LOÉT DẠ DÀY TÁ TRÀNG

daydreaming distracted girl in class

LOÉT DẠ DÀY TÁ TRÀNG

Tổng quan

Loét dạ dày là những vết loét hở xuất hiện trên niêm mạc bên trong dạ dày và phần trên của ruột non. Triệu chứng phổ biến nhất của loét dạ dày tá tràng là đau dạ dày.

Loét dạ dày bao gồm:

  • Loét dạ dày xảy ra ở bên trong dạ dày

  • Loét tá tràng xảy ra ở bên trong phần trên của ruột non (tá tràng)

Nguyên nhân phổ biến nhất của viêm loét dạ dày tá tràng là do nhiễm khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) và sử dụng các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen (Advil, Motrin IB, những loại khác) và naproxen sodium (Aleve) trong thời gian dài. Căng thẳng và ăn thức ăn cay không gây loét dạ dày tá tràng. Tuy nhiên chúng có thể làm cho các triệu chứng trở nên tệ hơn.

Triệu chứng

  • Đau rát bụng

  • Cảm giác đầy hơi, chướng bụng hoặc ợ hơi

  • Không tiêu hóa được thức ăn chứa nhiều chất béo

  • Ợ nóng, ợ chua

  • Buồn nôn

Triệu chứng viêm loét dạ dày tá tràng thường gặp nhất là đau rát dạ dày. Axit dạ dày và khi bụng đói làm cho cơn đau trở nên tồi tệ hơn. Cơn đau có thể dịu đi nếu ăn các loại thức ăn hoặc sử dụng thuốc có tác dụng trung hòa axit dạ dày, nhưng sau đó chúng có thể quay trở lại. Giữa các bữa ăn và về đêm là thời điểm các cơn đau trở nên tồi tệ hơn.

Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân loét dạ dày tá tràng lại không xuất hiện triệu chứng.

Hiếm gặp hơn, các vết loét có khả năng gây ra các dấu hiệu hoặc triệu chứng nghiêm trọng như:

  • Nôn hoặc nôn ra máu - có thể có màu đỏ hoặc đen

  • Máu sẫm màu lẫn trong phân khi đi ngoài, hoặc phân có màu đen hay màu hắc ín

  • Khó thở

  • Cảm thấy mờ nhạt

  • Buồn nôn hoặc nôn 

  • Sụt cân không rõ lí do

  • Giảm cảm giác ngon miệng

Khi nào nên gặp bác sĩ

Gặp bác sĩ nếu xuất hiện các dấu hiệu hoặc triệu chứng nghiêm trọng như trên. Ngoài ra, hãy đi khám nếu các cơn đau đã thuyên giảm sau khi sử dụng thuốc trung hòa và ngăn trào ngược axit nhưng được một thời gian chúng lại quay trở lại.

Nguyên nhân

Viêm loét dạ dày tá tràng xảy ra khi axit của hệ tiêu hóa ăn mòn bề mặt bên trong của dạ dày hoặc ruột non. Axit có khả năng tạo ra vết loét hở gây đau và có thể chảy máu.

Đường tiêu hóa của cơ thể được bao phủ bởi một lớp nhầy có chức năng bảo vệ chống lại axit. Nhưng nếu lượng axit tăng lên hoặc lớp nhầy mỏng đi, dạ dày có thể bị loét.

Các nguyên nhân phổ biến bao gồm:

  • Do vi khuẩn. Vi khuẩn Helicobacter pylori thường sống trong lớp nhầy bao phủ và bảo vệ các mô lót dạ dày và ruột non. Thông thường, vi khuẩn H. pylori sống hòa thuận với dạ dày, tuy nhiên nó có thể gây ra viêm ở lớp trong của dạ dày, dẫn tới loét.

Hiện nguyên nhân nhiễm khuẩn H. pylori vẫn chưa được hiểu rõ. Vi khuẩn này được truyền từ người này sang người khác khi tiếp xúc gần gũi, chẳng hạn như khi hôn. Ngoài ra vi khuẩn H. pylori còn có thể lây qua thức ăn và nước uống.

