daydreaming distracted girl in class

UNG THƯ VÚ

Tổng quan

Ung thư vú là ung thư hình thành từ các tế bào của vú.

Sau ung thư da, ung thư vú là bệnh ung thư phổ biến nhất được chẩn đoán ở phụ nữ Hoa Kỳ. Ung thư vú có thể gặp phải ở cả nam giới và phụ nữ, nhưng nó phổ biến hơn ở phụ nữ.

Hiện nay đã có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị ung thư vú. Tỷ lệ sống sót của bệnh ung thư vú đã tăng lên và số ca tử vong liên quan đến căn bệnh này đang giảm dần. Phần lớn do các yếu tố như được phát hiện sớm hơn, phương pháp điều trị mới được cá nhân hóa và hiểu biết hơn về căn bệnh này.

Triệu chứng

Các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư vú có thể bao gồm:

  • Một khối u, cảm giác dày ở vú khác với các mô xung quanh

  • Thay đổi kích thước, hình dạng hoặc vẻ ngoài của vú

  • Những thay đổi đối với da trên vú, chẳng hạn như vỏ quả cam

  • Núm vú thụt vào trong

  • Lột, đóng vảy hay bong tróc vùng da xung quanh núm vú (quầng vú) hoặc da vú

  • Da bị đỏ hoặc rỗ trên vú, giống như vỏ quả cam

Ung thư vú: Dấu hiệu, nguyên nhân, cách phòng tránh và điều trị | Vinmec

Ung thư vú gây nhiều triệu chứng khó chịu

Nguyên nhân

Ung thư vú xảy ra khi một số tế bào vú bắt đầu phát triển bất thường. Các tế bào này phân chia nhanh hơn các tế bào khỏe mạnh và tích tụ tạo thành một khối. Các tế bào có thể lây lan (di căn) qua vú đến các hạch bạch huyết hoặc đến các bộ phận khác của cơ thể.

Ung thư vú thường bắt đầu với các tế bào trong ống dẫn sữa (ung thư biểu mô ống xâm lấn: IDC). Ung thư vú cũng có thể bắt đầu trong mô tuyến được gọi là tiểu thùy (ung thư tiểu thùy vú xâm lấn: ILC) hoặc ở các tế bào, mô khác trong vú.

Các nhà nghiên cứu đã xác định các yếu tố như nội tiết tố, lối sống và môi trường có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú. Nhưng không rõ tại sao một số người không có yếu tố nguy cơ lại phát triển ung thư, trong khi những người khác có yếu tố nguy cơ lại không mắc bệnh. Có khả năng ung thư vú là do sự tương tác giữa gen và môi trường bên ngoài.

Ung thư vú di truyền

Các bác sĩ ước tính rằng khoảng 5 đến 10% trường hợp ung thư vú có liên quan đến đột biến gen di truyền qua các thế hệ trong một gia đình.

Một số gen đột biến có thể làm tăng khả năng mắc ung thư vú. Đặc biệt là gen ung thư vú 1 (BRCA1) và gen ung thư vú 2 (BRCA2), cả hai đều làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư vú và ung thư buồng trứng.

Nếu bạn có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú hoặc các bệnh ung thư khác, bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm máu để giúp xác định các đột biến cụ thể trong BRCA hoặc các gen khác.

Chẩn đoán

Các xét nghiệm và phương pháp được sử dụng để chẩn đoán ung thư vú bao gồm:

  • Khám vú. Bác sĩ sẽ kiểm tra cả vú và các hạch bạch huyết ở nách, xem có cục u hoặc các bất thường khác không.

  • Nhũ ảnh. Nhũ ảnh là kỹ thuật chụp X-quang vú đặc biệt. Nhũ ảnh thường được sử dụng để tầm soát ung thư vú. Bác sĩ sẽ đánh giá thêm nếu phát hiện bất thường trên nhũ ảnh.

