NGHIỆM PHÁP GẮNG SỨC HẠT NHÂN

Nghiệm pháp gắng sức hạt nhân là thủ thuật sử dụng để chẩn đoán bệnh mạch vành hoặc lên kế hoạch điều trị. Sau đây hãy cùng tìm hiểu về nghiệm pháp gắng sức hạt nhân nhé.

daydreaming distracted girl in class

NGHIỆM PHÁP GẮNG SỨC HẠT NHÂN

Tổng quan

Nghiệm pháp gắng sức hạt nhân là thủ thuật sử dụng một lượng nhỏ chất phóng xạ (chất đánh dấu) và một máy ảnh để tạo ra hình ảnh quan sát lưu lượng máu đến tim của bạn. Xét nghiệm đo lưu lượng máu khi bạn nghỉ ngơi và trong khi hoạt động, có thể cho thấy những khu vực có lưu lượng máu kém hoặc bị tổn thương.

Xét nghiệm gắng sức hạt nhân là một trong những loại xét nghiệm gắng. Máy đo bức xạ được sử dụng trong quá trình xét nghiệm gắng sức hạt nhân, giúp bác sĩ xác định nguy cơ bị đau tim hoặc các biến cố tim khác nếu bạn bị bệnh động mạch vành. Nghiệm pháp gắng sức hạt nhân có thể được thực hiện sau xét nghiệm gắng sức tập thể dục thông thường để có thêm thông tin về sức khỏe tim, hoặc nó có thể là xét nghiệm gắng sức đầu tiên được sử dụng.

Xét nghiệm được thực hiện bằng máy quét công nghệ phát xạ positron (PET) hoặc máy chụp cắt lớp vi tính phát xạ ảnh đơn (SPECT). Xét nghiệm gắng sức hạt nhân cũng có thể được gọi là xét nghiệm hình ảnh tưới máu cơ tim (MPI), xét nghiệm PET tim hoặc xét nghiệm SPECT tim.

Tại sao cần thực hiện

Bạn có thể cần thực hiện nghiệm pháp gắng sức hạt nhân nếu bạn có các dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh tim như đau ngực hoặc khó thở. Xét nghiệm gắng sức hạt nhân cũng có thể được sử dụng để hướng dẫn điều trị nếu bạn được chẩn đoán mắc bệnh tim. Bác sĩ của bạn có thể đề nghị thực hiện xét nghiệm này để:

  • Chẩn đoán bệnh mạch vành. Động mạch vành là những mạch máu chính cung cấp máu, oxy và chất dinh dưỡng cho tim của bạn. Bệnh động mạch vành phát triển khi các động mạch này bị tổn thương hoặc mắc bệnh - thường là do sự tích tụ của các chất lắng đọng có chứa cholesterol và các chất khác (mảng bám).

    Nếu bạn có các triệu chứng như đau ngực hoặc khó thở, xét nghiệm gắng sức hạt nhân có thể giúp xác định xem bạn có bị bệnh động mạch vành hay không và mức độ nghiêm trọng của tình trạng này.

  • Lên kế hoạch điều trị. Nếu bạn bị bệnh mạch vành, xét nghiệm gắng sức hạt nhân có thể cho bác sĩ biết việc điều trị có hiệu quả như thế nào. Xét nghiệm cũng giúp bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp cho bạn bằng cách xác định mức độ vận động của tim.

Rủi ro

Nghiệm pháp gắng sức hạt nhân nói chung là an toàn. Các biến chứng rất hiếm xảy ra. Tuy nhiên, tương tự với bất kỳ thủ thuật y tế nào, có nguy cơ biến chứng, có thể bao gồm:

  • Nhịp tim bất thường (loạn nhịp tim). Rối loạn nhịp tim xảy ra trong nghiệm pháp gắng sức thường biến mất ngay sau khi bạn ngừng tập thể dục hoặc thuốc hết tác dụng. Rối loạn nhịp tim đe dọa tính mạng là rất hiếm xảy ra.

  • Đau tim. Mặc dù cực kỳ hiếm, nhưng có thể một xét nghiệm gắng sức hạt nhân là nguyên nhân gây ra một cơn đau tim.

