuốc chẹn beta khác, nhất là ở bệnh nhân mắc bệnh động mạch vành, việc ngưng sử dụng carvedilol cần được thực hiện một cách từ từ.

Cách dùng:

Thuốc được đường uống, có thể bẻ đôi viên khi cần thiết.

Để hạn chế nguy cơ bị giảm huyết áp thế đứng, carvedilol được khuyến cáo sử dụng cùng với thức ăn. Bên cạnh đó, biểu hiện giãn mạch ở bệnh nhân dùng đồng thời với thuốc ức chế men chuyển có thể giảm thiểu bằng cách uống carvedilol 2 giờ trước khi sử dụng thuốc ức chế men chuyển.

Quá liều và xử trí:

Triệu chứng và dấu hiệu: 

Trong trường hợp sử dụng quá liều, bệnh nhân có có thể bị hạ huyết áp nặng, suy tim, chậm nhịp tim, sốc do tim, ngừng tim. Cũng có thể gặp phải các vấn đề về hô hấp như co thắt phế quản, nôn mửa, rối loạn ý thức, các cơn động kinh toàn thể.

Điều trị:

Bên cạnh việc điều trị hỗ trợ chung, cần theo dõi và điều chỉnh các thông số sống còn. Nếu cần, có thể cần nhập đơn vị chăm sóc đặc biệt.

Atropin có thể được dùng khi nhịp tim quá chậm, trong khi để hỗ trợ chức năng tâm thất, khuyến cáo sử dụng glucagon tiêm tĩnh mạch hay các thuốc giao cảm (như dobutamin, isoprenaline). Khi cần tác dụng kích thích co mạch, cân nhắc sử dụng thuốc ức chế phosphodiesterase (PDE). Nếu tác dụng giãn mạch ở ngoại vi chiếm ưu thế, nên sử dụng norepinephrine hay noradrenalin và theo dõi tuần hoàn liên tục. Trong trường hợp bị chậm nhịp tim không đáp ứng với thuốc, sử dụng máy tạo nhịp có thể được bắt đầu.

Đối với trường hợp gặp phải co thắt phế quản, nên sử dụng các thuốc beta giao cảm (dạng khí dung, tiêm tĩnh mạch), hay aminophylin tiêm tĩnh mạch chậm hay tiêm truyền. Trong trường hợp bị co giật, sử dụng diazepam hay clonazepam tiêm tĩnh mạch chậm.

Carvedilol gắn kết với protein huyết tương mạnh. Vì vậy, thuốc không thể được loại bỏ thông qua cách thẩm tách máu. 

Trong trường hợp dùng quá liều nặng, có các triệu chứng sốc, cần tiếp tục điều trị hỗ trợ trong thời gian dài, cho đến khi tình trạng của bệnh nhân ổn định, do có thể có tình trạng kéo dài thời gian bán thải, tái phân bố của carvedilol.

Chống chỉ định

Chống chỉ định sử dụng thuốc ở bệnh nhân:

  • Mẫn cảm với Carvedilol hay bất kỳ thành phần nào của thuốc.

  • Rối loạn chức năng gan, có biểu hiện trên lâm sàng.

  • Suy tim mất bù/ không ổn định.

  • Block nhĩ - thất độ II hay độ III (trừ khi đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn).

  • Nhịp tim chậm nặng (< 50 nhịp/ phút).

  • Hạ huyết áp nặng (huyết áp tâm thu dưới 85 mmHg).

  • Sốc do tim.

  • Hội chứng nút xoang bệnh lý (bao gồm block xoang - nhĩ).

  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tắc nghẽn phế quản hay hen phế quản.

Tác dụng phụ

Phần lớn các tác dụng phụ không mong muốn là tạm thời và sẽ hết sau một thời gian. Đa số các tác dụng này xuất hiện khi bắt đầu điều trị. Tác dụng phụ không mong muốn liên quan chủ yếu tới cơ chế tác dụng dược lý, liều sử dụng. Tác dụng phụ thường gặp nhất bao gồm chóng mặt (khoảng 10%), nhức đầu (khoảng 5%).

Tần suất xuất hiện của các tác dụng phụ không mong muốn không phụ thuộc vào liều, ngoại trừ triệu chứng chóng mắt, thị lực bất thường hay chậm nhịp tim.

