CẤY GHÉP PHỔI

Cấy ghép phổi là một thủ thuật phẫu thuật dành riêng cho những người đã thử sử dụng thuốc hoặc các phương pháp điều trị khác, nhưng các bệnh lý đường hô hấp của họ không được cải thiện.

daydreaming distracted girl in class

CẤY GHÉP PHỔI

Tổng quan

Cấy ghép phổi là một thủ thuật phẫu thuật để thay thế một lá phổi bị bệnh hoặc bị tổn thương bằng một lá phổi khỏe mạnh, thường là từ một người hiến tặng đã qua đời. Ghép phổi dành riêng cho những người đã thử sử dụng thuốc hoặc các phương pháp điều trị khác, nhưng tình trạng của họ không được cải thiện.

Tùy thuộc vào tình trạng bệnh của bạn, việc cấy ghép phổi có thể bao gồm việc thay thế một trong hai lá phổi của bạn hoặc cả hai. Trong một số tình huống, phổi có thể được cấy ghép cùng với tim của người hiến tặng.

Mặc dù ghép phổi là một ca phẫu thuật lớn có thể gây ra nhiều biến chứng, nhưng nó có thể cải thiện đáng kể sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bạn.

Khi phải đối mặt với quyết định ghép phổi, cần biết những gì sẽ xảy ra đối với quá trình ghép phổi, bản thân cuộc phẫu thuật, những rủi ro tiềm ẩn cũng như việc chăm sóc theo dõi.

Tại sao cần thực hiện

Phổi không khỏe mạnh hoặc bị tổn thương có thể khiến cơ thể bạn khó nhận đủ lượng oxy cần thiết để duy trì sự sống. Nhiều loại bệnh và tình trạng có thể làm tổn thương phổi của bạn và khiến chúng không thể hoạt động hiệu quả. Một số nguyên nhân phổ biến bao gồm:

  • Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), bao gồm cả khí phế thũng

  • Sẹo phổi (xơ phổi)

  • Bệnh xơ nang

  • Huyết áp cao tại phổi (tăng áp động mạch phổi)

Tổn thương phổi thường có thể được điều trị bằng thuốc hoặc bằng các thiết bị thở đặc biệt. Nhưng khi các biện pháp này không còn hữu ích hoặc chức năng phổi của bạn trở nên nguy hiểm đến tính mạng, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có thể đề nghị ghép phổi đơn hoặc ghép phổi đôi.

Một số người bị bệnh động mạch vành có thể cần một thủ thuật để khôi phục lưu lượng máu đến động mạch bị tắc hoặc hẹp ở tim, bên cạnh việc cấy ghép phổi. Trong một số trường hợp, những người bị bệnh tim và phổi nghiêm trọng có thể cần ghép tim-phổi kết hợp.

Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến khả năng đủ điều kiện để ghép phổi của bạn

Ghép phổi không phải là phương pháp điều trị phù hợp cho tất cả mọi người. Một số yếu tố có thể khiến bạn không phải là một ứng cử viên tốt để cấy ghép phổi. Mỗi trường hợp sẽ được xem xét riêng lẻ bởi một trung tâm cấy ghép, ghép phổi có thể không phù hợp nếu bạn:

  • Mắc phải bệnh lý nhiễm trùng đang hoạt động

  • Có tiền sử bệnh ung thư cá nhân gần đây

  • Mắc các bệnh nghiêm trọng như bệnh thận, gan hoặc tim

  • Không sẵn sàng hoặc không thể thực hiện những thay đổi lối sống cần thiết để giữ cho lá phổi được hiến tặng của bạn khỏe mạnh, chẳng hạn như không uống rượu hoặc không hút thuốc

  • Không có mạng lưới gia đình và bạn bè để hỗ trợ

Rủi ro

Các biến chứng liên quan đến việc cấy ghép phổi có thể nghiêm trọng và đôi khi gây tử vong. Những rủi ro chính bao gồm đào thải và nhiễm trùng.

Nguy cơ bị đào thải

Hệ thống miễn dịch của bạn bảo vệ cơ thể của bạn chống lại các vật thể lạ. Ngay cả khi sự kết hợp là tốt nhất có thể giữa bạn và người hiến tặng, hệ thống miễn dịch của bạn sẽ cố gắng tấn công và đào phổi lá phổi mới của bạn. Nguy cơ bị đào thải cao nhất là ngay sau khi ghép phổi và giảm dần theo thời gian.

