LẠC NỘI MẠC TỬ CUNG


LẠC NỘI MẠC TỬ CUNG
Lạc nội mạc tử cung là tình trạng gây đau đớn do sự phát triển của nội mạc tử cung - mô thường nằm bên trong tử cung - ở các bộ phận khác của cơ thể. Nội mạc tử cung có thể phát triển ở:
-
Buồng trứng
-
Bề mặt ngoài tử cung
-
Ống dẫn trứng
-
Dây chằng nâng đỡ tử cung
-
Bóng đái
Mô nội mạc tử cung dù phát triển không đúng vị trí vẫn hoạt động giống như mô nội mạc tử cung bình thường. Điều này có nghĩa rằng các mô này sẽ phản ứng với sự tăng giảm của nội tiết tố phụ nữ hàng tháng. Vào thời điểm hành kinh, mô nội mạc tử cung xuất hiện bên ngoài tử cung cũng có thể rỉ máu. Các mô xung quanh mô này có thể bị kích thích và gây đau vùng chậu hoặc bụng, và thậm chí có thể hình thành mô sẹo.
Nếu mô nội mạc tử cung xâm nhập vào buồng trứng phủ kín hoặc làm tắc ống dẫn trứng thì có thể cản trở khả năng sinh sản của phụ nữ do đường đi của trứng từ buồng trứng vào tử cung đã bị chặn.
Các chuyên gia vẫn chưa chắc chắn về nguyên nhân gây ra lạc nội mạc tử cung. Hiện có một vài giả thuyết. Giả thuyết hàng đầu được cho là liên quan đến trào ngược kinh nguyệt: máu và các mô thay vì đi ra khỏi cơ thể trong thời kỳ kinh nguyệt lại bị trào ngược vào trong khung chậu. Bên cạnh đó, hệ miễn dịch hoặc hệ thống nội tiết tố cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng này. Ngoài ra, lạc nội mạc tử cung thường có xu hướng xuất hiện trong một gia đình, do đó yếu tố di truyền có thể đóng một vai trò nào đó trong căn bệnh này.
Triệu chứng
Đau là triệu chứng cơ bản nhất của lạc nội mạc tử cung. Các cơn đau có thể xuất hiện dưới dạng:
-
Đau xảy ra ở chu kì kinh nguyệt và ngày càng khó chịu theo thời gian
-
Đau mãn tính ở phần lưng dưới hoặc xương chậu
-
Đau xương chậu trong hoặc sau khi quan hệ tình dục
-
Đau khi đi ngoài hoặc đi tiểu trong thời gian kinh nguyệt
Các triệu chứng khác bao gồm xuất huyết giữa hai kì kinh nguyệt và các vấn đề về tiêu hóa không rõ nguyên do như tiêu chảy, táo bón, đầy hơi, đau bụng, đặc biệt là trong quá trình hành kinh.
Lạc nội mạc tử cung tác động tiêu cực lên khả năng mang thai và làm tăng rủi ro sẩy thai. Tuy nhiên nhiều người mẹ mắc bệnh này vẫn có thai và sinh con đủ tháng.
Tình trạng lạc nội mạc tử cung thường dịu đi sau khi mãn kinh do các hormone sinh sản bên trong cơ thể được sản xuất ít đi. Tuy nhiên do cơ thể vẫn tiếp tục sản xuất một lượng nhỏ hormone estrogen, một số phụ nữ vẫn tiếp tục có các triệu chứng của lạc nội mạc tử cung sau khi mãn kinh.
Chẩn đoán
Các triệu chứng ở phụ nữ, bao gồm vị trí và thời điểm cơn đau xảy ra là chìa khóa quyết định việc chẩn đoán chính xác bệnh lạc nội mạc tử cung.
Một số thao tác chẩn đoán có thể được tiến hành, bao gồm:
-
Thăm khám vùng xương chậu
-
Siêu âm
-
Nội soi ổ bụng
Nội soi ổ bụng là phương pháp chẩn đoán lạc nội mạc tử cung hiệu quả nhất. Bác sĩ sẽ sử dụng ống nội soi có gắn đèn và camera để quan sát các cơ quan ở xung quanh vùng xương chậu. Bệnh có thể được phát hiện đơn giản chỉ bằng cách quan sát hình dạng các mô. Ngoài ra, bác sĩ cũng có lấy một mẫu mô ra để xét nghiệm.
Điều trị
Điều trị lạc nội mạc tử cung có hai mục tiêu chính: hạn chế và làm giảm các cơn đau, điều trị tình trạng vô sinh do lạc nội mạc tử cung ở phụ nữ mong muốn mang thai.
Ở phụ nữ với các triệu chứng nhẹ, chỉ cần sử dụng thuốc giảm đau không kê toa là đủ. Những loại thuốc kháng viêm không chứa steroid như ibuprofen và naproxen là hai đại diện tiêu biểu. Ngoài ra các loại thuốc giảm đau kê đơn khác cũng là một lựa chọn.
Một phương pháp ngăn các cơn đau gây ra bởi lạc nội mạc tử cung khác là kiểm soát nồng độ các hormone nội tiết tố ở phụ nữ, nhất là nếu các triệu chứng chỉ diễn ra trong thời gian hành kinh. Các loại thuốc tránh thai sử dụng qua đường uống là ứng viên đầu tiên. Tuy nhiên các triệu chứng thường sẽ quay trở lại nếu bạn ngưng sử dụng thuốc.
Phẫu thuật loại bỏ các mô tử cung lạc chỗ có khả năng giảm các cơn đau một cách đáng kể, tuy nhiên hiệu quả chỉ có thể tồn tại trong một thời gian do mỗi đợt hành kinh lại cho các tế bào lạc nội mạc tử cung có cơ hội xuất hiện trở lại.
Mọi phương pháp điều trị đều có rủi ro và tác dụng phụ. Quyết định phương pháp đúng đắn nhất phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm độ tuổi, mức độ nặng nhẹ của triệu chứng và liệu người mắc bệnh có mong muốn có thai trong tương lai gần hay không.
Ở phụ nữ không thể mang thai do lạc nội mạc tử cung, phẫu thuật loại bỏ các mô tử cung lạc chỗ này sẽ gia tăng khả năng có thai. Nếu phẫu thuật không thành công, các phương pháp hỗ trợ sinh sản ví dụ như thụ tinh trong ống nghiệm sẽ được xem xét.