Bạn có hơn 600 cơ bắp trên cơ thể. Một số cơ giúp chúng ta di chuyển, nâng đồ vật hoặc ngồi yên. Một số nhóm cơ khác giúp chúng ta tiêu hóa thức ăn, thở hoặc nhìn. Tim là một cơ có chức năng bơm máu đi khắp cơ thể. Nhiều chấn thương và bệnh tật có thể ảnh hưởng đến cách hoạt động của các cơ. Để giữ cho cơ bắp của bạn chắc khỏe, hãy duy trì cân nặng hợp lý, có chế độ ăn uống phù hợp và tập thể dục thường xuyên.

daydreaming distracted girl in class

CƠ BẮP

TỔNG QUÁT

Cơ bắp là gì?

Cơ bắp là các mô mềm. Nhiều sợi co giãn góp phần tạo nên cơ bắp của bạn. Bạn có hơn 600 cơ trong cơ thể. Các loại cơ khác nhau thực hiện những công việc khác nhau. Một số cơ giúp chúng ta chạy, nhảy hoặc thực hiện các hành động tinh vi như luồn kim qua lỗ. Các cơ khác cho phép chúng ta thở hoặc tiêu hóa thức ăn. Trái tim của bạn là một cơ bắp làm việc chăm chỉ, đập hàng nghìn lần mỗi ngày.

Nhiều rối loạn, chấn thương và bệnh tật có thể ảnh hưởng đến cách hoạt động của cơ bắp. Những tình trạng này có thể gây đau cơ, co thắt cơ hoặc yếu cơ. Các rối loạn nặng hơn có thể dẫn đến tê liệt. Bệnh cơ tim và các loại bệnh tim khác khiến tim khó bơm máu đi khắp cơ thể.

Có một lối sống lành mạnh giúp cơ bắp của bạn hoạt động như bình thường. Bạn có thể giữ cho cơ bắp khỏe mạnh bằng cách duy trì cân nặng hợp lý, chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục nhiều. Hãy chắc chắn đến gặp bác sĩ của bạn thường xuyên để tầm soát các bệnh lý và tình trạng có thể dẫn đến các vấn đề về cơ.

Phân loại cơ bắp

Bạn có thể tự kiểm soát hoạt động của một số cơ với sự trợ giúp của hệ thần kinh (trung tâm chỉ huy của cơ thể). Bạn có thể khiến chúng di chuyển bằng cách nghĩ về việc thực hiện hành động đó.

Các cơ khác hoạt động một cách độc lập, có nghĩa là bạn không thể kiểm soát chúng. Những cơ bắp này thực hiện công việc một cách tự động. Để hoạt động, chúng nhận tín hiệu từ các hệ thống cơ thể khác, chẳng hạn như hệ tiêu hóa hoặc hệ tim mạch của bạn.

Có ba loại mô cơ trong cơ thể. Bao gồm:

  • Cơ xương: Là một phần của hệ thống cơ xương, các cơ này hoạt động cùng với xương, gân và dây chằng của bạn. Gân gắn cơ xương với xương trên khắp cơ thể của chúng ta. Hoạt động cùng nhau, chúng có chức năng hỗ trợ trọng lượng của cơ thể bạn và giúp chúng ta di chuyển. Bạn có thể kiểm soát hoạt động của các cơ tự động này. Một số sợi cơ có thể co lại nhanh chóng và phát ra những đợt năng lượng ngắn (cơ co giật nhanh). Một số nhóm cơ khác lại di chuyển chậm, chẳng hạn như cơ lưng của bạn giúp giữ vững tư thế.

  • Cơ timim: Những cơ này lót ở các thành tim. Chúng giúp tim của bạn bơm máu đi qua hệ thống tim mạch của cơ thể. Bạn không kiểm soát hoạt động của cơ tim. Trái tim của chúng ta là đơn vị chỉ huy các hoạt động của nhóm cơ này.

  • Cơ trơn: Những cơ này lót bên trong các cơ quan như bàng quang, dạ dày và ruột. Cơ trơn đóng một vai trò quan trọng trong nhiều hệ thống cơ thể, bao gồm hệ thống sinh sản nữ, hệ thống sinh sản nam, hệ thống tiết niệu và hệ thống hô hấp. Những loại cơ này hoạt động độc lập và bạn không cần phải suy nghĩ về chúng. Chúng thực hiện những công việc thiết yếu như vận chuyển chất thải qua ruột của bạn và giúp phổi của bạn nở ra khi chúng ta thở.

CHỨC NĂNG

Chức năng của cơ bắp là gì?

