daydreaming distracted girl in class

CẬN THỊ

 

Cận thị là gì?

Cận thị là nguyên nhân phổ biến nhất gây suy giảm thị lực ở những người dưới 40 tuổi. Trong những năm gần đây, tỷ lệ mắc bệnh này đang gia tăng ở mức báo động. Một nghiên cứu cho thấy, trên toàn cầu vào năm 2000 có khoảng 25% người bị cận thị nhưng đến năm 2050 dự đoán có khoảng một nửa số người trên hành tinh mắc cận thị.

Cận thị đang trở thành một đại dịch toàn cầu lây lan từ trẻ nhỏ tới người  lớn

Cận thị là tình trạng rất hay gặp phải hiện nay

Triệu chứng cận thị

Nếu bạn bị cận thị, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc quan sát các biển báo và nhìn các vật thể ở xa, nhưng sẽ có thể nhìn tốt các công việc cận cảnh như đọc sách hay sử dụng máy vi tính.

Các triệu chứng khác của cận thị bao gồm lác mắt, mỏi mắt và đau đầu. Cảm giác mệt mỏi khi lái xe hay khi chơi thể thao cũng là một biểu hiện khác của cận thị. 

Nếu vẫn gặp các triệu chứng này khi đeo kính cận hay kính áp tròng, bạn cần lên lịch khám mắt để kiểm tra lại.

Nguyên nhân gây cận thị

Cận thị xảy ra khi nhãn cầu quá dài so với khả năng hội tụ của giác mạc và thủy tinh thể. Điều này làm cho các tia sáng tập trung tại một điểm phía trước võng mạc, thay vì trên bề mặt của nó.

Cận thị cũng có thể do giác mạc hay thủy tinh thể quá cong so với chiều dài của nhãn cầu. Trong một số trường hợp, cận thị là kết hợp của 2 yếu tố này.

Cận thị thường xuất hiện khi bạn còn nhỏ và nguy cơ cao hơn khi cha mẹ của bạn bị cận thị. Trong đa số trường hợp, cận thị ổn định ở giai đoạn trưởng thành nhưng đôi khi lại tiến triển theo tuổi tác của bạn.

Không bị cận nhưng đeo kính cận ảnh hưởng thế nào đến mắt?

Cận thị ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống của bạn

Yếu tố nguy cơ

Một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng nguy cơ mắc cận thị, chẳng hạn như:

  • Do di truyền. Cận thị có xu hướng gia đình. Nếu cha hoặc mẹ của bạn bị cận thị, nguy cơ mắc tình trạng này ở bạn là cao hơn. Khi cả 2 người đều bị cận thị thì nguy cơ lại cao hơn.

  • Yếu tố môi trường. Một số nghiên cứu cho rằng việc ít hoạt động ngoài trời có thể làm tăng nguy cơ mắc phải cận thị.

Biến chứng

Cận thị có thể liên quan tới nhiều biến chứng từ nhẹ tới nặng chẳng hạn như:

  • Giảm chất lượng cuộc sống. Cận thị không điều trị có thể ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của bạn. Bạn không thể làm các công việc hàng ngày một các suôn sẻ. Tầm nhìn hạn chế tác động xấu tới các hoạt động hàng ngày của bạn.

  • Mỏi mắt. Cận thị không điều trị khiến bạn phải nheo mắt hay căng mắt để duy trì khả năng tập trung. Điều này có thể khiến bạn bị mỏi mắt kèm theo đau đầu.

  • Gây nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh. Cận thị có thể gây đe dọa tới sự an toàn của bạn và mọi người, nhất là khi bạn lái xe hay vận hành thiết bị.

  • Ảnh hưởng tài chính. Chi phí cắt kính, sửa kính, khám mắt sẽ tăng lên nhất là với tình trạng mãn tính như cận thị. Giảm thị lực cũng có thể ảnh hưởng tới thu nhập của bạn trong một số trường hợp.

