Hiến thận là một thủ thuật phẫu thuật nhằm giúp những bệnh nhân bị suy thận giai đoạn cuối cải thiện chất lượng cuộc sống.

daydreaming distracted girl in class

HIẾN THẬN

Tổng quan

Hiến thận là một thủ thuật phẫu thuật nhằm lấy một quả thận khỏe mạnh từ người hiến tặng còn sống để cấy ghép cho một người mà thận không còn hoạt động bình thường.

Ghép thận từ người hiến tặng còn sống là một phương pháp thay thế cho việc ghép thận từ người đã qua đời. Người hiến tặng còn sống có thể hiến 1 trong 2 quả thận của mình, quả thận còn lại có thể thực hiện các chức năng cần thiết.

Ca cấy ghép thận thành công đầu tiên ở Hoa Kỳ được thực hiện bởi một người hiến thận còn sống vào năm 1954 và sử dụng phương pháp phẫu thuật mở. Hiện nay, phần lớn các ca phẫu thuật hiến thận được thực hiện bằng kỹ thuật nội soi xâm lấn tối thiểu và có thể bao gồm cả việc sử dụng công nghệ có sự hỗ trợ của robot.

Hiến thận thông qua phẫu thuật cắt thận của người hiến là loại thủ thuật phổ biến nhất. Khoảng 5.000 ca hiến thận được thực hiện mỗi năm ở Hoa Kỳ.

Tại sao cần thực hiện

Thận là hai cơ quan hình hạt đậu nằm ở mỗi bên của cột sống ngay dưới khung xương sườn. Mỗi quả thận có kích thước bằng nắm tay. Chức năng chính của thận là lọc và loại bỏ chất thải, khoáng chất và chất lỏng dư thừa ra khỏi máu thông qua tạo ra nước tiểu.

Những người mắc bệnh thận giai đoạn cuối cần được loại bỏ chất thải ra khỏi máu của họ thông qua một thiết bị (chạy thận nhân tạo) hoặc bằng thủ thuật lọc máu (thẩm phân phúc mạc) hoặc bằng cách ghép thận.

Ghép thận thường là một lựa chọn trong điều trị suy thận, so với việc chạy thận suốt đời.

Ghép thận từ người hiến tặng còn sống mang lại một số lợi ích cho người nhận, bao gồm ít biến chứng hơn và thời gian tồn tại lâu hơn so với cơ quan hiến tặng từ người hiến tặng đã qua đời.

Việc sử dụng phương pháp phẫu thuật cắt thận để hiến đã gia tăng trong những năm gần đây do số lượng người cần được ghép thận ngày càng tăng. Nhu cầu về thận của người hiến tặng vượt xa nguồn cung của thận của người hiến đã qua đời, điều này làm cho việc ghép thận từ người còn sống trở thành một lựa chọn hấp dẫn cho những người cần ghép thận.

Các hình thức hiến thận

Bạn có thể chọn hiến thận của mình theo một trong hai cách:

  • Hiến tặng trực tiếp là hình thức trong đó bạn sẽ nêu tên một người nhận cấy ghép cụ thể. Đây là hình thức hiến tạng sống phổ biến nhất.

  • Hiến tặng gián tiếp, còn được gọi là người Samaritano tốt bụng hoặc hiến tặng vị tha, trong đó bạn không nêu tên người nhận nội tạng được hiến tặng. Sự cấy ghép dựa trên nhu cầu y tế và khả năng tương thích.

Trong hiến tặng trực tiếp, nếu người cho và người nhận có nhóm máu không tương thích, thì các chương trình hiến tạng ghép đôi hoặc chuỗi hiến tặng có thể là một lựa chọn.

  • Hiến tạng ghép đôi. Hai hoặc nhiều cặp bệnh nhân nhận nội tạng sẽ trao đổi người hiến tặng để mỗi người nhận đều nhận được quả thận tương thích với nhóm máu của mình. Hiến tặng gián tiếp cũng có thể tham gia hoạt động hiến tạng ghép đôi giúp những người không tương thích.