Tác dụng phụ rất thường gặp (ADR ≥ 1/10):

  • Thần kinh gây chóng mặt hay nhức đầu.

  • Tim gây suy tim.

  • Mạch gây hạ huyết áp.

  • Toàn thân gây suy nhược, mệt mỏi.

Tác dụng phụ thường gặp (1/100 ≤ ADR < 1/10):

  • Nhiễm trùng và ký sinh trùng gây viêm phế quản, nhiễm trùng đường hô hấp trên, viêm phổi, nhiễm trùng đường tiểu.

  • Máu và hệ bạch huyết gây thiếu máu.

  • Chuyển hóa và dinh dưỡng gây tăng cân, giảm kiểm soát glucose huyết (tăng glucose huyết hay hạ glucose huyết) ở bệnh nhân tiền đái tháo đường, tăng cholesterol huyết.

  • Tâm thần gây trầm cảm hay tâm trạng chán nản.

  • Mắt gây suy giảm thị lực, kích ứng mắt, giảm tiết nước mắt (làm khô mắt).

  • Tim gây chậm nhịp tim, tăng thể tích, ứ dịch, phù mạch.

  • Mạch gây hạ huyết áp tư thế hay rối loạn tuần hoàn ngoại vi (lạnh đầu chi, đợt cấp của chứng đau cách hồi, bệnh mạch máu ngoại vi, hội chứng Raynaud).

  • Hô hấp, lồng ngực và trung thất gây phù phổi, khó thở, hen phế quản trên bệnh nhân đã có sẵn các yếu tố nguy cơ.

  • Tiêu hóa gây buồn nôn, tiêu chảy, nôn mửa, khó tiêu hay đau bụng.

  • Cơ - xương và mô liên kết gây đau đầu chi hay đau cơ.

  • Thận - tiết niệu gây suy thận, rối loạn chức năng thận trên bệnh nhân mắc bệnh mạch máu lan tỏa và/ hoặc có nguy cơ bị suy giảm chức năng thận, gây rối loạn tiểu tiện.

  • Toàn thân gây đau nhức.

Tác dụng phụ ít gặp (1/1.000 ≤ ADR < 1/100):

  • Tâm thần gây rối loạn giấc ngủ hay lú lẫn.

  • Thần kinh gây xây xẩm như muốn xỉu, dị cảm, ngất xỉu.

  • Tim gây block nhĩ - thất hay đau thắt ngực.

  • Da và mô dưới da gây các phản ứng trên da (phát ban do dị ứng, viêm da, nổi mày đay, ngứa ngáy, vảy nến, lichen phẳng giống như tổn thương da, tăng tiết mồ hôi), rụng tóc.

  • Sinh sản và tuyến vú gây rối loạn chức năng cương dương.

Tác dụng phụ hiếm gặp (1/10.000 ≤ ADR < 1/1.000):

  • Máu và hệ bạch huyết gây giảm tiểu cầu.

  • Hô hấp, lồng ngực và trung thất gây nghẹt mũi.

  • Tiêu hóa gây khô miệng.

Tác dụng phụ rất hiếm gặp (ADR < 1/10.000):

  • Máu và hệ bạch huyết gây giảm bạch cầu.

  • Miễn dịch gây phản ứng quá mẫn (phản ứng dị ứng).

  • Gan - mật gây tăng ALT (alanine aminotransferase), AST (aspartat aminotransferase) và GGT (gamma glutamyltransferase).

  • Da và mô dưới da gây phản ứng không mong muốn nghiêm trọng trên da (chẳng hạn như hồng ban đa dạng, hội chứng Stevens-Johnson, hoại tử thượng bì nhiễm độc).

  • Thận - tiết niệu gây tiểu không tự chủ ở phụ nữ.

Một số tác dụng phụ không mong muốn:

  • Các triệu chứng chóng mặt, ngất xỉu, đau đầu, mệt mỏi thường nhẹ và hay gặp phải hơn khi mới bắt đầu điều trị.

  • Trên bệnh nhân suy tim sung huyết, đã có ghi nhận nặng thêm tình trạng suy tim và/ hoặc ứ dịch lúc hiệu chỉnh liều carvedilol.