  • Thường xuyên sử dụng một số loại thuốc giảm đau. Dùng aspirin, cũng như một số loại thuốc giảm đau không kê đơn và không kê đơn thuộc nhóm thuốc chống viêm không steroid (NSAID), có thể gây kích ứng hoặc làm viêm niêm mạc dạ dày và ruột non của bạn. Những loại thuốc này bao gồm ibuprofen (Advil, Motrin IB, vân vân), naproxen sodium (Aleve, Anaprox DS, vân vân), ketoprofen và một số thuốc khác. Những thuốc trên không bao gồm acetaminophen (Tylenol, những loại khác).

  • Các loại thuốc khác. Một số thuốc khác cùng với NSAID, ví dụ như steroid, thuốc chống đông máu, aspirin liều thấp, chất ức chế tái hấp thu serotonin (SSRI), alendronate (Fosamax) và risedronate (Actonel), có thể làm tăng đáng kể khả năng tạo ra vết loét.

Yếu tố nguy cơ

Ngoài các rủi ro liên quan đến việc sử dụng NSAID, nguy cơ mắc viêm loét dạ dày tá tràng cũng tăng nếu bạn:

  • Hút thuốc. Hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ loét dạ dày tá tràng ở những người bị nhiễm H. pylori.

  • Uống rượu. Rượu có thể gây kích ứng và ăn mòn niêm mạc dạ dày của bạn, ngoài ra rượu còn làm tăng lượng axit dạ dày được tạo ra.

  • Căng thẳng

  • Ăn thức ăn cay.

Nếu chỉ diễn ra riêng lẻ, các yếu tố trên không thể gây ra viêm loét dạ dày, tuy nhiên chúng khiến bệnh trở nên nặng và khó chữa trị hơn.

Biến chứng

Nếu không được điều trị, loét dạ dày tá tràng có thể dẫn đến:

  • Xuất huyết trong. Xuất huyết có thể xảy ra từ từ và dẫn đến thiếu máu hoặc mất máu nghiêm trọng, bạn có thể phải nhập viện hoặc cần được truyền máu. Xuất huyết nghiêm trọng có thể gây nôn ra máu hoặc nôn có màu đen, phân có thể có màu đen hoặc máu.

  • Thủng dạ dày. Loét dạ dày có thể gây thủng thành dạ dày hoặc ruột non, khiến bạn có nguy cơ bị nhiễm trùng nghiêm trọng ở khoang bụng (viêm phúc mạc).

  • Tắc nghẽn thức ăn. Loét dạ dày có thể cản trở sự di chuyển của thức ăn qua đường tiêu hóa, khiến bạn dễ bị no, nôn mửa và sụt cân do sưng tấy, viêm nhiễm hoặc do sẹo dạ dày.

  • Ung thư dạ dày. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người bị nhiễm H. pylori có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn.

Phòng ngừa

Nguy cơ bị loét dạ dày tá tràng có thể được giảm đi đáng kể nếu tuân theo các khuyến cáo sau:

  • Bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng. Hiện không rõ vi khuẩn H. pylori lây lan như thế nào, nhưng có một số bằng chứng cho thấy vi khuẩn này có thể lây truyền từ người sang người hoặc qua thức ăn và nước uống.

Để bảo vệ cơ thể khỏi H. pylori, nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, thực hiện ăn chín uống sôi.

  • Thận trọng với thuốc giảm đau. Nếu bạn thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau có nguy cơ gây loét dạ dày tá tràng, nên uống thuốc trong bữa ăn để làm giảm khả năng gây loét của.

Trao đổi với bác sĩ về liệu thuốc thấp nhất nhưng vẫn có tác dụng giảm đau. Tránh uống rượu khi dùng thuốc, vì đây là hai tác nhân gây loét dạ dày.

Nếu cần sử dụng NSAID, bạn cũng nên dùng thêm các loại thuốc khác như thuốc trung hòa axit, thuốc ức chế bơm proton, thuốc ngăn trào ngược axit hoặc thuốc bảo vệ màng nhầy. Một loại NSAID có tên là thuốc ức chế COX-2 ít có khả năng gây loét dạ dày tá tràng hơn, nhưng lại làm tăng nguy cơ đau tim.

