daydreaming distracted girl in class

BẠCH BIẾN

Tổng quan

Bạch biến là loại bệnh làm giảm sắc tố da từng mảng và có xu hướng loang rộng theo thời gian. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến tóc và niêm mạc miệng.

Thông thường, màu sắc của tóc và da được quyết định bởi sắc tố melanin. Bệnh bạch biến xảy ra khi các tế bào sản xuất melanin biến mất hoặc ngừng hoạt động. Bệnh bạch biến có thể gặp ở mọi loại da, nhưng thường gặp ở người có làn da sẫm màu hơn. Tình trạng này không nguy hiểm đến tính mạng hay lây nhiễm, nhưng có thể khiến người bệnh căng thẳng, tự ti và mặc cảm về bản thân.

Điều trị bạch biến có thể khôi phục lại màu sắc cho vùng da bị ảnh hưởng, nhưng không ngăn được hoàn toàn diễn tiến của bệnh. Do đó, người bệnh vẫn có khả năng xuất hiện các triệu chứng của bệnh.

Các mảng bạch biến trên đầu bàn tay

Bệnh bạch biến

 

Triệu chứng

Các dấu hiệu của bệnh bạch biến gồm:

  • Các dát, mảng giảm sắc tố loang lỗ trên da. Thường khởi phát ở bàn tay, mặt hoặc các vùng da hở, tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và bộ phận sinh dục

  • Bạc sớm tóc, lông mi, lông mày hoặc râu.

  • Mất màu ở niêm mạch miệng và mũi.

Bệnh bạch biến có thể khởi phát ở mọi lứa tuổi, nhưng thường xuất hiện trước 30 tuổi.

Mức độ ảnh hưởng của bệnh phụ thuộc vào thể bệnh:

  • Gần như toàn bộ cơ thể: được gọi là bạch biến toàn thể, làm giảm sắc tố da trên toàn bộ hoặc gần như toàn bộ cơ thể.

  • Nhiều bộ phận trên cơ thể: là loại phổ biến nhất, được gọi là bạch biến lan tỏa với các mảng giảm sắc tố xuất hiện trên nhiều vùng cơ thể và có tính đối xứng.

  • Chỉ một bên hoặc một vùng trên cơ thể: được gọi là bạch biến thể đoạn, có xu hướng xảy ra ở người trẻ và chỉ tiến triển trong một hoặc hai năm sau đó dừng lại.

  • Một hoặc một vài vùng trên cơ thể hay còn gọi là bạch biến từng điểm.

  • Mặt và tay: được gọi là bạch biến thể cực, làm giảm sắc tố ở mặt, bàn tay và các hốc tự nhiên trên mặt như mắt, mũi và tai.

Rất khó để dự đoán diễn tiến của bệnh. Đôi khi các mảng giảm sắc tố có thể ngừng hình thành mà không cần điều trị. Trong hầu hết các trường hợp, vùng da giảm sắc tố sẽ lan rộng ra gần như toàn bộ cơ thể người bệnh. Một số trường hợp màu sắc da có thể trở lại bình thường.

 

Nguyên nhân

Bệnh bạch biến xảy ra khi các tế bào sản xuất sắc tố (tế bào hắc tố) biến mất hoặc ngừng sản xuất melanin, sắc tố tạo nên màu da, tóc và mắt. Các vùng da bị ảnh hưởng sẽ trở nên sáng màu hoặc trắng hơn. Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác khiến các tế bào hắc tố mất chức năng hoặc biến mất. Tuy nhiên, tình trạng này có thể liên quan đến:

  • Rối loạn hệ thống miễn dịch (tự miễn).

  • Tiền căn gia đình (di truyền).

  • Yếu tố khởi phát: căng thẳng, cháy nắng nghiêm trọng hoặc tổn thương da do tiếp xúc với hóa chất.

Các lớp da và tế bào hắc tố.

 

Chẩn đoán

Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bản thân và thăm khám da bằng một loại đèn đặc biệt. Ngoài ra, người bệnh có thể cần thực hiện một số xét nghiệm bao gồm sinh thiết da và xét nghiệm máu.