Cơ bắp đóng một vai trò trong hầu hết các hệ thống và chức năng của cơ thể. Các loại cơ khác nhau giúp:

  • Thở, nói và nuốt.

  • Tiêu hóa thức ăn và loại bỏ chất thải.

  • Di chuyển, ngồi yên và đứng thẳng.

  • Bơm máu qua tim và các mạch máu.

  • Đẩy em bé ra khỏi bào thai khi các cơ trong tử cung co và giãn.

  • Nhìn và nghe.

GIẢI PHẪU HỌC

Cơ bắp trông như thế nào?

Tất cả các loại mô cơ trông giống nhau. Nhưng có sự khác biệt nhỏ về ngoại hình của chúng:

  • Cơ xương: Nhiều sợi riêng lẻ tạo nên cơ xương. Actin và myosin là những protein tạo nên sợi cơ. Các bó sợi tạo thành hình trục (dài và thẳng với các đầu thuôn nhọn). Có một lớp màng bao quanh mỗi trục chính. Các bác sĩ mô tả các cơ xương là những trục có vân (sọc).

  • Cơ tim: Những cơ này này trông tương tự như cơ xương. Các tế bào đặc biệt được gọi là tế bào cơ tim tạo nên các sợi cơ. Tế bào cơ tim giúp tim của chúng ta đập.

  • Cơ trơn: Các protein actin và myosin cũng góp phần tạo nên các sợi cơ trơn. Trong cơ xương, các protein này kết hợp với nhau để tạo thành trục chính. Trong cơ trơn, các protein này xuất hiện ở dạng tấm. Các protein ở dạng tấm làm cho mô cơ này có vẻ ngoài mịn màng hơn.

Có rất nhiều loại kích cỡ cơ bắp trong cơ thể chúng ta. Cơ lớn nhất là cơ mông. Cơ nhỏ nhất là stapedius, nằm sâu bên trong tai của bạn. Cơ này giúp bạn nghe bằng cách kiểm soát độ rung và chuyển động của các xương nhỏ bên trong tai.

TÌNH TRẠNG VÀ RỐI LOẠN

Những tình trạng và rối loạn nào ảnh hưởng đến cơ?

Một loạt các rối loạn, bệnh tật, thuốc và chấn thương có thể gây ra các vấn đề về cách hoạt động của cơ. Chúng bao gồm:

  • Ung thư và các bệnh khác: Nhiều loại ung thư (như sarcoma) và các bệnh khác có thể dẫn đến các vấn đề về cơ. Chúng bao gồm các bệnh thần kinh cơ như xơ cứng teo cơ một bên (ALS), rối loạn tự miễn dịch như bệnh nhược cơ (MG), và nhiều loại bệnh lý về cơ khác. Một căn bệnh được gọi là viêm đa cơ gây ra tình trạng viêm bên trong cơ, dẫn đến yếu cơ.

  • Bệnh tim mạch: Một số loại bệnh tĩnh mạch và bệnh tim mạch, bao gồm cả bệnh mạch vành, có thể gây ra các vấn đề về tim và mạch máu. Một cơn đau tim có thể xảy ra khi các cơ trong mạch máu yếu đi.

  • Rối loạn đau mãn tính: Đau cơ xơ hóa và các rối loạn khác gây ra đau mãn tính ở các cơ trên toàn cơ thể.

  • Rối loạn di truyền: Loạn dưỡng cơ là một rối loạn di truyền qua các thế hệ gia đình. Có hơn 30 loại loạn dưỡng cơ. Rối loạn này gây ra tình trạng yếu cơ vĩnh viễn.

  • Nhiễm trùng: Nhiễm trùng do vi khuẩn và vi rút có thể làm hỏng các sợi cơ. Những bệnh nhiễm trùng này bao gồm bệnh Lyme, sốt rét và sốt đốm Rocky Mountain.

  • Chấn thương: Nhiều chấn thương khác nhau có thể khiến cơ bị rách hoặc kéo căng quá mức (căng cơ). Căng cơ là một chấn thương rất phổ biến. Tai nạn, chấn thương và sử dụng cơ quá mức có thể gây ra chuột rút hoặc co cứng cơ. Trong trường hợp nghiêm trọng, những chấn thương này có thể dẫn đến tê liệt.

  • Thuốc: Một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc hóa trị, có thể gây đau cơ. Đau cơ cũng có thể do dùng thuốc điều trị huyết áp cao. Một số người bị yếu cơ sau khi bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng với thuốc hoặc các chất độc hại.

Điều gì xảy ra với cơ bắp trong và sau khi tập luyện?

