NHIỄM TRÙNG DO TỤ CẦU VÀNG
TỔNG QUAN
Nhiễm trùng tụ cầu vàng được gây ra bởi vi khuẩn tụ cầu Staphylococcus – một loại vi khuẩn thường được tìm thấy trên da hoặc mũi của người khỏe mạnh. Thông thường, những vi khuẩn này không gây ra những vấn đề gì về sức khỏe hoặc chỉ dẫn đến nhiễm trùng da tương đối nhẹ.
Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng)
Nhiễm trùng do tụ cầu vàng trên da gây đau đớn
Nhưng nhiễm trùng do tụ cầu vàng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu vi khuẩn xâm nhập sâu hơn vào cơ thể, như vào máu, khớp, xương, phổi hoặc tim. Ngày nay, số lượng người khỏe mạnh bị đe dọa tính mạng do nhiễm tụ cầu vàng ngày càng tăng cao.
Thường, việc điều trị sẽ bao gồm dùng thuốc kháng sinh và dẫn lưu khu vực bị nhiễm trùng. Tuy nhiên, một số trường hợp không còn đáp ứng với các loại thuốc kháng sinh thông thường.
NGUYÊN NHÂN
Nhiều người mang vi khuẩn tụ cầu vàng nhưng không bao giờ bị nhiễm trùng do tụ cầu. Tuy nhiên, một số người có thể bị nhiễm tụ cầu do một số nguyên do. Những vi khuẩn này cũng có thể được truyền từ người này sang người khác. Vi khuẩn tụ cầu có thể tồn tại trên các đồ vật như vỏ gối hoặc khăn tắm đủ lâu để lây nhiễm cho người khác thông qua tiếp xúc. Vi khuẩn tụ cầu có thể tồn tại ở các điều kiện bất lợi:
-
Môi trường khô
-
Nhiệt độ khắc nghiệt
-
Trong axit dạ dày
YẾU TỐ NGUY CƠ
Tình trạng sức khỏe
Một số rối loạn sức khỏe hoặc sử dụng một số loại thuốc có thể khiến bạn dễ bị nhiễm trùng tụ cầu. Những người có nhiều khả năng bị nhiễm tụ cầu bao gồm những người:
-
Bệnh tiểu đường sử dụng insulin
-
HIV / AIDS
-
Suy thận cần lọc máu
-
Hệ thống miễn dịch suy yếu - do bệnh hoặc do thuốc ức chế hệ thống miễn dịch
-
Cấy ghép nội tạng
-
Ung thư, đặc biệt là những người đang hóa trị, xạ trị
-
Da bị tổn thương do các tình trạng như chàm, côn trùng cắn hoặc chấn thương nhẹ gây vết thương hở
-
Bệnh đường hô hấp, chẳng hạn như xơ nang hoặc khí phế thũng
Nhập viện gần đây
Tụ cầu vàng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nhiễm trùng bệnh viện cho những người có:
-
Hệ thống miễn dịch suy yếu
-
Vết thương bỏng
-
Vết thương phẫu thuật
Sử dụng các thiết bị y tế xâm lấn
Các thiết bị y tế có xâm lấn sẽ tạo con đường từ môi trường bên ngoài vào các mô cơ quan bên trong cơ thể, là điều kiện thuận lợi cho tụ cầu vàng xâm nhập, như:
-
Ống lọc máu
-
Ống thông tiểu
-
Ống cho ăn
-
Ống thở
-
Ống thông nội mạch
Va chạm khi chơi thể thao
Các vết cắt, trầy xước khi hoạt động thể thao có thể gây nhiễm tụ cầu vàng khi tiếp xúc trong phòng thay đồ thông qua sử dụng chung dao cạo, khăn tắm, quần áo và các thiết bị sử dụng trong thể thao.
Sử dụng thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh
Người chế biến thực phẩm rửa tay không đúng cách có thể làm lây nhiễm tụ cầu vào thức ăn. Rất khó để nhận biết thức ăn đã bị nhiễm do cảm quan giống như thực phẩm bình thường khác.
TRIỆU CHỨNG
Nhiễm trùng tụ cầu có thể gây một số vấn đề sức khỏe từ những tổn thương nhỏ trên da đến viêm nội tâm mạc, một bệnh nhiễm trùng ở màng trong tim (nội tâm mạc) vô cùng nguy hiểm. Do đó, các dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm trùng tụ cầu rất khác nhau, tùy thuộc vào vị trí và mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng.
NHIỄM TRÙNG DA
Các triệu chứng của nhiễm trùng da bao gồm
-
Mụn nhọt. Loại triệu chứng thường thấy là nổi mụn nhọt, một túi mủ phát triển trong nang lông hoặc tuyến dầu. Da tại khu vực bị nhiễm trùng thường trở nên đỏ và sưng lên, đây là tình trạng viêm. Nếu nhọt vỡ ra, nó có thể chảy mủ. Nhọt thường xảy ra dưới cánh tay hoặc xung quanh bẹn hoặc mông.
