NONG MẠCH VÀNH VÀ ĐẶT STENT

Can thiệt mạch vành qua da và đặt stent là thủ thuật giúp điều trị các bệnh lý tim mạch hiệu quả.

daydreaming distracted girl in class

NONG MẠCH VÀNH VÀ ĐẶT STENT

Tổng quan

Nong mạch vành, còn được gọi là can thiệp mạch vành qua da, là một thủ thuật được dùng tái thông các động mạch bị tắc. Nong mạch là thủ thuật sử dụng một ống thông nhỏ đưa vào mạch máu bị tắc nghẽn, bơm bóng lên để giúp mở rộng mạch máu và cải thiện lưu lượng máu đến tim.

Nong mạch thường được kết hợp với việc đặt một ống lưới thép nhỏ được gọi là stent. Stent giúp động mạch mở ra, giảm nguy cơ bị tái hẹp. Hầu hết các stent được phủ thuốc để giúp giữ cho động mạch không bị hẹp (stent phủ thuốc). Hiếm khi sử dụng stent kim loại trần.

Nong mạch có thể giúp cải thiện các triệu chứng của động mạch bị tắc nghẽn, chẳng hạn như đau ngực và khó thở. Nong mạch cũng thường được sử dụng trong cơn đau tim để nhanh chóng mở động mạch bị tắc nghẽn và từ đó giảm lượng tổn thương cho tim.

Tại sao cần thực hiện

Nong mạch được sử dụng để điều trị tình trạng tích tụ của các mảng mỡ trong mạch máu của tim. Sự tích tụ này là một loại bệnh lý tim mạch được gọi là xơ vữa động mạch.

Nong mạch có thể là một lựa chọn điều trị cho bạn nếu:

  • Bạn đã thử dùng thuốc hoặc thay đổi lối sống nhưng không cải thiện được sức khỏe tim mạch.

  • Bạn bị đau ngực (đau thắt ngực) ngày càng trầm trọng hơn.

  • Bạn lên cơn đau tim. Nong mạch có thể nhanh chóng mở một động mạch bị tắc nghẽn, giảm tổn thương cho tim của bạn.

Nong mạch không dành cho tất cả mọi người. Tùy thuộc vào mức độ của bệnh lý tim mạch và sức khỏe tổng thể của bạn, bác sĩ có thể xác định liệu phẫu thuật bắc cầu động mạch vành có phải là một lựa chọn tốt hơn so với nong mạch hay không.

Bạn có thể cần phẫu thuật bắc cầu động mạch vành nếu:

  • Động mạch chính đưa máu đến tim của bạn bị hẹp

  • Cơ tim của bạn yếu

  • Bạn bị tiểu đường và nhiều lần bị tắc nghẽn nghiêm trọng ở động mạch

Trong phẫu thuật bắc cầu động mạch vành, phần bị tắc của động mạch của bạn được bắc cầu bằng cách sử dụng một mạch máu khỏe mạnh từ bộ phận khác của cơ thể.

Rủi ro

Mặc dù nong mạch là một thủ thuật ít xâm lấn hơn để mở các động mạch bị tắc so với phẫu thuật bắc cầu, nhưng thủ thuật này vẫn mang một số rủi ro.

Các rủi ro nong mạch thường gặp nhất bao gồm:

  • Tái hẹp động mạch vành. Khi nong mạch kết hợp với đặt stent phủ thuốc, có một nguy cơ nhỏ động mạch được điều trị sẽ bị tắc lại. Nguy cơ tái hẹp động mạch cao hơn khi sử dụng stent kim loại trần.

  • Các cục máu đông. Cục máu đông có thể hình thành trong stent ngay cả sau khi làm thủ thuật. Những cục máu đông này có thể gây tắc động mạch, gây ra cơn đau tim. Điều quan trọng là cần sử dụng aspirin kết hợp với clopidogrel (Plavix), prasugrel (Effient) hoặc một loại thuốc khác giúp giảm nguy cơ hình thành đông máu theo đúng chỉ định để giảm nguy cơ hình thành cục máu đông trong stent của bạn.

