Cấu tạo của âm hộ
Âm hộ làm bộ phận sinh dục của phụ nữ có cấu trúc bao gồm: gò mu, môi lớn, môi bé và tiền đình.
Gò mu
Gò mu là một mô nổi lên ở phía trước âm hộ. Gò mu nằm liền kề phía trên với thành bụng, liên tiếp phía dưới với môi lớn và hai bên với nếp lằn bẹn. Khi đến tuổi dậy thì, lông bao phủ và bắt đầu mọc ở phần mu. Vì vậy, vị trí này của cơ thể còn được gọi là “Ngọn đồi Vệ nữ”.
Các nếp gấp phía ngoài hay còn được gọi là môi lớn
Môi lớn là hai nếp da lớn giới hạn hai bên âm hộ, nó được kéo dài từ gò Vệ nữ xuống tới vị trí trước hậu môn. Với kích thước trung bình của môi lớn là khoảng 8 cm và rộng khoảng 2 cm. Là bộ phận được ngăn cách với da đùi bằng rãnh sinh dục đùi. Ở phía bên trong của môi lớn là bờ tự do giới hạn nên khe âm hộ.
Tại vị trí tiếp xúc của hai môi lớn ở phía trên tạo thành mép môi trước, có nhiều lông mu che phủ. Hai môi lớn tiếp xúc với nhau ở phía dưới tạo thành mép môi sau, cách hậu môn khoảng 3 cm.
Cùng với môi bé, môi lớn là một trong 2 thành phần tạo nên lớp môi âm hộ có chức năng che chắn bảo vệ toàn bộ cơ quan sinh dục phía bên trong của phụ nữ.
Các nếp gấp phía trong hay còn được gọi là môi bé
Môi bé bao gồm hai nếp niêm mạc nhỏ, có kích thước dài khoảng 5 cm và rộng 0,5 cm. Môi bé nằm phía bên trong môi lớn và ngăn cách với môi lớn bởi rãnh ngăn giữa hai môi. Đầu phía trên của môi bé được bọc lấy âm vật (mũ âm vật).Còn đầu phía dưới của môi bé nối liền với bên đối diện để tạo thành một nếp khác gọi là hãm môi âm hộ.
Môi bé có sự khác biệt đối với từng cá nhân về kích thước, màu sắc và hình dạng. Ở một số người có thể có môi bé nhô lên cao hơn so với môi lớn hoặc cấu tạo môi bé bên to bên nhỏ. Tuy nhiên những vấn đề này đều hoàn toàn bình thường và không hề ảnh hưởng tới sức khỏe.

Âm hộ là một bộ phận của cơ quan sinh dục với nhiều thành phần cấu tạo
Tiền đình
Tiền đình âm đạo là một phần lõm giới hạn hai bên bởi mặt trong môi bé, phía dưới là âm vật và nằm phía trên hãm môi âm đạo. Ở đáy tiền đình có lỗ ngoài niệu đạo, lỗ âm đạo, hành tiền đình và các lỗ tiết của các tuyến tiền đình lớn, bé.
Trong tiền đình có lỗ niệu đạo (cửa niệu đạo) có chức năng thoát nước tiểu từ bàng quang qua ống dẫn tiểu ra bên ngoài. Lỗ này nằm ngay trên cửa âm đạo và dưới âm vật tầm 2 cm.
Ở trinh nữ, lỗ dưới âm đạo được bọc bởi một nếp niêm mạch thủng ở giữa gọi là màng trinh. Màng trinh là một tấm màng mỏng nằm trong cửa âm đạo, cách cửa âm đạo từ 1 – 2 cm. Màng trinh không có tác dụng gì đặc biệt, nó chỉ mang ý nghĩa là phần dư sót lại trong thời kỳ thai nhi phát triển. Tuy nhiên, tùy theo cấu tạo cơ thể mỗi người mà một số người khi sinh ra đã không có cấu tạo bộ phận này.
