daydreaming distracted girl in class

LOÃNG XƯƠNG

Tổng quan

Loãng xương là hiện tượng xương trở nên yếu và dễ gãy, đến mức chỉ một chấn thương nhẹ, thậm chí chỉ cần cúi gập người hoặc ho cũng có thể gãy xương. Và thường xảy ra nhất ở hông, cổ tay hoặc cột sống.

Xương là mô sống liên tục bị phá hủy và tái tạo. Loãng xương xảy ra khi quá trình tái tạo xương mới không theo kịp sự phá hủy xương cũ.

Loãng xương xảy ra ở cả nam và nữ, ở mọi chủng tộc. Nhưng phụ nữ da trắng và châu Á, đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi, đã qua thời kỳ mãn kinh có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Thuốc, chế độ ăn uống lành mạnh và các bài tập tăng chịu trọng lượng cơ thể giúp ngăn ngừa mất xương hoặc củng cố xương yếu.

 

Nguyên nhân

Cấu trúc mô xương trong bệnh loãng xương.

Xương luôn trong trạng thái đổi mới: xương mới được tạo ra và xương cũ bị phá hủy. Khi còn trẻ, quá trình tái tạo xương mới xảy ra nhanh hơn làm tăng khối lượng xương. Sau 20 tuổi, quá trình này chậm lại và đa số đạt đến khối lượng xương tối đa ở tuổi 30. Khi già đi, quá trình phá hủy xương xảy ra nhanh hơn và gây loãng xương.

Nguy cơ bị loãng xương phụ thuộc một phần vào khối lượng xương đạt được khi còn trẻ. Khối lượng xương tối đa được di truyền một phần và khác nhau ở từng chủng tộc. Khối lượng xương đạt được càng cao, càng ít nguy cơ bị loãng xương khi về già.

 

Yếu tố nguy cơ

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ loãng xương, bao gồm tuổi tác, chủng tộc, lối sống, các bệnh nền cũng như phương pháp điều trị.

Yếu tố không thay đổi được

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ loãng xương nằm ngoài tầm kiểm soát, bao gồm:

  • Phụ nữ.

  • Lớn tuổi.

  • Chủng tộc: người da trắng hoặc người gốc Á.

  • Tiền sử gia đình: có cha mẹ hoặc anh chị em ruột bị loãng xương hoặc gãy xương hông.

  • Khung xương nhỏ. 

Nồng độ hormone

Loãng xương phổ biến ở người có nồng độ một số hormone quá nhiều hoặc quá ít như:

  • Sụt giảm hormone sinh dục: sụt giảm nồng độ estrogen ở phụ nữ khi mãn kinh là một trong những nguy cơ cao nhất gây loãng xương. Ngoài ra, điều trị ung thư tuyến tiền liệt làm giảm nồng độ testosterone ở nam giới và điều trị ung thư vú làm giảm lượng estrogen ở phụ nữ cũng làm tăng tốc độ phá hủy xương.

  • Các rối loạn về tuyến giáp: quá nhiều hormone giáp khi cường giáp hoặc dùng quá nhiều thuốc hormone giáp để điều trị nhược giáp gây phá hủy xương.

  • Các tuyến nội tiết khác: cường tuyến cận giáp và tuyến thượng thận cũng có thể gây loãng xương.

Chế độ ăn uống

Loãng xương thường xảy ra ở những người có chế độ ăn uống:

  • Thiếu canxi: thiếu canxi đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bệnh loãng xương. Lượng canxi thấp góp phần làm giảm mật độ xương, mất xương sớm và tăng nguy cơ gãy xương.

  • Rối loạn ăn uống: tình trạng chán ăn nặng và suy dinh dưỡng sẽ làm suy yếu xương ở cả nam và nữ.

  • Phẫu thuật đường tiêu hóa: phẫu thuật cắt dạ dày hoặc cắt một phần ruột sẽ làm giảm diện tích bề mặt hấp thụ chất dinh dưỡng, bao gồm cả canxi. Những cuộc phẫu thuật này được tiến hành nhằm mục đích giảm cân và điều trị các rối loạn về tiêu hóa khác.