 

Điều trị

Lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào độ tuổi, mức độ cũng như vị trí tổn thương, tốc độ diễn tiến và ảnh hưởng của bệnh đến cuộc sống người bệnh.

Thuốc và liệu pháp ánh sáng là phương pháp sẵn có giúp phục hồi màu da hoặc làm đều màu da. Tuy nhiên kết quả có thể khác nhau ở từng trường hợp và không thể đoán trước được. Bên cạnh đó, một số phương pháp điều trị có thể có tác dụng phụ nghiêm trọng. Vì vậy, bác sĩ có thể sẽ đề nghị người bệnh thử thay đổi diện mạo da bằng các sản phẩm làm đều màu da hoặc trang điểm trước.

Nếu người bệnh và bác sĩ quyết định điều trị bằng thuốc, phẫu thuật hoặc các liệu pháp khác thì quá trình này có thể mất nhiều tháng để thấy được hiệu quả. Người bệnh có thể phải thử nhiều phương pháp hoặc thậm chí kết hợp nhiều phương pháp trước khi tìm ra phương pháp phù hợp với mình.

Ngay cả khi đã điều trị thành công trong một khoảng thời gian, kết quả có thể không kéo dài mãi và xuất hiện các mảng giảm sắc tố mới. Bác sĩ có thể chỉ định thuốc bôi ngoài da nhằm duy trì hiệu quả và ngăn ngừa tái phát.

Thuốc 

Không có loại thuốc nào có thể ngăn chặn quá trình bạch biến - sự mất đi của các tế bào hắc tố. Nhưng một số loại thuốc, sử dụng đơn độc hoặc kết hợp với liệu pháp ánh sáng có thể giúp khôi phục màu da.

  • Thuốc kháng viêm: bôi kem chứa corticosteroid lên vùng da bị ảnh hưởng có thể hồi phục màu da. Cách này có hiệu quả nhất khi bệnh ở giai đoạn đầu. Đây là loại kem hiệu quả và dễ sử dụng, nhưng quá trình thay đổi này có thể mất vài tháng. Các tác dụng phụ có thể xảy ra gồm mỏng da hoặc xuất hiện các vết rạn da.

Các dạng thuốc nhẹ hơn có thể được kê đơn cho trẻ em và người có vùng da bị ảnh hưởng lớn.

Thuốc dạng tiêm hoặc dạng uống có thể là một lựa chọn tốt cho người có tình trạng bệnh diễn tiến nhanh chóng.

  • Thuốc tác động lên hệ thống miễn dịch: thuốc ức chế calcineurin như tacrolimus (Protopic) hoặc pimecrolimus (Elidel) có hiệu quả với trường hợp vùng da giảm sắc tố nhỏ, đặc biệt ở mặt và cổ. Tuy nhiên, cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cảnh báo về mối liên hệ có thể xảy ra giữa loại thuốc này với bệnh ung thư hạch và ung thư da.

Các liệu pháp khác

  • Liệu pháp ánh sáng: quang trị liệu với tia cực tím bước sóng B (UVB) dải hẹp đã được chứng minh là có thể ngăn chặn hoặc làm chậm diễn tiến của bệnh. Phương pháp này có thể hiệu quả hơn khi được kết hợp với corticosteroid hoặc thuốc ức chế calcineurin. Người bệnh cần tiến hành liệu pháp 2-3 lần một tuần kéo dài ​​một đến ba tháng hoặc lâu hơn, trên sáu tháng để thấy được hiệu quả điều trị.

Với cảnh báo của FDA về nguy cơ có thể ung thư da khi sử dụng thuốc ức chế calcineurin, hãy trao đổi với bác sĩ về những rủi ro và lợi ích của việc kết hợp loại thuốc này với quang trị liệu.

Trường hợp không thể đến các cơ sở y tế điều trị, người bệnh có thể sử dụng các thiết bị cầm tay cho liệu pháp quang trị liệu dải hẹp tại nhà. Phương pháp này có thể gây mẩn đỏ, ngứa và rát, nhưng thường hết sau vài giờ.