Nhiều người bị đau cơ sau khi tập luyện. Đau nhức là kết quả của những vết rách nhỏ (microtears) xảy ra khi bạn gây áp lực lên cơ. Thông thường, cơn đau nhức cơ sẽ xuất hiện sau 1 hoặc 2 ngày sau khi tập thể dục với cường độ mạnh mẽ. Đây là lý do tại sao các bác sĩ gọi tình trạng này là tình trạng đau nhức cơ khởi phát chậm (DOMS).

Khi các cơ tự phục hồi và các vết rách nhỏ lành lại, các mô cơ sẽ bị viêm. Trong vòng vài ngày, cơ bắp của bạn phục hồi và hết viêm. Khi tiếp tục tập luyện, các mô cơ sẽ bị rách và hồi phục lại nhiều lần. Quá trình này khiến cơ bắp to ra.

Các dấu hiệu hoặc triệu chứng phổ biến của các tình trạng ảnh hưởng đến cơ là gì?

Một số dấu hiệu phổ biến nhất của các vấn đề về cơ bao gồm:

  • Khó nuốt, thở gấp hoặc các vấn đề về hô hấp khác.

  • Vấn đề chuyển động và thăng bằng.

  • Đau cơ, chuột rút hoặc co giật.

  • Yếu cơ, mất khả năng vận động hoặc tê liệt.

  • Ngứa ran hoặc tê.

  • Các vấn đề về thị lực (chẳng hạn như nhìn đôi) hoặc mí mắt bị sụp.

Nhiều triệu chứng trong số này không nhất thiết đồng nghĩa là có điều gì đó không ổn. Đau hoặc yếu cơ thường thuyên giảm khi được nghỉ ngơi và uống đủ nước. Nếu bất kỳ triệu chứng nào trong số này xuất hiện đột ngột, hãy đến gặp bác sĩ của bạn ngay lập tức. Đau hoặc yếu cơ đột ngột có thể là dấu hiệu của tình trạng sức khỏe nghiêm trọng.

Một số xét nghiệm phổ biến để kiểm tra sức khỏe cơ bắp là gì?

Tùy thuộc vào các triệu chứng của bạn, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện:

  • Công thức máu toàn bộ (CBC), một loạt các xét nghiệm máu đánh giá sức khỏe tổng thể của bạn và kiểm tra tình trạng nhiễm trùng.

  • Điện cơ (EMG) để đo cách hoạt động của các dây thần kinh và cơ.

  • Các xét nghiệm hình ảnh như MRI cho thấy tình trạng tổn thương cơ.

  • Sinh thiết cơ để kiểm tra một mẫu mô cơ.

CHĂM SÓC

Làm thế nào tôi có thể giữ cho cơ của mình khỏe mạnh?

Để giữ cho cơ bắp khỏe mạnh, bạn nên tập trung vào việc giữ gìn sức khỏe tổng thể:

  • Vận động nhiều: Duy trì vận động có thể giữ cho tất cả các cơ của bạn khỏe mạnh, bao gồm cả tim. Cố gắng thực hiện kết hợp các bài tập thể dục và các bài tập với kháng lực. Nói chuyện với bác sĩ của bạn về một chương trình tập thể dục phù hợp với mình. Để tránh chấn thương, hãy đảm bảo khởi động đúng cách trước khi tập luyện. Bạn ít có khả năng bị thương các cơ đã được làm nóng lên.

  • Ăn uống đúng cách và lựa chọn thông minh: Hãy đảm bảo ăn một chế độ ăn uống cân bằng để giữ cho cơ bắp của bạn khỏe mạnh. Tránh natri và chất béo chuyển hóa (chẳng hạn như trong thực phẩm chiên), có thể dẫn đến bệnh tim mạch. Nếu bạn hút thuốc, hãy nói chuyện với bác sĩ về một kế hoạch giúp bạn bỏ thuốc lá.

  • Duy trì cân nặng hợp lý: Tăng thêm cân nặng có thể tăng nguy cơ mắc phải chấn thương. Nó cũng làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe, bao gồm cả huyết áp cao. Nói chuyện với bác sĩ về trọng lượng phù hợp nhất cho cơ thể và lối sống của bạn. Nếu bạn tăng cân, hãy hỏi bác sĩ về kế hoạch để kiểm soát cân nặng.

  • Nghỉ ngơi khi cần thiết: Cho cơ thời gian để hồi phục sau khi tập luyện. Bạn cũng nên nghỉ ngơi nếu cảm thấy đau nhức sau khi tập luyện nặng. Cho phép cơ bắp của bạn có thời gian để hồi phục và xây dựng lại có thể giúp bạn tránh bị thương.

