HỘI CHỨNG CUSHING

daydreaming distracted girl in class

HỘI CHỨNG CUSHING

 

Tổng quan

Hội chứng Cushing là một tập hợp các dấu hiệu và triệu chứng do tăng quá mức hormone (nội tiết tố) cortisol kéo dài gây ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể. Tình trạng này có thể diễn tiến nặng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Mặt tròn như mặt trăng trong hội chứng Cushing – một bệnh lý về nội tiết

Đối tượng và nguyên nhân

Hội chứng Cushing không phổ biến, chủ yếu xảy ra trên những đối tượng sử dụng thuốc steroid, đặc biệt là viên nén steroid trong một khoảng thời gian dài. Steroid là một loại cortisol tổng hợp.

Tình trạng tăng quá mức hormone này còn có thể do cơ thể sản xuất quá mức cortisol nhưng rất hiếm. Và thường là kết quả của:

  • Sự tăng sinh (khối u) tuyến yên trong não.

  • Khối u ở một trong các tuyến thượng thận – các tuyến nội tiết nằm trên thận.

Tuy nhiên, các khối u này thường lành tính và thường gặp nhất ở phụ nữ trẻ.

Triệu chứng 

Các triệu chứng của hội chứng Cushing có thể khởi phát một cách đột ngột hoặc từ từ và diễn tiến nặng theo thời gian nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời.

Một trong những dấu hiệu điển hình là tăng cân và tích tụ mỡ vùng trung tâm trên cơ thể, chẳng hạn như:

  • Tích tụ mỡ vùng ngực và bụng, còn cánh tay và chân lại thon gọn hoặc teo cơ.

  • Tích tụ mỡ sau cổ và giữa hai xương bả vai, hay còn được gọi là “ bướu trâu”.

  • Khuôn mặt tròn trịa, đỏ và sưng húp, hay còn được mô tả là “mặt tròn như mặt trăng”.

Các triệu chứng khác bao gồm:

  • Da mỏng, dễ bị bầm tím.

  • Vết rạn da lớn, màu tím.

  • Cảm thấy yếu cơ cánh tay và đùi.

  • Giảm ham muốn tình dục và các vấn đề khác về khả năng sinh sản.

  • Trầm cảm và thay đổi tâm trạng thất thường.

Hội chứng Cushing cũng có thể làm tăng nguy cơ các bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp và có thể diễn tiến nặng nếu không được điều trị.

Tích tụ mỡ vùng trung tâm và vết rạn da lớn là các dấu hiệu đặc trưng của hội chứng Cushing

Khi nào cần đến khám

Đến khám tại các bệnh viện, phòng khám đa khoa khi bạn có các triệu chứng của hội chứng Cushing, đặc biệt nếu bạn đang dùng steroid. 

Không được tự ý ngưng thuốc steroid khi không có lời khuyên từ bác sĩ.

Rất nhiều vấn đề khác có thể gây ra các triệu chứng tương tự hội chứng Cushing, vì vậy bạn nên đến khám để có thể phát hiện và giải quyết vấn đề kịp thời.

Xét nghiệm và chẩn đoán

Bác sĩ có thể nghi ngờ hội chứng Cushing nếu bạn có các triệu chứng điển hình và đang dùng thuốc steroid.

Nếu bạn không dùng steroid, tình trạng này sẽ trở nên khó chẩn đoán vì các triệu chứng có thể tương tự với các bệnh lý khác.

Khi nghi ngờ hội chứng Cushing, nồng độ cortisol trong cơ thể cần được đo lường và có thể được đo thông qua các mẫu:

  • Nước tiểu.

  • Máu.

  • Nước bọt.

Nếu các xét nghiệm này cho kết quả bất thường – nồng độ cortisol tăng cao, bạn sẽ được giới thiệu đến các bác sĩ chuyên khoa nội tiết để chẩn đoán xác định hoặc loại trừ hội chứng Cushing.

Bác sĩ cũng có thể chỉ định thêm các xét nghiệm hoặc chẩn đoán hình ảnh khác để tìm ra nguyên nhân.

Điều trị

Hội chứng Cushing thường đáp ứng tốt với điều trị, mặc dù có thể mất nhiều thời gian để hồi phục hoàn toàn.

Phương pháp điều trị sẽ được lựa chọn phụ thuộc vào nguyên nhân gây hội chứng Cushing trên từng bệnh nhân.

Nếu hội chứng Cushing gây ra bởi lạm dụng steroid: 

  • Liều lượng của các thuốc steroid sẽ được giảm dần rồi ngưng hẳn.

Nếu nguyên nhân là các khối u (tuyến yên hoặc tuyến thượng thận), phương pháp điều trị có thể bao gồm:

  • Phẫu thuật cắt bỏ khối u.

  • Xạ trị tiêu diệt khối u.

  • Các thuốc nhằm giảm tác dụng của cortisol trên cơ thể bạn.

Các bác sĩ sẽ tư vấn về lợi ích và rủi ro của từng phương pháp điều trị trước khi tiến hành.

 

 

 
Có thể bạn quan tâm?
HIV & AIDS

HIV & AIDS

administrator
ẤU TRÙNG SÁN LỢN

ẤU TRÙNG SÁN LỢN

administrator
BỎNG

BỎNG

administrator
THẬN Ứ NƯỚC

THẬN Ứ NƯỚC

administrator
LAO Ở MẮT

LAO Ở MẮT

Bệnh lao (TB) là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra, có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan trên khắp cơ thể, bao gồm cả mắt. Thuật ngữ “lao mắt” mô tả một bệnh nhiễm trùng do M.tuberculosis có thể ảnh hưởng đến bất kỳ bộ phận nào của mắt (nội nhãn, bề mặt hoặc xung quanh mắt). “Lao mắt thứ phát” được định nghĩa là sự tham gia ở mắt do kết quả của sự lây lan theo đường máu từ một vị trí xa hoặc xâm lấn trực tiếp bằng cách lây lan tiếp giáp từ các cấu trúc lân cận, như xoang hoặc hốc sọ.
administrator
UNG THƯ AMIDAN

UNG THƯ AMIDAN

administrator
CAO HUYẾT ÁP Ở TRẺ EM

CAO HUYẾT ÁP Ở TRẺ EM

administrator
U MÁU

U MÁU

administrator