Nói chuyện với bác sĩ của bạn về khoảng thời gian bạn sẽ cần sử dụng những loại thuốc này. Đừng bao giờ ngừng dùng những loại thuốc này mà không thảo luận với bác sĩ của bạn.

  • Chảy máu. Bạn có thể bị chảy máu ở chân hoặc cánh tay nơi ống thông được đưa vào. Thông thường điều này chỉ dẫn đến một vết bầm tím, nhưng đôi khi chảy máu nghiêm trọng xảy ra và có thể phải truyền máu hoặc thực hiện các thủ thuật phẫu thuật.

Những rủi ro hiếm gặp khác của nong mạch bao gồm:

  • Đau tim. Mặc dù hiếm gặp, bạn có thể lên cơn đau tim trong quá trình phẫu thuật.

  • Tổn thương động mạch vành. Động mạch vành có thể bị rách hoặc vỡ trong quá trình phẫu thuật. Những biến chứng này có thể phải phẫu thuật bắc cầu khẩn cấp.

  • Các vấn đề về thận. Thuốc cản quang được sử dụng trong quá trình nong mạch và đặt stent có thể gây tổn thương thận, đặc biệt ở những người đã có vấn đề về thận. Nếu bạn là đối tượng có nguy cơ cao, bác sĩ có thể thực hiện 1 số bước để cố gắng bảo vệ thận của bạn, chẳng hạn như hạn chế lượng thuốc cản quang và đảm bảo rằng bạn được cung cấp đủ lượng dịch trong quá trình phẫu thuật.

  • Đột quỵ. Trong quá trình nong mạch, đột quỵ có thể xảy ra nếu các mảng xơ vữa bong ra khi ống thông đang được luồn qua động mạch chủ. Các cục máu đông cũng có thể hình thành trong ống thông và di chuyển đến não khi chúng bị vỡ ra. Tai biến mạch máu não là một biến chứng cực kỳ hiếm gặp của nong mạch vành. Thuốc chống đông máu được sử dụng trong quá trình phẫu thuật để giúp giảm nguy cơ.

  • Nhịp tim bất thường. Trong quá trình phẫu thuật, tim có thể đập quá nhanh hoặc quá chậm. Những vấn đề về nhịp tim này thường chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng đôi khi cần sử dụng thuốc hoặc máy tạo nhịp tim tạm thời.

Bạn chuẩn bị những gì

Trước khi nong mạch theo lịch, bác sĩ sẽ xem xét bệnh sử của bạn và khám sức khỏe. Bạn có thể cần phải làm một số xét nghiệm, bao gồm chụp X-quang phổi, điện tâm đồ và xét nghiệm máu, trước khi thực hiện thủ thuật. Bác sĩ cũng sẽ thực hiện một xét nghiệm hình ảnh gọi là chụp động mạch vành để xem liệu các động mạch đến tim của bạn có bị tắc nghẽn hay không và liệu chúng có thể được điều trị bằng nong mạch vành hay không.

Nếu phát hiện thấy tắc nghẽn trong quá trình chụp động mạch vành của bạn, bác sĩ có thể quyết định thực hiện nong mạch và đặt stent ngay sau trong quá trình chụp động mạch.

Bác sĩ của bạn sẽ hướng dẫn các bước cần chuẩn bị:

  • Bác sĩ có thể hướng dẫn bạn điều chỉnh hoặc ngừng dùng một số loại thuốc trước khi nong mạch, chẳng hạn như aspirin, thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) hoặc thuốc chống đông. Hãy chắc chắn rằng đã thông báo cho bác sĩ của bạn về tất cả các loại thuốc bạn dùng, bao gồm cả chất bổ sung có nguồn gốc thảo dược.

  • Thông thường, bạn sẽ cần ngừng ăn hoặc uống từ 6 đến 8 giờ trước khi chụp mạch.