  • Suy tim là tác dụng phụ không mong muốn được ghi nhận thường gặp ở cả nhóm bệnh nhân điều trị với carvedilol và giả dược (tỷ lệ lần lượt là 15,4% và 14,5%, trên bệnh nhân rối loạn chức năng thất trái, sau cơn nhồi máu cơ tim cấp).

  • Tình trạng suy giảm khả năng phục hồi chức năng thận đã được ghi nhận khi điều trị với carvedilol trên bệnh nhân suy tim mạn tính kèm theo hạ huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, bệnh mạch máu lan tỏa và/ hoặc có nguy cơ bị suy giảm chức năng thận.

  • Thuốc chẹn beta có thể gây ra biểu hiện bệnh đái tháo đường tiềm ẩn, làm nặng thêm bệnh đái tháo đường, ức chế việc kiểm soát glucose huyết.

  • Thuốc có thể gây ra tiểu không tự chủ ở phụ nữ, thường sẽ hết khi ngưng sử dụng thuốc.

Đối tượng đặc biệt:

Nghiên cứu ở người cao tuổi bị tăng huyết áp hay đau thắt ngực cho thấy không có khác biệt về các tác dụng phụ không mong muốn so với những bệnh nhân trẻ tuổi hơn. Một nghiên cứu khác trên người cao tuổi mắc bệnh mạch vành cũng cho thấy không có khác biệt về các tác dụng phụ không mong muốn được ghi nhận so với bệnh nhân trẻ tuổi hơn.

Xử trí ADR:

Có thể giảm nguy cơ chậm nhịp tim và tác dụng phụ không mong muốn khác bằng việc bắt đầu điều trị với liều thấp hơn, sau đó tăng dần liều, theo dõi cẩn thận chỉ số huyết áp tâm trương, tần số tim, và sử dụng carvedilol cùng thức ăn.

Cần giảm liều khi tần số mạch giảm xuống < 55 nhịp/ phút. Tránh ngưng dùng thuốc đột ngột.

Bệnh nhân cần phải tránh đứng lên đột ngột hay đứng yên trong thời gian dài. Nằm nghỉ khi thấy chóng mặt hay lả đi và khuyến cáo bệnh nhân cần hỏi ý kiến bác sỹ về  việc giảm liều.

Thuốc có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn khác. Cần theo dõi chặt chẽ, khuyến cáo bệnh nhân thông báo ngay cho bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải trong quá trình sử dụng thuốc.

Tương tác

Thuốc chống loạn nhịp và thuốc chẹn kênh canxi
Sử dụng phối hợp carvedilol với những thuốc này có thể làm tăng nguy cơ bị rối loạn dẫn truyền nhĩ - thất. Đã có ghi nhận về rối loạn dẫn truyền (hiếm khi ảnh hưởng tới huyết động) khi sử dụng carvedilol đồng thời với verapamil/ diltiazem và/ hay amiodaron. Tương tự các thuốc chẹn beta khác, cần theo dõi chặt chẽ điện tâm đồ, huyết áp của bệnh nhân khi sử dụng đồng thời carvedilol với thuốc chẹn kênh calci loại verapamil hay diltiazem do nguy cơ bị rối loạn dẫn truyền nhĩ - thất hay suy tim (do tác dụng hiệp đồng). Dùng tiêm tĩnh mạch verapamil trên bệnh nhân đang điều trị với thuốc chẹn beta có thể gây ra tụt huyết áp nặng, block nhĩ - thất.
Theo dõi chặt chẽ khi sử dụng phối hợp carvedilol và amiodaron đường uống hay các thuốc chống loạn nhịp nhóm I. Tình trạng chậm nhịp tim, ngừng tim, rung thất đã được ghi nhận ngay sau khi bắt đầu điều trị với thuốc chẹn beta ở bệnh nhân đang sử dụng amiodaron.
Điều trị đồng thời với guanethidine, reserpine, guanfacine, methyldopa và monoamine oxydase (trừ thuốc ức chế MAO-B) có thể gây ra giảm nhịp tim.

