daydreaming distracted girl in class

SINH NON

Tổng quan

Sinh non là ca sinh diễn ra hơn ba tuần trước ngày dự sinh của em bé. Nói cách khác, sinh non là một ca sinh xảy ra trước khi bắt đầu tuần thứ 37 của thai kỳ.

Trẻ sinh non, đặc biệt là những trường hợp sinh rất non, thường mắc các bệnh lý phức tạp. Thông thường, các biến chứng của trẻ sinh non là khác nhau ở mỗi trường hợp. Nhưng trẻ sinh ra càng sớm thì nguy cơ mắc biến chứng càng cao.

Tùy thuộc vào thời điểm sinh ra, trẻ sinh non được phân loại như sau:

  • Sinh non muộn, sinh từ tuần thứ 34 đến hết tuần 36 của thai kỳ

  • Sinh non vừa, sinh từ tuần thứ 32 đến 34 của thai kỳ

  • Sinh rất non tháng, sinh khi thai dưới 32 tuần

  • Sinh cực kì non tháng, sinh vào hoặc trước tuần thứ 25 của thai kỳ

Hầu hết các ca sinh non xảy ra ở giai đoạn sinh non muộn.

Triệu chứng

Các triệu chứng thoáng qua hoặc một số biến chứng rõ ràng ở trẻ sinh non có thể xuất hiện.

Một số dấu hiệu thường gặp ở trẻ sinh non bao gồm:

  • Trẻ có kích thước nhỏ, nhưng đầu lại to một cách không cân đối với cơ thể

  • Trẻ trông góc cạnh hơn, kém tròn trịa so với trẻ đủ tháng do thiếu chất béo dự trữ

  • Lông mịn bao phủ phần lớn cơ thể

  • Thân nhiệt thấp, đặc biệt là ngay sau khi sinh, do cơ thể thiếu mỡ dự trữ

  • Khó thở hoặc suy hô hấp

  • Thiếu phản xạ bú và nuốt dẫn đến khó khăn khi bú

Các bảng dưới đây trình bày cân nặng, chiều dài và vòng đầu trung bình khi sinh ra của trẻ sinh non ở các tuổi thai khác nhau cho từng giới tính.

Cân nặng, chiều dài và vòng đầu theo tuổi thai của trẻ giới tính nam

Thời kì thai nghén

Cân nặng

Chiều dài

Chu vi đầu

40 tuần

7 lbs., 15 oz.
(3,6 kg)

20 inch (51 cm)

13,8 inch (35 cm)

35 tuần

5 lbs., 8 oz.
(2,5 kg)

18,1 inch (46 cm)

12,6 inch (32 cm)

32 tuần

3 lbs., 15,5 oz.
(1,8 kg)

16,5 inch (42 cm)

11,6 inch (29,5 cm)

28 tuần

2 lbs., 6,8 oz.
(1,1 kg)

14,4 inch (36,5 cm)

10,2 inch (26 cm)

24 tuần

1 lb., 6,9 oz.
(0,65 kg)

12,2 inch (31 cm)

8,7 inch (22 cm)

 

Cân nặng, chiều dài và vòng đầu theo tuổi thai của trẻ giới tính nữ

Thời kì thai nghén

Cân nặng

Chiều dài

Chu vi đầu

40 tuần

7 lbs., 7,9 oz.
(3,4 kg)

20 inch (51 cm)

13,8 inch (35 cm)

35 tuần

5 lbs., 4,7 oz.
(2,4 kg)

17,7 inch (45 cm)

12,4 inch (31,5 cm)

32 tuần

3 lbs., 12 oz.
(1,7 kg)

16,5 inch (42 cm)

11,4 inch (29 cm)

28 tuần

2 lbs., 3,3 oz.
(1,0 kg)

14,1 inch (36 cm)

9,8 inch (25 cm)

24 tuần

1 lb., 5,2 oz.
(0,60 kg)

12,6 inch (32 cm)

8,3 inch (21 cm)

Chăm sóc đặc biệt

Trẻ sinh non sẽ cần thời gian nằm viện ở khoa sản lâu hơn. Tùy thuộc vào mức độ cần được chăm sóc, bé có thể được đưa vào khu vực chăm sóc trung gian hoặc khu vực chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh (NICU). Trẻ sinh non cần được hỗ trợ về bú và thích nghi với môi trường bên ngoài ngay sau khi sinh. 

