HỞ VAN HAI LÁ

daydreaming distracted girl in class

HỞ VAN HAI LÁ

Tổng quan

Hở van hai lá hay còn gọi là suy van hai lá hoặc thiểu năng van hai lá, là tình trạng van hai lá ở tim không đóng chặt làm máu chảy ngược trong tim. Nếu hở van hai lá nặng, máu sẽ ứ lại ở tim và không thể đến phần còn lại của cơ thể một cách hiệu quả khiến người bệnh mệt hoặc khó thở.

Điều trị hở van hai lá phụ thuộc vào độ nặng, diễn tiến hay sự hiện diện của triệu chứng. Các trường hợp hở nhẹ thường không cần điều trị.

Tuy nhiên, khi hở nặng người bệnh có thể cần phải phẫu thuật tim để sửa hoặc thay van. Nếu không được điều trị, tình trạng hở van hai lá nặng có thể gây suy tim hoặc rối loạn nhịp. Ngay cả người không có triệu chứng cũng cần được đánh giá bởi bác sĩ tim mạch để xác định liệu can thiệp phẫu thuật sớm có thể có lợi không.

 

Triệu chứng

Các dấu hiệu và triệu chứng của hở van hai lá phụ thuộc vào độ nặng và tốc độ diễn tiễn, có thể bao gồm:

  • Tiếng tim bất thường, có âm thổi qua ống nghe.

  • Khó thở, đặc biệt khi gắng sức hoặc nằm.

  • Mệt mỏi.

  • Tim đập nhanh, cảm giác tim đập loạn nhịp và rung.

  • Phù bàn chân hoặc mắt cá chân.

Hở van hai lá thường nhẹ và diễn tiến chậm. Người bệnh có thể không có triệu chứng trong nhiều năm, thậm chí họ không biết bản thân mắc bệnh và bệnh cũng có thể không diễn tiến nặng hơn.

Bệnh thường được nghi ngờ khi có âm thổi ở tim. Tuy nhiên, bệnh có thể diễn tiến nhanh chóng, xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng nặng một cách đột ngột.

 

Nguyên nhân

Bình thường tim người có bốn van giữ cho máu lưu thông theo đúng hướng gồm van hai lá, van ba lá, van động mạch phổi và van động mạch chủ. Mỗi van có các lá van đóng mở cùng lúc trong mỗi nhịp tim. Đôi khi, các van không đóng hoặc mở đúng cách làm gián đoạn lượng máu từ tim đến cơ thể.

Trong hở van hai lá, van giữa buồng tim phía trên bên trái (tâm nhĩ trái) và buồng tim dưới bên trái (tâm thất trái) không đóng chặt, khiến máu chảy ngược lên tâm nhĩ trái.

Máu chảy ngược trong hở van 2 lá.

Hở van hai lá có thể do các bất thường của van hay hở van hai lá nguyên phát. Bệnh lý của tâm thất trái có thể gây hở van hai lá thứ phát hoặc hở van hai lá cơ năng.

Các nguyên nhân có thể gây hở van hai lá gồm:

  • Sa van hai lá: là tình trạng lá van bị phồng lên và sa vào tâm nhĩ trái khi tim co bóp. Dị tật tim phổ biến này có thể cản trở van hai lá đóng chặt khiến máu chảy ngược.

  • Tổn thương các dây chằng van tim: theo thời gian, các dây chằng neo các nắp của van hai lá vào thành tim có thể bị kéo giãn hoặc đứt, thường gặp ở người bị sa van hai lá. Đứt dây chằng van tim có thể gây trào ngược máu đột ngột và có thể phải sửa chữa bằng phẫu thuật. Chấn thương ở ngực cũng có thể gây đứt dây chằng van tim.

  • Thấp tim: hay sốt thấp khớp, là một biến chứng của viêm họng do liên cầu khuẩn không được điều trị gây ra. Thấp tim hiện nay hiếm gặp ở Hoa Kỳ, nhưng vẫn còn phổ biến ở các nước đang phát triển.

  • Viêm nội tâm mạc (nhiễm trùng màng trong tim).

  • Đau tim: cơn đau tim có thể làm tổn thương vùng cơ tim nâng đỡ van hai lá, ảnh hưởng đến chức năng của van. Nếu tổn thương đủ rộng, cơn đau tim có thể gây hở van hai lá đột ngột và nghiêm trọng.

