HỘI CHỨNG TIỀN KINH NGUYỆT (PMS)

daydreaming distracted girl in class

HỘI CHỨNG TIỀN KINH NGUYỆT (PMS)

 

Tổng quan

Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) bao gồm nhiều dấu hiệu và triệu chứng, như thay đổi tâm trạng, căng tức ngực, thèm ăn, mệt mỏi, cáu kỉnh và trầm cảm. Theo ước tính, cứ 4 phụ nữ có kinh nguyệt thì có đến 3 người từng trải qua một số triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt.

Các triệu chứng này có xu hướng tái phát theo chu kỳ và có thể dự đoán được. Nhưng những thay đổi về thể chất và cảm xúc trong hội chứng tiền kinh nguyệt có thể thay đổi, từ nhẹ đến dữ dội.

Điều trị và điều chỉnh lối sống có thể hạn chế hoặc kiểm soát các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng này.

 

Triệu chứng

Có rất nhiều dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt, nhưng mỗi bệnh nhân chỉ gặp một vài trong số những vấn đề này.

Các dấu hiệu và triệu chứng về cảm xúc và hành vi như:

  • Căng thẳng hoặc lo lắng.

  • Cảm thấy chán nản.

  • Dễ khóc.

  • Thay đổi tâm trạng: cáu kỉnh hoặc tức giận.

  • Thay đổi khẩu vị và thèm ăn.

  • Khó đi vào giấc ngủ (mất ngủ).

  • Xa lánh xã hội.

  • Kém tập trung.

  • Thay đổi ham muốn tình dục.

Các dấu hiệu và triệu chứng thực thể:

  • Đau khớp hoặc cơ.

  • Đau đầu.

  • Mệt mỏi.

  • Tăng cân do ứ nước.

  • Chướng bụng.

  • Căng tức ngực.

  • Bùng phát mụn.

  • Táo bón hoặc tiêu chảy.

  • Không dung nạp rượu.

Các dấu hiệu và triệu chứng thường biến mất trong vòng bốn ngày sau khi bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt, bất kể mức độ của chúng.

Một số ít phụ nữ mắc hội chứng tiền kinh nguyệt có các triệu chứng nghiêm trọng gây cản trở các hoạt động thường ngày như đi học, đi làm. Dạng hội chứng tiền kinh nguyệt này được gọi là rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD).

Các dấu hiệu và triệu chứng PMDD bao gồm trầm cảm, thay đổi tâm trạng, tức giận và lo lắng, cảm thấy choáng ngợp, khó tập trung, cáu kỉnh và căng thẳng.

Căng tức ngực, căng thẳng, dễ cáu giận, khóc vô cớ là những triệu chứng thường gặp của PMS.

 

Nguyên nhân

Không rõ nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng tiền kinh nguyệt, nhưng một số yếu tố có thể góp phần gây ra tình trạng này bao gồm:

  • Sự thay đổi nội tiết tố theo chu kỳ: các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt thay đổi theo sự dao động của nội tiết tố và biến mất khi mang thai hoặc mãn kinh.

  • Sự thay đổi của các hóa chất trong não: sự dao động của serotonin, một chất dẫn truyền thần kinh đóng một vai trò quan trọng đối với tâm trạng, có thể gây ra các triệu chứng của PMS. Không đủ lượng serotonin góp phần gây ra chứng trầm cảm tiền kinh nguyệt cũng như mệt mỏi, thèm ăn và các vấn đề về giấc ngủ.

  • Phiền muộn: một số phụ nữ bị hội chứng tiền kinh nguyệt nghiêm trọng có trầm cảm mà không được chẩn đoán, dù trầm cảm không gây ra tất cả các triệu chứng của PMS.

 

Chẩn đoán

Không có dấu hiệu lâm sàng đặc trưng hay xét nghiệm nào có thể chẩn đoán hội chứng tiền kinh nguyệt. 

Để chẩn đoán xác định PMS, bệnh nhân cần phải ghi lại các dấu hiệu và triệu chứng của mình trong ít nhất hai chu kỳ kinh nguyệt. Lưu ý, bệnh nhân cần đánh dấu ngày khởi phát và ngày biến mất của các triệu chứng cũng như ngày bắt đầu và kết thúc chu kỳ kinh nguyệt.

Một số rối loạn khác có thể có triệu chứng tương tự với PMS, bao gồm hội chứng mệt mỏi mạn, rối loạn tuyến giáp và rối loạn cảm xúc, như trầm cảm và lo âu. Bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm về chức năng tuyến giáp hoặc trắc nghiệm đánh giá tâm trạng để đưa ra chẩn đoán xác định.