  • Chuỗi hiến tặng. Nhiều hơn một cặp người hiến và nhận có thể được kết hợp với người hiến tặng gián tiếp tạo thành một chuỗi hiến tặng. Trong trường hợp này, nhiều người nhận được hưởng lợi từ một người hiến tặng gián tiếp.

Rủi ro

Việc cắt thận từ người hiến tặng mang đến những rủi ro nhất định liên quan đến cuộc phẫu thuật, chức năng của quả thận còn lại và các khía cạnh tâm lý liên quan đến việc hiến tặng nội tạng.

Đối với người nhận, nguy cơ phẫu thuật cấy ghép thường thấp vì đây là một thủ thuật có khả năng cứu sống họ. Nhưng hiến thận có thể khiến một người khỏe mạnh gặp rủi ro và ảnh hưởng tới khả năng hồi phục sau cuộc phẫu thuật.

Những rủi ro trước mắt liên quan đến phẫu thuật bao gồm:

  • Đau đớn

  • Nhiễm trùng

  • Thoát vị

  • Chảy máu và cục máu đông

  • Biến chứng vết thương và trong một số trường hợp hiếm gặp có thể gây tử vong

Ghép thận từ người còn sống là loại hình hiến tạng sống được nghiên cứu rộng rãi nhất, với hơn 50 năm. Nhìn chung, các nghiên cứu cho thấy tuổi thọ của những người đã hiến tặng một quả thận tương đồng với tuổi thọ của những người chưa hiến.

Một số nghiên cứu cho thấy những người hiến thận còn sống có thể có nguy cơ suy thận cao hơn một chút trong tương lai khi so sánh với nguy cơ suy thận trung bình trong dân số nói chung. Nhưng nguy cơ suy thận sau khi người hiến thận đã cắt bỏ thận vẫn còn thấp.

Các biến chứng lâu dài cụ thể liên quan đến việc hiến thận bao gồm huyết áp cao và nồng độ protein trong nước tiểu cao (protein niệu).

Hiến thận hoặc bất kỳ cơ quan nào khác cũng có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như các triệu chứng lo âu và trầm cảm. Quả thận được hiến tặng có thể bị hỏng khi cấy ghép ở người nhận và từ đó gây ra cảm giác hối tiếc, tức giận hoặc bất bình cho người hiến.

Nhìn chung, hầu hết những người hiến tạng đều đánh giá trải nghiệm của họ là tích cực.

Để giảm thiểu những rủi ro tiềm ẩn liên quan đến việc cắt thận của người hiến tặng, bạn sẽ cần được kiểm tra và đánh giá toàn diện để đảm bảo rằng bạn đủ điều kiện để hiến tặng.

Bạn cần chuẩn bị như thế nào?

Đưa ra quyết định sáng suốt

Quyết định hiến thận là một quyết định cá nhân cần được suy nghĩ và cân nhắc kỹ lưỡng về cả rủi ro và lợi ích. Trao đổi về quyết định của bạn với bạn bè, gia đình và các cố vấn đáng tin cậy khác.

Bạn không nên cảm thấy bị áp lực khi hiến tặng, và bạn có thể thay đổi quyết định bất cứ lúc nào.

Tiêu chuẩn chung để hiến thận bao gồm:

  • Từ 18 tuổi trở lên

  • Sức khỏe tốt

  • Hai quả thận hoạt động tốt

  • Sẵn sàng hiến tặng

  • Không có tiền sử cao huyết áp, bệnh thận, tiểu đường, một số bệnh ung thư hoặc các yếu tố nguy cơ chính của bệnh tim

  • Hoàn thành bài đánh giá toàn diện về thể chất và tâm lý tại trung tâm cấy ghép

Nếu bạn đáp ứng các yêu cầu để trở thành một người hiến tạng, trung tâm cấy ghép được sẽ thông báo cho bạn về tất cả các thông tin và kết quả tiềm năng của việc hiến tạng và làm thủ tục đồng ý cho bạn.

Chọn một trung tâm cấy ghép

Bác sĩ có thể giới thiệu một trung tâm cấy ghép cho bạn. Bạn cũng có thể tự do chọn một trung tâm cấy ghép của riêng mình hoặc chọn một trung tâm từ danh sách các nhà cung cấp ưu tiên của công ty bảo hiểm của mình.