  • Uống các loại thuốc đã được chỉ định với từng ngụm nước nhỏ vào buổi sáng của thủ thuật.

  • Tập hợp tất cả các loại thuốc của bạn để mang theo đến bệnh viện, bao gồm cả nitroglycerin, nếu bạn đang sử dụng nó.

  • Sắp xếp phương tiện đi lại về nhà. Nong mạch thường yêu cầu nằm viện qua đêm và bạn sẽ không thể tự lái xe về nhà vào ngày hôm sau.

Quá trình thực hiện 

Trong quá trình

Nong mạch được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa tim và đội ngũ y tá, kỹ thuật viên chuyên ngành tim mạch trong một phòng mổ đặc biệt.

Nong mạch được thực hiện thông qua một động mạch ở vùng háng, cánh tay hoặc cổ tay của bạn. Không cần gây mê toàn thân. Bạn sẽ được sử dụng một loại thuốc an thần để giúp thư giãn, nhưng bạn vẫn sẽ tỉnh táo trong suốt quá trình tùy thuộc vào mức độ an thần.

  • Bạn sẽ được truyền, thuốc gây mê và thuốc chống đông qua ống thông IV trên bàn tay hoặc cánh tay của bạn.

  • Nhịp tim, mạch, huyết áp và mức oxy của bạn sẽ được theo dõi trong suốt quá trình.

  • Bác sĩ sẽ sát trùng khu vực ở chân, cánh tay hoặc cổ tay của bạn và sẽ đặt một tấm vô trùng trên cơ thể bạn.

  • Bác sĩ sẽ gây tê cục bộ để rạch một đường rất nhỏ. Sau đó, một ống thông nhỏ, mỏng được đưa vào mạch máu.

  • Với sự trợ giúp của tia X trực tiếp, bác sĩ sẽ luồn một ống mỏng (ống thông) qua động mạch của bạn.

  • Thuốc cản quang được tiêm qua ống thông khi nó đã vào đúng vị trí. Điều này cho phép bác sĩ quan sát thấy bên trong mạch máu của bạn và từ đó xác định tình trạng tắc nghẽn trên hình ảnh X-quang.

  • Một quả bóng nhỏ có hoặc không có stent ở đầu ống thông được thổi phồng tại vị trí tắc nghẽn, giúp làm rộng động mạch bị tắc nghẽn. Sau khi động mạch được kéo căng, bóng xẹp xuống và ống thông được rút ra.

  • Nếu bạn có nhiều vị trí chỗ tắc nghẽn, quy trình có thể được lặp lại ở mỗi vị trí tắc nghẽn.

Quá trình nong mạch có thể mất đến vài giờ, tùy thuộc vào độ khó và số lượng mạch bị tắc nghẽn và liệu có bất kỳ biến chứng nào phát sinh hay không.

Bạn có thể cảm thấy đau ở khu vực đặt ống thông. Bạn cũng có thể cảm thấy hơi khó chịu khi quả bóng được bơm căng và động mạch của bạn bị kéo căng, nhưng thông thường bạn sẽ không cảm thấy đau buốt trong suốt quá trình phẫu thuật.

Đặt stent

Hầu hết những người nong mạch cũng được đặt một stent vào động mạch bị tắc của họ trong cùng thủ thuật. Một stent, trông giống như một cuộn lưới thép nhỏ, giúp giữ các thành động mạch của bạn và ngăn nó tái hẹp sau khi nong mạch.

Đây là những gì xảy ra trong quá trình đặt stent:

  • Stent, được kẹp xung quanh một quả bóng ở đầu ống thông, được dẫn qua động mạch đến chỗ tắc nghẽn.

  • Tại chỗ tắc nghẽn, quả bóng được thổi phồng và stent giống như lò xo mở rộng và khóa vào vị trí bên trong động mạch.

  • Stent nằm trong động mạch vĩnh viễn để giữ nó mở ra và cải thiện lưu lượng máu đến tim của bạn. Trong một số trường hợp, có thể cần đặt nhiều hơn một stent để thông tắc nghẽn.