Chế độ thuốc của bạn sau khi cấy ghép bao gồm các loại thuốc ức chế hệ thống miễn dịch (thuốc ức chế miễn dịch) nahwfm nỗ lực ngăn chặn tình trạng đào thải nội tạng. Bạn cần dùng những loại thuốc chống thải ghép này trong suốt phần đời còn lại của mình.

Tác dụng phụ của thuốc chống thải ghép

Thuốc chống thải ghép có thể gây ra các tác dụng phụ đáng chú ý, bao gồm:

  • Tăng cân

  • Tóc mọc hoặc rụng không mong muốn

  • Cholesterol cao

  • Các vấn đề dạ dày

Một số loại thuốc chống thải ghép cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh mới hoặc làm trầm trọng thêm các tình trạng hiện có, chẳng hạn như:

  • Bệnh tiểu đường

  • Tổn thương thận

  • Loãng xương

  • Ung thư

  • Cao huyết áp (tăng huyết áp)

Nguy cơ nhiễm trùng

Thuốc chống thải ghép ức chế hệ thống miễn dịch của bạn, khiến cơ thể bạn dễ bị nhiễm trùng hơn, đặc biệt là ở phổi.

Để giúp ngăn ngừa nhiễm trùng, bác sĩ có thể khuyên bạn:

  • Rửa tay thường xuyên

  • Đánh răng thường xuyên

  • Tránh tiếp xúc với vật nuôi và vệ sinh khu vực vật nuôi

  • Bảo vệ da của bạn khỏi trầy xước và lở loét, chẳng hạn như dao cạo hoặc dũa móng tay

  • Tránh dùng chung vật dụng

  • Tránh tụ tập đám đông và tiếp xúc những người bị bệnh

  • Tiêm chủng thích hợp

Bạn cần chuẩn bị như thế nào

Việc chuẩn bị cho một ca ghép phổi thường bắt đầu từ rất lâu trước khi tiến hành phẫu thuật. Bạn có thể bắt đầu chuẩn bị cho việc cấy ghép phổi vài tuần, vài tháng hoặc vài năm trước khi bạn nhận được phổi của người hiến tặng, tùy thuộc vào thời gian chờ đợi để được cấy ghép.

Các bước đầu tiên

Nếu nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn khuyên nên cân nhắc ghép phổi, bạn có thể sẽ được giới thiệu đến một trung tâm cấy ghép để được đánh giá. Bạn cũng có thể tự do lựa chọn trung tâm cấy ghép của riêng mình. Khi đánh giá một trung tâm ghép phổi:

  • Kiểm tra với nhà cung cấp bảo hiểm sức khỏe của bạn để xem những trung tâm cấy ghép nào được chi trả theo chương trình bảo hiểm.

  • Xem xét số lượng ca cấy ghép phổi mà một trung tâm thực hiện mỗi năm và tỷ lệ sống sót của người nhận cấy ghép. 

  • Xem xét các dịch vụ bổ sung có thể được cung cấp bởi một trung tâm cấy ghép. Chúng có thể bao gồm các nhóm hỗ trợ, hỗ trợ sắp xếp việc đi lại và giúp tìm nhà ở tại địa phương trong thời gian phục hồi của bạn. Trung tâm cấy ghép cũng có thể cung cấp thông tin về các tổ chức có thể giúp giải quyết những lo lắng này.

Khi bạn quyết định chọn nơi bạn muốn cấy ghép phổi, bạn sẽ cần phải được đánh giá để xem liệu mình có đủ điều kiện để cấy ghép phổi hay không. Trong quá trình đánh giá, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và nhóm cấy ghép của bạn xem xét tiền sử y tế của bạn, tiến hành khám sức khỏe, yêu cầu nhiều xét nghiệm, đánh giá sức khỏe tinh thần và cảm xúc của bạn.

Nhóm cấy ghép cũng thảo luận với bạn về những lợi ích và rủi ro của việc cấy ghép cũng như những gì sẽ xảy ra trước, trong và sau khi cấy ghép.

