HUYẾT KHỐI TĨNH MẠCH SÂU

daydreaming distracted girl in class

HUYẾT KHỐI TĨNH MẠCH SÂU

 

Tổng quan

Huyết khối tĩnh mạch sâu là tình trạng một cục máu đông (huyết khối) hình thành ở một hay nhiều tĩnh mạch trong cơ thể, thường là ở chân. Huyết khối tĩnh mạch sâu có thể gây đau hoặc sưng chân nhưng cũng có thể không gây triệu chứng gì.

Bạn có thể mắc huyết khối tĩnh mạch sâu do các bệnh lý ảnh hưởng tới cục máu đông. Nó cũng có thể hình thành khi bạn không di chuyển trong một thời gian dài, chẳng hạn như sau phẫu thuật hay bị tai nạn, khi bạn di chuyển một quãng đường dài hay nghỉ ngơi trên giường.

Huyết khối tĩnh mạch sâu có thể rất nguy hiểm do các cục máu đông trong tĩnh mạch có thể di chuyển qua mạch máu và mắc kẹt trong phổi, làm tắc nghẽn dòng máu (thuyên tắc phổi). Tuy nhiên, thuyên tắc phổi cũng có thể xảy ra mà không có bằng chứng của huyết khối tĩnh mạch sâu.

Triệu chứng

Các triệu chứng của huyết khối tĩnh mạch sâu bao gồm:

  • Sưng ở chân bị tác động. Hiếm khi bị sưng ở cả 2 chân.

  • Đau chân. Cơn đau xuất hiện ở bắp chân và có thể tạo cảm giác đau nhức, chuột rút.

  • Da đỏ, đổi màu da ở chân

  • Cảm giác ấm nóng ở chân bị tác động

Huyết khối tĩnh mạch sâu có thể xảy ra mà không có triệu chứng nào.

Nguyên nhân

Bất cứ tình trạng nào ngăn máu lưu thông hay tác động lên khả năng đông máu đều có thể gây ra cục máu đông.

Nguyên nhân chính của huyết khối tĩnh mạch sâu là do phẫu thuật, chấn thương hay viêm do nhiễm trùng.

Biến chứng

Các biến chứng của huyết khối tĩnh mạch sâu bao gồm:

  • Thuyên tắc phổi. Đây là một biến chứng có thể đe dọa tính mạng liên quan tới huyết khối tĩnh mạch sâu. Nó xảy ra khi mạch máu trong phổi của bạn bị tắc nghẽn bởi cục máu đông di chuyển tới từ bộ phận khác, thường là chân.

Cần được điều trị cấp cứu ngay khi bạn phát hiện các triệu chứng của thuyên tắc phổi. Khó thở đột ngột, đau ngực khi thở hay ho, thở nhanh, mạch nhanh, ngất xỉu hay ho ra máu có thể liên quan tới thuyên tắc phổi.

  • Hội chứng hậu viêm tĩnh mạch. Tổn thương tĩnh mạch do cục máu đông làm giảm lưu lượng máu ở các khu vực bị tác động, gây đau và sưng chân, đổi màu da và lở loét da.

  • Biến chứng do điều trị. Sử dụng thuốc điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu có thể gây ra một số biến chứng. Chảy máu (xuất huyết) là tác dụng đáng lo ngại nhất. Bạn cần được xét nghiệm máu thường xuyên khi sử dụng các loại thuốc này.

Huyết khối tĩnh mạch sâu có thể gây thuyên tắc phổi

Chẩn đoán

Để chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch sâu, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng của bạn. Khám sức khỏe, kiểm tra vùng da bị sưng, đau hay đổi màu.

Các xét nghiệm được chỉ định tùy thuộc vào nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch sâu của bạn cao hay thấp. Một số xét nghiệm để chẩn đoán và loại trừ bao gồm:

  • Xét nghiệm máu D-dimer. D-dimer là protein được tạo ra bởi cục máu đông. Hầu như tất cả bệnh nhân mắc huyết khối tĩnh mạch sâu đều tăng nồng độ D-dimer trong máu. Kết quả nồng độ D-dimer bình thường có thể loại trừ thuyên tắc phổi do huyết khối tĩnh mạch sâu.

