NGŨ GIA BÌ GAI

Là một vị thuốc có tác dụng thanh nhiệt, giải độc và bổ dưỡng cho cơ thể nên Ngũ gia bì được xem như dược liệu quý với nhiều tác dụng chữa bệnh.

daydreaming distracted girl in class

NGŨ GIA BÌ GAI

Giới thiệu về dược liệu Ngũ gia bì gai 

- Ngũ gia bì gai là dược liệu được sử dụng phổ biến trong nhiều bài thuốc y học cổ truyền phương Đông. Ngoài tác dụng trị liệu, cây còn được trồng làm cảnh, sử dụng như một loại rau trong các bữa cơm của người dân. Cây phân bố chủ yếu ở các nước thuộc khu vực châu Á trong đó có Việt Nam. Là một vị thuốc có tác dụng thanh nhiệt, giải độc và bổ dưỡng cho cơ thể nên Ngũ gia bì được xem như dược liệu quý với nhiều tác dụng chữa bệnh.

- Tên khoa học: Acanthopanax trifoliatus (L.) Voss. hay Eleutherococcus trifoliatus (L.) Hu.

- Họ khoa học: Araliaceae (họ Nhân sâm).

- Tên gọi khác: Tam diệp ngũ gia, Tam gia bì, Xuyên gia bì, Thích gia bì,…

Tổng quan về dược liệu Ngũ gia bì gai

- Nguồn gốc của Ngũ gia bì gai có lẻ được ghi nhận ở đất nước Trung Quốc vì hiện nay tại đất nước này là nơi phân bố nhiều nhất của dược liệu. Ngoài ra, cây còn bắt gặp ở một số nước khác như Triều Tiên, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản. Tại Việt Nam, cây phân bố chủ yếu một số tỉnh phía Bắc giáp với Trung Quốc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Hà Giang,…

- Ngũ gia bì là loại cây ưa khí hậu ẩm mát nên thường trồng ở các vùng núi phía Bắc. Tuy nhiên, cây cũng có thể thích nghi với một số khu vực có khí hậu nhiệt đới gió mùa. Thường bắt gặp ở các khu vực rừng núi, gần các bờ suối hay bờ nương rẫy. Cây thường ra hoa vào khoảng tháng 9 đến tháng 11 và cho quả vào khoảng tháng 12 đến tháng 1 năm kế tiếp.

Mô tả về dược liệu Ngũ gia bì gai

- Ngũ gia bì gai là loại cây có kích thước nhỏ, chiều cao từ 2 – 3 m, có khi cao đến 7 m. Trên thân cây mọc nhiều gai nhọn.

- Lá của cây mọc so le với nhau, là lá kép, có hình dạng giống chân vịt, mỗi lá thường có 3 lá chét nhưng cũng có thể lên đến 5 lá chét. Cuống lá có gai, mép lá có răng cưa, mặt trên sẫm bóng hơn mặt dưới.

- Hoa của Ngũ gia bì gai mọc thành cụm và thường mọc ở vị trí đầu cành. Hoa có kích nhỏ tuy nhiên cuống hoa lại dài. Hoa có màu trắng hay trắng lục. Các cánh hoa hình tam giác.

- Quả của Ngũ gia bì gai là quả mọng, khi chín sẽ có màu đen đậm. Quả có dạng hình cầu, bên trong quả thường có 2 hạt.

Bộ phận dùng, thu hái và chế biến

- Bộ phận dùng: vỏ rễ và vỏ thân là 2 bộ phận của dược liệu được sử dụng nhiều nhất.

- Thu hái: thường thu hoạch các bộ phần này vào mùa thu hay mùa đông. 

- Chế biến: sau khi thu về đem đi rửa sạch để loại bỏ bụi bẩn, đất cát bám dính sau đó phơi trong bóng râm hay sấy cho đến khô. 

  • Khi sử dụng có thể dùng tươi hoặc chế biến thêm bằng cách sao vàng, sau đó sắc uống.

  • Dược liệu sau khi sơ chế cần bảo quản ở nơi khô thoáng, tránh ẩm thấp sẽ ảnh hưởng đến chất lượng khi sử dụng.

Thành phần hóa học

- Theo các nghiên cứu ghi nhận, Ngũ gia bì gai chứa nhiều hoạt chất rất đa dạng, trong đó các nhóm chất chính cho tác dụng là: saponin triterpenoid, diterpen glycosid, phenylpropanoid, tinh dầu (α-pinen, p-pinen, p-cymen,…), acid oleanolic. 

- Ngoài ra dược liệu còn chứa nhiều acid hữu cơ có lợi cho cơ thể, sự phân bố của các hoạt chất trên sẽ khác nhau tùy theo bộ phận của cây.