  • Lên lịch khám sàng lọc thường xuyên: Gặp bác sĩ của bạn thường xuyên. Khám sàng lọc các bệnh lý có thể khiến bạn có nguy cơ mắc các vấn đề về cơ cao hơn. Luôn quan tâm đến sức khỏe của bạn cho phép bác sĩ phát hiện sớm các vấn đề. Đó cũng là khi các phương pháp điều trị tỏ ra hiệu quả hơn.

CÁC CÂU HỎI THƯỜNG GẶP

Khi nào tôi nên gọi cho bác sĩ khi có vấn đề về cơ?

Nếu bị yếu cơ hoặc đau cơ đột ngột, hãy gọi cho bác sĩ của bạn ngay lập tức. Nhận sự trợ giúp y tế khẩn cấp nếu bạn khó thở hoặc khó nuốt, hoặc bị thay đổi thị lực, đau ngực hoặc các vấn đề về thăng bằng. Đây có thể là dấu hiệu của tình trạng sức khỏe nghiêm trọng.

LƯU Ý

Cơ bắp của chúng ta đóng một vai trò thiết yếu trong việc tồn tại và phát triển. Một số cơ giúp bạn nhìn, nghe và cử động. Một số nhóm cơ khác chịu trách nhiệm giúp chúng ta thở hoặc tiêu hóa thức ăn. Mỗi người đều bị mất một khối lượng cơ theo tuổi tác. Để giữ cho cơ hoạt động bình thường, bạn nên duy trì cân nặng hợp lý, tập thể dục nhiều và có chế độ ăn uống cân bằng. Đến gặp bác sĩ để kiểm tra thường xuyên có thể giúp phát hiện các tình trạng sức khỏe dẫn đến các vấn đề về cơ.

 

Có thể bạn quan tâm?
DHEA

DHEA

Dehydroepiandrosterone (DHEA) là một loại hormone được sản xuất ở tuyến thượng thận, có liên quan tới các hormone khác, bao gồm testosterone và estrogen. Nồng độ DHEA tự nhiên đạt cao nhất vào đầu tuổi trưởng thành và sau đó giảm dần khi già đi.
administrator
TẾ BÀO THẦN KINH

TẾ BÀO THẦN KINH

Tế bào thần kinh được xem là đơn vị cơ bản của hệ thống thần kinh, có chức năng dẫn truyền xung điện. Tế bào thần kinh là cầu nối để não bộ và các bộ phận khác trên cơ thể kết hợp với nhau, từ đó thực hiện các hành động khác nhau.
administrator
COLLAGEN

COLLAGEN

Collagen là một loại protein có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể. Sau đây hãy cùng tìm hiểu về collagen nhé.
administrator
XƯƠNG BÀN TAY

XƯƠNG BÀN TAY

Bàn tay là bộ phận thực hiện hầu hết các hoạt động thường ngày của chúng ta. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về xương bàn tay - bộ phận đóng vai trò rất quan trọng trong cử động của bàn tay. Sau đây hãy cùng tìm hiểu về xương bàn tay và các vấn đề thường gặp nhé.
administrator
BÀN CHÂN

BÀN CHÂN

Bàn chân là cơ quan mà bạn sử dụng hàng ngày. Vậy sau đây hãy cùng tìm hiểu cấu tạo, chức năng của bàn chân và cách giữ gìn sức khỏe bàn chân
administrator
DÂY HÃM QUY ĐẦU

DÂY HÃM QUY ĐẦU

Dây hãm quy đầu là một dải mô nối bao quy đầu với quy đầu. Đôi khi nó có thể kéo đầu dương vật của bạn xuống. Dây hãm này cũng có thể bị rách.
administrator
DÂY THẦN KINH QUAY

DÂY THẦN KINH QUAY

Các dây thần kinh quay có chức năng hỗ trợ các cử động của cánh tay, cổ tay, bàn tay và ngón tay. Nó cũng gửi cảm giác chạm, đau và nhiệt độ đến não. Là một phần của hệ thống thần kinh ngoại biên, dây thần kinh quay chạy dọc xuống mặt sau của cánh tay từ nách đến bàn tay.
administrator
XƯƠNG CỤT

XƯƠNG CỤT

Xương cụt là một xương được tạo thành từ sự hợp nhất của 3-5 (nhưng thường là 4) đốt sống cuối cùng của cột sống và đảm nhiệm nhiều chức năng khác nhau trong cơ thể. Sau đây hãy cùng tìm hiểu về xương cụt và các chấn thương liên quan đến xương cụt nhé.
administrator