Yếu tố nguy cơ

Thường thì nguyên nhân cụ thể của sinh non là không rõ ràng. Tuy nhiên, một số yếu tố gia tăng nguy cơ sinh non có thể kể đến như:

  • Đã từng sinh non trước đó

  • Mang thai sinh đôi, sinh ba hoặc hơn

  • Khoảng cách giữa các lần mang thai dưới 6 tháng

  • Thụ thai bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm

  • Thai phụ gặp các vấn đề về tử cung, cổ tử cung hoặc nhau thai

  • Hút thuốc lá hoặc sử dụng ma túy bất hợp pháp

  • Một số bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trùng nước ối và đường sinh dục 

  • Mắc một số bệnh mãn tính, chẳng hạn như huyết áp cao và tiểu đường

  • Thiếu cân hoặc thừa cân trước khi mang thai

  • Gặp căng thẳng trong cuộc sống, ví dụ như mất người thân hoặc bạo lực gia đình

  • Sẩy thai hoặc phá thai nhiều lần

  • Gặp phải chấn thương trên cơ thể hoặc tổn thương về tinh thần

Dù chưa rõ lí do nhưng phụ nữ da đen có tỉ lệ sinh non cao hơn phụ nữ ở các chủng tộc khác. Mặc dù vậy, sinh non có thể xảy ra với bất kì ai. Trên thực tế, nhiều phụ nữ sinh non mà không mắc bất kì yếu tố nguy cơ nào đã được biết đến.

Biến chứng

Không phải trẻ sinh non nào cũng gặp phải các biến chứng, nhưng việc trẻ được sinh ra sớm hơn dự kiến có thể gây ra các vấn đề sức khỏe trong ngắn hạn và dài hạn. Thông thường, thời điểm trẻ sinh ra càng sớm thì nguy cơ mắc biến chứng càng cao. Cân nặng khi sinh ra cũng đóng một vai trò quan trọng.

Những biến chứng có thể xuất hiện ngay sau khi sinh ra, tuy nhiên một số khác lại chỉ được phát hiện sau này.

Biến chứng ngắn hạn

Trong những tuần đầu tiên, các biến chứng của sinh non có thể bao gồm:

  • Các vấn đề về hô hấp. Trẻ sinh non có thể bị khó thở do hệ hô hấp còn yếu. Nếu phổi của trẻ thiếu chất hoạt diện - chất cho phép phổi nở ra - trẻ có thể mắc hội chứng suy hô hấp vì phổi không thể giãn nở và co bóp một cách bình thường.

Trẻ sinh non cũng có thể mắc một chứng rối loạn ở phổi được gọi là loạn sản phế quản phổi. Ngoài ra, một số trẻ sinh non có thể bị ngừng thở kéo dài.

  • Các vấn đề về tim mạch. Các vấn đề về tim phổ biến nhất mà trẻ sinh non gặp phải là khuyết tật còn ống động mạch (PDA) và huyết áp thấp. PDA là tình trạng ống thông giữa động mạch chủ và động mạch phổi không tự đóng lại sau khi trẻ sinh ra. Nếu không được điều trị, nó có thể dẫn hiện tượng ở tim có tiếng thổi, suy tim cũng như các biến chứng khác. Để điều trị huyết áp thấp có thể cần điều chỉnh dịch truyền tĩnh mạch, sử dụng thuốc và đôi khi cần truyền máu.