Chờ một cơ quan được hiến tặng

Nếu nhóm cấy ghép xác định rằng bạn là ứng cử viên để ghép phổi, trung tâm cấy ghép sẽ đăng ký và ghi tên bạn vào danh sách chờ. Số người cần ghép phổi vượt xa số lượng phổi được hiến tặng hiện có. Thật không may, một số người tử vong trong khi chờ cấy ghép.

Trong khi ở trong danh sách chờ, nhóm chăm sóc sức khỏe sẽ theo dõi chặt chẽ tình trạng của bạn và thực hiện các thay đổi đối với phương pháp điều trị khi cần thiết. Nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn có thể đề nghị thay đổi lối sống lành mạnh, chẳng hạn như ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và tránh thuốc lá.

Các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có thể khuyên bạn nên tham gia vào một chương trình phục hồi chức năng phổi trong lúc chờ đợi một lá phổi của người hiến tặng. Phục hồi chức năng phổi có thể giúp bạn cải thiện sức khỏe và khả năng hoạt động trong cuộc sống hàng ngày trước và sau khi cấy ghép.

Khi có cơ quan hiến tặng, hệ thống sẽ đối sánh người nhận và người hiến tặng và tìm kiếm sự phù hợp dựa trên các tiêu chí cụ thể, bao gồm:

  • Nhóm máu

  • Kích thước của phổi so với khoang ngực

  • Khoảng cách địa lý giữa cơ quan hiến tặng và người nhận ghép tạng

  • Mức độ nghiêm trọng của bệnh phổi của người nhận

  • Sức khỏe tổng thể của người nhận

  • Khả năng ca cấy ghép sẽ thành công

Trước khi phẫu thuật cấy ghép

Có thể mất vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm trước khi có người hiến tặng phù hợp, nhưng bạn phải chuẩn bị hành động nhanh nhất có thể khi có. Đảm bảo rằng nhóm cấy ghép biết cách liên hệ với bạn mọi lúc.

Hãy chuẩn bị sẵn đồ đạc đã đóng gói - bao gồm cả các loại thuốc cần sử dụng trong 24 giờ - và sắp xếp việc di chuyển đến trung tâm cấy ghép trước. Bạn có thể cần đến bệnh viện chỉ trong vài giờ.

Khi đến bệnh viện, bạn sẽ trải qua các cuộc kiểm tra để đảm bảo rằng phổi còn phù hợp và bạn có đủ sức khỏe để phẫu thuật. Phổi của người hiến tặng cũng phải khỏe mạnh, nếu không sẽ bị nhóm cấy ghép từ chối. Việc cấy ghép sẽ bị hủy bỏ nếu có vẻ như cuộc phẫu thuật sẽ không thành công.

Quá trình thực hiện

Trong quá trình cấy ghép phổi 

Quá trình này sẽ được thực hiện cùng với gây mê toàn thân, vì vậy bạn sẽ không nhận biết được gì và sẽ không cảm thấy đau đớn. Bạn sẽ được đặt một ống dẫn qua miệng và vào khí quản để có thể thở.

Bác sĩ phẫu thuật của bạn sẽ thực hiện một vết cắt ở ngực của bạn để loại bỏ phổi bị tổn thương của bạn. Đường thở dẫn đến phổi đó và các mạch máu giữa phổi cũng như tim của bạn sẽ được kết nối với phổi của người hiến tặng. Đối với một số ca cấy ghép phổi, bạn có thể được kết nối với một máy bắc cầu tim-phổi, hỗ trợ quá trình lưu thông máu của bạn trong suốt quá trình thực hiện.

Sau khi cấy ghép phổi 

Ngay sau khi phẫu thuật, bạn sẽ dành vài ngày trong phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện (ICU). Máy thở cơ học sẽ giúp bạn hô hấp trong vài ngày, và các ống được đặt trong lồng ngực của bạn sẽ hút chất lỏng từ phổi và tim của bạn.

Một ống đặt ở tĩnh mạch sẽ cung cấp các loại thuốc mạnh để kiểm soát cơn đau và ngăn chặn sự đào thải lá phổi mới của bạn. Khi tình trạng của bạn được cải thiện, bạn sẽ không cần máy thở cơ học nữa và bạn sẽ được chuyển ra khỏi đơn vị ICU. Quá trình hồi phục thường bao gồm thời gian nằm viện từ 1 – 3 tuần. Khoảng thời gian bạn sẽ ở trong ICU và trong bệnh viện có thể khác nhau.

