KHÍ PHẾ THŨNG
Tổng quan
Khí phế thũng là tình trạng tổn thương phế nang trong phổi mạn tính gây khó thở. Theo thời gian, các vách phế nang yếu dần và bị phá hủy, hợp nhất các phế nang thành kén khí lớn. Điều này làm giảm diện tích bề mặt phổi và giảm lượng oxy vào máu.
Khi thở ra, các phế nang bị tổn thương không hoạt động bình thường khiến không khí cũ bị ứ lại, chiếm chỗ của không khí mới, trong lành và giàu oxy đi vào.
Hầu hết người bị khí phế thũng đều mắc kèm với viêm phế quản mạn tính. Viêm phế quản mạn là tình trạng viêm các đường dẫn khí hay phế quản, dẫn đến ho dai dẳng.
Khí phế thũng và viêm phế quản mạn là hai bệnh lý tạo nên bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu của COPD. Điều trị có thể làm chậm diễn tiến của COPD, nhưng không thể hồi phục tổn thương.
Tổn thương phế nang trong khí phế thũng.
Triệu chứng
Bạn có thể bị khí phế thũng nhiều năm mà không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào. Triệu chứng chính của khí phế thũng là khó thở, thường khởi phát và diễn tiến từ từ.
Bạn sẽ tránh các hoạt động khiến bạn bị hụt hơi, vì vậy triệu chứng này không trở thành vấn đề đến khi nó bắt đầu ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày. Cuối cùng, khí phế thũng gây khó thở ngay cả khi bạn đang nghỉ ngơi.
Hãy đến các cơ sở y tế nếu bạn khó thở không rõ nguyên nhân trong vài tháng và ngày càng nặng hoặc cản trở các hoạt động hàng ngày của bạn. Đừng phớt lờ triệu chứng này và nghĩ là do bạn đang già đi. Đến các cơ sở y tế ngay lập tức nếu có các triệu chứng sau:
-
Đang rất khó thở, không thể leo cầu thang.
-
Môi hoặc móng tay màu xanh lam hoặc xám khi gắng sức.
-
Không tỉnh táo.
Nguyên nhân
Nguyên nhân chính của khí phế thũng là tiếp xúc lâu dài với các chất độc hại gây kích ứng trong không khí, bao gồm:
-
Khói thuốc lá.
-
Khói cần sa.
-
Ô nhiễm không khí.
-
Khói và bụi hóa học.
Nguyên nhân hiếm gặp hơn là thiếu hụt di truyền của một loại protein bảo vệ các cấu trúc đàn hồi trong phổi và được gọi là khí phế thũng do thiếu alpha-1-antitrypsin.
Vì vậy, để phòng ngừa khí phế thũng, hãy nói không với thuốc lá và tránh hít phải khói thuốc. Đeo khẩu trang để bảo vệ phổi nếu phải làm việc trong môi trường chứa khói hóa chất hoặc bụi.
Biến chứng
Người bị khí phế thũng có nhiều nguy cơ diễn tiến đến:
-
Xẹp phổi (tràn khí màng phổi): xẹp phổi đe dọa tính mạng ở người bị khí phế thũng nặng vì chức năng của phổi đã bị tổn thương nghiêm trọng. Là biến chứng không phổ biến nhưng rất nguy hiểm.
-
Vấn đề về tim mạch: khí phế thũng có thể làm tăng áp lực động mạch phổi. Từ đó gây tâm phế mạn, làm giãn thất phải và suy tim phải.
-
Kén khí lớn trong phổi: người bị khí phế thũng tạo các kén khí lớn trong phổi. Chúng có thể lớn bằng nửa lá phổi. Ngoài làm giảm khả năng giãn nở phổi, kén khí khổng lồ còn làm tăng nguy cơ tràn khí màng phổi.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán khí phế thũng, bác sĩ sẽ hỏi về bệnh sử, khám sức khỏe và có thể đề nghị nhiều loại xét nghiệm.
Chẩn đoán hình ảnh
Chụp X-quang ngực hỗ trợ chẩn đoán khí phế thũng tiến triển và loại trừ các nguyên nhân khác gây khó thở. Nhưng người bị khí phế thũng vẫn có thể có kết quả X-quang bình thường.
Chụp CT cũng sử dụng tia X nhưng chụp từ nhiều hướng khác nhau để tạo ra hình ảnh mặt cắt của các cơ quan. CT có thể hữu ích để phát hiện và chẩn đoán khí phế thũng, đặc biệt là khi bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật.
