NGÓ SEN

Ngó sen chính là một bộ phận của cây Sen. Không những có giá trị dinh dưỡng cao, có thể ăn kèm với nhiều loại món ăn khác, Ngó sen còn được sử dụng nhiều trong Y học cổ truyền để điều trị bệnh rất hiệu quả.

daydreaming distracted girl in class

NGÓ SEN

Giới thiệu về dược liệu Ngó sen

Cây Sen vốn là một loài cây dân dã, là biểu tượng của những người nông dân chân chất và những vùng làng quê thanh bình của Việt Nam. Trong y học cổ truyền, Sen là một loài dược liệu với rất nhiều tác dụng chữa bệnh và toàn bộ phận của cây đều có thể dùng. Ngó sen chính là một bộ phận của cây Sen. Không những có giá trị dinh dưỡng cao, có thể ăn kèm với nhiều loại món ăn khác, Ngó sen còn được sử dụng nhiều trong Y học cổ truyền để điều trị bệnh rất hiệu quả.

- Tên khoa học: Nodus Nelumbinis Rhizomatis, là phần thân rễ của cây Sen (Nelumbo nucifera Nelumbonaceae)

- Họ khoa học: Nelumbonaceae (họ Sen).

- Tên gọi khác: Ngẫu tiết.

Tổng quan về cây Sen và dược liệu Ngó sen

- Cây Sen là một loài cây mọc dưới nước, thường bắt gặp ở những vùng ao hồ và đầm lầy. Tuy mọc trong nước, luôn tiếp xúc với bùn và đất ẩm tuy nhiên cây Sen lại mang vẻ đẹp thuần khiết và rực rỡ  - “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Chính vì điều này mà Sen thường được người đời gắn với những giá trị linh thiên, cao quý. Sen còn là một loài hoa tượng trưng cho Phật giáo, với hình ảnh Đức Phật và các vị Bồ Tát ngồi trên đài sen đã để lại ấn tượng rất sâu sắc trong lòng chốn Phật tử.

- Phần thân rễ có hình trụ của cây Sen nằm ngập ở dưới lớp bùn sâu là Ngó sen. Khi những lá sen non vừa mọc và nổi lên mặt nước thì vẫn còn chưa thẳng đứng mà cuốn lại thành nhiều vòng. Sen do thường mọc trong đầm lầy nên phần ngó tiếp xúc với bùn sẽ có màu đen vì dính bùn. Tuy nhiên, ngó sen khi rửa sạch và sơ chế sẽ cho màu trắng rất đẹp mắt.

Đặc điểm thực vật và phân bố dược liệu Ngó sen

- Đặc điểm thực vật:

  • Khi quan sát từ bên ngoài, Ngó sen có màu trắng sữa. Thể chất rất giòn và xốp, khi sờ vào sẽ có cảm giác mát lạnh. Đường kính dài khoảng 3 cm. Phần mặt cắt của Ngó sen gồm các khoang rỗng, xếp theo hình nan hoa, màu trắng đến trắng hồng. 

  • Ngó sen có vị ngọt, có thể ăn sống hoặc nấu chín. Ngó sen sống có thể dùng làm gỏi hoặc nộm hoặc có thể nấu lẩu. Những món ăn có thành phần Ngó sen đều có vị rất ngon và cung cấp rất nhiều chất dinh dưỡng cho cơ thể.

- Phân bố dược liệu: Sen mọc khắp nơi tại nước ta, thường gặp nhiều trong các đầm, hồ, ao. Sen thường ra hoa quanh năm.

Bộ phận dùng, thu hái và chế biến

- Bộ phận dùng: phần thân rễ của cây Sen ngập trong bùn.

- Thu hái: để có thể thu hoạch được Ngó sen ngon và nhiều chất dinh dưỡng nhất, người thợ hái ngó sen phải tính toán thời điểm lá sen còn non và vừa nổi lên mặt nước. Lúc này, lá còn cuốn lại thành từng vòng thì thợ hái ngó sen sẽ dùng tay đưa dọc theo lá sen xuống tới gốc sen để thu hoạch. 