  • Bất thường về cơ tim (bệnh cơ tim): một số bệnh lý như cao huyết áp có thể khiến tim tăng hoạt động, lâu dần khiến thất trái to ra. Từ đó kéo căng mô quanh van hai lá và gây hở van. 

  • Chấn thương như tai nạn xe hơi cũng có thể gây hở van hai lá.

  • Bệnh tim bẩm sinh: một số trẻ sinh ra bị dị tật ở tim có tổn thương van tim.

  • Thuốc: sử dụng kéo dài một số loại thuốc như thuốc chứa ergotamine (Cafergot, Migergot) dùng trong điều trị đau nửa đầu và các bệnh lý khác có thể gây hở van hai lá.

  • Xạ trị: một số trường hợp hiếm hoi, xạ trị vùng ngực có thể gây hở van hai lá.

  • Rung nhĩ: là một rối loạn nhịp tim phổ biến và có thể là nguyên nhân tiềm ẩn gây hở van hai lá.

 

Chẩn đoán

Chẩn đoán dựa vào tiền sử cá nhân - gia đình về bệnh tim, khám tổng quát (bao gồm cả nghe tim qua ống nghe) và các xét nghiệm. Hở van hai lá thường tạo ra âm thổi do máu trào ngược qua van hở.  Các xét nghiệm cần thiết sẽ do bác sĩ tim mạch thực hiện. 

Các xét nghiệm thông thường để chẩn đoán hở van hai lá gồm:

  • Siêu âm tim: là phương pháp dùng sóng âm thanh hướng vào tim qua đầu dò siêu âm cho phép thu nhận hình ảnh và video chuyển động của tim trong quá trình hoạt động.

Xét nghiệm này giúp khảo sát cấu trúc tim, van hai lá và lưu lượng máu qua tim. Siêu âm tim giúp bác sĩ có cái nhìn cận cảnh về van hai lá và hiệu quả hoạt động của nó. 

Ngoài ra, bác sĩ còn có thể tiến hành siêu âm tim qua thực quản. Là phương pháp đưa ống nội soi gắn đầu dò xuống thực quản, cho phép quan sát van hai lá kỹ hơn siêu âm tim thông thường.

  • Điện tâm đồ (ECG): phương pháp này dùng các điện cực gắn trên ngực người bệnh giúp đo các xung điện từ tim. Điện tâm đồ có thể phát hiện tình trạng giãn rộng buồng tim, bệnh tim và bất thường nhịp tim.

  • Xquang phổi: Xquang phổi cho phép xác định tình trạng lớn nhĩ trái hoặc thất trái, là các dấu hiệu có thể có của hở van hai lá và tình trạng phổi của người bệnh.

  • MRI tim: là phương pháp sử dụng từ trường và sóng vô tuyến để tạo hình ảnh chi tiết của tim. Phương pháp này có thể được sử dụng để đánh giá độ nặng, kích thước và chức năng thất trái.

  • CT tim: CT hệ tim mạch có thể tiến hành ở ngực, bụng và xương chậu nhằm khảo sát khả năng tiến hành sửa van hai lá bằng robot.

  • Nghiệm pháp gắng sức: là phương pháp ghi điện tim khi thực hiện các bài tập khác nhau giúp đo lường khả năng gắng sức của người bệnh và theo dõi đáp ứng của tim với các hoạt động gắng sức. Nếu bệnh nhân không thể thực hiện các bài tập thì có thể sử dụng các thuốc có tác động lên tim tương tự việc tập luyện.

  • Thông tim: thủ thuật này không được sử dụng thường quy trong chẩn đoán hở van hai lá. Bác sĩ sẽ tiến hành luồn một ống thông mỏng từ mạch máu cánh tay hoặc bẹn đến động mạch vành của tim, sau đó tiêm thuốc nhuộm qua ống thông để có thể nhìn thấy các động mạch trên phim Xquang. Thủ thuật cho phép khảo sát hình ảnh chi tiết của các động mạch vành và hoạt động của tim. Nó cũng có thể đo áp suất bên trong buồng tim.

Siêu âm tim

 

Điều trị

Điều trị hở van hai lá tùy thuộc vào độ nặng của bệnh. Với mục tiêu cải thiện chức năng tim đồng thời giảm thiểu các dấu hiệu, triệu chứng cũng như tránh các biến chứng có thể xảy ra trong tương lai.

Các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe toàn diện và kỹ lưỡng để xác định phương pháp điều trị thích hợp nhất, bao gồm:

Theo dõi

Người bị hở van hai lá nhẹ có thể không cần điều trị nhưng cần được theo dõi bởi bác sĩ và thay đổi lối sống. Người bệnh có thể cần được tái khám thường xuyên với tần suất tùy vào độ nặng của triệu chứng.