Phân biệt âm đạo, âm vật, âm hộ
Đây đều là những cấu trúc của bộ phận sinh dục nữ. Tuy nhiên, một số người vẫn nhầm lẫn và chưa phân biệt được âm đạo, âm vật và âm hộ.
Âm đạo là bộ phận cơ quan có cấu trúc hình ống dài nối từ cửa mình bên ngoài vào tử cung ở phía bên trong, là bộ phận có tính đàn hồi rất cao. Âm đạo có thể co giãn rất nhiều lần so với kích thước bình thường. Chính vì vậy, âm đạo mang nhiệm vụ trong việc quan hệ tình dục, mang thai và sinh nở.
Âm hộ như đã đề cập là bộ phận cơ quan sinh dục bên ngoài. Bao gồm gò mu, môi lớn, môi bé và tiền đình. Âm hộ có mang vai trò bảo vệ những phần trong của cơ quan sinh dục cũng như tạo ra khoái cảm cho phụ nữ khi quan hệ tình dục.
Về âm vật ở phụ nữ tương đương với dương vật ở nam giới. Tuy nhiên, kích thước của âm vật thì nhỏ hơn rất nhiều. Âm vật là một tạng cương như dương vật nằm ngay ở đầu trước khe âm hộ dưới khớp mu. Nó gồm quy đầu âm vật và mui âm vật, kết cấu từ một khối mô cứng khoảng 1,5 cm. Do tập trung khoảng 8.000 đầu dây thần kinh nên âm vật là cơ quan nhạy cảm nhất trên cơ thể người phụ nữ.
Quá trình thay đổi của âm hộ qua các giai đoạn
Giai đoạn dậy thì
Trong thời kì dậy thì, các bộ phận cơ quan sinh dục bao gồm cả âm hộ sẽ thay đổi liên tục để đáp ứng với sự thay đổi estrogen và các nội tiết tố của cơ thể.
Trong đó, phần xương mu sẽ có nhiều lông và dày hơn, cùng với đó môi bé phát triển và mở rộng ra. Về mặt tổng thể, âm hộ có màu sắc tố thay đổi từ độ tuổi thiếu nữ đến trưởng thành. Sắc tố có thể thay đổi từ hồng nhạt đến nâu đỏ hoặc nâu sẫm, tùy vào cơ thể của mỗi người.
Giai đoạn mang thai
Ở giai đoạn này, nồng độ hormone estrogen và progesterone tăng lên rất cao trong thai kỳ. Lúc lưu lượng máu được gia tăng đến âm đạo nhiều hơn, khiến cho âm hộ có thể bị sưng, đau. Ngoài ra, ở thời kì này màu da tại âm hộ và lỗ âm đạo có thể bị sẫm đi. Sự thay đổi nội tiết tố gây ra sự mất cân bằng của hệ vi khuẩn và nấm men ở bộ phận này. Do đó, tỉ lệ nhiễm trùng âm hộ, âm đạo thường cao hơn ở phụ nữ mang thai.
Tuy nhiên, những sự thay đổi này sẽ quay trở lại bình thường sau khi sinh em bé.
Giai đoạn mãn kinh
Phụ nữ đến giai đoạn mãn kinh thường bị suy giảm nồng độ estrogen làm ảnh hưởng đến cơ quan sinh dục và đường tiết niệu. Theo thời gian, âm hộ, âm đạo có thể bị khô, teo, thiểu dưỡng chất và mất sự đàn hồi. Ở giai đoạn này, niêm mạc âm đạo cũng trở nên mỏng đi, khô hơn và dần mất đi sự đàn hồi. Estrogen giảm đi cũng khiến cho niêm mạc đường tiết niệu bị mỏng hơn.
Chức năng của âm hộ là gì?