  • Các vấn đề về não. Trẻ được sinh ra càng sớm, nguy cơ xuất huyết não càng cao. Hầu hết các trường hợp xuất huyết đều nhẹ và tự khỏi và ít ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ trong ngắn hạn. Tuy nhiên tình trạng xuất huyết não trầm trọng vẫn xảy ra ở một số trường hợp, gây ra tổn thương não bộ vĩnh viễn.

  • Các vấn đề về kiểm soát thân nhiệt. Trẻ sinh non có thể bị giảm thân nhiệt nhanh chóng. Chúng không có đủ lượng mỡ dự trữ trong cơ thể so với trẻ sinh đủ tháng, do đó lượng nhiệt mất đi qua bề mặt da là nhiều hơn so với những gì cơ thể trẻ có thể bù đắp được. Nếu thân nhiệt giảm xuống quá thấp sẽ dẫn đến tình trạng hạ thân nhiệt gây nguy hiểm.

Hạ thân nhiệt ở trẻ sinh non có thể dẫn đến các vấn đề về hô hấp và hạ đường huyết. Thêm vào đó, hầu hết năng lượng thu được từ bú sữa mẹ của trẻ được dùng để làm ấm cơ thể. Đó là lý do tại sao trẻ sinh non cần thêm nhiệt từ máy sưởi hoặc lồng ấp cho đến khi chúng lớn hơn và có thể tự duy trì nhiệt độ cơ thể mà không cần các thiết bị hỗ trợ.

  • Các vấn đề về dạ dày-ruột. Trẻ sinh non thường có hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện, dẫn đến các biến chứng như viêm ruột hoại tử (NEC), có thể xảy ra ở trẻ sinh non sau khi chúng bắt đầu bú. 

  • Các vấn đề về máu. Trẻ sinh non có nguy cơ mắc các vấn đề về máu như thiếu máu và vàng da. 

Vàng da ở trẻ sơ sinh là hiện tượng da và mắt của em bé chuyển màu vàng do dư thừa lượng bilirubin trong máu, chất này có màu vàng, xuất hiện trong gan hoặc các tế bào hồng cầu. 

  • Các vấn đề về trao đổi chất. Trẻ sinh non thường gặp vấn đề với quá trình trao đổi chất. Nhiều trẻ sinh non bị hạ đường huyết do lượng đường dự trữ ít hơn so với trẻ đủ tháng. Ngoài ra quá trình chuyển đổi từ glucose dự trữ sang glucose cần thiết cho các hoạt động của cơ thể ở trẻ sinh non cũng khó khăn hơn.

  • Các vấn đề về hệ miễn dịch. Hệ miễn dịch kém phát triển là vấn đề thường gặp ở trẻ sinh non, khiến trẻ dễ bị nhiễm trùng hơn. 

Biến chứng lâu dài

Về lâu dài, sinh non có thể dẫn đến các biến chứng sau:

  • Bại não. Bại não là tình trạng rối loạn về vận động, trương lực cơ hoặc tư thế gây ra bởi các tổn thương về não bộ. Các tổn thương này có thể là hậu quả của việc thiếu máu hoặc nhiễm trùng khi trẻ còn trong bụng mẹ, sơ sinh hoặc khi trẻ chưa trưởng thành.

  • Học hành yếu kém. Trẻ sinh non có nhiều khả năng bị tụt hậu so với trẻ sinh đủ tháng.

  • Các vấn đề về thị lực. Trẻ sinh non có thể mắc bệnh về võng mạc.

  • Các vấn đề về thính giác. Trẻ sinh non có nhiều nguy cơ bị suy yếu thính giác ở một mức độ nào đó. Tất cả các em bé sẽ được kiểm tra thính lực trước khi xuất viện.

  • Vấn đề về răng. Trẻ sinh non ốm yếu có nhiều nguy cơ mắc các vấn đề về răng miệng, chẳng hạn như chậm mọc răng, đổi màu răng và răng mọc lệch.