Khí máu động mạch
Bác sĩ sẽ lấy máu từ động mạch cổ tay để kiểm tra khả năng lấy oxy và và thải CO2 ra khỏi máu của phổi.
Kiểm tra chức năng phổi
Xét nghiệm không xâm lấn này đo lường lượng khí tồn đọng trong phổi, cũng như mức độ khí lưu thông vào và ra khỏi phổi. Phương pháp này còn đo lường mức độ cung cấp oxy cho máu của phổi. Phổ biến nhất là sử dụng một dụng cụ đơn giản hay phế dung kế để bệnh nhân thổi vào.
Đo chức năng thông khí của phổi bằng phế dung kế.
Điều trị
Khí phế thũng và COPD không thể chữa khỏi nhưng các phương pháp điều trị giúp giảm triệu chứng và làm chậm diễn tiến của bệnh.
Thuốc
Tùy vào độ nặng của các triệu chứng, bác sĩ có thể đề nghị:
-
Thuốc giãn phế quản: giúp giảm ho, khó thở và các vấn đề về hô hấp bằng cách giãn các đường thở bị co thắt.
-
Steroid dạng hít: corticosteroid dạng xịt làm giảm viêm và khó thở.
-
Kháng sinh: hiệu quả trong trường hợp nhiễm trùng do vi khuẩn như viêm phế quản cấp hoặc viêm phổi.
Trị liệu
-
Phục hồi chức năng phổi: các bài tập và kỹ thuật thở có thể giảm khó thở và cải thiện khả năng gắng sức.
-
Liệu pháp dinh dưỡng: trong giai đoạn đầu của khí phế thũng, nhiều người cần giảm cân, trong khi ở giai đoạn cuối thường cần phải tăng cân.
-
Thở oxy: khi bị khí phế thũng nặng với nồng độ oxy trong máu thấp, thở oxy thường xuyên tại nhà và khi tập thể dục có thể giúp giảm nhẹ triệu chứng khó thở. Nhiều người phải thở oxy cả 24 giờ một ngày, với một ống nhỏ được đưa vào lỗ mũi.
Phẫu thuật
Tùy vào độ nặng của bệnh mà bác sĩ có thể đề xuất một hoặc nhiều loại phẫu thuật khác nhau, bao gồm:
-
Phẫu thuật giảm thể tích phổi: là phương pháp giúp loại bỏ các mô phổi bị tổn thương để các mô phổi còn lại có nhiều không gian giãn nở và hoạt động hiệu quả hơn, từ đó giúp cải thiện chức năng hô hấp.
-
Ghép phổi: là phương pháp được lựa chọn khi tổn thương phổi nghiêm trọng và các phương pháp khác đều thất bại.
Thay đổi thói quen và lối sống
Một số thay đổi sau có thể ngăn chặn sự diễn tiến của bệnh và bảo vệ người bệnh khỏi các biến chứng:
-
Bỏ thuốc lá: không chỉ là biện pháp quan trọng nhất có lợi cho sức khỏe nói chung mà còn là biện pháp duy nhất có thể ngăn chặn sự tiến triển của bệnh khí thũng. Tham gia chương trình cai thuốc nếu cần được giúp đỡ và cố gắng tránh hút thuốc thụ động càng nhiều càng tốt.
-
Tránh các chất gây kích ứng đường hô hấp khác: bao gồm khói từ sơn và khí thải ô tô, một số mùi khi nấu ăn, một số loại nước hoa, thậm chí cả nến và nhang hoặc trầm đang cháy. Thay đổi bộ lọc lò sưởi và máy điều hòa không khí thường xuyên để hạn chế ô nhiễm.
-
Tập thể dục đều đặn: cố gắng tập thể dục thường xuyên ở mức độ phù hợp làm tăng dung tích phổi một cách đáng kể.
-
Giữ ấm cơ thể: không khí lạnh có thể gây co thắt phế quản, khiến người bệnh càng khó thở hơn. Khi trời lạnh, hãy đeo khẩu trang hoặc quấn khăn len lên mũi và miệng trước khi ra ngoài để làm ấm không khí vào phổi.
-
Tiêm vaccine phòng cúm và viêm phổi hàng năm theo khuyến cáo của bác sĩ.
-
Ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp: cố gắng tránh tiếp xúc trực tiếp với những người bị cảm lạnh hoặc cúm. Nếu phải hòa nhập với đám đông trong mùa lạnh và cúm, hãy đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và mang theo nước rửa tay có cồn để sử dụng khi cần thiết.