Chẩn đoán

Để chẩn đoán loét dạ dày tá tràng, bác sĩ đầu tiên sẽ kiểm tra bệnh sử và khám ngoài da. Sau đó, bệnh nhân có thể cần thực hiện một số xét nghiệm, ví dụ như:

  • Các xét nghiệm kiểm tra H. pylori. H. pylori có thể được phát hiện thông qua xét nghiệm máu, phân hoặc hơi thở. Xét nghiệm hơi thở là phương pháp chính xác nhất.

Để kiểm tra hơi thở, bệnh nhân sẽ uống dung dịch chứa urea có gắn đồng vị carbon. Sau một khoảng thời gian, người được xét nghiệm sẽ thổi vào túi và được niêm phong lại. Nếu nhiễm H. pylori, mẫu hơi thở sẽ chứa carbon phóng xạ dưới dạng CO2.

Nếu đang dùng thuốc kháng axit trước khi xét nghiệm H. pylori, hãy thông báo cho bác sĩ. Tùy thuộc vào loại xét nghiệm được sử dụng, bệnh nhân có thể phải ngừng sử dụng thuốc trong một khoảng thời gian vì thuốc kháng axit có thể dẫn đến kết quả âm tính giả.

  • Nội soi. Bác sĩ có thể sử dụng một ống soi để kiểm tra phần trên của đường tiêu hóa. 

Nếu bác sĩ phát hiện vết loét, một mẫu mô nhỏ (sinh thiết) có thể được lấy ra để kiểm tra trong phòng thí nghiệm. Sinh thiết cũng có thể xác định liệu H. pylori có xuất hiện trong niêm mạc dạ dày của bạn hay không.

Chỉ định nội soi thường được khuyến nghị cho các bệnh nhân lớn tuối, có dấu hiệu xuất huyết, sụt cân hoặc khó ăn và khó nuốt. Nếu nội soi cho thấy một vết loét trong dạ dày, bênh nhân nên được nội soi thêm một lần nữa sau khi đã thực hiện điều trị để chắc chắn rằng vết loét đã lành, ngay cả khi các triệu chứng đã thuyên giảm.

  • Chụp phim dạ dày-ruột. Ở phương pháp chẩn đoán này, bác sĩ sẽ chụp nhiều hình ảnh X-quang của phần trên đường tiêu hóa để cho ra hình ảnh của thực quản, dạ dày, ruột non. Bệnh nhân sẽ được yêu cầu nuốt một dung dịch trắng có chưa bari để hình ảnh của vết loét trở nên rõ hơn.

Điều trị

Điều trị viêm loét dạ dày tá tràng thường tùy thuộc vào nguyên nhân gây loét. Bao gồm loại bỏ vi khuẩn H. pylori, ngừng hoặc giảm sử dụng thuốc NSAID nếu có thể, và sử dụng một số thuốc khác để chữa lành vết loét.

Một số loại thuốc có thể được chỉ định bao gồm:

  • Thuốc kháng sinh diệt H. pylori.  Chẳng hạn như amoxicillin (Amoxil), clarithromycin (Biaxin), metronidazole (Flagyl), tinidazole (Tindamax), tetracycline và levofloxacin.

Thuốc có thể được chỉ định dùng trong hai tuần, kết hợp với thuốc nhằm giảm axit dạ dày, bao gồm thuốc ức chế bơm proton, có thể là bismuth subsalicylate (Pepto-Bismol).

  • Thuốc ngăn chặn việc tạo ra axit và thúc đẩy quá trình chữa lành. Thuốc ức chế bơm proton - còn được gọi là PPI - làm giảm axit trong dạ dày bằng cách ngăn chặn hoạt động của các bộ phận của tế bào có chức năng tạo ra axit. Bao gồm cả thuốc theo toa và thuốc không kê đơn: omeprazole (Prilosec), lansoprazole (Prevacid), rabeprazole (Aciphex), esomeprazole (Nexium) và pantoprazole (Protonix).

Sử dụng thuốc ức chế bơm proton trong thời gian dài, đặc biệt ở liều cao, có thể làm tăng nguy cơ gãy xương hông, cổ tay và cột sống. Hãy hỏi bác sĩ liệu có cần bổ sung thêm canxi trong trường hợp này hay không.