Dihydropyridine
Theo dõi chặt chẽ khi dùng đồng thời carvedilol và thuốc dihydropyridine, do tình trạng suy tim, hạ huyết áp nghiêm trọng đã được ghi nhận.
Nitrat
Làm tăng tác động hạ huyết áp.
Glycosid tim
Nồng độ của digoxin tăng khoảng 16%, digitoxin tăng khoảng 13% khi sử dụng đồng thời carvedilol. Cần tăng cường theo dõi nồng độ digoxin khi bắt đầu điều trị, hiệu chỉnh liều khi kết thúc điều trị cùng carvedilol.
Thuốc điều trị tăng huyết áp
Tương tự các thuốc có hoạt tính chẹn beta khác, carvedilol làm tăng tác dụng của thuốc điều trị tăng huyết áp khác khi sử dụng đồng thời (như thuốc chẹn alpha 1) hay các thuốc cũng có tác động hạ huyết áp như phenothiazin, barbiturat, thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc giãn mạch hay alcohol.
Cyclosporin
Đã có ghi nhận tăng nồng độ cyclosporin sau khi bắt đầu điều trị với carvedilol trên bệnh nhân ghép thận và tim. Khoảng 30% bệnh nhân cần giảm liều cyclosporin nhằm duy trì nồng độ cyclosporin trong phạm vi điều trị, những bệnh nhân còn lại không cần phải giảm liều. Trung bình, liều của cyclosporin giảm khoảng 20% trên những bệnh nhân này. Vì việc điều chỉnh liều thay đổi nhiều giữa các bệnh nhân, khuyến cáo cần theo dõi chặt chẽ nồng độ cyclosporin sau khi bắt đầu điều trị với carvedilol, hiệu chỉnh liều cyclosporin phù hợp.
Insulin và các thuốc điều trị đái tháo đường đường uống
Thuốc có hoạt tính chẹn beta sẽ làm tăng tác dụng hạ glucose huyết của insulin và thuốc điều trị đái tháo đường đường uống. Những dấu hiệu của hạ glucose huyết có thể bị che lấp hay giảm bớt. Cần thường xuyên theo dõi nồng độ glucose huyết trên bệnh nhân đái tháo đường.
Clonidine
Sử dụng đồng thời clonidin và các thuốc có hoạt tính chẹn beta sẽ làm tăng tác dụng hạ huyết áp, giảm nhịp tim. Trong trường hợp ngưng sử dụng đồng thời các thuốc có hoạt tính chẹn beta và clonidin, thuốc chẹn beta nên được ngưng vài ngày trước khi giảm liều dần dần clonidin.
Thuốc gây mê
Thận trọng khi bắt đầu gây mê do tác dụng hiệp đồng, gây ức chế co bóp cơ tim, hạ huyết áp của carvedilol và 1 số thuốc gây mê.
Các thuốc nhóm NSAID, estrogen, corticosteroid
Tác động hạ huyết áp của carvedilol bị giảm do tình trạng giữ nước và natri khi sử dụng đồng thời với các thuốc thuộc nhóm này.
Thuốc cảm ứng hay ức chế enzym cytochrom P450
Bệnh nhân đang sử dụng thuốc cảm ứng (ví dụ như rifampicin, barbiturat) hay ức chế (ví dụ như cimetidine, fluoxetine, ketoconazole, verapamil, haloperidol hay erythromycin) enzyme của cytochrom P450 cần được theo dõi chặt chẽ khi điều trị cùng với carvedilol. Một số trường hợp tương tác đã ghi nhận trên bệnh nhân hay người khỏe mạnh.
Trong một nghiên cứu được thực hiện, rifampicin làm giảm nồng độ trong huyết tương của carvedilol khoảng 70%. Cimetidin bị tăng AUC khoảng 30% nhưng không ảnh hưởng tới Cmax. Cần thận trọng trên những bệnh nhân đang sử dụng các thuốc cảm ứng enzym cytochrom P450 chẳng hạn như rifampicin, do nồng độ carvedilol huyết thanh có thể giảm xuống, hay các chất ức chế enzym cytochrom P450 như cimetidin, do nồng độ trong huyết thanh của carvedilol có thể tăng lên. Nhưng, dựa trên tác động khá nhỏ của cimetidin với nồng độ carvedilol, tương tác này ít có ý nghĩa trên lâm sàng.
Ergotamin
Dùng đồng thời làm tăng co mạch.
Thuốc chẹn thần kinh - cơ
Dùng đồng thời làm tăng block thần kinh - cơ
Tương kỵ: Không ghi nhận.