- Chế biến: Ngó sen sau khi thu hoạch cần phải rửa thật kỹ với nước để loại bỏ các bùn và nhựa đen sau khi thu hái. Có thể sơ chế ngó sen với nhiều cách khác nhau (chanh và muối, giấm và đường, nước lạnh,…) để khi sử dụng sẽ cho mùi hương và thể chất đặc trưng của cách sơ chế đó. Trước khi đem ra chế biến theo mục đích, người làm bếp chỉ cần rửa sạch lại với nước là có thể sử dụng được ngay.

Thành phần hóa học của Ngó sen

Ngó sen có rất nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Các nghiên cứu đã chỉ ra trong Ngó sen chứa nhiều nguyên tố vi lượng, chất xơ, tinh bột, các vitamin và khoáng chất. Ngoài ra, trong ngó sen còn chứa các chất chuyển hóa sơ cấp khác như chất béo và protein cần thiết cho cơ thể. Theo một số tài liệu tham khảo đã thống kê cho thấy trong 100 g ngó sen có chứa các chất dinh dưỡng với lượng như sau: 

- 74 calo.

- 17 g carbohydrate.

- 5 g chất xơ.

- 2,5 g protein.

- 0,1 g chất béo.

- 0,39 mg kẽm.

- 23 mg magie.

- 0,261 mg kali.

- 1,16 mg sắt.

- 0.25 mg đồng.

- 40 mg natri.

- 44 mg Vitamin C và nhiều hoạt chất khác.

Đáng chú ý trong ngó sen có hàm lượng vitamin C rất cao (44 mg/100 g), nhiều hơn cả hàm lượng vitamin C trong cam và chanh.

Tác dụng – công dụng của dược liệu Ngó sen theo Y học hiện đại 

Dược liệu Ngó sen có các tác dụng dược lý như sau:

- Tác dụng nhuận tràng, chữa táo bón: Nhờ chứa hàm lượng chất xơ đáng kể, nên khi ăn ngó sen sẽ cho tác dụng kéo nước vào trong lòng ruột và tăng nhu động của ruột. Từ đó kích thích giúp cho hệ tiêu hóa của cơ thể hoạt động hiệu quả hơn, ngăn ngừa tình trạng táo bón.

- Tác dụng bảo vệ dạ dày trước tác động của ethanol: Thử nghiệm in vivo ở động vật đã cho thấy khi sử dụng Ngó sen giúp làm giảm tổn thương của dạ dày trước tác động của ethanol, cơ chế đã được chỉ ra rằng Ngó sen làm tăng nồng độ của các chất chống oxy hóa như superoxide dismutase (SOD), catalase (CAT), glutathione (GSH) và glutathione peroxidase. Ngoài ra, Ngó sen còn cho tác dụng ức chế yếu tố hoại tử mô TNF-α và interleukin tiền viêm (Interleukin 6).

Các chất được cho là có tác dụng bảo vệ dạ dày của Ngó sen là các polysaccharide và mucoprotein. 2 nhóm hoạt chất này khi vào cơ thể sẽ tương tác với niêm mạc dạ dày và giúp bảo vệ dạ dày khỏi các tác nhân oxy hóa.

- Tác dụng điều hòa hệ miễn dịch: Do trong Ngó sen có hàm lượng vitamin C rất cao. Nên khi sử dụng sẽ cho tác dụng chống oxy hóa trước các tác nhân oxy hóa đối với cơ thể, từ đó giữ được tính ổn định cho các tế bào của cơ thể, tránh được sự tổn thương khi bị tác động bởi các gốc tự do (ROS)

- Tác dụng bảo vệ gan: Trong Ngó sen có chứa nhiều acid amin thiết yếu cho cơ thể, một trong số đó là arginine. Acid amin này tham gia vào quá trình tổng hợp các protein cần thiết cho cơ thể. Ngoài ra, arginine còn tham gia vào chu trình ure, giúp đào thải lượng amoniac trong cơ thể ra ngoài.

- Tác dụng thẩm mỹ, làm đẹp da: Trong Ngó sen có chứa vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh, ngoài ra còn chứa các vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Vì vậy sử dụng Ngó sen thường xuyên sẽ cải thiện tình trạng thẩm mỹ của da.

- Tác dụng bổ máu: Trong Ngó sen chứa vitamin K và các nguyên tố vi lượng như sắt và đồng. Các chất này là những yếu tố rất cần thiết cho quá trình tổng hợp hồng cầu cho cơ thể.