  • Thuốc giảm lượng axit dạ dày sản xuất. Thuốc kháng axit, hay còn gọi là thuốc kháng histamine (H-2) - làm giảm lượng axit dạ dày tiết ra vào đường tiêu hóa, giảm đau do loét và kích thích quá trình chữa lành.

Một số đại diện là famotidine (Pepcid AC), cimetidine (Tagamet HB) và nizatidine (Axid AR).

  • Thuốc kháng axit hoạt động qua cơ chế trung hòa axit dạ dày. Thuốc có tác dụng trung hòa axit trong dạ dày và giảm đau nhanh chóng. Các tác dụng phụ có thể có bao gồm táo bón hoặc tiêu chảy, tùy thuộc vào các thành phần của thuốc.

Thuốc kháng axit có thể giúp giảm triệu chứng nhưng thường không được sử dụng để chữa lành vết loét.

  • Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày ruột non. Bao gồm thuốc kê đơn sucralfate (Carafate) và misoprostol (Cytotec).

Theo dõi sau điều trị ban đầu

Điều trị loét dạ dày tá tràng thường thành công, vết loét được chữa lành. Nhưng nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hoặc vết loét vẫn tồn tại mặc dù đã được điều trị, bác sĩ có thể cần thực hiện nôi soi để tìm kiếm các nguyên do khác gây ra vết loét.

Nếu vết loét được phát hiện trong quá trình nội soi, bệnh nhân có thể cần thêm một lần nội soi khác sau khi đã được chữa khỏi.

Vết loét không lành sau khi đã được điều trị

Loét dạ dày không lành sau khi điều trị được gọi là loét dai dẳng. Có nhiều lý do khiến vết loét không lành, bao gồm:

  • Không sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn

  • Một số loại H. pylori kháng thuốc kháng sinh

  • Hút thuốc lá thường xuyên

  • Thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau - chẳng hạn như NSAID - làm tăng nguy cơ loét

Ít thường xuyên hơn, loét dai dẳng có thể là kết quả của:

  • Tiết ra quá nhiều axit dạ dày, chẳng hạn như ở người mắc hội chứng Zollinger-Ellison

  • Nhiễm trùng gây ra không phải do H. pylori

  • Ung thư dạ dày

  • Các bệnh khác có thể gây loét dạ dày và ruột non, chẳng hạn như bệnh Crohn

Điều trị loét dai dẳng thường bao gồm việc loại bỏ các yếu tố có thể cản trở việc chữa lành, cùng với việc sử dụng các loại kháng sinh khác nhau.

Nếu bệnh nhân xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng từ vết loét, chẳng hạn như xuất huyết cấp tính hoặc thủng, bác sĩ có thể phải thực hiện phẫu thuật. Tuy nhiên, đây là biện pháp ít được sử dụng hơn so với lúc trước do các loại thuốc hiện đã hiệu quả hơn.

 

 

 
Có thể bạn quan tâm?
TĂNG THÔNG KHÍ

TĂNG THÔNG KHÍ

administrator
THOÁT VỊ ĐÙI

THOÁT VỊ ĐÙI

administrator
VIÊM TỦY XƯƠNG

VIÊM TỦY XƯƠNG

administrator
VIÊM CHÓP XOAY

VIÊM CHÓP XOAY

administrator
NIỆU QUẢN GIÃN

NIỆU QUẢN GIÃN

Niệu quản giãn là niệu quản lớn hơn bình thường. Niệu quản là các ống mà nước tiểu chảy từ thận đến bàng quang. Hầu hết tình trạng này được phát hiện trong quá trình chẩn đoán chụp ảnh trước khi sinh hoặc trong quá trình kiểm tra nhiễm trùng đường tiết niệu. Niệu quản giãn có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh và trong một số trường hợp, cần phẫu thuật xâm lấn tối thiểu.
administrator
TRĨ NỘI

TRĨ NỘI

administrator
XƠ CỨNG BÌ TOÀN THỂ

XƠ CỨNG BÌ TOÀN THỂ

administrator
VIÊM PHỔI Ở TRẺ EM

VIÊM PHỔI Ở TRẺ EM

administrator