Steroid và các loại thuốc khác

Sử dụng corticosteroid đường uống hoặc tiêm kéo dài như prednisone và cortisone có thể cản trở quá trình tái tạo xương. Loãng xương cũng có liên quan đến các loại thuốc được sử dụng để điều trị hoặc ngăn ngừa:

  • Co giật.

  • Trào ngược dạ dày.

  • Ung thư.

  • Thải ghép.

Bệnh lý nền

Nguy cơ loãng xương cao hơn ở những người có một số bệnh lý, bao gồm:

  • Bệnh celiac.

  • Viêm ruột.

  • Bệnh thận hoặc gan.

  • Ung thư.

  • Đa u tủy.

  • Viêm khớp dạng thấp.

Lối sống

Một số thói quen xấu có thể làm tăng nguy cơ loãng xương như:

  • Ít vận động: những người ngồi nhiều có nguy cơ bị loãng xương cao hơn những người hoạt động nhiều. Bất kỳ bài tập và hoạt động tăng chịu trọng lượng cơ thể nào thúc đẩy sự cân bằng và tư thế tốt đều có lợi cho xương, đặc biệt là đi bộ, chạy, nhảy, khiêu vũ và cử tạ.

  • Lạm dụng rượu: thường xuyên tiêu thụ nhiều hơn hai lần đồ uống có cồn mỗi ngày làm tăng nguy cơ loãng xương.

  • Hút thuốc lá: vai trò chính xác của thuốc lá đối với bệnh loãng xương vẫn chưa rõ ràng, nhưng các nghiên cứu đã chứng minh rằng hút thuốc lá góp phần làm yếu xương.

 

Triệu chứng

Trong giai đoạn đầu của bệnh thường không có triệu chứng. Nhưng khi xương trở nên suy yếu, người bệnh có thể có các dấu hiệu và triệu chứng như:

  • Đau lưng do gãy hoặc xẹp đốt sống.

  • Giảm chiều cao theo thời gian.

  • Khom hoặc gù lưng.

  • Xương dễ gãy.

Làm thế nào loãng xương có thể làm cho đốt sống bị co rút và xẹp xuống

Gãy nén đốt sống

Chẩn đoán

Để xác định tỷ lệ khoáng chất trong xương, bác sĩ sẽ đề nghị chụp Xquang với tia X ở mức độ thấp nhằm đo mật độ xương. Trong quá trình này, người bệnh sẽ nằm trên bàn có đệm và thiết bị ghi hình sẽ lướt qua toàn cơ thể. Đa số các trường hợp chỉ kiểm tra một số xương nhất định, thường là xương hông và cột sống.

 

Điều trị

Các phương pháp điều trị thường dựa trên ước tính nguy cơ gãy xương trong 10 năm tới bằng cách kiểm tra mật độ xương. Nếu nguy cơ thấp, việc điều trị có thể chỉ tập trung vào điều chỉnh các yếu tố nguy cơ gây mất xương và té ngã.

Bisphosphonates

Đối với người có nguy cơ gãy xương cao, thuốc điều trị loãng xương được chỉ định phổ biến nhất là bisphosphonates, như:

  • Alendronate (Binosto, Fosamax).

  • Ibandronate (Boniva).

  • Risedronate (Actonel, Atelvia).

  • Axit Zoledronic (Reclast, Zometa).

Các tác dụng phụ bao gồm buồn nôn, đau bụng và các triệu chứng giống chứng ợ nóng, nhưng sẽ ít xảy ra nếu dùng thuốc đúng cách. Các dạng bisphosphonat tiêm tĩnh mạch không gây đau dạ dày nhưng có thể gây sốt, đau đầu và đau cơ.

