HỘI CHỨNG ỐNG CỔ TAY

daydreaming distracted girl in class

HỘI CHỨNG ỐNG CỔ TAY

Tổng quan

Hội chứng ống cổ tay là tình trạng bệnh lý do chèn ép dây thần kinh giữa. Ống cổ tay là một đường hầm nhỏ được bao quanh bởi xương và dây chằng ở lòng bàn tay. Khi dây thần kinh giữa bị chèn ép sẽ gây ra các triệu chứng như tê, ngứa ran, yếu bàn tay và cánh tay.

Tiền sử phẫu thuật cổ tay, các bệnh lý nền và các động tác tay lặp đi lặp lại là những yếu tố góp phần gây ra hội chứng này.

Lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp giúp giảm triệu chứng ngứa và tê, đồng thời phục hồi chức năng vận động của cổ tay và bàn tay.

 

Triệu chứng

Các triệu chứng của hội chứng ống cổ tay thường xuất hiện từ từ, bao gồm:

  • Ngứa ran hoặc tê: cảm giác như bị điện giật ở ngón tay hoặc bàn tay, đặc biệt là ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và ngón đeo nhẫn. Ngón út thường không bị ảnh hưởng. 

Cảm giác này có thể truyền từ cổ tay lên cánh tay người bệnh. Thường xuất hiện khi cầm điện thoại, báo, nắm chặt vô lăng và tăng về đêm - cảm giác khó chịu đến mức có thể đánh thức người bệnh trong đêm hoặc người bệnh thấy tê khi thức dậy vào buổi sáng.

Bệnh nhân thường có thói quen lắc cổ tay để cố gắng làm giảm triệu chứng. Lâu ngày cảm giác này sẽ trở nên thường xuyên và kéo dài hơn.

  • Cảm giác yếu cơ: người bệnh có thể cảm thấy yếu tay và trở nên vụng về - hay làm rơi đồ vật. Vấn đề này có thể do bàn tay bị tê hoặc yếu các cơ ngón cái – những cơ được chi phối bởi dây thần kinh giữa.

Hội chứng ống cổ tay gây tê, ngứa ở ba ngón đầu và ½ ngón bốn.

 

Nguyên nhân

Hội chứng ống cổ tay là tình trạng do chèn ép dây thần kinh giữa gây ra.

Dây thần kinh giữa đi từ cẳng tay qua một đường hầm nhỏ ở cổ tay hay ống cổ tay đến bàn tay, chi phối cảm giác lòng bàn tay và các ngón, ngoại trừ ngón út. Bên cạnh đó, dây thần kinh giữa còn dẫn truyền tín hiệu thần kinh tạo cử động của các cơ ngón cái (chức năng vận động).

Bất cứ tình trạng nào gây chèn ép hoặc kích thích dây thần kinh giữa trong ống cổ tay đều có thể dẫn đến hội chứng ống cổ tay. Chẳng hạn như gãy cổ tay có thể làm hẹp ống cổ tay và kích thích dây thần kinh, cũng như sưng và viêm do viêm khớp dạng thấp.

Nhiều trường hợp không có nguyên nhân chính gây ra hội chứng ống cổ tay mà do sự kết hợp của nhiều yếu tố nguy cơ góp phần hình thành tình trạng này.

 

Chẩn đoán

Để chẩn đoán hội chứng ống cổ tay, bác sĩ sẽ tiến hành thu thâp các thông tin và chỉ định một hoặc nhiều xét nghiệm, cụ thể như:

  • Tiền sử: bác sĩ cần hỏi một số thông tin nhằm đánh giá mức độ phù hợp của các triệu chứng với hội chứng này. Ví dụ: dây thần kinh giữa không chi phối cảm giác cho ngón út nên các triệu chứng ở ngón út là chỉ điểm bệnh lý khác.

  • Khám lâm sàng: quan trọng trong hội chứng này là đánh giá cảm giác và sức cơ của các ngón tay. Bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh gập cổ tay và gõ vào dây thần kinh hoặc chỉ đơn giản là ấn vào dây thần kinh để xem xét các triệu chứng.

  • Chụp Xquang: chụp X-quang cổ tay có giá trị loại trừ các nguyên nhân khác gây đau cổ tay như viêm khớp hoặc gãy xương. Tuy nhiên, X-quang không có giá trị nhiều trong chẩn đoán hội chứng ống cổ tay.

  • Điện cơ đồ: là kỹ thuật xuyên một điện cực kim (rất nhỏ) qua da vào các cơ cụ thể để phát hiện, ghi lại và đánh giá hoạt động điện của cơ khi co và giãn. Phương pháp này có thể xác định tổn thương của các cơ được chi phối bởi dây thần kinh giữa và loại trừ các bệnh lý khác.

  • Đo tốc độ dẫn truyền thần kinh: là biến thể của điện cơ đồ, sử dụng hai điện cực dán vào da người bệnh. Sau đó tạo các xung điện nhỏ kích thích dây thần kinh giữa và đánh giá tốc độ xung điện có bị chậm lại trong ống cổ tay không. Kỹ thuật này cũng được sử dụng để chẩn đoán và loại trừ các bệnh lý khác.