  • Các vấn đề về hành vi và tâm lý. Trẻ sinh non có nhiều khả năng mắc các vấn đề về hành vi hoặc tâm lý, đồng thời phát triển chậm hơn so với trẻ đủ tháng.

  • Các vấn đề sức khỏe mãn tính. Trẻ sinh non có nhiều khả năng mắc các bệnh mãn tính, bao gồm nhiễm trùng, hen suyễn và các vấn đề về ăn uống. Trẻ sinh non cũng có nhiều nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).

Phòng ngừa

Một số phương pháp phòng ngừa sinh non bao gồm:

  • Bổ sung progesterone. Những phụ nữ có tiền sử sinh non, cổ tử cung ngắn hoặc gặp phải cả hai yếu tố này có thể giảm nguy cơ sinh non bằng cách bổ sung progesterone.

  • Khâu cổ tử cung. Đây là biện pháp được thực hiện ở những thai phụ có có cổ tử cung ngắn mà đang mang thai, hoặc có tiền sử cổ tử cung ngắn dẫn đến sinh non.

Cổ tử cung sẽ được dùng chỉ khâu chặt. Các vết khâu được tháo ra khi đến thời điểm sinh em bé. Hãy hỏi bác sĩ liệu bạn có cần tránh hoạt động mạnh trong thời gian còn lại của thai kỳ hay không.

Chẩn đoán

Trẻ sinh non có thể được thực hiện một số xét nghiệm sau khi được đưa đến khu vực chăm sóc tích cực của trẻ sơ sinh (NICU). 

Các biện pháp theo dõi và xét nghiệm có thể được thực hiện bao gồm:

  • Đo nhịp thở và nhịp tim. Nhịp thở và nhịp tim của bé được theo dõi liên tục. Đo huyết áp cũng được thực hiện thường xuyên.

  • Lượng nước vào và ra. Các nhân viên trong NICU sẽ theo dõi cẩn thận lượng nước đầu vào từ bú sữa mẹ và dịch truyền tĩnh mạch cùng với lượng nước đầu ra trong tã.

  • Xét nghiệm máu. Dùng để theo dõi nồng độ canxi, glucose và bilirubin trong máu của trẻ. Ngoài ra việc phân tích mẫu máu còn giúp theo dõi số lượng hồng cầu cùng với các dấu hiệu của nhiễm trùng nếu có.

  • Siêu âm tim. Dùng để kiểm tra chức năng tim của bé. 

  • Siêu âm. Siêu âm có thể được thực hiện để kiểm tra não có bị xuất huyết hoặc tụ dịch hay không. Ngoài ra siêu âm còn được dùng để kiểm tra các cơ quan trong ổ bụng nhằm phát hiện các vấn đề về đường tiêu hóa, gan hoặc thận.

  • Kiểm tra mắt. Bác sĩ nhãn khoa sẽ khám mắt của trẻ để kịp thời phát hiện các vấn đề về võng mạc.

Điều trị

Chăm sóc chuyên sâu cho trẻ sinh non 

Đơn vị chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh (NICU) cung cấp dịch vụ chăm sóc cả ngày lẫn đêm cho trẻ sinh non.

Chăm sóc hỗ trợ

Chăm sóc hỗ trợ chuyên biệt cho em bé bao gồm:

  • Đặt trong lồng ấp. Trẻ sinh non được giữ ấm trong lồng kín để giúp duy trì thân nhiệt bình thường. A picture containing map

Description automatically generated

  • Theo dõi các dấu hiệu sinh tồn. Các cảm biến được đính vào cơ thể bé để theo dõi huyết áp, nhịp tim, nhịp thở và nhiệt độ. Bé cũng có thể cần sử dụng đến máy thở.

  • Sử dụng ống cho ăn. Ban đầu, trẻ có thể nhận được chất dinh dưỡng và nước thông qua dịch truyền tĩnh mạch (IV). Sữa mẹ có thể được đưa vào dạ dày bé bằng ống thông mũi – dạ dày. Trẻ có thể bú mẹ hoặc bú bình sau khi đã đủ cứng cáp.