Lưu ý khi sử dụng

Suy tim sung huyết mạn tính:
Carvedilol chủ yếu được sử dụng trong điều trị hỗ trợ với liệu pháp sử dụng lợi tiểu, thuốc ức chế ACE, digitalis và/ hay thuốc giãn mạch. Chỉ nên bắt đầu điều trị khi bệnh nhân ổn định với những liệu pháp điều trị cơ bản trong ít nhất 4 tuần. Cần điều trị cho bệnh nhân bị mất bù. Bệnh nhân bị suy tim nặng, mất muối nước, người cao tuổi hay bệnh nhân có huyết áp ban đầu thấp cần được theo dõi trong khoảng 2 giờ sau khi bắt đầu uống liều đầu tiên hay sau khi tăng liều do có thể gặp phải hạ huyết áp.
Đối với bệnh nhân suy tim sung huyết mạn tính, tình trạng suy tim nặng thêm hay ứ dịch có thể gặp phải khi bắt đầu điều trị hay khi chỉnh liều carvedilol. Đối với trường hợp này, cần tăng liều thuốc lợi tiểu, không nên tăng liều carvedilol cho tới khi tình trạng lâm sàng của bệnh nhân đã ổn định. Tuy nhiên, đôi khi có thể cần giảm liều hay, trong 1 số trường hợp hiếm gặp phải tạm ngưng điều trị với carvedilol. Thận trọng khi sử dụng phối hợp carvedilol với digitalis do cả hai thuốc này đều có thể gây kéo dài thời gian dẫn truyền nhĩ - thất.
Chức năng thận của bệnh nhân suy tim sung huyết mạn tính:
Tình trạng suy giảm chức năng thận có hồi phục đã được ghi nhận khi điều trị với carvedilol trên bệnh nhân suy tim mạn tính kèm theo huyết áp thấp (có huyết áp tâm thu < 100 mmHg), mắc bệnh tim thiếu máu cục bộ và xơ vữa động mạch và/ hay có nguy cơ bị suy giảm chức năng thận. Bệnh nhân suy tim kèm theo các yếu tố nguy cơ này cần được theo dõi chức năng thận trong quá trình chỉnh liều carvedilol. Khi chức năng thận giảm đáng kể, có thể cần giảm liều hay ngưng điều trị với carvedilol.
Rối loạn chức năng thất trái sau cơn nhồi máu cơ tim cấp:
Trước khi bắt đầu điều trị với carvedilol, bệnh nhân cần có tình trạng lâm sàng ổn định và nên được dùng thuốc ức chế ACE trước đó ít nhất 48 giờ, liều thuốc ức chế ACE nên được cố định ít nhất trong vòng 24 giờ.
Block nhĩ - thất độ I:
Do khả năng ức chế dẫn truyền thần kinh, thận trọng khi sử dụng carvedilol ở bệnh nhân block tim độ I.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính:
Thận trọng khi sử dụng carvedilol ở bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có khuynh hướng co thắt phế quản, không được điều trị với thuốc uống hay dạng hít, chỉ được chỉ định sử dụng carvedilol khi lợi ích vượt trội so với nguy cơ có thể gặp phải. Theo dõi bệnh nhân chặt chẽ trong giai đoạn đầu và sau khi hiệu liều carvedilol, giảm liều carvedilol khi có tình trạng co thắt phế quản xảy ra.
Đái tháo đường:
Thận trọng khi sử dụng carvedilol ở bệnh nhân đái tháo đường do có thể che lấp hay làm giảm các dấu hiệu, triệu chứng sớm của tình trạng hạ glucose huyết cấp. Tình trạng giảm khả năng kiểm soát glucose huyết do carvedilol có thể gặp phải ở bệnh nhân suy tim mạn kèm theo đái tháo đường. Vì vậy, cần theo dõi chặt chẽ bệnh nhân đái tháo đường đang sử dụng carvedilol bằng việc đo glucose huyết thường xuyên, nhất là khi chỉnh liều, và hiệu chỉnh liều các thuốc điều trị đái tháo đường khi cần thiết.
Bệnh lý mạch máu ngoại vi:
Thận trọng khi sử dụng carvedilol ở bệnh nhân mắc bệnh lý mạch máu ngoại vi do các thuốc chẹn beta sẽ làm nặng thêm các triệu chứng của thiểu năng động mạch.
Hội chứng Raynaud:
Thận trọng khi sử dụng carvedilol ở bệnh nhân bị rối loạn tuần hoàn ngoại vi (như Hội chứng Raynaud), do thuốc có thể gây bùng phát hay làm nặng thêm các triệu chứng của bệnh lý này.