  • Huyết áp thấp. Huyết áp có thể giảm trong hoặc ngay sau khi tập thể dục, có thể khiến bạn cảm thấy chóng mặt hoặc ngất xỉu. Vấn đề sẽ biến mất sau khi bạn ngừng tập thể dục.

  • Chóng mặt hoặc đau ngực. Những triệu chứng này có thể xảy ra trong quá trình thực hiện nghiệm pháp gắng sức hạt nhân. Một số người còn bị buồn nôn, run rẩy, đau đầu, đỏ bừng, khó thở và lo lắng trong quá trình thực hiện xét nghiệm. Những dấu hiệu và triệu chứng này thường nhẹ và diễn ra nhanh, nhưng hãy cho bác sĩ biết nếu chúng xảy ra.

Bạn cần chuẩn bị như thế nào

Bác sĩ sẽ cung cấp cho bạn những hướng dẫn cụ thể về cách chuẩn bị cho xét nghiệm gắng sức hạt nhân của bạn.

Thực phẩm và thuốc

Bạn có thể được yêu cầu không ăn, uống hoặc hút thuốc trong một khoảng thời gian trước khi thực hiện xét nghiệm. Bạn có thể cần tránh sử dụng caffeine vào ngày hôm trước và ngày làm xét nghiệm.

Hãy hỏi bác sĩ xem liệu bạn có an toàn khi tiếp tục dùng tất cả các loại thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn trước khi thực hiện xét nghiệm hay không, vì chúng có thể gây trở ngại cho một số xét nghiệm gắng sức nhất định.

Nếu bạn sử dụng ống hít cho bệnh hen suyễn hoặc các vấn đề về hô hấp khác, hãy mang nó đi khi thực hiện xét nghiệm. Đảm bảo rằng bác sĩ và thành viên nhóm chăm sóc sức khỏe theo dõi biết rằng bạn có sử dụng ống hít.

Quần áo và đồ dùng cá nhân

Mặc hoặc mang theo quần áo thoải mái và giày đi bộ. Không thoa dầu, lotion hoặc kem lên da vào ngày thực hiện xét nghiệm gắng sức hạt nhân.

Quá trình thực hiện

Xét nghiệm gắng sức hạt nhân bao gồm việc tiêm một chất đánh dấu phóng xạ, sau đó chụp các hình ảnh về trái tim – trong lúc bạn đang nghỉ ngơi và sau khi tập thể dục.

Xét nghiệm gắng sức hạt nhân được thực hiện cùng với xét nghiệm gắng sức tập thể dục, khi đó bạn sẽ được sử dụng máy chạy bộ. Nếu bạn không thể tập thể dục, bạn sẽ nhận được một loại thuốc qua đường tiêm truyền để cơ thể bắt chước với việc tập thể dục bằng cách tăng lưu lượng máu đến tim của bạn.

Xét nghiệm gắng sức hạt nhân có thể mất 2 giờ hoặc hơn, tùy thuộc vào chất đánh dấu phóng xạ và các xét nghiệm hình ảnh được sử dụng.

Trước khi thực hiện nghiệm pháp gắng sức hạt nhân

Bác sĩ sẽ hỏi bạn một số câu hỏi về tiền sử bệnh, mức độ thường xuyên và tích cực khi bạn tập thể dục. Điều này giúp xác định lượng bài tập phù hợp nhất với bạn trong quá trình kiểm tra. Bác sĩ cũng sẽ lắng nghe tim và phổi của bạn để biết bất kỳ vấn đề nào có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.

Trong khi thực hiện nghiệm pháp gắng sức hạt nhân

Trước khi bạn bắt đầu xét nghiệm, y tá hoặc kỹ thuật viên sẽ luồn một đường truyền IV vào cánh tay của bạn và tiêm chất phóng xạ.

Chất phóng xạ có thể tạo ra cảm giác lạnh khi được tiêm vào cánh tay của bạn. Phải mất vài phút để các tế bào tim của bạn hấp thụ được các bức xạ. Sau khi hoàn thành, bạn sẽ được nằm yên trên bàn và chụp hình tiên trong khi trái tim của bạn đang nghỉ ngơi.

