BẠCH CẦU CẤP DÒNG TỦY

daydreaming distracted girl in class

BẠCH CẦU CẤP DÒNG TỦY

Tổng quan

Bạch cầu cấp dòng tủy (AML) là bệnh ung thư máu và tủy xương, là mô xốp trong xương, nơi tạo ra các tế bào máu.

Từ "cấp" trong bạch cầu cấp dòng tủy phản ánh diễn tiến nhanh chóng của bệnh. Gọi là bạch cầu cấp dòng tủy vì bệnh ảnh hưởng đến một nhóm tế bào bạch cầu được gọi là tế bào dòng tủy, thường phát triển thành các loại tế bào máu trưởng thành khác nhau như tế bào hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu.

Bạch cầu cấp dòng tủy còn được gọi là bệnh bạch cầu nguyên bào tủy cấp tính, bệnh bạch cầu dòng bạch cầu hạt cấp tính hay bệnh bạch cầu nonlympho cấp tính.

 

Triệu chứng

Các dấu hiệu và triệu chứng trong giai đoạn đầu của bệnh có thể giống với cúm hoặc các bệnh thông thường khác, gồm:

  • Sốt.

  • Đau xương.

  • Mệt mỏi và li bì.

  • Khó thở.

  • Da nhợt nhạt.

  • Thường xuyên bị nhiễm trùng.

  • Dễ bị bầm tím.

  • Chảy máu bất thường như chảy máu cam và nướu răng thường xuyên.

Xuất huyết dưới da và các mảng bầm tím là triệu chứng thường gặp của bạch cầu cấp dòng tủy.

 

Nguyên nhân

Bạch cầu cấp dòng tủy xảy ra khi tế bào tủy xương xuất hiện những thay đổi (đột biến) trong vật liệu di truyền (DNA). DNA của tế bào chứa thông tin chỉ dẫn mọi hoạt động trong tế bào. Thông thường, DNA kiểm soát tế bào phát triển ở một tốc độ nhất định và chết vào một thời điểm nhất định. Trong bạch cầu cấp dòng tủy, các đột biến này làm tế bào tủy xương vượt khỏi sự kiểm soát để tiếp tục phân chia và phát triển. Từ đó, tạo ra các tế bào chưa trưởng thành và phát triển thành tế bào bạch cầu gây bệnh được gọi là nguyên bào tủy. Những tế bào này không hoạt động bình thường, chúng tích tụ và lấn át các tế bào khỏe mạnh khác.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra các đột biến DNA có thể dẫn đến bạch cầu cấp dòng tủy nhưng đã xác định được các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

 

Yếu tố nguy cơ 

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bạch cầu cấp dòng tủy (AML) bao gồm:

  • Lớn tuổi: nguy cơ mắc bạch cầu cấp dòng tủy tăng lên theo tuổi và thường gặp nhất ở người từ 65 tuổi trở lên.

  • Giới tính: nam giới có nhiều nguy cơ mắc bạch cầu cấp dòng tủy hơn nữ giới.

  • Tiền sử hóa, xạ trị: người đã trải qua hóa trị và xạ trị có nguy cơ mắc AML cao hơn.

  • Tiếp xúc với bức xạ: người tiếp xúc với độ phóng xạ cao, như sống sót sau một vụ tai nạn của lò phản ứng hạt nhân, có nguy cơ mắc AML.

  • Tiếp xúc với hóa chất nguy hiểm: một số hóa chất như benzen, có liên quan đến việc làm tăng nguy cơ mắc AML.

  • Hút thuốc lá: AML có liên quan đến khói thuốc lá vì có chứa benzen và các hóa chất gây ung thư khác.

  • Các rối loạn hệ máu khác: người từng có các rối loạn hệ máu khác, như loạn sản tủy, xơ tủy, đa hồng cầu hoặc tăng tiểu cầu, có nguy cơ mắc AML cao hơn.

  • Rối loạn di truyền: một số rối loạn di truyền như hội chứng Down có liên quan đến tăng nguy cơ mắc AML.

Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp có yếu tố nguy cơ đều mắc AML và không phải tất cả các trường hợp AML đều có yếu tố nguy cơ.

 

Chẩn đoán

Khi có các dấu hiệu hoặc triệu chứng của bạch cầu cấp dòng tủy, bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm chẩn đoán, bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: hầu hết người bị bạch cầu cấp dòng tủy có bạch cầu tăng cao, hồng cầu và tiểu cầu giảm thấp. Nhưng đôi khi số lượng bạch cầu cũng có thể xuống rất thấp. 

Các tế bào blast hay tế bào chưa trưởng thành thường được tìm thấy trong tủy xương nhưng không lưu thông trong máu cũng là một dấu hiệu khác của bệnh.

  • Xét nghiệm tủy xương: xét nghiệm máu có thể gợi ý bệnh nhưng vẫn cần thêm xét nghiệm tủy xương để xác định chẩn đoán.

Trong xét nghiệm này, bác sĩ sẽ dùng một cây kim để lấy mẫu tủy xương từ xương chậu hoặc xương ức của người bệnh và gửi đến phòng xét nghiệm nhằm tìm các tế bào bạch cầu bất thường.

