Giới thiệu về dược liệu
Cỏ mật là dược liệu có tác dụng giải độc gan, nhuận gan, tăng tiết mật, được dùng để hỗ trợ điều trị ung thư gan, chữa cảm cúm, sốt xuất huyết, cao huyết áp, đái tháo đường, ngăn ngừa bệnh về tim mạch, chữa bệnh phong, hư lao sau sinh, rong huyết, tiểu tiện không thông, mệt mỏi, mất ngủ sau sinh,…
-
Tên thường gọi: cỏ mật
-
Tên gọi khác: cỏ đường, cỏ ngọt, cúc ngọt,…
-
Tên khoa học: Eriochloa procea (Retz.) C. Hubb.
-
Họ: Lúa (Poaceae).

Cỏ mật là một trong những loại cây có tác dụng chữa cao huyết áp hiệu quả
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến
Đặc điểm nhận dạng
Cỏ mật thuộc loại cây thảo, sống lâu năm, mọc thẳng hoặc hình cung; có rễ hình sợi, mọc dày đặc.
Thân rễ ngắn, mọc bò dài. Thân khí sinh mọc thành bụi dày, nhẵn, có lông ở các đốt, cao 0,30-1,50 m.
Lá mọc so le, hình dải, đầu nhọn, mép hơi nháp. Bẹ lá xoè rộng, lưỡi bẹ rất ngắn, có lông. Phiến lá dài 2-40 cm, rộng 2-8 mm, bề mặt phiến lá nhẵn.
Hoa mọc thành cụm, cụm hoa mọc thành bông đơn hoặc phân nhánh, dài 5-13 cm. Cuống chung mảnh, nhẵn. Bông nhỏ hình bầu dục nhọn, mọc so le, xếp lớp thưa, hơi thẳng đứng, có lông cứng ở đỉnh. Mày trong mềm nhọn, không có mày ngoài, mép hơi gập lại, có lông mềm.
Quả nằm trong mày hoa, gốc rất nhọn, tù ở đầu, nhẵn, dẹt, có vòi.
Phân bố
Cỏ mật phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới, là thực vật ưa sáng, thường mọc trên đất ẩm lẫn với các loại cỏ khác ở sông, bờ sông, ruộng, ven đường, nương rẫy,…
Ở Việt Nam, cỏ mật phân bố rải rác ở vùng đồng bằng và trung du, đôi khi cũng gặp ở vùng núi thấp.
Cây con mọc từ hạt vào khoảng cuối tháng 3 đến tháng 5. Sau mùa hoa quả, cây tàn lụi. Tùy thuộc vào môi trường sống khác nhau mà cỏ mật có tốc độ sinh trưởng và chiều cao khác nhau.
Ví dụ: Những cây mọc ở vùng núi thấp, đất thấp thì các cành nhánh ở gốc có xu hướng nằm ngang. Còn cây mọc lẫn với các loại cỏ cao khác như lúa, ngô, đậu,… tạo ra sự cạnh tranh ánh sáng nên nó mọc cao, có thể hơn 1 mét (m).
Ngoài ra, trong lĩnh vực chăn nuôi, cỏ mật còn là nguồn thức ăn của trâu, bò…Tuy nhiên, loài cỏ này lại có hại cho cây trồng.
Bộ phận dùng
Toàn thân cây đặc biệt là rễ cỏ mật được sử dụng làm dược liệu.
Thu hái, chế biến
Thu hái quanh năm, dùng tươi hay phơi, sấy khô đều được.
Thành phần hóa học
Hiện nay, nghiên cứu về thành phần hóa học và tác dụng của cỏ mật còn rất hạn chế.
Tác dụng - Công dụng
Cỏ mật được dùng trong dân gian ở một số vùng Sơn Tây và Nam Định, để chữa cảm sốt, cúm, sốt xuất huyết.
