daydreaming distracted girl in class

CROHN

 

Tổng quan

Bệnh Crohn là một bệnh lý viêm ruột (IBD). Nó gây viêm đường tiêu hóa và có thể dẫn đến đau bụng, tiêu chảy nặng, mệt mỏi, sụt cân và suy dinh dưỡng.

Viêm do bệnh Crohn có thể xuất hiện ở các khu vực khác nhau của đường tiêu hóa ở những đối tượng khác nhau. Tình trạng viêm này thường lan vào các lớp sâu hơn của ruột.

Bệnh Crohn gây ra triệu chứng đau đớn, gây suy nhược cơ thể và đôi khi có thể dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng.

Mặc dù hiện nay vẫn chưa có phương pháp chữa trị nào cho bệnh Crohn, có một số phương pháp giúp giảm đáng kể các triệu chứng, chữa lành các tổn thương viêm. Với việc điều trị, các bệnh nhân mắc Crohn có thể cải thiện nhanh chức năng của cơ thể.

Triệu chứng

Bệnh lý Crohn có thể ảnh hưởng tới bất kỳ phần nào của ruột non hay ruột già. Nó có thể lan rộng ra nhiều vị trí khác nhau. Ở một số người thì bệnh chỉ giới hạn ở ruột kết, là một phần của ruột già.

Các triệu chứng của bệnh Crohn có thể diễn tiến từ nhẹ đến nặng. Chúng thường tiến triển nặng dần, nhưng đôi khi là đột ngột và không báo trước. Cũng sẽ có những khoảng thời gian mà bạn sẽ giảm bớt những triệu chứng (bệnh thuyên giảm).

Khi mắc bệnh Crohn, một số triệu chứng mà bạn có thể gặp bao gồm:

  • Gây tiêu chảy

  • Sốt

  • Mệt mỏi

  • Đau bụng và bị chuột rút

  • Xuất hiện máu trong phân

  • Bị lở miệng

  • Giảm cảm giác thèm ăn, sụt cân

  • Cảm giác đau, tiết dịch ở gần hay xung quanh hậu môn do tình trạng viêm

Các dấu hiệu khác

Những người mắc bệnh Crohn nặng cũng có thể gặp các triệu chứng sau:

  • Tình trạng viêm ở da, mắt, khớp

  • Viêm gan hay đường mật

  • Sỏi thận

  • Thiếu sắt (thiếu máu)

  • Chậm phát triển, dậy thì muộn ở trẻ em

Khi nào nên gặp bác sĩ?

Khám bác sĩ ngay khi bạn phát hiện những thay đổi trong thói quen đi tiêu một thời gian dài hoặc các triệu chứng của bệnh Crohn như:

  • Đau bụng

  • Có máu trong phân

  • Buồn nôn, nôn mửa

  • Bị tiêu chảy liên tục không đáp ứng với thuốc không kê đơn (OTC)

  • Sốt không rõ nguyên nhân, kéo dài hơn 1 hay 2 ngày

  • Sụt cân bất thường

Bệnh Crohn gây ra nhiều triệu chứng khó chịu

Nguyên nhân

Nguyên nhân chính xác gây ra bệnh Crohn vẫn chưa được biết rõ. Trước đây, chế độ ăn uống và căng thẳng tâm lý được xem là có thể, tuy nhiên gần đây thì các chuyên gia cho rằng những yếu tố này làm trầm trọng hơn bệnh Crohn chứ không phải là nguyên nhân. Một số yếu tố như di truyền hay rối loạn hệ thống miễn dịch có thể đóng vai trò trong việc gây ra bệnh Crohn.

Biến chứng

Bệnh Crohn có thể gây ra một hoặc nhiều biến chứng như sau:

  • Tắc ruột. Bệnh Crohn có thể gây ảnh hưởng tới độ dày của thành ruột. Theo thời gian, các tế bào ở đây có thể bị tổn thương và làm hẹp ruột, làm tắc nghẽn đường đi của các chất tiêu hóa. Phẫu thuật là cần thiết để loại bỏ phần ruột bị ảnh hưởng.

  • Loét. Tình trạng viêm mãn tính có thể gây ra các vết loét ở bất kỳ đâu trong đường tiêu hóa của bạn, bao gồm của miệng, hậu môn và vùng sinh dục (đáy chậu)

  • Lỗ rò. Khi các vết loét lan rộng qua thành ruột, nó có thể làm xuất hiện lỗ rò. Trong một số trường hợp lỗ rò có thể bị nhiễm trùng, áp xe gây nguy hiểm tới tính mạng.

  • Nứt hậu môn.

  • Suy dinh dưỡng. Tiêu chảy, đau bụng ảnh hưởng tới việc ăn uống của bạn. Khi đó cơ thể không hấp thu đủ các chất dinh dưỡng và gây ra suy dinh dưỡng.

  • Ung thư ruột kết. Mắc bệnh Crohn được xem là làm tăng nguy cơ mắc ung thư ruột kết.

Chẩn đoán

Bệnh lý Crohn chỉ được chẩn đoán sau khi bác sĩ đã loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây ra các triệu chứng như trên. Không có xét nghiệm đơn lẻ nào có thể chẩn đoán bệnh Crohn. Bác sĩ có thể sử dụng kết hợp một số xét nghiệm sau:

  • Xét nghiệm máu. Xét nghiệm máu để kiểm tra tình trạng thiếu máu hay các dấu hiệu nhiễm trùng

  • Xét nghiệm phân. Cung cấp mẫu phân cho bác sĩ để kiểm tra máu, các ký sinh trùng có thể có.