Nhiễm độc giáp:
Carvedilol có thể làm che lấp các dấu hiệu, triệu chứng của nhiễm độc giáp.
Gây mê và phẫu thuật:
Thận trọng trên bệnh nhân đang phẫu thuật, do tác động hiệp đồng ức chế co bóp cơ tim của các thuốc gây mê và carvedilol.
Chậm nhịp tim:
Carvedilol có thể gây ra chậm nhịp tim. Khi có tình trạng giảm nhịp tim xuống dưới 55 nhịp/ phút, và xuất hiện các triệu chứng liên quan đến chậm nhịp tim, cần giảm liều carvedilol.
Quá mẫn:
Thận trọng khi sử dụng carvedilol ở bệnh nhân có tiền sử quá mẫn nghiêm trọng và trên bệnh nhân đang điều trị giải mẫn cảm do các thuốc chẹn beta có thể làm tăng độ nhạy cảm với tác nhân gây dị ứng, làm tăng mức độ nghiêm trọng của phản ứng phản vệ.
Phản ứng trên da nặng:
Rất hiếm gặp các phản ứng trên da nặng, chẳng hạn như hoại tử thượng bì nhiễm độc (TEN), hội chứng Stevens-Johnson (SJS), nhưng đã được ghi nhận khi điều trị với carvedilol.
Vẩy nến:
Thận trọng khi sử dụng carvedilol ở bệnh nhân vẩy nến do các phản ứng trên da có thể bị trầm trọng hơn. Bệnh nhân có tiền sử mắc vảy nến liên quan các thuốc chẹn beta chỉ nên sử dụng carvedilol khi đã cân nhắc kỹ về lợi ích điều trị so với nguy cơ.
Sử dụng đồng thời với các thuốc chống loạn nhịp khác:
Cần theo dõi điện tâm đồ, huyết áp cẩn thận trên bệnh nhân sử dụng carvedilol đồng thời với thuốc chẹn kênh calci chẳng hạn như verapamil và diltiazem hay các thuốc chống loạn nhịp khác, nhất là amiodaron. Dùng tiêm tĩnh mạch verapamil trên bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc chẹn beta có thể gây ra tụt huyết áp nặng, block nhĩ - thất.
U tủy thượng thận:
Trên bệnh nhân u tủy thượng thận, nên bắt đầu điều trị với thuốc chẹn alpha trước khi sử dụng bất kỳ thuốc chẹn beta nào. Dù carvedilol có cả tác động chẹn alpha và chẹn beta, nhưng vẫn chưa có kinh nghiệm đầy đủ về việc sử dụng thuốc trên bệnh nhân này, vì vậy, cần thận trọng khi sử dụng carvedilol ở bệnh nhân nghi ngờ mắc u tủy thượng thận.
Đau thắt ngực Prinzmetal:
Thuốc chẹn beta không chọn lọc có thể gây ra đau ngực trên bệnh nhân đau thắt ngực Prinzmetal. Hiện vẫn chưa có kinh nghiệm lâm sàng về sử dụng carvedilol trên những bệnh nhân này, mặc dù tác động chẹn alpha của carvedilol có thể giúp ngăn ngừa những triệu chứng như vậy. Nhưng, cần thận trọng khi sử dụng carvedilol ở bệnh nhân nghi ngờ bị đau thắt ngực Prinzmetal.
Nhiễm toan chuyển hóa:
Thận trọng khi sử dụng carvedilol cho bệnh nhân bị nhiễm toan chuyển hóa.
Sử dụng kính áp tròng:
Dặn dò những bệnh nhân đang đeo kính áp tròng về nguy cơ bị giảm tiết nước mắt.
Hội chứng cai thuốc:
Tương tự các thuốc chẹn beta khác, không được ngưng sử dụng carvedilol 1 cách đột ngột, nhất là bệnh nhân mắc bệnh tim thiếu máu cục bộ. Cần ngưng từ từ carvedilol trong vòng 2 tuần (có thể bằng cách giảm liều dùng hàng ngày xuống còn ½ sau mỗi 3 ngày). Khi cần, nên bắt đầu với liệu pháp thay thể đồng thời nhằm ngăn ngừa đợt cấp cơn đau thắt ngực.
Bệnh nhân chuyển hóa debrisoquin kém:
Cần theo dõi chặt chẽ khi bắt đầu điều trị bệnh nhân chuyển hóa debrisoquin kém.
Cảnh báo và thận trọng khác:
Kinh nghiệm lâm sàng vẫn còn hạn chế, không nên sử dụng carvedilol ở bệnh nhân tăng huyết áp không ổn định hay thứ phát, hạ huyết áp tư thế, mắc bệnh viêm tim cấp tính, van hay dòng chảy ở tim tắc nghẽn ảnh hưởng tới huyết động, mắc bệnh động mạch ngoại vi giai đoạn cuối, điều trị đồng thời với thuốc đối kháng alpha 1 hay chủ vận alpha 2.