Khi cân nhắc một trung tâm cấy ghép, bạn có thể cần:

  • Tìm hiểu về số lượng và loại ca cấy ghép mà trung tâm thực hiện mỗi năm

  • Hỏi về tỷ lệ sống sót của người hiến và người nhận tạng của trung tâm cấy ghép

  • So sánh số liệu thống kê của trung tâm cấy ghép 

  • Đánh giá cam kết của trung tâm trong việc cập nhật công nghệ và kỹ thuật cấy ghép mới nhất, điều này cho thấy chương trình đang được phát triển

  • Xem xét các dịch vụ bổ sung do trung tâm cấy ghép cung cấp, chẳng hạn như các nhóm hỗ trợ, sắp xếp việc đi lại và các nguồn lực khác

  • Tìm hiểu xem trung tâm cấy ghép có tham gia vào các chương trình hiến tạng ghép đôi hoặc chuỗi hiến tặng hay không

Quá trình thực hiện

Trước khi làm thủ thuật

Sau khi bạn đã trải qua quá trình sàng lọc, đánh giá và chấp thuận hiến tặng, thủ thuật cắt thận sẽ được lên lịch cùng ngày với ca phẫu thuật cấy ghép cho người nhận. Hai thủ thuật này thường được thực hiện bởi các nhóm nhân viên y tế riêng biệt, nhưng họ sẽ làm việc chặt chẽ với nhau.

Bạn sẽ nhận được hướng dẫn về những việc cần làm vào ngày hôm trước và ngày phẫu thuật hiến thận của mình. Ghi lại bất kỳ câu hỏi nào bạn có thể có, chẳng hạn như:

  • Khi nào tôi cần bắt đầu nhịn ăn?

  • Tôi có thể dùng thuốc theo toa không?

  • Nếu có, bao lâu trước khi phẫu thuật tôi có thể dùng một liều thuốc?

  • Tôi nên tránh những loại thuốc không kê đơn nào?

  • Khi nào tôi cần đến bệnh viện?

Trong quá trình

Thủ thuật cắt thận của người hiến tặng sẽ được thực hiện với gây mê toàn thân. Điều này có nghĩa là bạn sẽ ngủ trong suốt quá trình này, thường kéo dài từ 2 - 3 giờ. Các nhân viên y tế sẽ theo dõi nhịp tim, huyết áp và nồng độ oxy trong máu của bạn trong suốt quá trình.

Các bác sĩ phẫu thuật hầu như luôn thực hiện phẫu thuật xâm lấn tối thiểu để lấy thận của người hiến tặng (phẫu thuật nội soi). Phẫu thuật cắt thận nội soi ít để lại sẹo, ít đau hơn và thời gian hồi phục ngắn hơn so với phẫu thuật mở.

Trong phẫu thuật cắt thận nội soi, bác sĩ thường rạch hai hoặc ba vết rạch nhỏ ở bụng. Các vết rạch rất nhỏ được sử dụng làm đường để đưa các dụng cụ phẫu thuật vào. Một vết rạch lớn hơn một chút được sử dụng để lấy quả thận của người hiến tặng. Dụng cụ bao gồm một con dao nhỏ, kẹp và thiết bị nội soi ổ bụng được sử dụng để quan sát các cơ quan nội tạng, đồng thời hướng dẫn bác sĩ phẫu thuật thực hiện quy trình.

Trong phẫu thuật cắt thận hở, một vết rạch dài từ 5 - 7 inch (13 - 18 cm) được thực hiện ở bên ngực và bụng trên. Một dụng cụ phẫu thuật được gọi là banh phẫu thuật (retractor) thường được sử dụng để mở rộng các xương sườn và tiếp cận thận của người hiến.

Sau khi làm thủ thuật

Sau khi được phẫu thuật cắt thận, bạn có thể sẽ cần ở lại bệnh viện trong 1 hoặc hai ngày.