  • Siêu âm vú. Phương pháp siêu âm sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của các cấu trúc bên trong cơ thể. Siêu âm có thể được sử dụng để xác định xem một khối u ở vú là một khối rắn hay một u nang chứa đầy dịch.

  • Lấy mẫu tế bào vú để xét nghiệm (sinh thiết). Sinh thiết là cách duy nhất để chẩn đoán xác định ung thư vú. Trong quá trình sinh thiết, bác sĩ của bạn sử dụng một thiết bị kim chuyên dụng được dẫn đường bởi tia X hoặc một xét nghiệm hình ảnh khác để lẫy một mẫu mô từ khu vực nghi ngờ. Thông thường, bác sĩ sẽ đánh dấu lại tại vị trí trong vú để có thể dễ dàng xác định khu vực này trong các xét nghiệm hình ảnh tương lai.

Các mẫu sinh thiết được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích, xác định liệu các tế bào này có phải là ung thư hay không. Mẫu sinh thiết cũng được phân tích để xác định loại tế bào liên quan đến ung thư vú, mức độ nguy hiểm (cấp độ) của ung thư và liệu các tế bào ung thư có thụ thể hormone hoặc các thụ thể khác có thể ảnh hưởng đến các lựa chọn điều trị hay không.

  • Chụp cộng hưởng từ vú (MRI). Chụp MRI giúp tạo ra hình ảnh bên trong vú của bạn. Trước khi chụp MRI vú, bạn sẽ được tiêm thuốc nhuộm. Không giống như các loại xét nghiệm hình ảnh khác, MRI không sử dụng bức xạ để tạo ra hình ảnh.

Các xét nghiệm và quy trình khác có thể được sử dụng tùy thuộc vào trường hợp của bạn.

Core needle biopsy

Sinh thiết

Các giai đoạn ung thư vú

Sau khi bác sĩ chẩn đoán ung thư vú của bạn, bác sĩ sẽ xác định mức độ (giai đoạn) của bệnh ung thư. Nó giúp tiên lượng và xác định các lựa chọn điều trị tốt nhất.

Bạn có thể không được đánh giá giai đoạn cho đến khi phẫu thuật ung thư vú.

Các xét nghiệm và phương pháp được sử dụng để phân giai đoạn ung thư vú có thể bao gồm:

  • Xét nghiệm máu, chẳng hạn như công thức máu 

  • Chụp X-quang vú bên kia để tìm dấu hiệu ung thư

  • Chụp MRI vú

  • Quét xương

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT)

  • Chụp cắt lớp phát xạ Positron (PET)

Không phải tất cả phụ nữ sẽ cần tất cả các xét nghiệm này. Bác sĩ sẽ lựa chọn các xét nghiệm thích hợp dựa trên hoàn cảnh cụ thể của bạn và dựa trên các triệu chứng mới mà bạn gặp phải.

Các giai đoạn ung thư vú nằm trong khoảng từ 0 đến IV với 0 cho thấy ung thư không xâm lấn hoặc nằm trong ống dẫn sữa. Ung thư vú giai đoạn IV, còn được gọi là ung thư vú di căn, cho biết ung thư đã di căn đến các khu vực khác.

Giai đoạn ung thư vú cũng tính đến mức độ ung thư của bạn; sự hiện diện của các dấu hiệu khối u, chẳng hạn như các thụ thể estrogen, progesterone và HER2; và các yếu tố phát triển.

Breast MRI

Chụp MRI

Điều trị

Bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị ung thư vú của bạn dựa trên loại ung thư vú, giai đoạn, kích thước của nó và liệu các tế bào ung thư có nhạy cảm với hormone hay không. Bác sĩ cũng xem xét sức khỏe tổng thể và mong muốn của bạn.

Hầu hết phụ nữ đều được phẫu thuật ung thư vú và nhiều người cũng được điều trị bổ sung sau phẫu thuật, chẳng hạn như hóa trị, liệu pháp hormone hoặc xạ trị. Hóa trị cũng có thể được sử dụng trước khi phẫu thuật trong một số trường hợp nhất định.