  • Chọc dò tủy sống: trong một số trường hợp nhất định, người bệnh có thể cần thu thập dịch não tủy bằng kim nhỏ để tìm các tế bào bạch cầu ác tính. 

  • Xét nghiệm phân tử: các bác sĩ tại phòng thí nghiệm sẽ khảo sát các đột biến gen trong các tế bào bạch cầu ác tính giúp tiên lượng và lên kế hoạch điều trị.

Chọc hút và sinh thiết tủy giúp chẩn đoán xác định bạch cầu cấp dòng tủy.

 

Điều trị

Điều trị bạch cầu cấp dòng tủy phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm phân loại bệnh, tuổi, sức khỏe và mong muốn của người bệnh.

Nói chung, điều trị bạch cầu cấp dòng tủy được chia thành hai giai đoạn:

  • Giai đoạn tấn công: với mục đích tiêu diệt các tế bào bạch cầu trong máu và tủy xương người bệnh. Tuy nhiên, quá trình này thường không thể tiêu diệt tất cả tế bào bạch cầu ác tính. Do đó, người bệnh cần được điều trị thêm để ngăn bệnh quay trở lại.

  • Giai đoạn củng cố: hay còn gọi là giai đoạn điều trị sau thuyên giảm hoặc giai đoạn duy trì với mục đích tiêu diệt các tế bào bạch cầu ác tính còn sót lại. Là giai đoạn rất quan trọng để giảm nguy cơ tái phát.

Các liệu pháp được sử dụng trong các giai đoạn này bao gồm:

  • Hóa trị liệu: hóa trị là phương pháp chính được sử dụng trong giai đoạn tấn công bằng cách sử dụng hóa chất để tiêu diệt tế bào ác tính trong cơ thể người bệnh. Tuy nhiên, hóa trị vẫn có thể được dùng trong giai đoạn củng cố và duy trì. 

    Người mắc AML thường được chỉ định nhập viện trong thời gian hóa trị vì thuốc cũng phá hủy nhiều tế bào máu bình thường trong quá trình tiêu diệt các tế bào bạch cầu ác tính. 

    Nếu chu kỳ hóa trị đầu tiên không hiệu quả, người bệnh có thể được lặp lại thêm vài chu kỳ nữa.

  • Liệu pháp nhắm trúng đích: phương pháp điều trị bằng thuốc nhắm trúng đích tập trung tấn công vào các bất thường phân tử đặc hiệu, hiện diện trong tế bào ác tính và tiêu diệt chúng.

    Trước khi thực hiện, các tế bào bạch cầu ác tính cần được xét nghiệm để xác định khả năng thành công của liệu pháp nhắm trúng đích.

    Liệu pháp này có thể được sử dụng đơn độc hoặc kết hợp với hóa trị nhằm điều trị tấn công và củng cố.

  • Ghép tủy xương: hay còn gọi là ghép tế bào gốc, là phương pháp được sử dụng trong giai đoạn củng cố. 

    Ghép tủy xương giúp tái lập các tế bào gốc khỏe mạnh bằng cách thay thế tủy xương bệnh bằng các tế bào gốc khỏe mạnh, từ đó tái tạo tủy xương khỏe mạnh.

    Trước khi ghép tủy xương, người bệnh cần được hóa trị hoặc xạ trị liều rất cao để phá hủy phần tủy xương sản sinh tế bào bạch cầu ác tính. Sau đó, người bệnh sẽ được truyền tế bào gốc từ người hiến tặng tương thích (dị ghép).

    Tuy nhiên, người bệnh cũng có thể nhận tế bào gốc của chính mình (ghép tủy tự thân) nếu trước đó người bệnh đã thuyên giảm và đã lấy tế bào gốc khỏe mạnh ra lưu trữ.

 

 

 
Có thể bạn quan tâm?
HẸP NIỆU ĐẠO

HẸP NIỆU ĐẠO

administrator
TIỂU ĐƯỜNG TUÝP 2

TIỂU ĐƯỜNG TUÝP 2

administrator
MỤN CÓC

MỤN CÓC

administrator
VIÊM PHỔI Ở TRẺ EM

VIÊM PHỔI Ở TRẺ EM

administrator
VIÊM CẦU THẬN

VIÊM CẦU THẬN

administrator
NẤM DA ĐÙI

NẤM DA ĐÙI

administrator
U XƠ VÒM MŨI HỌNG

U XƠ VÒM MŨI HỌNG

U xơ vòm mũi họng (bướu sợi mạch mũi họng ở trẻ vị thành niên) là khối u lành tính phổ biến nhất của vòm họng, vùng ở phía sau của khoang mũi nối mũi với miệng. Những khối u này có xu hướng phát triển ở nam giới trẻ tuổi từ 10 đến 25 tuổi. Hormone androgen có thể đóng một vai trò trong sự phát triển của các khối u này.
administrator
VIÊM GÂN CHÓP XOAY

VIÊM GÂN CHÓP XOAY

administrator