Mụn nhọt có mủ do nhiễm tụ cầu vàng
-
Chốc lở. Loại nhiễm trùng dễ lây lan, gây đau đớn này có thể do tụ cầu vàng gây ra. Chốc lở thường có các mụn nước lớn, có thể chảy dịch và phát triển thành lớp bề mặt màu mật ong.
-
Viêm mô tế bào – là loại nhiễm trùng ở phần biểu bì sâu hơn, gây ra mẩn đỏ và sưng tấy trên bề mặt da của bạn. Các vết loét hoặc khu vực chảy dịch cũng có thể xuất hiện.
-
Hội chứng bong vảy da do tụ cầu. Độc tố sinh ra do nhiễm trùng tụ cầu có thể dẫn đến hội chứng này. Trẻ sơ sinh và trẻ em dễ mắc hội chứng này, có biểu hiện sốt, phát ban và đôi khi có mụn nước. Khi mụn nước vỡ ra, lớp da trên cùng sẽ bong ra - để lại một bề mặt thô, đỏ trông giống như vết bỏng.
Hội chứng bong vảy da do tụ cầu
NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM
Vi khuẩn tụ cầu là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra ngộ độc thực phẩm. Các triệu chứng xuất hiện nhanh chóng, thường là trong vòng vài giờ sau khi ăn thực phẩm bị nhiễm. Các triệu chứng cũng thường biến mất nhanh chóng, thường chỉ kéo dài nửa ngày.
Nhiễm tụ cầu trong thực phẩm thường không gây sốt. Các dấu hiệu và triệu chứng bạn có thể gặp khi nhiễm loại tụ cầu khuẩn này bao gồm:
-
Buồn nôn và ói mửa
-
Tiêu chảy
-
Mất nước
-
Tụt huyết áp.
NHIỄM TRÙNG MÁU
Nhiễm trùng máu xảy ra khi vi khuẩn tụ cầu xâm nhập vào máu của một người. Những dấu hiệu đầu tiên thường là sốt và huyết áp thấp. Vi khuẩn sẽ gây nhiễm trùng khi nó di chuyển đến các bộ phận khác của cơ thể, như:
-
Các cơ quan nội tạng, chẳng hạn như não, tim, phổi.
-
Xương và cơ
-
Các thiết bị được cấy ghép phẫu thuật, chẳng hạn như khớp nhân tạo hoặc máy tạo nhịp tim.
HỘI CHỨNG SỐC NHIỄM KHUẨN
Đây là một tình trạng nguy hiểm do độc tố của một số chủng vi khuẩn tụ cầu tạo ra và thường có liên quan đến việc sử dụng một số loại tampon, các vết thương trên da và phẫu thuật tại bệnh viện. Hội chứng này thường xảy ra đột ngột với các triệu chứng sau:
-
Sốt cao
-
Buồn nôn và ói mửa
-
Phát ban trên lòng bàn tay và lòng bàn chân giống như bị cháy nắng
-
Giảm nhận thức, mê mang.
-
Đau cơ
-
Tiêu chảy
-
Đau bụng
NHIỄM TRÙNG KHỚP
Nhiễm trùng khớp thường do nhiễm trùng tụ cầu và chúng thường nhắm vào đầu gối, vai, hông và ngón tay hoặc ngón chân. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể bao gồm:
-
Sưng khớp
-
Đau khớp dữ dội
-
Sốt.
KHI NÀO BẠN CẦN ĐẾN BỆNH VIỆN?
Đi khám ngay nếu bạn có các dấu hiệu như:
-
Một vùng da bị kích ứng, đỏ, và gây đau đớn.
-
Mụn nước có mủ
-
Sốt
-
Có sự lây nhiễm giữa các thành viên trong gia đình, xuất hiện các triệu chứng cùng lúc.
PHÒNG TRÁNH
Những biện pháp phòng ngừa thông thường sau đây có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng tụ cầu vàng:
-
Rửa tay. Rửa tay thật kỹ là cách bảo vệ tốt nhất để chống lại vi khuẩn. Rửa tay bằng xà phòng trong ít nhất 20 giây và rửa lại bằng nước. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước, trong và sau khi chế biến thức ăn; trước khi ăn; sau khi sử dụng phòng tắm; và sau khi chạm vào động vật hoặc chất thải động vật.
-
Che vết thương hở.
-
Sử dụng tampon đúng cách.
-
Tránh dùng chung các vật dụng cá nhân như khăn tắm, ga trải giường, dao cạo râu, quần áo và dụng cụ thể thao.
-
Giặt quần áo, drap giường bằng nước nóng, chất tẩy rửa phù hợp
-
Thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Rửa tay trước khi tiếp xúc với thực phẩm, bảo quản thực phẩm đúng cách.