Bệnh nhân cần theo dõi các triệu chứng của PMS theo chu kỳ kinh nguyệt.

 

Điều trị

Thay đổi lối sống có thể làm giảm các triệu chứng của PMS ở hầu hết các trường hợp. Tùy vào độ nghiêm trọng của triệu chứng, bác sĩ có thể kê một hoặc nhiều loại thuốc điều trị hội chứng này. Tuy nhiên, đáp ứng điều trị có thể khác nhau ở từng bệnh nhân.

Các loại thuốc thường được kê cho hội chứng tiền kinh nguyệt bao gồm:

  • Thuốc chống trầm cảm: các chất ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc (SSRI) – bao gồm fluoxetine (Prozac, Sarafem), paroxetine (Paxil, Pexeva), sertraline (Zoloft) và những loại khác – được xác nhận có hiệu quả làm giảm các triệu chứng về cảm xúc. SSRI là loại thuốc được lựa chọn đầu tiên cho PMS hoặc PMDD nặng. Những loại thuốc này thường được dùng hàng ngày. Nhưng đối với một số phụ nữ bị PMS, sử dụng thuốc chống trầm cảm có thể bị giới hạn trong hai tuần trước khi bắt đầu chu kỳ.

  • Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID): được dùng trước hoặc khi bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt, NSAID như ibuprofen (Advil, Motrin IB và những loại khác) hoặc naproxen sodium (Aleve) có thể làm dịu cơn chuột rút và khó chịu ở vú.

  • Thuốc lợi tiểu: khi tập thể dục và hạn chế ăn mặn không hiệu quả để hạn chế tăng cân, căng trướng và đầy hơi của PMS. Sử dụng thuốc lợi tiểu có thể giúp cơ thể thải bớt lượng nước dư thừa trong cơ thể. Spironolactone (Aldactone) là một loại thuốc lợi tiểu có thể giảm bớt một số triệu chứng của PMS.

  • Thuốc tránh thai nội tiết: loại thuốc này làm ngừng rụng trứng từ đó làm giảm các triệu chứng của PMS.

 

Thay đổi lối sống

Các triệu chứng của PMS có thể được kiểm soát hoặc giảm bớt bằng cách thay đổi chế độ ăn uống, tập thể dục và các thói quen hàng ngày. Hãy thử các mẹo sau:

Thay đổi chế độ ăn uống:

  • Chia nhỏ bữa ăn để giảm đầy bụng và cảm giác no.

  • Hạn chế sử dụng muối và thức ăn mặn để giảm đầy hơi và giữ nước.

  • Tăng sử dụng thực phẩm giàu carbohydrate phức tạp như trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt.

  • Tăng sử dụng thực phẩm giàu canxi. Nếu không thể dung nạp các sản phẩm từ sữa hoặc không hấp thu đủ canxi trong chế độ ăn uống thì nên bổ sung canxi hàng ngày.

  • Tránh sử dụng caffeine và rượu.

Tập thể dục

Hoạt động ít nhất 30 phút như đi bộ nhanh, đạp xe, bơi lội hoặc các hoạt động thể dục nhịp điệu khác mỗi ngày. Thói quen tập thể dục hàng ngày giúp cải thiện sức khỏe và giảm bớt các triệu chứng nhất định như mệt mỏi và chán nản.

Giảm căng thẳng

  • Ngủ đủ giấc.

  • Tập các bài giãn cơ hoặc hít thở sâu để giảm đau đầu, lo lắng hoặc khó ngủ (mất ngủ).

  • Tập yoga hoặc massage để thư giãn và giảm căng thẳng.

Ghi lại các triệu chứng của PMS trong vài tháng

Ghi chép lại như nhật ký giúp xác định yếu tố khởi phát và thời gian xuất hiện các triệu chứng. Từ đó cho phép can thiệp bằng các chiến lược phù hợp.

 

 

 
Có thể bạn quan tâm?
VIÊM TÚI TINH

VIÊM TÚI TINH

administrator
HỘI CHỨNG FANCONI

HỘI CHỨNG FANCONI

administrator
ĐAU THẦN KINH TỌA

ĐAU THẦN KINH TỌA

administrator
NANG TUYẾN BARTHOLIN

NANG TUYẾN BARTHOLIN

administrator
NANG THẬN

NANG THẬN

administrator
VIÊM MÀNG ỐI

VIÊM MÀNG ỐI

Viêm màng ối là một tình trạng nghiêm trọng ở phụ nữ mang thai, trong đó màng bao quanh thai nhi và nước ối bị nhiễm trùng do vi khuẩn.
administrator
THỪA SẮT

THỪA SẮT

administrator
SA SÚT TRÍ TUỆ

SA SÚT TRÍ TUỆ

administrator