Mặc dù nghiên cứu về tác dụng của cỏ mật còn hạn chế nhưng hiện tại, dược liệu góp mặt vào một số bài thuốc giúp hỗ trợ y học như:
-
Chữa cao huyết áp
-
Hỗ trợ điều trị đái tháo đường
-
Ngăn ngừa bệnh về tim mạch
-
Giải độc gan, nhuận gan, tăng tiết mật, hỗ trợ điều trị ung thư gan,
-
Chữa cảm sốt, sốt xuất huyết
-
Chữa bệnh phong, hư lao sau sinh
-
Chữa rong huyết
-
Chữa tiểu tiện không thông
-
Chữa mệt mỏi, mất ngủ sau sinh
Theo nghiên cứu của các tác giả Lê Văn Công, Đỗ Trung Đàm, cho thấy rằng:
Thí nghiệm trên thỏ đực và thỏ cái, mỗi con nặng 2,2-2,5kg; sau khi gây sốt bằng men bia hỗn dịch 10%, tiêm dưới da với liều 0,2g/kg (2ml/kg) theo dõi trong 6 tiếng, phát hiện ra cỏ mật có tác dụng hạ sốt trên động vật thí nghiệm (cả đực và cái).
Cao cỏ mật được chiết bằng cồn ethanol… Khi dùng với liều 0,5 g/kg và 1.0 g/kg vào lúc 1 giờ 30 phút sau khi gây sốt. Kết quả là cao cỏ mật có tác dụng hạ sốt vừa phải, kém hơn analgin 200 mg/kg nhưng tác dụng vẫn còn đến giờ thứ năm.
Cách dùng - Liều dùng
Hỗ trợ điều trị đái tháo đường
-
Dược liệu: 2,5g lá cây cỏ mật phơi khô.
-
Cho dược liệu vào ấm, sắc với 200ml nước đến khi nước rút còn 50ml.
-
Mỗi ngày sắc uống 2 lần. Sử dụng đều đặn trong thời gian dài mới thấy rõ hiệu quả.
Chữa cao huyết áp
-
Dược liệu: 6g lá cỏ mật, 4g hoa cúc, 10g hoe hòe, 12g quyết minh tử.
-
Sao cháy quyết minh tử, sao vàng hoa hòe, rửa sạch các dược liệu rồi đem sắc nước uống. Sắc trong 10 phút rồi loại bỏ bã.
-
Mỗi ngày uống 1 thang.
Chữa bệnh phong, hư lao sau sinh
-
Dược liệu: 2,4g cỏ mật, 2g bá tử nhân, 2g bạch truật, 2g cảo bản, 2g bạch chỉ, 2g chích thảo, 2g đan sâm, 2g hậu phác, 2g quế tâm, 2g nhân sâm, 2g phòng phong, 2g xuyên khung, 2g tế tân, 2,8g đương quy; 4g địa hoàng.
-
Trộn đều các dược liệu rồi tán thành bột mịn và làm thành viên hoàn.
Ngăn ngừa bệnh tim mạch
-
Dược liệu: 7,5g cỏ mật phơi khô.
-
Rửa sạch dược liệu rồi cho vào ấm sắc lấy nước. Lọc bỏ bã và uống nhiều lần trong ngày.
-
Sử dụng liên tục nhiều ngày liền.
Chữa mệt mỏi, mất ngủ sau sinh
-
Dược liệu: 20g cỏ mật, 4g rẻ quạt, 4g vỏ bưởi khô, 6g nhân trần, 10g ngải cứu, 20g mạch đông.
-
Cho các dược liệu trên vào ấm, sắc lấy nước, sau đó loại bỏ bã, chia thành nhiều lần uống trong ngày.
-
Uống mỗi ngày 1 thang. Sử dụng liên tục trong 10 ngày liền.
Chữa tiểu tiện không thông.
-
Dược liệu: 6g cỏ mật, 4g hồng hoa, 6g xích thược, 10 hạt đào nhân, 12g mẫu đơn bì, 20g ương quy.
-
Cho các dược liệu vào ấm, sắc trên lửa nhỏ, sau đó loại bỏ bã, chỉ lấy nước uống. Sử dụng uống trong ngày.
-
Mỗi ngày uống 1 thang.
Chữa rong huyết
-
Dược liệu: 20g cỏ mật, 15g chỉ hiên, 15g mã đề, 15g ké hoa vàng.
-
Thái nhỏ các dược liệu trên rồi sao vàng. Sau đó cho vào ấm sắc với 3 bát nước, sắc đến khi nước rút còn 1 bát. Bỏ bã lấy nước rồi sử dụng trong ngày.
-
Mỗi ngày uống 2 lần, đều đặn mỗi ngày 1 thang trong 5 ngày liền.
Lưu ý
Không sử dụng dược liệu này với người dị ứng và mẫn cảm với cỏ mật.
Phụ nữ có thai và cho con bú khi sử dụng cần thận trọng.