Âm hộ có vai trò quan trọng trong chức năng sinh sản, sinh lý của phụ nữ. Có thể kể đến bao gồm:
-
Mang nhiệm vụ che chắn, bảo vệ hệ thống cơ quan sinh dục, sinh sản của phụ nữ.
-
Là vị trí nhạy cảm của người phụ nữ giúp tạo cảm giác khi quan hệ tình dục. Khi được kích thích, chức năng của âm hộ là tiết ra các tuyến nhờn, tuyến dịch âm đạo giúp hỗ trợ cho quá trình quan hệ tình dục thuận lợi hơn.
-
Các chất nhờn được tiết ra từ ở phía bên trong âm hộ giúp làm sạch vùng kín, ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập gây viêm nhiễm và bảo vệ âm đạo được sạch sẽ.
-
Bác sĩ phụ khoa có thể khám cơ quan sinh dục, đánh giá tình trạng sức khỏe phụ khoa, xác định cụ thể ngày rụng trứng của phụ nữ thông qua vị trí lỗ âm đạo.
Những vấn đề lưu ý khi chăm sóc âm hộ
Có rất nhiều bệnh lý liên quan đến âm hộ mà nhiều phụ nữ có thể mắc phải. Mặc dù những bệnh lý này có thể không nguy hiểm nhưng lại gây nhiều khó chịu, không thoải mái. Đồng thời, đây có thể là vấn đề nhạy cảm nên gây ra tâm lý mặc cảm. Nên ở một số người không tự tin cũng như thăm khám về tình trạng sức khỏe của mình.
Để hạn chế các bệnh lý liên quan về âm hộ, điều quan trọng nhất là áp dụng các biện pháp vệ sinh nhằm hạn chế khả năng nhiễm khuẩn tại vị trí này bao gồm:
-
Vệ sinh vùng kín sạch sẽ hằng ngày. Đảm bảo vùng kín luôn khô ráo, không ẩm ướt.
-
Sử dụng nước sạch vệ sinh vùng kín hằng ngày là đủ.
-
Tránh các động tác thụt rửa âm đạo sâu bên trong.
-
Cần lưu ý vệ sinh từ trên xuống, để tránh đẩy vi khuẩn thâm nhập ngược trở lại “vùng kín”.
-
Không nên sử dụng những sản phẩm dễ kích ứng cho âm hộ. Người sử dụng nên tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo những dung dịch vệ sinh phụ nữ là an toàn cho vùng kín.
-
Rửa sạch và lau khô âm hộ sau khi đi tiểu cũng như sau khi quan hệ tình dục để tránh những vấn đề viêm nhiễm cho vùng kín.
-
Nên dùng loại giấy vệ sinh trắng không mùi để tránh gây kích ứng cho vùng kín.
-
Quần lót không được quá chật, chất liệu không gây kích ứng. Nên sử dụng vải cotton để đảm bảo khô thoáng, thấm hút tốt. Tránh các chất tẩy rửa có mùi thơm, thuốc nhuộm, chất làm mềm vải và các sản phẩm chống bám khi giặt đồ lót để tránh kích ứng.
Ngoài ra, cần chú ý đến các yếu tố liên quan đến vấn đề tình dục như:
-
Hoạt động sống tình dục lành mạnh. Nên sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục để phòng tránh các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
-
Khám phụ khoa định kỳ
-
Nên tạo thói quen đi khám phụ khoa định kỳ. Khi khám phụ khoa định kỳ, bạn sẽ được tư vấn những cách chăm sóc vùng kín cũng như tầm soát những bệnh phụ khoa thường gặp.
Khi có những vấn đề bất thường ở vùng kín, bạn cần được bác sĩ phụ khoa thăm khám và điều trị. Tránh trường hợp tự điều trị có thể gây bệnh tình trầm trọng hơn.
Trên đây là tất cả những kiến thức liên quan đến âm hộ mà bạn có thể cần tham khảo. Hy vọng qua bài viết này có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe của bản thân và có những biện pháp bảo vệ sức khỏe.