  • Các vấn đề khác về mắt. Cận thị nặng làm bạn có nguy cơ cao hơn bị bong võng mạc, tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể hay bệnh lý ở điểm vàng – vùng trung tâm võng mạc. Các mô trong nhãn cầu bị kéo giãn lâu ngày sẽ mỏng đi gây chảy nước mắt, viêm nhiễm. Các mạch máu mới yếu và dễ chảy máu, có thể để lại sẹo.

Điều trị cận thị

Đối với trẻ em bị cận thị tiến triển, một số phương pháp giúp điều trị cận thị hiệu quả bao gồm thuốc nhỏ mắt atropine, kính cận, kính áp tròng hay kính Ortho-k. Phẫu thuật khúc xạ cũng rất hiệu quả trong điều trị cận thị.

Tùy thuộc vào mức độ cận thị của bạn mà có thể đeo kính mọi lúc hoặc chỉ khi bạn cần tầm nhìn xa rõ ràng như khi lái xe, nhìn bảng hay xem phim.

Lựa chọn tốt cho tròng kính của người cận thị bao gồm tròng kính chiết xuất cao (kính mỏng và nhẹ hơn) hay kính có phủ lớp chống chói. Bên cạnh đó, chọn một chiếc kính đổi màu khi tiếp xúc ánh nắng mặt trời (Photochromic) giúp bảo vệ mắt khỏi tia UV và ánh sáng xanh thay vì một chiếc kính râm.

Phẫu thuật khúc xạ

Phẫu thuật khúc xạ có thể giảm hoặc loại bỏ hoàn toàn nhu cầu phải đeo kính cận hay kính áp tròng. Phương pháp phổ biến nhất được sử dụng là Laser excimer.

Trong phương pháp phẫu thuật Photorefractive Keratectomy (PRK), người ta sử dụng tia laser để loại bỏ lớp mô giác mạc, làm phẳng giác mạc và cho phép các tia sáng hội tụ chính xác hơn trên võng mạc.

Trong phương pháp phẫu thuật Laser-Assisted in situ Keratomileusis (LASIK) – phương pháp phổ biến nhất, người ta sẽ đặt một vạt giác mạc, dùng tia laser để loại bỏ bớt nhu mô giác mạc và đưa vạt lại vị trí ban đầu.

Phương pháp chỉnh hình giác mạc orthokeratology, bạn cần đeo một chiếc kính áp tròng đặc biệt vào ban đêm để định hình lại giác mạc. Khi bạn tháo kính áp tròng ra vào buổi sáng, giác mạc của bạn giữ ở vị trí mới và giúp bạn nhìn rõ hơn vào ban ngày mà không cần đeo kính. Phương pháp này được chứng minh là có hiệu quả trong việc điều chỉnh tạm thời cận thị ở mức độ nhẹ đến trung bình.

Phương pháp phẫu thuật khúc xạ Phakic IOL được xem là một lựa chọn phẫu thuật khác cho những người bị cận thị cao độ hay có giác mạc mỏng hơn bình thường. Họ có thể có nguy cơ cao hơn mắc các biến chứng do LASIK hay các phương pháp khác. Phakic IOL như là một chiếc kính áp tròng, được phẫu thuật và đặt vào mắt thường trong vĩnh viễn. Phakic IOL không thay thế thủy tinh thể của mắt giống như trong phẫu thuật đục thủy tinh thể.

 

 

 
Có thể bạn quan tâm?
UNG THƯ LƯỠI

UNG THƯ LƯỠI

administrator
HỞ VAN ĐỘNG MẠCH CHỦ

HỞ VAN ĐỘNG MẠCH CHỦ

administrator
HỘI CHỨNG PRADER-WILLI

HỘI CHỨNG PRADER-WILLI

administrator
HỘI CHỨNG THẬN HƯ

HỘI CHỨNG THẬN HƯ

administrator
LOÉT MIỆNG

LOÉT MIỆNG

administrator
SỎI NIỆU QUẢN

SỎI NIỆU QUẢN

Sỏi niệu quản là tình trạng sỏi thận bị mắc kẹt ở một trong hai đường niệu quản từ thận nối xuống bàng quang.
administrator
LICHEN NITIDUS

LICHEN NITIDUS

administrator
THOÁI HÓA KHỚP GỐI

THOÁI HÓA KHỚP GỐI

administrator