Ngoài ra, bạn có thể cần

  • Chăm sóc sau phẫu thuật. Nếu bạn sống xa trung tâm cấy ghép của mình, các nhân viên y tế có thể sẽ khuyên bạn nên ở gần trung tâm vài ngày sau khi xuất viện để họ có thể theo dõi sức khỏe và chức năng thận còn lại của bạn.

    Bạn có thể cần phải quay lại trung tâm cấy ghép của mình để được chăm sóc theo dõi, làm các xét nghiệm và kiểm tra nhiều lần sau khi phẫu thuật. Các trung tâm cấy ghép được yêu cầu gửi dữ liệu theo dõi mỗi 6 tháng, 12 tháng và 24 tháng sau khi hiến tặng. Bác sĩ có thể tiến hành các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm từ 1 và 2 năm sau khi phẫu thuật và gửi thông tin đến trung tâm cấy ghép. Nên thường xuyên thăm khám định kỳ hàng năm bác sĩ của bạn.

  • Hồi phục. Tùy thuộc vào sức khỏe tổng thể của bạn, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn sẽ cho bạn lời khuyên cụ thể về cách chăm sóc bản thân và giảm nguy cơ mắc biến chứng trong quá trình hồi phục. Điều này có thể bao gồm không ngồi hoặc nằm trên giường trong thời gian dài, không lái xe ô tô trong 1 đến 2 tuần, không nâng bất kỳ vật nặng hơn 10 pound (4,5 kg) trong vòng 1 tháng, chăm sóc vết mổ, kiểm soát cơn đau và trở lại chế độ ăn uống bình thường của bạn.

  • Quay trở lại các hoạt động thường ngày. Sau khi hiến thận, hầu hết mọi người có thể trở lại các hoạt động thường ngày của họ sau 2 - 4 tuần. Bạn có thể được khuyên tránh các môn thể thao nặng hoặc các hoạt động gắng sức khác có thể gây tổn thương thận.

  • Thai kỳ. Việc hiến thận thường không ảnh hưởng đến khả năng mang thai hoặc quá trình mang thai, bạn vẫn hoàn toàn có thể sinh nở an toàn. Một số nghiên cứu cho thấy rằng những người hiến thận có thể làm tăng một chút nguy cơ mắc các biến chứng thai kỳ như tiểu đường thai kỳ, tăng huyết áp do thai nghén, tiền sản giật và protein trong nước tiểu.

Thông thường, phụ nữ nên đợi ít nhất 6 tháng đến 1 năm sau khi cắt thận cho đến khi mang thai. Thảo luận về kế hoạch mang thai với bác sĩ của bạn.

Đối phó và Hỗ trợ

Trở thành một người hiến tặng là một quyết định mang tính cá nhân sâu sắc, đòi hỏi phải cân nhắc cẩn thận về cả rủi ro và lợi ích. Nói chuyện với các thành viên trong gia đình, bạn bè, cố vấn, giáo sĩ hoặc những người đã trải qua quá trình này có thể hữu ích.

Nhóm cấy ghép cũng có thể hỗ trợ bạn với các nguồn thông tin hữu ích và các chiến lược đối phó trong suốt quá trình hiến thận, chẳng hạn như:

  • Tham gia nhóm hỗ trợ người hiến tạng. Trò chuyện với những người đã trải qua cảm giác của bạn có thể xoa dịu nỗi sợ hãi và lo lắng.

  • Chia sẻ trải nghiệm của bạn trên phương tiện truyền thông xã hội. Tương tác với những người đã có trải nghiệm tương tự có thể giúp bạn thích nghi với tình hình thay đổi của mình.

  • Giáo dục bản thân. Tìm hiểu càng nhiều càng tốt về thủ thuật và đặt câu hỏi về những điều bạn không hiểu. Kiến thức là sức mạnh.

Chế độ ăn uống và dinh dưỡng

Bạn sẽ có thể quay lại chế độ ăn uống bình thường ngay sau khi hiến thận. Trừ khi bạn có các vấn đề sức khỏe khác, bạn sẽ không có bất kỳ giới hạn nào về chế độ ăn uống liên quan đến quy trình của mình.