  • Khi stent được đặt đúng vị trí, ống thông bóng sẽ được làm xẹp và được lấy ra.

  • Quan sát hình ảnh X-quang (chụp mạch) để xem máu chảy qua động mạch mới mở rộng của bạn như thế nào.

Hầu hết các stent cấy trong quá trình nong mạch đều được phủ thuốc. Thuốc trong stent được giải phóng từ từ để giúp ngăn ngừa sự tích tụ mảng bám trong tương lai và tái thu hẹp mạch máu.

Sau khi đặt stent, bác sĩ sẽ kê đơn các loại thuốc, chẳng hạn như aspirin, clopidogrel (Plavix), ticagrelor (Brilinta) hoặc prasugrel (Effient), để giảm nguy cơ hình thành cục máu đông trên stent.

Sau khi thực hiện thủ thuật

Nếu bạn thực hiện một thủ thuật không khẩn cấp, bạn có thể sẽ ở lại bệnh viện qua đêm, tim của bạn sẽ được theo dõi và bác sĩ sẽ điều chỉnh thuốc của bạn. Nhìn chung, bạn sẽ có thể trở lại làm việc hoặc sinh hoạt bình thường vào tuần sau sau khi thực hiện nong mạch.

Khi trở về nhà, hãy uống nhiều nước để giúp thải thuốc cản quang ra khỏi cơ thể. Tránh tập thể dục gắng sức và nâng vật nặng ít nhất một ngày sau đó. Hỏi bác sĩ hoặc y tá của bạn về những hạn chế khác trong hoạt động hàng ngày.

Gọi ngay cho văn phòng bác sĩ hoặc nhân viên bệnh viện nếu:

  • Nơi đặt ống thông bắt đầu chảy máu hoặc sưng tấy

  • Bạn bị đau hoặc khó chịu tại vị trí đặt ống thông của bạn

  • Bạn có các dấu hiệu nhiễm trùng, chẳng hạn như mẩn đỏ, sưng tấy, chảy dịch hoặc sốt

  • Có sự thay đổi về nhiệt độ hoặc màu sắc ở chân hoặc cánh tay thực hiện trong quy trình

  • Bạn cảm thấy mệt mỏi hoặc yếu ớt

  • Bạn bị đau ngực hoặc khó thở

Thuốc chống đông

Điều quan trọng là bạn phải tuân thủ chặt chẽ các khuyến nghị của bác sĩ về việc điều trị với thuốc chống đông - aspirin và clopidogrel (Plavix), prasugrel (Effient) hoặc các loại thuốc tương tự.

Hầu hết những người đã trải qua phẫu thuật nong mạch có hoặc không đặt stent sẽ cần sử dụng aspirin vô thời hạn. Những người đã đặt stent sẽ cần một loại thuốc chống odong, chẳng hạn như clopidogrel, trong vòng sáu tháng đến một năm. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào hoặc nếu bạn cần bất kỳ loại phẫu thuật nào khác, hãy nói chuyện với bác sĩ tim mạch của bạn trước khi ngừng sử dụng bất kỳ loại thuốc nào trong số này.

Kết quả

Nong mạch vành làm tăng đáng kể lưu lượng máu qua động mạch vành bị hẹp hoặc tắc nghẽn trước đó. Tình trạng đau ngực nói chung sẽ giảm. Bạn có thể có cải thiện khả năng tập thể dục của mình.

Nong mạch và đặt stent không có nghĩa là bệnh tim của bạn sẽ khỏi. Bạn sẽ cần tiếp tục thói quen sống lành mạnh và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Nếu bạn có các triệu chứng tương tự như trước khi nong mạch vành, chẳng hạn như đau ngực hoặc khó thở, hãy liên hệ với bác sĩ của bạn. Nếu bạn bị đau ngực khi nghỉ ngơi hoặc đau không đáp ứng với nitroglycerin, hãy tìm kiếm sự trợ giúp y tế khẩn cấp.