Tác dụng – công dụng theo y học hiện đại của Ngũ gia bì gai

Ngũ gia bì gai có các tác dụng dược lý như:

- Tác dụng chống oxy hóa: Ngũ gia bì gai cho tác dụng trung hòa và ức chế sự hoạt động của các gốc tự do Oxy hóa trong cơ thể (ROS). Kết quả này được ghi nhận trên thử nghiệm in vivo ở chuột thí nghiệm. Cho thấy tiềm năng phòng chống các bệnh do quá trình oxy hóa gây nên như tăng huyết áp, béo phì, đái tháo đường, các bệnh viêm xương khớp,…

- Tác dụng chống ung thư: Nghiên cứu đã chỉ ra dịch chiết của Ngũ gia bì gai cho tác động chống lại sự nhân lên của tế bào ung thư vú ở người và kích thích quá trình chết theo chu trình (apoptosis) của các tế bào ung thư. Ngoài ra còn có nghiên cứu chỉ ra Ngũ gia bì gai còn có tác dụng hiệu quả đối với tế bào ung thư tuyến tiền liệt.

- Tác dụng bảo vệ hệ tim mạch của cơ thể: Ngũ gia bì gai có tác dụng làm giảm sức cản của thành mạch, giãn mạch máu và tăng cường sức đàn hồi của mạch. Từ đó làm tăng lưu lượng máu đến mạch vành, hạ huyết áp. 

- Tác dụng tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể: Ngũ gia bì gai tham gia quá trình điều hòa các đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Từ đó giúp cơ thể chống lại các tác nhân xâm nhập (vi khuẩn, vi sinh vật) hay các hóa chất gây độc hại.

- Ngoài các tác dụng kể trên, Ngũ gia bì gai còn cho tác dụng đối với một số bệnh lý như: viêm xương khớp, đái tháo đường. Dược liệu còn có tác dụng kích thích thần kinh trung ương, chống trầm cảm.

 Tác dụng – công dụng theo y học cổ truyền của Ngũ gia bì gai

- Tính vị: vị đắng, cay, tính mát.

- Quy kinh: Can, Phế và Thận.

- Công năng: thanh nhiệt, giải độc, lợi thấp, phúc thống, mạnh gân xương, ích khí, tiêu thủy, hóa đờm, tiêu phù,...

- Chủ trị: bồi bổ cơ thể, tăng cường trí nhớ, dưỡng thận và ích tinh, chữa đau lưng, mỏi gối, trẻ chậm biết đi. Ngoài ra dược liệu còn dùng để chữa trị chứng mất ngủ

Cách dùng – Liều dùng của Ngũ gia bì gai

- Cách dùng: tùy theo từng bài thuốc, Ngũ gia bì có thể dùng dưới dạng phơi khô hoặc sao vàng trước khi sử dụng.

- Liều dùng: theo các tài liệu tham khảo, liều dùng của Ngũ gia bì gai dao động từ 6 – 12 g mỗi ngày. Thường dùng dược liệu dưới dạng thuốc sắc hoặc cũng có thể ngâm rượu uống rất tốt. 

Một số bài thuốc dân gian có Ngũ gia bì gai

- Bài thuốc chữa đau nhức xương khớp, mỏi gối, mỏi lưng:

  • Chuẩn bị: Ngũ gia bì gai 100 g và 1 L rượu trắng 30o.

  • Tiến hành: Ngũ gia bì gai đem đi thái thành lát mỏng rồi đem đi sao vàng. Ngâm trong rượu trắng 30o. Thời gian ngâm khoảng 10 – 15 ngày. Sử dụng 1 ngày khoảng 30 mL trước khi đi ngủ.

- Bài thuốc chữa bệnh bạch đới, kinh nguyệt không đều:

  • Chuẩn bị: 9 g rễ Ngũ gia bì gai và 6 g Hồng ngưu tất. 

  • Tiến hành: các dược liệu trên đem đi sắc lấy nước uống.

- Bài thuốc bồi bổ cơ thể, trị yếu sinh lý:

  • Chuẩn bị: 100 g phần vỏ thân Ngũ gia bì gai, 1 L rượu trắng khoảng 30 - 35o. 

  • Tiến hành: vỏ thân Ngũ gia bì gai ngâm với rượu trắng trong thời gian ngâm khoảng 3 tuần. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần dùng khoảng 20 – 30 mL.

- Bài thuốc chữa chứng thống phong:

  • Chuẩn bị: 16 g Ngũ gia bì, 16 g Bồ công anh , 16 g Trinh nữ, 20 g Ngưu tất nam, 16 g Tục đoạn , 16 g Đinh lăng, 16 g Cà gai leo, 12 g Tất bát, 16 g Cát căn, 16 g Đơn hoa, 10 g Quế, 16 g Kinh giới và 16 g Thủy xương bồ. 

  • Tiến hành: các nguyên liệu trên đem đi sắc uống và dùng với liều 1 thang mỗi ngày.

Lưu ý khi sử dụng Ngũ gia bì gai

- Ngũ gia bì gai là một dược liệu quý với nhiều tác dụng chữa bệnh cho cơ thể, tuy nhiên đối với một số đối tượng cần phải lưu ý trước khi sử dụng:

  • Người âm hư, hỏa vượng không nên sử dụng.

