Giới thiệu về dược liệu Phèn đen
- Cây Phèn đen hay còn được dân gian gọi là Nỗ hoặc Tạo phàn diệp, là một loại dược liệu phổ biến được sử dụng khá rộng rãi. Nó có nhiều công dụng rất tốt cho sức khỏe và thường được sử dụng trong trị bệnh xương khớp, các tình trạng mụn nhọt, thủy đậu, kiết lỵ, đi tiêu chảy, trị rắn cắn,…hiệu quả. Sau đây là một số thông tin về loại dược liệu này.
- Tên khoa học: Phyllanthus reticulatus Poir.
- Họ khoa học: Euphorbiaceae (họ Thầu dầu).
- Tên gọi khác: Cây mực, Nỗ, Tạo phàn diệp, Chè nộc, Co ranh, Chè con chim, Mạy tẻng đăm,…
Đặc điểm thực vật và phân bố dược liệu Phèn đen
- Đặc điểm thực vật:
-
Phèn đen là loại cây ưa ẩm, chịu bóng râm và thường mọc thành các bụi lớn dọc các bờ sông, suối hoặc ven rừng, ven nương. Vào buổi tối, cây tỏa ra mùi khá khó chịu, khác với mùi tự nhiên khi vò nát dược liệu.
-
Cây Phèn đen là loại cây thân nhỡ, chiều cao cây có thể đạt từ 2 – 4 m. Các cành và các nhánh mảnh khảnh, mang màu đen nhạt với các lông màu xám và mọc so le.
-
Lá Phèn đen mỏng, mọc so le và có phiến lá hình bầu dục hoặc hình trứng. Mặt trên của lá mang màu đậm hơn mặt dưới, cả 2 mặt đều nhẵn. Chiều dài của lá khoảng 1,5 – 3 cm và chiều rộng khoảng 0,6 – 1,2 cm. Cuống lá ngắn, có lá kèm dẹp và có hình tam giác.
-
Hoa Phèn đen mọc ở các kẽ lá thành các chùm hoặc có thể mọc đơn độc. Cụm hoa thường có khoảng 3 hoặc 4 hoa đực và cái. Hoa đực có 5 nhị và 5 lá đài, trong đó 3 nhị dính với nhau còn 2 nhị còn lại thì rời nhau. Các lá đài của hoa đực và cái giống nhau về hình dáng và màu sắc nhưng kích thước thì ở hoa cái sẽ lớn hơn hoa đực. Hoa cái có bầu chia thành 6 – 12 ô, mỗi ô chứa 2 noãn.
-
Quả Phèn đen có hình cầu, ban đầu quả có màu trắng và dần dần chuyển sang màu đỏ hồng, khi quả chín thì mang màu đen. Hạt bên trong mang màu nâu nhạt.
-
Phèn đen ra hoa và quả vào khoảng từ tháng 8 đến tháng 10 mỗi năm.
- Phân bố dược liệu:
-
Cây Phèn đen thường được thấy nhiều ở những khu vực nhiệt đới, tập trung chủ yếu ở các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á và ở phía Nam của Trung Quốc.
-
Tại nước ta, Phèn đen có mặt gần như mọi tỉnh thành, trải dài từ vùng trung du đến vùng núi thấp. Có thể bắt gặp Phèn đen nhiều ở các tỉnh như Phú Thọ, Hòa Bình, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh,…
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản
- Bộ phận dùng: cả rễ, lá và vỏ thân của cây Phèn đen đều có thể dùng để làm thuốc.
- Thu hái: rễ thường được thu hái vào mùa thu, lá thì thu hái vào mùa xuân đến mùa hè, vỏ thân thì có thể thu hái quanh năm.
- Chế biến: sau khi thu hái về thì đem đi rửa sạch các tạp chất, cắt nhỏ và phơi khô.
- Bảo quản: ở nơi khô ráo và thoáng mát.
Thành phần hóa học của Phèn đen
Dược liệu Phèn đen có các thành phần hoạt chất như: octacosanol, taraxeryl acetate, taraxerone, friedelin, epifriedelinol, betulin, các hợp chất nhóm flavonoid,…
Công dụng – Tác dụng của dược liệu Phèn đen theo Y học hiện đại
Dược liệu Phèn đen có các tác dụng dược lý như:
- Kháng khuẩn: trong các thử nghiệm in vitro, dược liệu Phèn đen cho thấy tác động trên các chủng vi khuẩn như Bacillus subtilis, Escherichia coli, Shigella flexneri,…
- Ức chế co thắt cơ trơn.
- Kháng ký sinh trùng sốt rét: cao Phèn đen, đặc biệt là cao chiết lá cho thấy khả năng kháng ký sinh trùng Plasmodium falciparum trên thử nghiệm in vitro.
- Giảm đau, kháng viêm: do tác động của nhóm flavonoid có trong Phèn đen giúp giảm đau và giảm viêm ngay cả ở nồng độ hoạt chất thấp.
- Cầm máu.
- Điều trị tiêu chảy, kiết lỵ,…
- Điều trị tiểu khó, mụn mủ,…
Vị thuốc Phèn đen trong Y học cổ truyền
- Tính vị: vị chát, tính lạnh.