Để giữ cho trái tim của bạn khỏe mạnh sau khi nong mạch, bạn nên:

  • Ngưng hút thuốc

  • Giảm nồng độ cholesterol trong máu

  • Có một chế độ ăn uống lành mạnh ít chất béo bão hòa

  • Duy trì cân nặng hợp lý

  • Kiểm soát các tình trạng khác, chẳng hạn như bệnh tiểu đường và tăng huyết áp 

  • Tập thể dục thường xuyên

  • Uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ

Nong mạch thành công cũng có nghĩa là bạn có thể không phải trải qua phẫu thuật bắc cầu động mạch vành, một thủ thuật xâm lấn hơn, đòi hỏi thời gian hồi phục lâu hơn.

 

 

 
Có thể bạn quan tâm?
NGỒI THIỀN

NGỒI THIỀN

administrator
CHỤP CT MẠCH VÀNH

CHỤP CT MẠCH VÀNH

Chụp cắt lớp vi tính (CT) mạch vành là một xét nghiệm hình ảnh để quan sát các động mạch cung cấp máu cho tim. Xét nghiệm này được sử dụng để chẩn đoán nhiều loại bệnh tim khác nhau.
administrator
CHỤP CỘNG HƯỞNG TỪ (MRI)

CHỤP CỘNG HƯỞNG TỪ (MRI)

Chụp cộng hưởng từ (MRI) là một kỹ thuật xét nghiệm hình ảnh giúp bác sĩ quan sát các cơ quan trong cơ thể, từ đó hỗ trợ chẩn đoán. Sau đây hãy cùng tìm hiểu về xét nghiệm chụp cộng hưởng từ MRI nhé.
administrator
XÉT NGHIỆM CYTOCHROME P450 (CYP450)

XÉT NGHIỆM CYTOCHROME P450 (CYP450)

Xét nghiệm cytochrome P450 (CYP450) giúp bác sĩ xác định quá trình chuyển hóa thuốc trong cơ thể. Sau đây hãy cùng tìm hiểu về xét nghiệm cytochrome P450 (CYP450) nhé.
administrator
NỘI SOI ĐẠI TRÀNG

NỘI SOI ĐẠI TRÀNG

Nội soi đại tràng là một xét nghiệm được sử dụng để tìm kiếm những thay đổi - chẳng hạn như các mô bị sưng, bị kích thích, polyp hoặc ung thư - trong ruột già (ruột kết) và trực tràng. Sau đây hãy cùng tìm hiểu về nội soi đại tràng nhé.
administrator
PHẪU THUẬT NAM TÍNH HÓA

PHẪU THUẬT NAM TÍNH HÓA

Phẫu thuật nam tính hóa được sử dụng cho những người chuyển giới nam nhằm điều trị chứng bức bối giới. Sau đây hãy cùng tìm hiểu về các thủ thuật phẫu thuật nam tính hóa nhé.
administrator
PHẪU THUẬT HỢP NHẤT KHỚP CỔ CHÂN

PHẪU THUẬT HỢP NHẤT KHỚP CỔ CHÂN

Phẫu thuật hợp nhất khớp cổ chân được thực hiện để kết hợp xương mắt cá chân của bạn thành một xương. Nó làm giảm các triệu chứng của viêm khớp mắt cá chân bao gồm đau, viêm và sưng. Nếu bạn đi giày dép do các bác sĩ chỉ định sẽ giúp giảm tình trạng đi khập khiễng. Thời gian phục hồi thường từ 6 – 12 tuần.
administrator
PHẪU THUẬT CẮT BỎ TUYẾN THƯỢNG THẬN

PHẪU THUẬT CẮT BỎ TUYẾN THƯỢNG THẬN

Phẫu thuật cắt bỏ tuyến thượng thận là phương pháp điều trị bệnh lý ung thư tuyến thượng thận hiệu quả. Sau đây hãy cùng tìm hiểu về phương pháp phẫu thuật cắt bỏ tuyến thượng thận nhé
administrator