Sau khi xuất viện, bạn sẽ cần được nhóm ghép phổi theo dõi thường xuyên khoảng 3 tháng để ngăn ngừa, phát hiện và điều trị các biến chứng cũng như đánh giá chức năng phổi của bạn. Trong thời gian này, bạn thường phải ở gần trung tâm cấy ghép. Sau đó, những lần tái khám sẽ diễn ra ít hơn, bạn có thể đi chuyển xa hơn để tái khám.

Lần tái khám của bạn có thể bao gồm các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm, chụp X-quang ngực, điện tâm đồ (ECG), kiểm tra chức năng phổi, sinh thiết phổi và thăm khám với bác sĩ chuyên khoa.

Trong sinh thiết phổi, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn loại bỏ các mẫu mô phổi rất nhỏ để kiểm tra các dấu hiệu đào thải và nhiễm trùng. Xét nghiệm này có thể được tiến hành trong khi nội soi phế quản, khi đó bác sĩ sẽ đưa một ống nhỏ và mềm (ống soi phế quản) qua miệng hoặc mũi vào phổi. Đèn và một camera nhỏ gắn vào ống nội soi cho phép bác sĩ quan sát đường thở bên trong phổi. Nhà cung cấp dịch vụ cũng có thể sử dụng các công cụ đặc biệt để loại bỏ các mẫu mô phổi nhỏ để kiểm tra trong phòng thí nghiệm.

Nhóm cấy ghép sẽ theo dõi chặt chẽ và giúp bạn kiểm soát các tác dụng phụ của thuốc ức chế miễn dịch. Nhóm cấy ghép cũng có thể theo dõi và điều trị tình trạng nhiễm trùng. Nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn có thể kê đơn thuốc kháng sinh, kháng vi-rút hoặc kháng nấm để giúp ngăn ngừa nhiễm trùng. Nhóm cấy ghép cũng có thể hướng dẫn bạn về những cách để có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng tại nhà.

Bạn cũng sẽ được theo dõi bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng của tình trạng đào thải. Chúng có thể bao gồm:

  • Khó thở

  • Sốt

  • Ho khan

  • Tắc thở

Điều quan trọng là phải cho nhóm cấy ghép của bạn biết nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào của việc đào thải.

Nhìn chung, bạn sẽ cần thực hiện những sự điều chỉnh lâu dài sau khi cấy ghép phổi, bao gồm:

  • Sử dụng thuốc ức chế miễn dịch. Bạn sẽ cần phải dùng thuốc ức chế miễn dịch suốt đời để ức chế hệ thống miễn dịch của bạn và ngăn chặn việc đào thải phổi của người hiến tặng.

  • Quản lý thuốc, liệu pháp và kế hoạch chăm sóc suốt đời. Nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn có thể cung cấp cho bạn các hướng dẫn để làm theo sau khi cấy ghép. Điều quan trọng là phải uống tất cả các loại thuốc của bạn theo hướng dẫn của bác sĩ. Việc kiểm tra chức năng phổi tại nhà theo chỉ dẫn của bác sĩ cũng rất quan trọng. Tham dự các cuộc hẹn tái khám và tuân theo kế hoạch chăm sóc suốt đời.

    Bạn nên thiết lập thói quen uống thuốc hàng ngày để không bị quên. Luôn mang theo danh sách tất cả các loại thuốc của bạn trong trường hợp bạn cần chăm sóc y tế khẩn cấp. Cho tất cả các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe biết những gì bạn dùng mỗi khi được kê một loại thuốc mới.

  • Sống một lối sống lành mạnh. Sống một lối sống lành mạnh là chìa khóa để giữ cho lá phổi mới của bạn khỏe mạnh. Nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn có thể khuyên bạn không sử dụng các sản phẩm từ thuốc lá và hạn chế sử dụng rượu. Tuân theo một chế độ ăn uống bổ dưỡng cũng có thể giúp bạn khỏe mạnh.

    Tập thể dục là một phần cực kỳ quan trọng của quá trình phục hồi chức năng sau khi ghép phổi và sẽ bắt đầu trong vòng vài ngày sau khi phẫu thuật. Nhóm chăm sóc sức khỏe làm việc với bạn để thiết kế một chương trình tập thể dục phù hợp với cơ thể. Bác sĩ của bạn có thể đề nghị phục hồi chức năng phổi - một chương trình tập thể dục và giáo dục có thể giúp cải thiện nhịp thở và hoạt động hàng ngày của bạn - sau khi cấy ghép.