Sau đó, y tá hoặc kỹ thuật viên sẽ dán các miếng dán (điện cực) lên ngực, chân và tay của bạn. Một số khu vực có thể cần được cạo lông để giúp chúng dính lên cơ thể. Các điện cực có dây nối với máy điện tâm đồ (ECG hoặc EKG), giúp ghi lại các tín hiệu điện kích hoạt nhịp tim của bạn. Vòng bít trên cánh tay được sử dụng để kiểm tra huyết áp của bạn trong quá trình thực hiện. Bạn có thể được yêu cầu thở vào ống trong quá trình kiểm tra để cho biết hoạt động của phổi khi tập thể dục.

Nếu bạn không thể tập thể dục, bác sĩ sẽ tiêm một loại thuốc vào đường truyền tĩnh mạch của bạn để tăng lưu lượng máu đến tim. Các tác dụng phụ có thể xảy ra có thể tương tự như các tác dụng phụ do tập thể dục gây ra, chẳng hạn như đỏ bừng hoặc khó thở. Bạn có thể bị đau đầu.

Nếu xét nghiệm gắng sức hạt nhân được kết hợp với nghiệm pháp gắng sức tập thể dục truyền thống, bạn sẽ được yêu cầu đi bộ trên máy chạy bộ hoặc đạp xe cố định. Bạn sẽ được bắt đầu từ từ. Bài tập trở nên khó hơn khi xét nghiệm tiếp tục. Bạn có thể sử dụng lan can trên máy chạy bộ để giữ thăng bằng. Đừng giữ chặt, vì điều này có thể làm thay đổi kết quả.

Bạn sẽ tiếp tục tập thể dục cho đến khi nhịp tim của bạn đạt được mục tiêu đã định hoặc bạn xuất hiện các triệu chứng không cho phép bạn tiếp tục, có thể bao gồm:

  • Đau ngực vừa đến nặng

  • Khó thở nghiêm trọng

  • Huyết áp cao hoặc thấp bất thường

  • Nhịp tim bất thường

  • Chóng mặt

  • Những thay đổi nhất định trong điện tâm đồ của bạn

Bạn và bác sĩ sẽ thảo luận về giới hạn an toàn cho việc tập thể dục. Bạn có thể dừng thử nghiệm bất cứ lúc nào cảm thấy không thoải mái để tiếp tục.

Bạn sẽ được tiêm thêm chất phóng xạ khi nhịp tim của bạn đạt đỉnh sau khi tập thể dục. Sau đó, bạn sẽ được nằm yên trên bàn và chụp ảnh trái tim. Các bức xạ hiển thị trên hình ảnh và làm nổi bật bất kỳ khu vực nào trong tim bạn không nhận được đủ lưu lượng máu.

Bác sĩ sẽ so sánh hai hình ảnh được chụp để xem cách máu chảy qua tim khi bạn đang nghỉ ngơi và khi tập luyện.

Sau khi thực hiện nghiệm pháp gắng sức hạt nhân

Sau khi ngừng tập thể dục, bạn có thể được yêu cầu đứng yên trong vài giây và sau đó nằm xuống một lúc. Bác sĩ có thể theo dõi bất kỳ vấn đề nào khi nhịp tim và nhịp thở của bạn trở lại bình thường.

Khi quá trình kiểm tra hoàn tất, bạn có thể trở lại các hoạt động bình thường trừ khi bác sĩ thông báo cho bạn điều khác. Chất đánh dấu phóng xạ sẽ tự nhiên đào thải ra khỏi cơ thể bạn qua nước tiểu hoặc phân. Uống nhiều nước để đào thải chất đánh dấu ra khỏi cơ thể của bạn.

Kết quả

Bác sĩ sẽ thảo luận về kết quả của nghiệm pháp gắng sức hạt nhân với bạn. Kết quả của bạn có thể cho thấy:

  • Lưu lượng máu bình thường khi tập thể dục và nghỉ ngơi. Bạn có thể không cần kiểm tra thêm.