Phẫu thuật

Các phương pháp được sử dụng để điều trị ung thư vú bao gồm:

  • Loại bỏ ung thư vú (lumpectomy). 

  • Cắt bỏ 1 bên vú (mastectomy). 

  • Sinh thiết hạch giữ cửa (sentinel node biospy). 

  • Loại bỏ một số hạch bạch huyết (axillary lymph node dissection). 

  • Cắt bỏ cả hai vú. 

A person who has undergone a total (simple) mastectomy without breast reconstruction

Cắt bỏ 1 bên vú

Xạ trị

Xạ trị sử dụng chùm năng lượng công suất cao, chẳng hạn như tia X và proton, để tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị thường được thực hiện bằng cách sử dụng một máy lớn nhắm các chùm năng lượng vào cơ thể bạn (external beam radiation). Tuy nhiên, bức xạ cũng có thể được thực hiện bằng cách đặt chất phóng xạ vào bên trong cơ thể của bạn (liệu pháp phóng xạ: brachytherapy).

External beam radiation thường được sử dụng sau khi phẫu thuật cắt bỏ khối u. Brachytherapy có thể là một lựa chọn sau khi cắt bỏ khối u nếu bạn có nguy cơ tái phát ung thư thấp.

Các bác sĩ cũng có thể đề nghị xạ trị sau khi phẫu thuật cắt bỏ vú đối với khối u lớn hoặc ung thư đã di căn đến các hạch bạch huyết.

Các tác dụng phụ của xạ trị bao gồm mệt mỏi và phát ban đỏ giống như cháy nắng. Mô vú cũng có thể sưng lên hoặc cứng hơn. Tổn thương tim hoặc phổi hoặc rất hiếm khi xảy ra cũng như phát triển bệnh ung thư thứ hai.

Radiation therapy for breast cancer

Xạ trị

Hóa trị

Hóa trị sử dụng thuốc để tiêu diệt các tế bào phát triển nhanh, chẳng hạn như tế bào ung thư. Nếu ung thư có nguy cơ cao tái phát hoặc di căn sang các bộ phận khác của cơ thể, bác sĩ có thể đề nghị hóa trị sau phẫu thuật để giảm nguy cơ tái phát.

Hóa trị đôi khi được thực hiện trước khi phẫu thuật ở những phụ nữ có khối u vú lớn. Mục đích là thu nhỏ khối u đến kích thước để có thể dễ dàng loại bỏ hơn bằng phẫu thuật.

Hóa trị cũng được sử dụng ở những phụ nữ bị ung thư đã di căn sang các bộ phận khác của cơ thể. Hóa trị có thể giúp kiểm soát ung thư và giảm bất kỳ triệu chứng nào mà ung thư gây ra.

Các tác dụng phụ của hóa trị phụ thuộc vào loại thuốc bạn sử dụng. Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm rụng tóc, buồn nôn, nôn mửa, mệt mỏi và tăng nguy cơ nhiễm trùng. Các tác dụng phụ hiếm gặp có thể bao gồm mãn kinh sớm, vô sinh (nếu tiền mãn kinh), tổn thương tim và thận, tổn thương thần kinh, và rất hiếm khi gặp ung thư tế bào máu.

Liệu pháp hormone

Liệu pháp hormone - có lẽ được gọi đúng hơn là liệu pháp ngăn chặn hormone - được sử dụng để điều trị ung thư vú nhạy cảm với hormone. Tình trạng này gọi là ung thư dương tính với thụ thể estrogen (ER dương tính) và ung thư dương tính với thụ thể progesterone (dương tính với PR).

Liệu pháp hormone có thể được sử dụng trước hoặc sau phẫu thuật hoặc để giảm nguy cơ ung thư quay tái phát. Nếu ung thư đã lan rộng, liệu pháp hormone có thể giảm kích thước và kiểm soát nó.