  • Hỗ trợ tinh thần. Các liệu pháp y tế mới và sự căng thẳng khi phải ghép phổi có thể khiến bạn cảm thấy quá tải. Nhiều người đã được ghép phổi cảm thấy như vậy.

Nói chuyện với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn nếu bạn cảm thấy căng thẳng hoặc quá tải. Các trung tâm cấy ghép thường có các nhóm hỗ trợ và các nguồn lực khác để giúp bạn kiểm soát tình trạng của mình.

Kết quả

Ghép phổi có thể cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của bạn. Năm đầu tiên sau khi cấy ghép - khi các biến chứng phẫu thuật, đào thải và nhiễm trùng là những mối đe dọa lớn nhất - là giai đoạn quan trọng nhất.

Mặc dù một số người đã sống được 10 năm hoặc hơn sau khi ghép phổi, nhưng chỉ khoảng một nửa số người trải qua quy trình này vẫn còn sống sau 5 năm.

Đối phó và Hỗ trợ

Thông thường, bạn cảm thấy lo lắng hoặc choáng ngợp trong khi chờ đợi cấy ghép hoặc lo sợ về việc bị đào thải, tái phát hoặc các vấn đề khác sau khi cấy ghép. Tìm kiếm sự hỗ trợ của bạn bè và các thành viên trong gia đình có thể giúp bạn đối phó với khoảng thời gian căng thẳng này.

Nhóm cấy ghép của bạn cũng có thể hỗ trợ với các nguồn khác cũng như các chiến lược đối phó trong suốt quá trình cấy ghép, chẳng hạn như:

  • Tham gia nhóm hỗ trợ người cấy ghép. Trò chuyện với những người chia sẻ kinh nghiệm có thể xoa dịu nỗi sợ hãi và lo lắng.

  • Cần điều trị bổ sung. Nếu bạn bị trầm cảm, hãy nói chuyện với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn. Bác sĩ có thể giới thiệu thuốc hoặc gặp một nhà cung cấp dịch vụ sức khỏe tâm thần.

  • Các dịch vụ phục hồi chức năng. Nếu bạn trở lại làm việc, nhân viên xã hội có thể kết nối bạn với các dịch vụ phục hồi chức năng được cung cấp bởi các cơ qua tại nơi bạn ở.

  • Đặt mục tiêu và kỳ vọng thực tế. Biết được rằng cuộc sống sau khi cấy ghép có thể không giống hoàn toàn với cuộc sống trước khi cấy ghép. Có những kỳ vọng thực tế về kết quả và thời gian phục hồi có thể giúp bạn giảm căng thẳng.

  • Giáo dục bản thân. Đọc càng nhiều càng tốt về thủ thuật của bạn và đặt câu hỏi về những điều bạn không hiểu. Kiến thức là sức mạnh.

Thuốc ức chế miễn dịch

Sau khi cấy ghép phổi, bạn sẽ cần dùng thuốc ức chế miễn dịch suốt đời để ngăn chặn sự đào thải. Những loại thuốc này có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng và chúng có thể khiến bạn dễ bị nhiễm trùng hơn.

Bạn có thể dùng kết hợp nhiều loại thuốc để ngăn ngừa sự đào thải, sự kết hợp và liều lượng thuốc có thể thay đổi theo thời gian. Nhóm điều trị có thể giải thích các loại thuốc của bạn và các tác dụng phụ tiềm ẩn. Các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng có thể giúp bạn quản lý các loại thuốc ức chế miễn dịch, dựa trên các tác dụng phụ mà bạn mắc phải và bất kỳ dấu hiệu nào của sự đào thải.

Một số lựa chọn thuốc ức chế miễn dịch phổ biến bao gồm:

  • Glucocorticoid. Nhiều người cấy ghép dùng corticosteroid (prednisone, các loại khác) để ngăn ngừa đào thải. Tuy nhiên, corticosteroid có thể gây tăng cân, cao huyết áp và loãng xương. Chúng cũng có thể gây ra bệnh tiểu đường, cholesterol cao, và các tác dụng phụ cũng như biến chứng khác.