Tác dụng – công dụng theo y học cổ truyền của vị thuốc Ngó sen

- Tính vị: vị ngọt hơi đắng, tính bình.

- Quy kinh: vào Can, Vị và Tỳ.

- Công năng - chủ trị: 

  • Chủ trị các triệu chứng thổ huyết, ho ra máu. Tán ứ mạnh dùng trong trường hợp xuất huyết do nhiệt. Tác dụng thu liễm, chỉ huyết tốt.

  • Ngó sen còn có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, bảo vệ hệ tiêu hóa, an thần, điều hòa kinh nguyệt, giảm căng thẳng.

  • Điều trị táo bón và ngăn ngừa việc hình thành búi trĩ.

  • Làm giãn nở phế quản, điều trị các bệnh lý liên quan đến hệ hô hấp.

Cách dùng – Liều dùng của Ngó sen

- Cách dùng: 

  • Tùy theo mục đích sử dụng có thể dùng tươi hoặc dùng khô, liều dùng ở dạng dược liệu khô sẽ nhỏ hơn dược liệu tươi.

  • Có thể sử dụng bằng cách ép lấy nước uống hoặc nấu, hầm, xào cùng các thực phẩm khác. 

- Liều dùng: theo những tài liệu tham khảo, liều sử dụng hằng ngày trung bình của Ngó sen khoảng 10 – 60 g mỗi ngày, có thể lên đến 250 g mỗi ngày.

Một số bài thuốc dân gian có dược liệu Ngó sen

- Bài thuốc chữa chảy máu: 

  • Chuẩn bị: 8 g Ngó sen sao, 8 g Tam lăng, 8 g Nga truật, 8 g Huyết dụ, 8 g Bồ hoàng sao và 6 g Bách thảo sương. 

  • Tiến hành: các nguyên liệu trên đem đi sắc thuốc uống mỗi ngày 1 thang.

- Bài thuốc chữa sốt xuất huyết:

  • Chuẩn bị: 30 g Ngó sen, 30 g Rau má và 20 g Mã đề. 

  • Tiến hành: Tất cả để tươi sắc uống trong ngày.

- Bài thuốc chữa chứng nóng trong, cồn cào, tiểu buốt.

  • Chuẩn bị: 30 g Ngó sen và 30 g Củ sinh địa.

  • Tiến hành: các nguyên liệu đem đi rửa sạch, giã nát, ép lấy nước cốt, cho vào thêm ít muối và nước cốt chanh rồi uống.

- Bài thuốc chữa tiểu tiện ra máu: 

  • Chuẩn bị: 12 g Ngó sen, 20 g Sinh địa, 16 g Hoạt thạch, 12 g Tiểu kế, 12 g Mộc thông, 12 g Bồ hoàng sao, 12 g Đạm trúc điệp, 12 g Sơn chi tử, Chích cam thảo và Đương quy mỗi vị 6 g. 

  • Tiến hành: các nguyên liệu trên sắc thuốc uống mỗi ngày 1 thang.

- Bài thuốc trị tiểu ra máu do viêm nhiễm đường tiết niệu: 

  • Chuẩn bị: 20 g Sinh địa , 16 g Hoạt thạch, 6 g Cam thảo sao, 6 g Đương quy , 12 g Tiểu kế, 12 g Mộc thông, 12 g Ngó sen, 12 g Bồ hoàng sao, 12 g Đạm trúc diệp và 12 g Sơn chi.

  • Tiến hành: các nguyên liệu trên đem đi sắc thuốc uống mỗi ngày 1 thang.

Lưu ý khi sử dụng Ngó sen 

- Tuy Ngó sen là một bộ phận rất bổ dưỡng của cây Sen với nhiều giá trị dinh dưỡng cao và không có độc tố, tuy nhiên với một số đối tượng sau cần lưu ý trước khi sử dụng Ngó sen: 

  • Những người hay đau dạ dày, hội chứng ruột kích thích (IBS) thì hạn chế dùng.

  • Bệnh nhân đái tháo đường hạn chế sử dụng bởi hàm lượng tinh bột cao có thể gây tình trạng khó kiểm soát đường huyết.

- Ngoài ra Ngó sen chứa nhiều chất xơ nên có thể gây các triệu chứng khó chịu trên hệ tiêu hóa nếu sử dụng lâu dài.