Các phương pháp điều trị có thể được sử dụng trong liệu pháp hormone bao gồm:

  • Thuốc ngăn chặn hormone gắn vào tế bào ung thư (selective estrogen receptor modulators)

  • Thuốc ngăn cơ thể tạo ra estrogen sau khi mãn kinh (aromatase inhibitors)

  • Phẫu thuật hoặc thuốc để ngừng sản xuất hormone trong buồng trứng

Tác dụng phụ của liệu pháp hormone tùy thuộc vào phương pháp điều trị cụ thể, nhưng có thể bao gồm bốc hỏa, đổ mồ hôi ban đêm và khô âm đạo. Các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn bao gồm tăng nguy cơ loãng xương và xuất hiện cục máu đông.

Trị liệu đích

Trị liệu đích nhắm vào các bất thường trong tế bào ung thư. Ví dụ, một số loại thuốc trong trị liệu đích tập trung vào một loại protein mà một số tế bào ung thư vú sản xuất quá mức được gọi là thụ thể tăng trưởng của biểu bì ở người 2 (HER2). Protein giúp tế bào ung thư vú phát triển và tồn tại. Bằng cách nhắm vào các tế bào tạo ra quá nhiều HER2, thuốc có thể làm tiêu diệt các tế bào ung thư chứ không phải các tế bào khỏe mạnh.

Tế bào ung thư của bạn có thể được kiểm tra để xem hiệu quả từ các loại thuốc trị liệu đích. Một số loại thuốc được sử dụng sau phẫu thuật để giảm nguy cơ tái phát ung thư. Những loại khác được sử dụng trong trường hợp ung thư vú giai đoạn cuối để làm chậm sự phát triển của khối u.

Liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch sử dụng hệ thống miễn dịch của bạn để chống lại ung thư. Hệ thống miễn dịch không tấn công ung thư bởi vì chúng sản xuất các protein làm mù. Liệu pháp miễn dịch hoạt động bằng cách can thiệp vào quá trình đó.

Liệu pháp miễn dịch có thể là một lựa chọn nếu bạn bị ung thư tam âm (TNBC), nghĩa là các tế bào ung thư không có thụ thể đối với estrogen, progesterone và HER2. Đối với ung thư vú tam âm, liệu pháp miễn dịch được kết hợp với hóa trị để điều trị ung thư giai đoạn cuối di căn sang các bộ phận khác.

Chăm sóc giảm nhẹ

Chăm sóc giảm nhẹ tập trung vào việc giảm đau và các triệu chứng khác của bệnh. Chăm sóc giảm nhẹ có thể được thực hiện khi đang điều trị tích cực, chẳng hạn như phẫu thuật, hóa trị hoặc xạ trị.

Chăm sóc giảm nhẹ nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người mắc bệnh ung thư và gia đình của họ. Khi chăm sóc giảm nhẹ được áp dụng cùng với các phương pháp điều trị thích hợp khác, bệnh nhân có thể cảm thấy tốt hơn và tăng tuổi thọ.

 

 

 
Có thể bạn quan tâm?
POLYP CỔ TỬ CUNG

POLYP CỔ TỬ CUNG

administrator
SỎI NIỆU QUẢN

SỎI NIỆU QUẢN

Sỏi niệu quản là tình trạng sỏi thận bị mắc kẹt ở một trong hai đường niệu quản từ thận nối xuống bàng quang.
administrator
CROHN

CROHN

administrator
THOÁT VỊ RỐN

THOÁT VỊ RỐN

administrator
HỘI CHỨNG ALPORT

HỘI CHỨNG ALPORT

administrator
NHIỄM ĐỘC THAI NGHÉN

NHIỄM ĐỘC THAI NGHÉN

Nhiễm độc thai nghén dùng để chỉ các chứng rối loạn mang thai mà các triệu chứng thường bao gồm huyết áp cao và nước tiểu đục
administrator
CHẤN THƯƠNG DÂY CHẰNG CHÉO TRƯỚC

CHẤN THƯƠNG DÂY CHẰNG CHÉO TRƯỚC

administrator
TĂNG AXIT URIC MÁU

TĂNG AXIT URIC MÁU

administrator