Phụ nữ mang thai và cho con bú:
Phụ nữ mang thai:
Hiện vẫn chưa có thông tin đầy đủ về việc sử dụng carvedilol trên phụ nữ mang thai. Nghiên cứu ở động vật cho thấy có độc tính sinh sản. Nguy cơ trên người vẫn chưa rõ.
Thuốc chẹn beta có thể làm giảm tưới máu nhau thai, từ đó có thể dẫn đến thai chết lưu hay phát triển không đầy đủ và sinh non. Bên cạnh đó, các tác dụng phụ không mong muốn (nhất là hạ glucose huyết, chậm nhịp tim, hạ huyết áp, suy hô hấp, hạ thân nhiệt) có thể gặp phải ở thai nhi và trẻ sơ sinh. Có sự gia tăng nguy cơ mắc biến chứng trên tim, phổi ở trẻ sơ sinh trong thời kỳ hậu sản. Không nên sử dụng carvedilol trong thời kỳ mang thai trừ khi thật sự cần thiết (khi lợi ích điều trị ở mẹ vượt trội so với nguy cơ xảy ra cho thai nhi hay trẻ sơ sinh). Sử dụng thuốc điều trị nên ngưng 2 - 3 ngày trước ngày sinh dự kiến. Nếu không thể, cần theo dõi trẻ sơ sinh trong vòng 2 - 3 ngày đầu sau sinh.
Phụ nữ đang cho con bú:
Carvedilol là một chất dạng thân dầu và dựa trên những kết quả từ nghiên cứu trên động vật đang cho con bú, thuốc và các chất chuyển hóa của nó sẽ được bài tiết vào sữa. Vì vậy, không được trẻ bú khi đang sử dụng thuốc.

Ảnh hưởng tới khả năng lái xe và vận hành máy móc
Sản phẩm này có ảnh hưởng nhỏ tới khả năng lái xe và vận hành máy móc. Những phản ứng là khác nhau giữa các bệnh nhân (chẳng hạn như chóng mặt, mệt mỏi) vì vậy khả năng lái xe và vận hành máy móc, hay làm việc cần tập trung cao độ có thể bị ảnh hưởng. Những tác dụng phụ này thường gặp khi bắt đầu điều trị hay sau khi tăng liều, khi thay đổi chế phẩm và khi sử dụng đồng thời với alcohol.

Thông tin sản phẩm

SĐK: VN-23091-22

NSX: Berlin Pharmaceutical Industry Co., Ltd. - THÁI LAN

NĐK: Paradigm Pharma (Thailand) Co., Ltd

Sản phẩm thuộc nhóm “Thuốc tim mạch”.

Thuốc được bào chế ở dạng viên nén, đóng gói trong hộp 10 vỉ x 10 viên.

 

Có thể bạn quan tâm?
CLARIVIDI 500

CLARIVIDI 500

CLARIVIDI 500 gồm 500mg Clarithromycin
administrator
PHARZOSIN 4

PHARZOSIN 4

administrator
OXYTOCINE

OXYTOCINE

administrator
MARIPRAX

MARIPRAX

administrator
CEFURO-B 500

CEFURO-B 500

CEFURO-B 500 có thành phần là 500mg Cefuroxim
administrator
MITIFIVE

MITIFIVE

administrator
BEATAMID

BEATAMID

administrator
KYDHEAMO-2A

KYDHEAMO-2A

administrator