  • Siêu âm Duplex. Đây là xét nghiệm không xâm lấn sử dụng sóng âm thanh để quan sát dòng máu lưu thông qua tĩnh mạch của bạn. Đây là xét nghiệm tiêu chuẩn để chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch sâu.

  • Chụp tĩnh mạch Venography. Bạn được tiêm thuốc nhuộm vào tĩnh mạch ở bàn chân hay mắt cá chân. Sau đó, chụp X-quang để quan sát tĩnh mạch và tìm ra cục máu đông. Đây là xét nghiệm xâm lấn và hiếm khi được thực hiện.

  • Chụp cộng hưởng từ MRI. Xét nghiệm này được thực hiện để chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch sâu ở các tĩnh mạch bụng.

Điều trị

Điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu gồm 3 mục tiêu chính:

  • Ngăn cục máu đông lớn hơn

  • Ngăn ngừa cục máu đông di chuyển tới phổi

  • Giảm nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch sâu khác

Các lựa chọn điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu bao gồm:

  • Thuốc chống đông máu. Huyết khối tĩnh mạch sâu thường được điều trị bằng thuốc này. Những thuốc này không phá hủy các cục máu đông hiện có, nhưng nó ngăn cục máu đông lớn hơn và giảm nguy cơ hình thành các cục máu đông khác.

Thuốc chống đông máu có thể được uống hoặc tiêm tĩnh mạch, tiêm dưới da. Heparin thường được truyền qua đường tĩnh mạch. Thuốc dạng tiêm được sử dụng phổ biến nhất là enoxaparin và fondaparinux. Sau vài ngày, bạn có thể được sử dụng thuốc viên, chẳng hạn như warfarin, dabigatran.

Một số thuốc chống đông máu có thể được sử dụng ngay khi được chẩn đoán là rivaroxaban, apixaban, edoxaban.

Bạn có thể cần sử dụng thuốc chống đông máu trong 3 tháng sau đó hoặc lâu hơn. Bạn cần sử dụng chúng đúng theo chỉ định để ngăn ngừa tác dụng phụ.

Nếu sử dụng warfarin, bạn cần thường xuyên làm xét nghiệm máu để kiểm tra. Phụ nữ mang thai không nên sử dụng một số thuốc chống đông máu.

  • Thuốc tan huyết khối. Thuốc này được kê đơn khi bạn mắc huyết khối tĩnh mạch sâu nghiêm trọng hay thuyên tắc phổi khi các thuốc khác không hiệu quả.

Những thuốc này được tiêm tĩnh mạch hay truyền qua ống thông trực tiếp vào vị trí cục máu đông. Thuốc tan huyết khối có thể gây chảy máu nghiêm trọng, do đó nó chỉ được sử dụng ở những trường hợp nặng.

  • Lọc máu. Nếu bạn không thể sử dụng thuốc để điều trị, bạn có thể được đặt bộ lọc ở tĩnh mạch chủ trong bụng. Nó giúp ngăn ngừa cục máu đông di chuyển lên phổi của bạn.

  • Đeo vớ nén đặc biệt. Những đôi vớ đặc biệt này đeo ở đầu gối và giảm nguy cơ máu đông lại, vón cục. Đeo chúng đến ngang đầu gối để ngăn ngừa sưng do huyết khối tĩnh mạch sâu. Đeo vớ hàng ngày trong vòng ít nhất 2 năm.

Compression stockings

Đeo vớ chuyên dụng cho tình trạng huyết khối tĩnh mạch sâu

 

 

 
Có thể bạn quan tâm?
NGÁY

NGÁY

administrator
XOẮN BUỒNG TRỨNG

XOẮN BUỒNG TRỨNG

administrator
DẬY THÌ SỚM

DẬY THÌ SỚM

administrator
PHONG

PHONG

administrator
U MẠCH MÁU GAN

U MẠCH MÁU GAN

administrator
LAO SINH DỤC

LAO SINH DỤC

administrator
RÒ MAO MẠCH

RÒ MAO MẠCH

administrator
SUY TIM TRÁI

SUY TIM TRÁI

administrator