XOẮN BUỒNG TRỨNG
Tổng quan
Xoắn buồng trứng là tình trạng xảy ra khi buồng trứng xoắn quanh các dây chằng có chức năng giữ nó tại chỗ. Tình trạng này có thể cắt đứt lưu lượng máu đến buồng trứng và ống dẫn trứng.
Xoắn buồng trứng có thể gây đau dữ dội và các triệu chứng khác do buồng trứng không nhận đủ máu. Nếu việc giảm lưu lượng máu tới tiếp tục diễn ra quá lâu, nó có thể dẫn đến chết mô.
Xoắn buồng trứng thường chỉ tác động đến một bên buồng trứng. Các bác sĩ cũng có thể gọi tình trạng này là xoắn phần phụ (adnexal torsion).
Triệu chứng
Các triệu chứng của xoắn buồng trứng có thể bao gồm:
-
Xuất hiện khối u ở vùng chậu
-
Buồn nôn
-
Đau vùng chậu nghiêm trọng
-
Nôn mửa
-
Sốt
-
Chảy máu bất thường
Tuy nhiên, chẩn đoán xoắn buồng trứng có thể khó khăn vì các triệu chứng tương tự như các triệu chứng của sỏi thận, viêm ruột thừa, nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm dạ dày ruột và các bệnh lý khác.
Xoắn buồng trứng gây đau dữ dội vùng chậu
Khi nào cần gặp bác sĩ
Nếu một người có bất kỳ triệu chứng nào của xoắn buồng trứng hãy đến trung tâm y tế gần nhất.
Để chẩn đoán xoắn buồng trứng, bác sĩ có thể sử dụng các xét nghiệm sau:
-
Siêu âm âm đạo, đưa một đầu dò siêu âm nhỏ vào âm đạo.
-
Siêu âm ổ bụng, sử dụng một đầu dò siêu âm ở bên ngoài ổ bụng.
-
Các xét nghiệm hình ảnh khác, chẳng hạn như chụp CT hoặc chụp MRI.
-
Xét nghiệm công thức máu, hoặc CBC, có thể đo số lượng bạch cầu trong cơ thể.
Tuy nhiên, bác sĩ không thể khẳng định chẩn đoán tình trạng xoắn buồng trứng nếu không tiến hành phẫu thuật để xem buồng trứng.
Biến chứng
Một biến chứng có thể xảy ra của xoắn buồng trứng là hoại tử. Hoại tử buồng trứng là tình trạng các mô buồng trứng chết do thiếu máu. Bác sĩ sẽ phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng bị ảnh hưởng nếu điều này xảy ra.
Phẫu thuật ở buồng trứng bị hoại tử có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, vì buồng trứng sản xuất và giải phóng trứng để thụ tinh.
Tuy nhiên, nếu bác sĩ không cắt bỏ buồng trứng, bệnh nhân sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng buồng trứng dẫn tới áp xe hoặc viêm phúc mạc.
Đối với những ai bị xoắn buồng trứng, tái khám để đảm bảo buồng trứng đang hồi phục tốt và nhận đủ máu là rất quan trọng.
Xoắn buồng trứng không điều trị có thể dẫn tới vô sinh
Nguyên nhân
Những người trong độ tuổi từ 20 đến 40 tuổi có khả năng bị xoắn buồng trứng cao nhất.
Tuy nhiên, phụ nữ ở mọi lứa tuổi, từ trẻ sơ sinh đến sau mãn kinh đều có thể bị xoắn buồng trứng.
Đôi khi, sự hiện diện của u nang hoặc khối mô khác trong buồng trứng có là nguyên nhân. Sự gia tăng trọng lượng của buồng trứng có thể khiến nó bắt đầu xoắn và xoay quanh các dây chằng hỗ trợ.
Một nguyên nhân phổ biến khác là dây chằng buồng trứng, nối buồng trứng với tử cung, dài hơn bình thường. Dây chằng buồng trứng dài hơn khiến nguy cơ bị xoắn buồng trứng cao hơn.
Các công nghệ hỗ trợ sinh sản (ART), chẳng hạn như gây rụng trứng, là một yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ xoắn buồng trứng.
Phụ nữ có thai cũng có thể bị xoắn buồng trứng như những người không có thai. Trong tam cá nguyệt đầu tiên, phụ nữ có thể bị u nang hoàng thể khiến vòi trứng bị xoắn.
Nồng độ hormone cao hơn khi mang thai cũng có thể làm giãn các mô trong cơ thể, bao gồm cả các dây chằng giữ buồng trứng. Nếu dây chằng không căng, chúng có thể dễ bị xoắn hơn.
Xoắn buồng trứng thường gặp ở các chị em trẻ tuổi
Điều trị
Phẫu thuật là cách duy nhất để tháo xoắn buồng trứng. Bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc để giảm đau và giảm buồn nôn để tạo cảm giác thoải mái trước khi phẫu thuật.
Bác sĩ thường sẽ khuyên bạn nên thực hiện phẫu thuật càng nhanh càng tốt. Nếu xoắn buồng trứng làm giảm lưu lượng máu quá lâu, các mô buồng trứng có thể chết và bác sĩ phẫu thuật sẽ cần phải cắt bỏ buồng trứng.
Tốt nhất, bác sĩ có thể thực hiện thủ thuật bằng phương pháp nội soi. Nội soi ổ bụng bao gồm việc rạch các vết nhỏ, giống như lỗ chìa khóa ở bụng.
Bác sĩ sẽ đưa một số dụng cụ y tế, bao gồm cả máy quay video, vào bụng và xương chậu để cố gắng tháo xoắn buồng trứng.
Đôi khi, nếu bác sĩ không thể quan sát buồng trứng rõ ràng, họ có thể phải thực hiện thủ thuật xâm lấn. Điều này có nghĩa là rạch một đường lớn dưới rốn để đưa buồng trứng ra ngoài và tháo xoắn.
Hầu hết bệnh nhân có thể trở về nhà ngay trong ngày sau thủ thuật xoắn buồng trứng.
Tuy nhiên, bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi buồng trứng để đảm bảo rằng nó có đủ lượng máu để “sống” sau tình trạng xoắn buồng trứng. Nếu nó có dấu hiệu chết mô, bác sĩ có thể phải cắt bỏ buồng trứng vào ngày hôm sau.
Bác sĩ có thể đưa ra một số khuyến nghị về việc chăm sóc và theo dõi, chẳng hạn như tránh khuân vác nặng hoặc hoạt động thể chất cường độ cao trong vài tuần.
Bệnh nhân có thể giúp giảm đau và khó chịu bằng cách dùng thuốc không kê đơn (OTC), chẳng hạn như ibuprofen hoặc acetaminophen.
Bạn nên chú ý các dấu hiệu của nhiễm trùng hoặc một biến chứng khác và báo cho bác sĩ càng sớm càng tốt. Các dấu hiệu của nhiễm trùng bao gồm:
-
Sốt
-
Đỏ và viêm tại các vị trí vết mổ
-
Tiết dịch có mùi hôi
-
Vết thương không lành
-
Tăng cảm giác đau vùng chậu
Phẫu thuật là phương pháp điều trị xoắn buồng trứng hiệu quả