    Tại một số thời điểm, có thể giảm hoặc ngừng dùng corticosteroid sau khi ghép phổi, điều này có thể làm giảm các tác dụng phụ và biến chứng của bạn. Bạn sẽ vẫn cần dùng các loại thuốc ức chế miễn dịch khác.

  • Kháng thể đơn dòng. Basiliximab (Simulect) là thuốc ức chế miễn dịch có thể được dùng trong vài ngày đầu sau phẫu thuật để ngăn ngừa sự đào thải.

  • Các chất ngăn chặn nucleotide. Các lựa chọn ức chế miễn dịch khác có thể được sử dụng cho những người được cấy ghép phổi bao gồm mycophenolate mofetil (CellCept) và azathioprine (Azasan, Imuran).

  • Thuốc ức chế calcineurin. Các loại thuốc ức chế miễn dịch này bao gồm tacrolimus (Astagraf XL, Envarsus XR, Prograf) và cyclosporine (Gengraf, Neoral, Sandimmune). Chúng thường là một phần của liệu pháp ức chế miễn dịch, nhưng có thể gây ra các tác dụng phụ đáng kể.

  • Thuốc ức chế mTOR. Các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe đôi khi có thể kê đơn thuốc sirolimus (Rapamune) hoặc everolimus (Zortress) khoảng ba tháng sau khi cấy ghép phổi. Những loại thuốc này có thể được xem xét cho những người không thể dung nạp mycophenolate mofetil và azathioprine. Những loại thuốc này sẽ chỉ được sử dụng sau khi đường thở đã được hồi phục hoàn toàn sau khi cấy ghép.

    Các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng có thể kê đơn sirolimus hoặc everolimus cho những người gặp vấn đề về thận do chất ức chế calcineurin. Trong một số trường hợp, những người có vấn đề về thận sau khi cấy ghép có thể giảm hoặc ngừng dùng chất ức chế calcineurin nếu họ đang dùng sirolimus hoặc everolimus. Điều này có thể cải thiện các vấn đề về thận của họ.

Các nghiên cứu vẫn tiếp tục được thực hiện để đánh giá khả năng sử dụng các chất ức chế miễn dịch khác đối với những người được cấy ghép phổi.

Chế độ ăn uống và dinh dưỡng

Sau khi cấy ghép phổi, bạn có thể cần phải điều chỉnh chế độ ăn uống của mình để giữ gìn sức khỏe. Duy trì cân nặng hợp lý thông qua chế độ ăn uống và tập thể dục có thể giúp bạn tránh được các biến chứng như huyết áp cao, bệnh tim và tiểu đường.

Nhóm cấy ghép của bạn bao gồm một chuyên gia dinh dưỡng, người có thể thảo luận về nhu cầu dinh dưỡng và chế độ ăn uống của bạn cũng như trả lời bất kỳ câu hỏi nào bạn có thể có sau khi cấy ghép. Chuyên gia dinh dưỡng của bạn sẽ cho bạn biết nếu bất kỳ loại thực phẩm nào có thể ảnh hưởng đến thuốc và có thể giải thích cách chế biến thực phẩm an toàn để giảm nguy cơ nhiễm trùng từ thực phẩm.

Tập thể dục

Sau khi cấy ghép phổi, nhóm chăm sóc của bạn có thể khuyên bạn nên tập thể dục và hoạt động thể chất và biến nó trở thành một phần thường xuyên trong cuộc sống của bạn.

Tập thể dục thường xuyên giúp bạn kiểm soát huyết áp, kiểm soát căng thẳng, duy trì cân nặng hợp lý, giúp xương chắc khỏe và tăng cường chức năng thể chất. Khi bạn trở nên khỏe mạnh hơn, cơ thể bạn có thể sử dụng oxy hiệu quả hơn.

Nhóm điều trị của bạn sẽ tạo ra một chương trình tập thể dục để đáp ứng nhu cầu của bạn. Bạn có thể sẽ tham gia vào quá trình phục hồi chức năng phổi - một chương trình tập thể dục và giáo dục có thể giúp cải thiện nhịp thở và hoạt động hàng ngày. Nhóm của bạn có thể cung cấp dịch vụ đào tạo và giáo dục trong nhiều lĩnh vực, bao gồm các chiến lược tập thể dục, dinh dưỡng và hít thở.