  • Bổ sung nước. Bé cần một lượng nước nhất định mỗi ngày, tùy thuộc vào độ tuổi và tình trạng sức khỏe. Nhóm NICU sẽ theo dõi chặt chẽ lượng nước, nồng độ natri và kali để đảm bảo rằng trẻ được cung cấp đủ nước và các chất điện giải. Trẻ sẽ được truyền nước thông qua tĩnh mạch.

  • Đặt trẻ dưới đèn bilirubin. Để điều trị bệnh vàng da, trẻ sẽ được đặt dưới ánh đèn bilirubin trong một khoảng thời gian nhất định. Loại đèn này giúp phá vỡ lượng bilirubin dư thừa do gan không thể đào thải hết. Khi ở dưới ánh đèn bilirubin, em bé sẽ được đeo mặt nạ bảo vệ cho mắt.

  • Truyền máu. Trẻ sinh non có thể cần được truyền máu, đặc biệt là sau khi được lấy nhiều mẫu máu để thực hiện xét nghiệm.

Điều trị bằng thuốc

Em bé có thể được dùng các loại thuốc để thúc đẩy quá trình trưởng thành và kích thích phổi, tim và hệ tuần hoàn hoạt động bình thường. Tùy thuộc vào tình trạng của bé, các loại thuốc có thể được sử dụng bao gồm:

  • Chất hoạt diện phổi, đây là một loại thuốc được sử dụng để điều trị hội chứng suy hô hấp

  • Thuốc dạng sương (dạng xịt) hoặc thuốc tiêm tĩnh mạch để tăng nhịp thở và nhịp tim

  • Thuốc kháng sinh nếu bị nhiễm trùng hoặc có nguy cơ nhiễm trùng

  • Thuốc lợi tiểu để tăng cường đào thải các chất dư thừa 

  • Thuốc dùng để ngăn sự phát triển của các mạch máu được tiêm vào mắt để phòng ngừa bệnh võng mạc 

  • Thuốc chữa trị khuyết tật còn ống động mạch (PDA)

Phẫu thuật

Đôi khi trẻ sinh non cần được phẫu thuật để chữa trị các tình trạng liên quan đến sinh thiếu tháng.

Xuất viện cho trẻ

Em bé đã sẵn sàng về nhà khi:

  • Tự thở mà không cần đến các biện pháp hỗ trợ

  • Có thể tự duy trì nhiệt độ cơ thể ở mức ổn định

  • Có thể bú mẹ hoặc bú bình

  • Tăng cân đều đặn

  • Không bị nhiễm trùng

Trẻ có thể được phép xuất viện trước khi đáp ứng một trong những yêu cầu nêu trên, miễn là đội ngũ y tế và gia đình đã thống nhất về kế hoạch chăm sóc trẻ tại nhà.

 

 

 
Có thể bạn quan tâm?
BỆNH DO AMIP

BỆNH DO AMIP

administrator
HẸP EO ĐỘNG MẠCH CHỦ

HẸP EO ĐỘNG MẠCH CHỦ

administrator
HẸP VAN HAI LÁ

HẸP VAN HAI LÁ

administrator
BỆNH NÃO GAN

BỆNH NÃO GAN

administrator
ÁM ẢNH SỢ HÃI

ÁM ẢNH SỢ HÃI

administrator
U MÀNG NÃO

U MÀNG NÃO

administrator
HỘI CHỨNG TIẾT HORMONE KHÁNG BÀI NIỆU KHÔNG PHÙ HỢP

HỘI CHỨNG TIẾT HORMONE KHÁNG BÀI NIỆU KHÔNG PHÙ HỢP

administrator
NHIỄM NẤM CRYPTOCOCCUS

NHIỄM NẤM CRYPTOCOCCUS

administrator