Một biến chứng rất hiếm gặp của bisphosphonates là gãy hoặc nứt giữa xương đùi. Biến chứng hiếm gặp thứ hai là hoại tử xương hàm, có thể xảy ra sau một thủ thuật nha khoa xâm lấn như nhổ răng.

Denosumab

So với bisphosphonates, denosumab (Prolia, Xgeva) cho hiệu quả làm tăng mật độ xương tương tự hoặc tốt hơn và giảm nguy cơ gãy xương. Denosumab được chỉ định tiêm dưới da sáu tháng một lần.

Tương tự như bisphosphonates, denosumab cũng có biến chứng hiếm gặp là gây gãy hoặc nứt giữa xương đùi và hoại tử xương hàm. Khi quyết định sử dụng denosumab, người bệnh có thể phải duy trì lâu dài. Nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, người bệnh còn có nguy cơ cao bị gãy cột sống sau khi ngừng thuốc.

Liệu pháp hormone

Estrogen, sử dụng ngay sau khi mãn kinh có thể giúp duy trì mật độ xương. Tuy nhiên, liệu pháp estrogen có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú và tạo cục máu đông gây đột quỵ. Do đó, estrogen thường được sử dụng ở phụ nữ trẻ hoặc phụ nữ có triệu chứng mãn kinh.

Raloxifene (Evista) bắt chước tác dụng có lợi của estrogen đối với mật độ xương ở phụ nữ sau mãn kinh mà không gây các rủi ro liên quan đến estrogen. Loại thuốc này có thể làm giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư vú. Tuy nhiên, tác dụng phụ khác có thể xảy ra là bốc hỏa. Ngoài ra, raloxifene cũng có thể tăng nguy cơ đông máu.

Ở nam giới, loãng xương có thể liên quan đến giảm sút từ từ nồng độ testosterone do tuổi tác. Liệu pháp thay thế testosterone có thể cải thiện các triệu chứng thiếu hụt testosterone. Nhưng các loại thuốc điều trị loãng xương đã được nghiên cứu có hiệu quả tốt hơn ở nam giới, do đó được khuyến cáo dùng một mình hoặc kết hợp testosterone.

Thuốc tăng tạo xương

Khi bị loãng xương nặng hoặc các phương pháp điều trị khác không hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị một số loại thuốc như:

  • Teriparatide (Bonsity, Forteo): là loại thuốc mạnh, hoạt động tương tự hormone cận giáp và kích thích tái tạo xương mới. Được tiêm dưới da hàng ngày trong tối đa hai năm.

  • Abaloparatide (Tymlos): là loại thuốc khác tương tự hormone cận giáp và chỉ sử dụng trong hai năm.

  • Romosozumab (Evenity): là loại thuốc tái tạo xương mới nhất trong điều trị loãng xương. Được tiêm hàng tháng tại trong tối đa một năm.

Sau khi ngừng bất kỳ loại thuốc nào trong nhóm tăng tạo xương này, người bệnh cần dùng một nhóm thuốc điều trị loãng xương khác để duy trì sự phát triển xương mới.

 

 

 
Có thể bạn quan tâm?
GIÃN MAO MẠCH XUẤT HUYẾT DI TRUYỀN

GIÃN MAO MẠCH XUẤT HUYẾT DI TRUYỀN

administrator
U TUYẾN YÊN

U TUYẾN YÊN

administrator
UNG THƯ NỘI MẠC TỬ CUNG

UNG THƯ NỘI MẠC TỬ CUNG

administrator
CHẤN THƯƠNG SỌ NÃO (TBI)

CHẤN THƯƠNG SỌ NÃO (TBI)

administrator
HỘI CHỨNG KHÁNG PHOSPHOLIPID

HỘI CHỨNG KHÁNG PHOSPHOLIPID

administrator
THIẾU MÁU CƠ TIM

THIẾU MÁU CƠ TIM

administrator
SUY DINH DƯỠNG

SUY DINH DƯỠNG

administrator
HIV & AIDS

HIV & AIDS

administrator