- Quy kinh: chưa có thông tin.
- Công năng:
-
Rễ: thu liễm, tiêu viêm, chỉ tả,…
-
Lá: giải độc, thanh nhiệt, sát khuẩn, lợi tiểu,…
-
Vỏ thân: gây chuyển hóa.
- Chủ trị:
-
Rễ: chữa các chứng lỵ, hạch ruột kết, viêm ruột, cam tích, viêm gan,…
-
Lá: chữa rắn cắn, sốt, kiết lỵ, tiêu chảy, đinh nhọt do huyết nhiệt, ứ huyết, phù thũng,…
-
Vỏ thân: trị chứng tiểu tiện khó, thủy đậu có mủ,…
Cách dùng – Liều dùng của Phèn đen
- Cách dùng: có thể sử dụng đơn độc hoặc có thể phối hợp với các vị thuốc khác. Sử dụng ở dạng tươi, dạng bột, thuốc sắc hoặc giã nát để đắp.
- Liều dùng: tùy thuộc vào độ tuổi và tùy vào mục đích sử dụng.
Một số bài thuốc có vị thuốc Phèn đen
- Bài thuốc chữa tình trạng kiết lỵ:
-
Bài thuốc 1: chuẩn bị lá Phèn đen tươi, Mạch nha, Cam thảo đất & Ý dĩ phơi khô với các lượng bằng nhau. Lá Phèn đen đem đi giã nát, sau đó thêm nước vào rồi lọc lấy nước cốt. Những vị thuốc còn lại thì đem đi tán thành bột, lấy khoảng 1/2 muỗng bột để uống cùng với nước Phèn đen.
-
Bài thuốc 2: chuẩn bị 20 g rễ Phèn đen, 20 g dây Mơ lông, 20 g Cỏ seo gà, 20 g Cỏ tranh và 2 lát Gừng tươi. Tất cả các nguyên liệu trên đem đi sắc thuốc để uống, chia thành 2 – 3 lần uống trong ngày.
- Bài thuốc chữa chứng chảy máu nướu răng:
-
Chuẩn bị: lá Phèn đen, lá Xuyên tiêu và Long não.
-
Tiến hành: lá Phèn đen phơi khô, sau đó sử dụng các nguyên liệu này ngậm lâu trong miệng để cầm máu.
- Bài thuốc chữa nhọt độc mới phát:
- Bài thuốc giải độc khi bị rắn cắn:
-
Chuẩn bị: lá Phèn đen tươi.
-
Tiến hành: lá Phèn đen đem đi giã nát, nuốt phần nước và phần bã thì lấy đắp. Lưu ý rằng sau khi thực hiện sơ cứu thì nên đến bệnh viện gần nhất để điều trị kịp thời.
- Bài thuốc chữa vết thương hở:
- Bài thuốc hỗ trợ chữa bệnh trĩ cấp độ I:
-
Chuẩn bị: 1 nắm lá Phèn đen, 5 lá Huyết dụ và 1 nắm Trắc bách diệp.
-
Tiến hành: các nguyên liệu trên đem đi rửa sạch, cắt nhỏ rồi tiến hành sao vàng hạ thổ. Tiếp đến thì đem đi sắc với 800 mL nước đến khi cô lại còn 200 mL. Mỗi ngày sử dụng 150 mL chia thành nhiều lần uống. 50 mL còn lại thì đem đi hòa thêm nước, đun thật kỹ rồi sử dụng ngâm rửa búi trĩ khoảng 1 đến 2 lần mỗi ngày. Nên sử dụng kéo dài khoảng từ 5 – 10 ngày và nên thực hiện nhiều liệu trình để có hiệu quả điều trị tốt.
- Bài thuốc trị các chứng đại tiện ra phân lỏng do nhiệt:
-
Chuẩn bị: ngọn Phèn đen có lá và Đậu đen sao vàng 40 g mỗi vị.
-
Tiến hành: 2 nguyên liệu trên cho vào nồi, đun sôi với 800 mL nước đến khi cô lại còn 200 mL. Phần nước sắc chia thành 3 lần uống và sử dụng hết trong ngày. Nên sử dụng thường xuyên trong vòng 3 đến 5 ngày để đạt hiệu quả điều trị.
- Bài thuốc trị chứng thận hư, tình trạng suy giảm chức năng thận:
-
Chuẩn bị: 20 g Phèn đen, 20 g cây Quýt gai, 20 g cây Muối và 20 g cây Nổ.
-
Tiến hành: các nguyên liệu trên đem đi sắc với 1,5 L nước đến khi cô lại còn 1 nửa rồi chia làm nhiều lần uống hết trong ngày.
- Bài thuốc trị sưng đau và bầm tím do té ngã:
-
Chuẩn bị: 30 g lá Phèn đen.
-
Tiến hành: lá Phèn đen đem đi giã nát rồi đắp lên vị trí bị sưng đau, bầm tím trong vòng khoảng 30 phút. Nên tiến hành thường xuyên trong khoảng từ 3 đến 5 ngày sẽ giảm đau và cải thiện dần.
Lưu ý khi sử dụng Phèn đen
Không nên sử dụng Phèn đen cho phụ nữ có thai và phụ nữ cho con bú. Trước khi sử dụng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.