  • Lưu lượng máu bình thường khi nghỉ ngơi, nhưng không phải khi tập thể dục. Một phần trái tim của bạn không nhận đủ máu khi bạn gắng sức. Điều này có thể cho thấy có một hoặc nhiều động mạch bị tắc nghẽn (bệnh động mạch vành).

  • Lưu lượng máu thấp khi nghỉ ngơi và tập thể dục. Một phần trong trái tim của bạn luôn không được cung cấp đủ máu, điều này có thể là do bệnh mạch vành nghiêm trọng hoặc một cơn đau tim trước đó.

  • Thiếu máu lưu thông ở các bộ phận của tim. Những khu vực trong tim của bạn không hiển thị chất đánh dấu phóng xạ sẽ cho thấy tổn thương do đau tim.

Nếu bạn không có đủ lưu lượng máu qua tim, bạn có thể phải chụp động mạch vành. Xét nghiệm này giúp quan sát trực tiếp vào các mạch máu cung cấp cho tim của bạn. Nếu bạn bị tắc nghẽn động mạch vành nghiêm trọng, bạn có thể cần nong mạch và đặt stent hoặc phẫu thuật tim hở (bắc cầu động mạch vành).

 

 
Có thể bạn quan tâm?
HIẾN TINH TRÙNG

HIẾN TINH TRÙNG

Hiến tinh trùng là hoạt động có thể giúp các cặp vợ chồng vô sinh đạt được mong muốn có con của mình. Sau đây hãy cùng tìm hiểu về hoạt động hiến tinh trùng nhé.
administrator
THUỐC TIÊM TRÁNH THAI

THUỐC TIÊM TRÁNH THAI

Thuốc tiêm tránh thai là một phương pháp tránh thai có rất nhiều lợi ích cũng như điểm trừ. Sau đây hãy cùng tìm hiểu về phương pháp sử dụng thuốc tiêm tránh thai nhé.
administrator
XÉT NGHIỆM KHÁNG THỂ COVID-19

XÉT NGHIỆM KHÁNG THỂ COVID-19

Xét nghiệm kháng thể COVID-19 là một xét nghiệm máu được thực hiện để phát hiện xem bạn đã từng bị nhiễm SARS-CoV-2 hay chưa. Sau đây hãy cùng tìm hiểu về xét nghiệm kháng thể COVID-19 nhé.
administrator
PHẪU THUẬT CẮT BỎ THỰC QUẢN

PHẪU THUẬT CẮT BỎ THỰC QUẢN

Cắt bỏ thực quản là một phương pháp điều trị phổ biến trong ung thư thực quản tiến triển hoặc tình trạng thực quản Barrett. Tuy nhiên phẫu thuật cắt bỏ thực quản có thể mang lại một số rủi ro nhất định. Sau đây hãy cùng tìm hiểu về phẫu thuật cắt bỏ thực quản.
administrator
HIẾN TẾ BÀO GỐC MÁU NGOẠI VI VÀ TỦY XƯƠNG

HIẾN TẾ BÀO GỐC MÁU NGOẠI VI VÀ TỦY XƯƠNG

Hiến tế bào gốc là một thủ thuật có thể giúp cứu sống nhiều người. Sau đây hãy cùng tìm hiểu những thông tin cần thiết về việc hiến tế bào gốc máu ngoại vi và hiến tế bào gốc tủy xương nhé
administrator
PHẪU THUẬT NÂNG MŨI

PHẪU THUẬT NÂNG MŨI

Tạo hình mũi (rhinoplasty) hay nâng mũi là phẫu thuật được thực hiện để thay đổi diện mạo của khuôn mặt, cải thiện khả năng thở hoặc cả hai.
administrator
Y HỌC CHÍNH XÁC TRONG UNG THƯ VÚ

Y HỌC CHÍNH XÁC TRONG UNG THƯ VÚ

administrator
CHỤP CẮT LỚP VI TÍNH (CT) UROGRAM

CHỤP CẮT LỚP VI TÍNH (CT) UROGRAM

Chụp cắt lớp vi tính urogram là xét nghiệm để quan sát và chẩn đoán một số tình trạng ở đường tiết niệu. Sau đây hãy cùng tìm hiểu về chụp cắt lớp vi tính (CT) urogram nhé.
administrator