Nhóm cấy ghép của bạn bao gồm một chuyên gia dinh dưỡng, người có thể thảo luận về các nhu cầu và câu hỏi cụ thể về chế độ ăn uống của bạn với bạn.

Tập thể dục

Duy trì một lối sống lành mạnh thông qua chế độ ăn uống và tập thể dục cũng quan trọng đối với những người hiến thận cũng như đối với những người khác.

Bạn thường có thể trở lại mức hoạt động thể chất thông thường của mình trong vòng vài tuần hoặc vài tháng sau khi người hiến thận. Điều quan trọng là phải nói chuyện với bác sĩ của bạn trước khi bắt đầu bất kỳ hoạt động thể chất mới nào. Nhóm cấy ghép có thể thảo luận về các mục tiêu và nhu cầu hoạt động thể chất cá nhân với bạn.

Một số nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe khuyến cáo rằng những người hiến thận nên bảo vệ quả thận còn lại của họ bằng cách tránh các môn thể thao nặng, chẳng hạn như bóng đá, quyền anh, khúc côn cầu, bóng đá, võ thuật hoặc đấu vật; mặc đồ bảo hộ như áo có đệm dưới để bảo vệ thận khỏi bị tổn thương khi tham gia các môn thể thao.

 

 
Có thể bạn quan tâm?
PHẪU THUẬT HÀM

PHẪU THUẬT HÀM

Phẫu thuật hàm, còn được gọi là phẫu thuật chỉnh hình răng hàm mặt, được thực hiện để chỉnh sửa những bất thường của xương hàm, sắp xếp lại hàm và giúp cải thiện vẻ ngoài trên khuôn mặt bạn.
administrator
LIỆU PHÁP PROTON

LIỆU PHÁP PROTON

Liệu pháp proton là một loại xạ trị thường được sử dụng trong điều trị ung thư. Sau đây hãy cùng tìm hiểu về liệu pháp proton nhé.
administrator
THỦ THUẬT MAZE

THỦ THUẬT MAZE

Thủ thuật Maze được sử dụng để điều trị nhịp tim không đều (rung tâm nhĩ). Một bác sĩ phẫu thuật tạo ra một mẫu mô sẹo trong các buồng trên của tim (tâm nhĩ) bằng cách sử dụng một con dao mổ hoặc một thiết bị truyền năng lượng nhiệt hoặc lạnh.
administrator
XẠ HÌNH XƯƠNG

XẠ HÌNH XƯƠNG

Xạ hình xương là xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán các bệnh lý ở xương. Sau đây hãy cùng tìm hiểu về phương pháp xét nghiệm xạ hình xương nhé
administrator
XÉT NGHIỆM HEMOGLOBIN

XÉT NGHIỆM HEMOGLOBIN

Xét nghiệm hemoglobin nhằm đo lượng hemoglobin trong máu của bạn, từ đó hỗ trợ chẩn đoán một số bệnh lý. Sau đây hãy cùng tìm hiểu về xét nghiệm hemoglobin nhé.
administrator
THÔNG TIM

THÔNG TIM

Thông tim là một thủ thuật giúp chẩn đoán hoặc điều trị một số tình trạng chẳng hạn như động mạch bị tắc hoặc nhịp tim không đều. Sau đây hãy cùng tìm hiểu về thông tim nhé.
administrator
MÁY KHỬ RUNG TIM (ICD)

MÁY KHỬ RUNG TIM (ICD)

Máy khử rung tim (ICD) là một thiết bị nhỏ chạy bằng pin được đặt trong lồng ngực để phát hiện và ngăn chặn tình trạng nhịp tim không đều (loạn nhịp tim).
administrator
PHẪU THUẬT CẮT LÁ LÁCH

PHẪU THUẬT CẮT LÁ LÁCH

Cắt lách là một thủ thuật phẫu thuật thường được sử dụng để điều trị nhiều tình trạng liên quan tới lá lách khác nhau. Thủ thuật này mang lại một số rủi ro nhất định. Sau đây hãy cùng tìm hiểu về thủ thuật phẫu thuật cắt lách nhé.
administrator