 

Điều trị

Điều trị hội chứng ống cổ tay càng sớm càng tốt. Trong giai đoạn đầu, những thói quen đơn giản có thể làm giảm triệu chứng có thể kể đến như:

  • Giành thời gian để bàn tay và cổ tay được nghỉ ngơi, thư giãn thường xuyên.

  • Tránh các động tác khiến triệu chứng tệ hơn.

  • Chườm đá để giảm sưng.

Các phương pháp điều trị hội chứng ống cổ tay gồm nẹp cổ tay, sử dụng thuốc và phẫu thuật. Nẹp và các phương pháp điều trị bảo tồn có hiệu quả khi bệnh nhân có triệu chứng từ nhẹ đến trung bình, khởi phát và biến mất dưới 10 tháng.

Điều trị bảo tồn

Nếu được chẩn đoán sớm, các phương pháp điều trị bảo tồn có thể cải thiện hội chứng ống cổ tay hiệu quả, bao gồm:

  • Nẹp cổ tay: đeo nẹp nhằm giữ yên cổ tay khi ngủ có hiệu quả trong việc giảm triệu chứng ngứa ran và tê về đêm. Dù người bệnh chỉ đeo vào ban đêm, phương pháp này cũng có thể ngăn ngừa khởi phát triệu chứng vào ban ngày. Mặt khác, đây còn là một lựa chọn thích hợp cho phụ nữ đang mang thai vì không liên quan đến việc sử dụng thuốc.

  • Thuốc kháng viêm không steroid - NSAID: các thuốc NSAID như ibuprofen (Advil, Motrin IB, những loại khác) giúp giảm đau tạm thời nhưng không có khả năng cải thiện hội chứng ống cổ tay.

  • Thuốc corticoid: là phương pháp tiêm một loại corticosteroid như cortisone vào ống cổ tay và được thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm. Thuốc có tác dụng kháng viêm và giảm sưng tấy, từ đó giảm áp lực lên dây thần kinh giữa. Corticosteroid đường uống không có hiệu quả bằng tiêm trong điều trị hội chứng ống cổ tay.

Về mặt lý thuyết, nếu hội chứng ống cổ tay do viêm khớp dạng thấp hoặc các bệnh viêm khớp khác gây ra, thì việc điều trị viêm khớp có thể giảm triệu chứng của hội chứng này.

Nẹp cổ tay là phương pháp điều trị bảo tồn hiệu quả, giúp ngăn ngừa các động tác khởi phát triệu chứng.

Phẫu thuật

Phẫu thuật là lựa chọn thích hợp khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hoặc không đáp ứng với các phương pháp điều trị bảo tồn.

Mục tiêu của phẫu thuật là giảm áp lực ống cổ tay bằng cách cắt dây chằng chèn ép dây thần kinh giữa.

Phẫu thuật được thực hiện với hai kỹ thuật khác nhau:

  • Mổ nội soi: Bác sĩ sẽ sử dụng ống nội soi chuyên dụng có gắn camera nhỏ để quan sát cấu trúc bên trong ống cổ tay. Sau khi rạch một hoặc hai đường nhỏ trên bàn tay hoặc cổ tay bác sĩ sẽ tiến hành cắt dây chằng. Mổ nội soi sẽ ít đau hơn mổ mở, chỉ vài ngày hoặc vài tuần đầu sau phẫu thuật. 

  • Mổ mở: Bác sĩ phẫu thuật cũng sẽ rạch một đường qua ống cổ tay và cắt dây chằng để giải phóng dây thần kinh.

Những nguy cơ có thể gặp khi phẫu thuật là:

  • Giải phóng dây chằng không hoàn toàn.

  • Nhiễm trùng vết mổ.

  • Để lại sẹo.

  • Tổn thương dây thần kinh hoặc mạch máu.

Trong quá trình hồi phục sau phẫu thuật, hai đầu dây chằng sẽ dần liền lại, đồng thời tăng không gian cho dây thần kinh. Quá trình phục hồi cấu trúc này thường mất vài tháng còn da sẽ lành chỉ sau vài tuần.

Khi dây chằng lành lại, người bệnh nên tập các cử động tay trở lại để phục hồi các chức năng vận động bình thường vốn bị hạn chế của tay.

Đối với các bệnh nhân nặng, phẫu thuật không thể cải thiện hoàn toàn các triệu chứng ngay sau mổ.

Phẫu thuật giải áp ống cổ tay trong điều trị hội chứng ống cổ tay

 

 

 
Có thể bạn quan tâm?
ẤU TRÙNG SÁN LỢN

ẤU TRÙNG SÁN LỢN

administrator
VIÊM VA

VIÊM VA

administrator
ĐAU DÂY THẦN KINH CHẨM

ĐAU DÂY THẦN KINH CHẨM

administrator
SUY GIÁP BẨM SINH

SUY GIÁP BẨM SINH

administrator
NHAU TIỀN ĐẠO

NHAU TIỀN ĐẠO

administrator
TỰ KỶ Ở TRẺ EM

TỰ KỶ Ở TRẺ EM

administrator
NHIỄM NẤM CANDIDA

NHIỄM NẤM CANDIDA

administrator
NHIỄM ĐỘC THAI NGHÉN

NHIỄM ĐỘC THAI NGHÉN

Nhiễm độc thai nghén dùng để chỉ các chứng rối loạn mang thai mà các triệu chứng thường bao gồm huyết áp cao và nước tiểu đục
administrator