  • Dược liệu có tương tác với một số loại thuốc hóa dược nên cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

- Các bài thuốc có Ngũ gia bì gai còn có sự phối hợp với nhiều dược liệu khác, vì vậy người dân không tự ý sử dụng lâu dài. Cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ để sử dụng có hiệu quả và tránh các tác dụng phụ không mong muốn.

 

Có thể bạn quan tâm?
THÔNG THIÊN

THÔNG THIÊN

Thông thiên hay còn gọi là huỳnh liên, trúc đào hoa vàng, là một dược liệu phổ biến ở vùng nhiệt đới. Cây Thông thiên được trồng làm cảnh khá nhiều ở miền nam Việt Nam. Bên cạnh đó, cây còn được sử dụng làm thuốc trợ tim trong các trường hợp bị suy tim, loạn nhịp,… Do thành phần của cây có chứa độc tố rất nguy hiểm, cần đặc biệt thận trọng khi dùng. Sau đây hãy cùng tìm hiểu về Thông thiên và những công dụng của nó trong y học nhé.
administrator
LÔ CĂN

LÔ CĂN

Lô căn là phần thân rễ của cây sậy, được bào chế để làm thuốc với các công dụng giúp thanh nhiệt, sinh tân, lợi thủy, tả hỏa và được dùng trong các bài thuốc trị miệng khô khát, viêm dạ dày cấp, ợ chua, ho, khạc đờm và một vài bệnh lý khác.
administrator
LONG CỐT

LONG CỐT

Long cốt có tên khoa học là Os Dracois, (Fossilia Ossis Mastodi): là xương hoá thạch của những động vật cổ đại thuộc loài khủng long như tê giác ngựa 3 ngón chân Rhinoceros sinensis Owen.; Rhinoceros indet, loài hươu: Cervidae indet; loài trâu: Bovidae indet...; Long xỉ (Dens Draconis) cũng là một loại long cốt, có cùng thành phần hóa học và công dụng. Long cốt là một vị thuốc được sử dụng nhiều trong y học cổ truyền. Với các tác dụng như an thần, trị đổ mồ hôi trộm, di tinh, hoạt tinh,…
administrator
TRẦN BÌ

TRẦN BÌ

Trần bì là vị thuốc được sử dụng rất phổ biến trong Đông y, là vỏ phơi khô của quả Quýt. Theo y văn cổ: “Nam bất thiểu Trần bì, Nữ bất ly Hương phụ” vị thuốc này có khả năng tiêu thực trừ chướng đặc hiệu, đặc biệt tốt cho nam giới, thường xuyên phải hội họp, ăn nhậu. Sau đây hãy cùng tìm hiểu về Trần bì và những công dụng của vị thuốc này nhé.
administrator
BINH LANG

BINH LANG

Binh lang, hay còn được biết đến với những tên gọi: Hạt cau, đại phúc tử, tân lang,... Binh lang thực chất là hạt cau của quả cau phơi khô lấy từ cây cau. Cây cau chắc hẳn rất quen thuộc với chúng ta nhưng ít ai để ý đến công dụng của chúng, các cụ ngày xưa hay nhai trầu với cau nhưng ít ai để ý đến tác dụng của nó. Và thực chất, binh lang là một vị thuốc quý và thường được sử dụng để điều trị bệnh trong Đông Y rất hiệu quả. Có 2 loại cây đó là: Cau rừng (Sơn binh lang) và cau nhà (Gia binh lang). Cau rừng có hạt cứng hơn và nhỏ hơn cau nhà.
administrator
TINH DẦU CAM BERGAMOT

TINH DẦU CAM BERGAMOT

Tinh dầu Bergamot, hay còn gọi là tinh dầu cam ngọt là một thành phần có nhiều công dụng đối với sức khỏe nhưng không phải ai cũng biết. Tuy nhiên, những người yêu thích hương thơm, chắc hẳn cũng đã từng ngửi qua loại tinh dầu mang mùi thơm dễ chịu này. Tuy nhiên, tinh dầu Bergamot còn có nhiều tác dụng khác và hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây.
administrator
BÌNH BÁT

BÌNH BÁT

Bình bát, hay còn được biết đến với những tên gọi: Nê xiêm, Na xiêm, Đào tiên,... Cây Bình bát là loài cây quen thuộc trong đời sống. Ngoài việc dùng làm trái cây ăn hàng ngày, Bình bát còn là vị thuốc dân gian. Toàn cây Bình bát có vị chát, có độc, đặc biệt là hạt và vỏ thân có tác dụng sát trùng, làm săn se, trừ lỵ, trị giun.
administrator
BA ĐẬU

BA ĐẬU

Ba đậu là loại dược liệu quý nên dùng cẩn thận. Bên cạnh đó, còn có tên gọi khác là Ba thục (Bản Kinh), Cương tử (Lôi Công Bào Chích Luận), Ba đậu sương, Ba sương (Đông Dược Học Thiết Yếu), Ba đậu sương tử…
administrator