Chương trình tập thể dục của bạn có thể bao gồm các bài tập khởi động, chẳng hạn như kéo căng hoặc đi bộ chậm. Nhóm điều trị của bạn có thể đề xuất các hoạt động thể chất như đi bộ, đi xe đạp hoặc rèn luyện sức mạnh như một phần của chương trình tập thể dục của bạn. Các chuyên gia trong nhóm điều trị có thể sẽ khuyên bạn nên thả lỏng cơ sau khi tập thể dục, có thể bằng cách đi bộ chậm. Thảo luận với nhóm điều trị của bạn về những hoạt động có thể phù hợp với bạn.

Hãy nghỉ tập thể dục nếu bạn cảm thấy mệt mỏi. Nếu bạn cảm thấy các triệu chứng như khó thở hoặc chóng mặt, hãy ngừng tập thể dục. Nếu các triệu chứng của bạn không biến mất, hãy liên hệ với bác sĩ.

 

 
Có thể bạn quan tâm?
XÉT NGHIỆM CA 125

XÉT NGHIỆM CA 125

Xét nghiệm CA 125 đo nồng độ protein CA 125 trong máu để theo dõi một số bệnh ung thư trong và sau quá trình điều trị. Sau đây hãy cùng tìm hiểu về xét nghiệm CA 125 nhé.
administrator
XÉT NGHIỆM CHOLESTEROL

XÉT NGHIỆM CHOLESTEROL

Xét nghiệm cholesterol có thể giúp xác định nguy cơ tích tụ chất béo (mảng xơ vữa) trong động mạch có thể dẫn đến thu hẹp hoặc tắc nghẽn động mạch dẫn máu khắp cơ thể (xơ vữa động mạch). Sau đây hãy cùng tìm hiểu về xét nghiệm cholesterol nhé.
administrator
PHẪU THUẬT TIM XÂM LẤN TỐI THIỂU

PHẪU THUẬT TIM XÂM LẤN TỐI THIỂU

Phẫu thuật tim xâm lấn tối thiểu được thực hiện để điều trị nhiều loại bệnh lý tim mạch khác nhau, có nhiều ưu điểm vượt trội so với phẫu thuật tim hở. Sau đây hãy cùng tìm hiểu về phẫu thuật tim xâm lán tối thiểu nhé.
administrator
HOLTER ĐIỆN TÂM ĐỒ

HOLTER ĐIỆN TÂM ĐỒ

Holter là một thiết bị nhỏ được đeo trên cơ thể để ghi lại nhịp tim, từ đó giúp phát hiện hoặc xác định nguy cơ của tình trạng nhịp tim không đều. Sau đây hãy cùng tìm hiểu về thiết bị Holter điện tâm đồ nhé.
administrator
LIỆU PHÁP GEN

LIỆU PHÁP GEN

Liệu pháp gen là một thủ thuật nhằm thay đổi các gen bên trong tế bào của cơ thể bạn nhằm điều trị hay ngăn chặn các bệnh lý. Sau đây hãy cùng tìm hiểu về liệu pháp gen nhé.
administrator
QUẢN LÝ CĂNG THẲNG

QUẢN LÝ CĂNG THẲNG

Căng thẳng là một phản ứng tự động của cơ thể về thể chất, tinh thần và cảm xúc đối với một sự kiện khó khăn. Quản lý căng thẳng có thể giúp bạn có một cuộc sống cân bằng và lành mạnh hơn.
administrator
PHẪU THUẬT BẰNG ROBOT

PHẪU THUẬT BẰNG ROBOT

Phẫu thuật bằng robot là thủ thuật được thực hiện với độ chính xác, tính linh hoạt và sự kiểm soát cao hơn so với các kỹ thuật thông thường. Sau đây hãy cùng tìm hiểu về thủ thuật phẫu thuật bằng robot nhé.
administrator
LIỆU PHÁP TÁI ĐỒNG BỘ TIM

LIỆU PHÁP TÁI ĐỒNG BỘ TIM

Liệu pháp tái đồng bộ tim là một thủ thuật cấy ghép một thiết bị vào lồng ngực để làm cho buồng tim co bóp một cách có tổ chức và hiệu quả hơn. Sau đây hãy cùng tìm hiểu về liệu pháp tái đồng bộ tim nhé.
administrator