  • Kết hợp psoralen và quang trị liệu: phương pháp này kết hợp một chất có nguồn gốc thực vật gọi là psoralen với liệu pháp ánh sáng nhằm hồi phục màu sắc cho vùng da bị ảnh hưởng. Sau khi uống hoặc thoa psoralen lên vùng da bị ảnh hưởng, người bệnh sẽ tiếp nhận quang trị liệu với tia cực tím bước sóng A (UVA). Cách tiếp cận này dù hiệu quả, nhưng khó thực hiện và đã được thay thế bằng liệu pháp UVB dải hẹp.

  • Khử sắc tố: liệu pháp này có thể được lựa chọn khi tình trạng bạch biến lan rộng và các phương pháp khác không có hiệu quả. Người bệnh sẽ sử dụng chất khử màu lên vùng da lành nhằm làm sáng da một cách từ từ và làm đều màu da. Liệu trình có thể tiến hành một đến hai lần một ngày trong chín tháng hoặc lâu hơn.

Các tác dụng phụ có thể gặp gồm mẩn đỏ, sưng tấy, ngứa và khô da. Người bệnh cần lưu ý sự suy giảm sắc tố trong phương pháp này là vĩnh viễn.

Phẫu thuật

Nếu liệu pháp ánh sáng và thuốc không hiệu quả, người bệnh trong giai đoạn ổn định có thể được phẫu thuật. Các kỹ thuật sau đây nhằm làm đều màu da bằng cách phục hồi sắc tố da:

  • Ghép da: trong phương pháp này, bác sĩ sẽ đưa các tế bào từ vùng da lành, có sắc tố đến vùng da bị mất sắc tố. Kỹ thuật này được sử dụng khi người bệnh có các mảng bạch biến nhỏ.

Các rủi ro có thể xảy ra gồm nhiễm trùng, sẹo, tăng sắc tố hoặc vùng da bạch biến không thể hồi phục màu sắc.

  • Ghép da bóng nước: trong phương pháp này, bác sĩ sẽ tạo các bóng nước trên vùng da lành, sau đó cấy phần ngọn của bóng nước lên vùng da bị bạch biến.

Những rủi ro có thể xảy ra gồm sẹo, tăng sắc tố hoặc vùng da bạch biến không thể hồi phục màu sắc. Ngoài ra, tổn thương da do hút thuốc có thể gây ra mảng bạch biến khác.

  • Ghép tế bào qua nuôi cấy: trong phương pháp này, bác sĩ sẽ thu nhận mô của vùng da lành, đưa vào dung dịch nuôi cấy và cấy chúng lên vùng da bị bạch biến đã được chuẩn bị sẵn. Kết quả tái tạo sắc tố da có thể nhận thấy trong khoảng bốn tuần.

Những rủi ro có thể xảy ra gồm sẹo, nhiễm trùng và da không đều màu.

Phương pháp điều trị tiềm năng trong tương lai

Các phương pháp điều trị đang được nghiên cứu bao gồm:

  • Thuốc kích thích tế bào hắc tố: loại thuốc được gọi là afamelanotide sẽ được cấy dưới da để thúc đẩy sự phát triển của tế bào hắc tố.

  • Thuốc kiểm soát melanoctyes: prostaglandin E2 đang được thử nghiệm như một cách để phục hồi màu da ở người bị bạch biến các thể khu trú dưới dạng gel.

 

 
Có thể bạn quan tâm?
KIẾT LỴ

KIẾT LỴ

administrator
THIẾU MÁU DO THIẾU VITAMIN B12

THIẾU MÁU DO THIẾU VITAMIN B12

administrator
MÙ MẮT

MÙ MẮT

administrator
VIÊM XƯƠNG

VIÊM XƯƠNG

administrator
SA SINH DỤC

SA SINH DỤC

administrator
VIÊM ĐA RỄ DÂY THẦN KINH

VIÊM ĐA RỄ DÂY THẦN KINH

administrator
HUYẾT KHỐI (CỤC MÁU ĐÔNG)

HUYẾT KHỐI (CỤC MÁU ĐÔNG)

administrator
ẤU DÂM

ẤU DÂM

administrator