Thuốc

Bác sĩ có thể chỉ định một số thuốc điều trị triệu chứng, gồm:

  • Thuốc lợi tiểu: loại thuốc này làm giảm ứ nước trong phổi hoặc chân, hiện tượng đi kèm với trào ngược máu qua van hai lá.

  • Thuốc chống đông: giúp ngăn ngừa tạo máu đông và có thể được sử dụng khi có rung nhĩ.

  • Thuốc điều trị tăng huyết áp: tăng huyết áp làm tình trạng hở van hai lá trở nên nghiêm trọng hơn.

Phẫu thuật

Van hai lá có thể cần sửa chữa hoặc thay thế ngay cả khi không có triệu chứng, vì nó có thể ngăn ngừa các biến chứng và cải thiện tiên lượng. 

Phẫu thuật van hai lá thường được thực hiện qua một vết mổ lớn ở ngực hay mổ hở. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật tim xâm lấn tối thiểu với các vết rạch nhỏ hơn so với mổ hở.

Một số trung tâm y tế có thể thực hiện phẫu thuật tim dưới sự hỗ trợ của robot, một loại phẫu thuật tim xâm lấn tối thiểu. Trong phương pháp này, bác sĩ phẫu thuật quan sát tim ở chế độ xem 3D, có độ nét cao, được phóng đại trên màn hình và sử dụng các cánh tay robot để thực hiện các thao tác tương tự mổ hở.

Sau khi xem xét lựa chọn sửa van hoặc thay van là phương pháp điều trị thích hợp nhất, bác sĩ cũng sẽ đánh giá lựa chọn phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu hay phẫu thuật hở.

Thông thường, bác sĩ sẽ khuyên lựa chọn sửa van hai lá, giúp bảo tồn van của người bệnh và có thể bảo tồn chức năng tim. Tuy nhiên, nếu không thể sửa bác sĩ sẽ tiến hành thay van.

Sửa van hai lá

Bác sĩ có thể sửa van bằng cách nối lại các lá van, thay dây chằng hoặc loại bỏ mô thừa để các lá van có thể đóng chặt lại. Các bác sĩ thường sẽ khâu hẹp hoặc đặt vòng quanh van.

Các bác sĩ có thể sử dụng ống thông dài và mỏng trong một số trường hợp. Trong thủ thuật đặt ống thông, các bác sĩ sẽ luồn ống thông có gắn clip vào động mạch ở bẹn và dẫn nó đến van hai lá, sau đó dùng clip để tạo hình lại van. Những người có các triệu chứng nặng, người không thích hợp để phẫu thuật hoặc người có rủi ro cao khi phẫu thuật có thể cân nhắc thực hiện thủ thuật này.

Trong trường hợp khác, các bác sĩ có thể sửa van hai lá đã được thay trước đó và bị rò rỉ bằng cách chèn một thiết bị để bít lỗ rò.

Phẫu thuật sửa van hai lá

Thay van hai lá

Nếu không thể sửa van hai lá, người bệnh có thể cần phải thay van. Trong phẫu thuật thay van, bác sĩ sẽ loại bỏ van bị hỏng và thay thế bằng van cơ học hoặc van làm từ mô tim của bò, lợn hoặc người (van sinh học).

Tuy nhiên, các van sinh học sẽ bị thoái hóa theo thời gian và thường cần phải thay thế. Và người được thay van cơ học cần dùng thuốc chống đông suốt đời để ngăn ngừa huyết khối.

 

 

 
Có thể bạn quan tâm?
HỘI CHỨNG MARFAN

HỘI CHỨNG MARFAN

administrator
VIÊM XƯƠNG

VIÊM XƯƠNG

administrator
U LYMPHO KHÔNG HODGKIN

U LYMPHO KHÔNG HODGKIN

administrator
BỆNH THẬN MẠN TÍNH

BỆNH THẬN MẠN TÍNH

administrator
NHAU TIỀN ĐẠO

NHAU TIỀN ĐẠO

administrator
THOÁI HÓA KHỚP GỐI

THOÁI HÓA KHỚP GỐI

administrator
TĂNG HUYẾT ÁP THAI KỲ

TĂNG HUYẾT ÁP THAI KỲ

administrator
BÓC TÁCH ĐỘNG MẠCH CHỦ

BÓC TÁCH ĐỘNG MẠCH CHỦ

administrator