- Các bài thuốc từ Ngó sen không được tự ý sử dụng mà phải tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế để đảm bảo hiệu quả, tránh các tác dụng không mong muốn trước khi sử dụng.

 

Có thể bạn quan tâm?
MẬT KỲ ĐÀ

MẬT KỲ ĐÀ

Mật kỳ đà là vị thuốc được lưu truyền rộng rãi trong dân gian với các công dụng rất hữu ích như giúp giải độc, chữa các chứng co giật hay co thắt ở trẻ em, bồi bổ sức khỏe và những công dụng khác nhờ vào sự đa dạng trong thành phần mà vị thuốc này mang đến.
administrator
SÂM VÒ

SÂM VÒ

Sâm vò là một cái tên có lẽ hơi xa lạ đối với nhiều người. Tuy nhiên, nếu nhắc đến cái tên Sương sâm thì hẳn là chúng ta ai cũng biết. Vì đây là một món ăn hoặc món đồ uống giúp giải khát và làm mát cơ thể trong những thời tiết oi bức ở các tỉnh miền Tây nước ta.
administrator
HOÀNG LIÊN

HOÀNG LIÊN

Hoàng liên, hay còn được biết đến với những tên gọi: Chi liên, vượng thảo, vận liên, xuyên nhã liên, chích đởm chi, cổ dũng liên, thượng thảo. Cây hoàng liên là thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền. Dược liệu này có tác dụng an thần, kháng viêm, khử khuẩn, chống virus.. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của dược liệu này.
administrator
CẦN TÂY

CẦN TÂY

Cây cần tây là một loại rau quen thuộc đối với nhiều gia đình Việt Nam. Không những vậy, đây còn là một dược liệu quý với nhiều công dụng như: làm thuốc lợi tiểu, thanh lọc máu, bồi bổ hệ thống thần kinh, chữa bệnh huyết áp, cung cấp khoáng chất cần thiết cho cơ thể,…
administrator
TINH DẦU TRẦU KHÔNG

TINH DẦU TRẦU KHÔNG

Trầu không có tên khoa học là Piper betle L., là một loại gia vị rất phổ biến ở Việt Nam, được sử dụng nhiều trong ẩm thực cũng như chăm sóc sức khỏe. Tinh dầu trầu không được ghi nhận có công dụng kích thích tiêu hóa, tắc sữa, trị hôi miệng, viêm kết mạc, chữa lành vết thương, bổ phổi, trị ho, khó thở, kháng nấm… Đây là một thành phần được sử dụng rộng rãi trong y hõ cổ truyền để diệt nấm Candida, thường gặp gây bệnh nấm âm đạo. Sau đây hãy cùng tìm hiểu về tinh dầu trầu không và những công dụng của nó nhé.
administrator
HẠT DỔI

HẠT DỔI

Hạt dổi được sử dụng làm hương vị món ăn, còn được dùng trong y học với công dụng làm thuốc chữa đau bụng, ăn uống không tiêu, xoa bóp khi đau nhức, tê thấp... Đối với người dân Tây Bắc, hạt dổi là vị thuốc quý với tác dụng chữa các chứng bệnh về tiêu hoá và xương khớp.
administrator
RÂU MÈO

RÂU MÈO

Orthosiphon aristatus hay râu mèo, là cây thân thảo nhiệt đới điển hình, thân cây có cạnh, rãnh dọc và ít phân nhánh. Được dùng để trị sỏi thận, tiểu tiện không thông, phù thũng, đau khớp, gút, rối loạn tiêu hóa…
administrator
CÂU KỶ TỬ

CÂU KỶ TỬ

Câu kỷ tử (Lycium sinense) là một loại dược liệu quen thuộc trong Y học cổ truyền. Với nhiều tên gọi khác nhau như: câu khởi, khởi tử, địa cốt tử, dương nhũ... vị thuốc này được sử dụng từ lâu để điều trị các bệnh liên quan đến gan, thận, mắt... Ngoài ra, Câu kỷ tử còn có nhiều tác dụng khác đối với sức khỏe con người. Cùng tìm hiểu thêm về đặc điểm, thành phần, công dụng và cách sử dụng của dược liệu này qua các phần tiếp theo.
administrator