Các thủ thuật khác

  • Nội soi đại tràng

  • Chụp CT

  • Chụp MRI

  • Nội soi viên nang

  • Nội soi ruột hỗ trợ bằng bóng

Cấu tạo cơ thể

Điều trị

Hiện tại vẫn chưa có phương pháp điều trị tận gốc bệnh Crohn, và không có phương pháp điều trị nào phù hợp với tất cả mọi người. Mục tiêu của điều trị là giảm viêm và giảm các triệu chứng của bệnh. Mục tiêu khác bao gồm cải thiện tiên lượng bệnh bằng cách ngăn ngừa các biến chứng.

Thuốc kháng viêm

Thuốc kháng viêm được sử dụng đầu tiên trong bệnh lý Crohn. Chúng bao gồm:

  • Thuốc corticoid. Corticosteroid chẳng hạn như prednisone hay budesonide có thể giảm tình trạng viêm của bạn, tuy nhiên nó không hiệu quả với tất cả bệnh nhân. Các bác sĩ thường chỉ định khi bạn không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.

Corticoid thường dùng để cải thiện triệu chứng ngắn hạn, trong 3 – 4 tháng và giúp thuyên giảm bệnh. Bên cạnh đó, corticosteroid cũng thường được sử dụng chung với thuốc ức chế miễn dịch.

  • Uống 5-aminosalicylate. Nhóm thuốc này bao gồm sulfasalazine (Azulfidine), chứa sulfa và mesalamine (Asacol HD, Delzicol). Thuốc này được sử dụng phổ biến trong quá khứ nhưng hiện nay chúng mang lại những lợi ích rất hạn chế.

Thuốc ức chế miễn dịch

Những thuốc này cũng có công dụng giảm viêm, nhưng lại tác động vào hệ thống miễn dịch của bạn và giảm sản xuất các chất gây viêm. Kết hợp các thuốc này giúp tăng hiệu quả điều trị. Các thuốc ức chế miễn dịch bao gồm:

  • Azathioprine (Azasan, Imuran) và mercaptopurine (Purinethol, Purixan)

  • Methotrexate (Trexall)

Liệu pháp sinh học

Liệu pháp này nhắm vào các protein do hệ thống miễn dịch tạo ra. Một số chế phẩm sinh học được sử dụng như:

  • Natalizumab (Tysabri) và vedolizumab (Entyvio)

  • Vedolizumab

  • Infliximab (Remicade), adalumumab (Humira) và certolizumab pegol (Cimzia)

  • Ustekinumab (Stelara)

Thuốc kháng sinh

Thuốc kháng sinh giúp điều trị tình trạng tiết dịch qua lỗ rò và áp xe, đôi khi chúng hiệu quả đối với bệnh Crohn. Thuốc kháng sinh thường được kê đơn bao gồm ciprofloxacin (Cipro) và metronidazole (Flagyl)

Các thuốc khác

Bên cạnh điều trị viêm, một số thuốc được sử dụng để giảm các triệu chứng bệnh. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, các thuốc được sử dụng bao gồm:

  • Thuốc trị tiêu chảy. Các thực phẩm bổ sung chất xơ, như bột psyllium (Metamucil) hoặc methylcellulose (Citrucel). Đối với tình trạng tiêu chảy nặng, bạn có thể sử dụng loperamid (Imodium A-D).

  • Thuốc giảm đau. Acetaminophen (Tylenol) có thể được sử dụng để giảm đau. Tuy nhiên bạn không nên sử dụng ibuprofen, naproxen sodium do có thể làm trầm trọng hơn tình trạng của bạn.

  • Vitamin và các thực phẩm bổ sung dinh dưỡng.

Liệu pháp dinh dưỡng

Bác sĩ có thể chỉ định chế độ ăn qua ống thông hoặc truyền tĩnh mạch trong điều trị bệnh Crohn. Phương pháp này giúp bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể bạn, giúp ruột được nghỉ ngơi và giảm viêm sau một thời gian ngắn.

Phẫu thuật

Nếu chế độ ăn và thay đổi lối sống không thể điều trị bệnh Crohn, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên, nó không chữa khỏi bệnh Crohn của bạn. Bác sĩ sẽ loại bỏ các tế bào bị hư hỏng và nối lại các phần khỏe mạnh. Phẫu thuật cũng có thể điều trị lỗ rò và dẫn lưu áp xe. Bệnh Crohn thường tái phát và bạn cần theo dõi các triệu chứng, sử dụng thuốc để ngăn ngừa tình trạng này.

 

 

 
Có thể bạn quan tâm?
BARRETT THỰC QUẢN

BARRETT THỰC QUẢN

administrator
THƯƠNG HÀN

THƯƠNG HÀN

administrator
BỆNH TIM BẨM SINH

BỆNH TIM BẨM SINH

administrator
TĂNG THÔNG KHÍ

TĂNG THÔNG KHÍ

administrator
VIÊM GAN A

VIÊM GAN A

administrator
VIÊM NANG LÔNG

VIÊM NANG LÔNG

administrator
ÁP XE VÚ

ÁP XE VÚ

administrator
SUY GIÁP BẨM SINH

SUY GIÁP BẨM SINH

administrator