Giới thiệu về dược liệu
- Tên khoa học: Oenanthe javanica (Blume) DC.
- Tên đồng nghĩa: Oenanthe stolonifera (Roxb.) Wall.
- Họ: Apiaceae (Hoa tán)
- Tên gọi khác: Cần nước, cần cơm, cần ống, hồ cần, hương cần.
Đặc điểm thực vật
Rau cần ta là loại cây thảo nhẵn, đa niên, thân mọc bò dài ngập trong bùn, bén rễ ở những mấu, sau đứng thẳng. Phần gốc rau cần ta già nên cứng và dai hơn. Gốc dính liền với chùm rễ ăn sâu vào lớp bùn để hút chất dinh dưỡng nuôi cây. Thân cây xốp, rỗng, mềm, màu trắng, xanh nhạt hoặc màu huyết dụ, chia làm nhiều đốt và khía dọc. Những đốt trên ngọn thường mang một lá. Cuống lá dài và có bẹ ôm lấy thân. Lá rau cần ta màu xanh đậm, mọc so le, chia thành nhiều thùy hình lông chim, thuỳ hình trái xoan, hình thoi hoặc hình mác, gốc tròn, đầu nhọn, hai bên mép lá có hình răng cưa. Những lá gần ngọn không cuống. Từ các kẽ lá có thể mọc ra những nhánh con có thể phát triển thành cây mới, rễ cây còn mọc rải rác ở một số đốt.
Cụm hoa mọc thành tán kép, đối diện với lá, có 5-15 tán đơn, mỗi tán đơn mang 10-20 hoa màu trắng; tổng bao có vài lá bắc hình dải hoặc không có; tiểu bao lá bắc hình sợi; dài có răng khá dài; tràng có cánh gập xuống.
Quả hình trụ-thuôn, có 4 cạnh lồi.
Mùa hoa quả: tháng 4-6.
Phân bố, sinh thái
Rau cần ta là cây ưa khí hậu mát mẻ (15-20 oC), ưa nước, ưa sáng hoặc có thể hơi chịu bóng, thường được trồng ở những nơi ẩm ướt, nhiều nước và bùn như ao, hồ, sông, ruộng. Lớp bùn càng sâu, càng màu mỡ, cây càng sinh trưởng mạnh. Đây là loại cây sinh sản vô tính, phát triển bằng cách đâm chồi ở các kẽ lá.
Rau cần ta có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới châu Á, cây được trồng từ lâu ở các nước Pakistan Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Thái Lan, Malaysia Philippin, Papua New Guinea, Indonesia (Java Sumatra), Australia.
Ở Việt Nam, cây được trồng ở các tỉnh phía bắc, từ Nghệ An trở ra; đặc biệt là các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ, như Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… và gần đây rau cần cũng mới được đem vào trồng ở miền Nam.
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến
Bộ phận dùng
Toàn cây (gồm rễ, gốc, thân và lá).
Thu hái, chế biến
Rau cần ta được trồng quanh năm, nhiều nhất là vào tháng 11 và 12 hàng năm. Sau khoảng 30 ngày trồng có thể bắt đầu thu hoạch. Tùy theo mục đích sử dụng mà cây có thể được nhổ lên để lấy phần gốc và rễ hoặc cắt cách gốc 2 – 3 cm để lấy phần thân và lá.
Dược liệu được đem về rửa sạch. Dùng tươi hoặc đem phơi cho thật khô để dùng dần.
Thành phần hóa học
Rau cần ta chứa các thành phần như: tinh dầu (phenlandren và myristicin), nhiều glucosid, isorhamnetin sulfat (persicarin), quercitrin, acid o-coumaric, hyperin. Ngoài ra, cây còn chứa α-tocopherol, axit gallic, axit chlorogenic.
Rau cần tươi chứa nhiều dinh dưỡng như carbohydrat, protein, chất béo, vi chất khoáng, kali, natri, canxi, magie.
Rễ và thân chứa falcarinol.
Tác dụng - Công dụng
Theo Y học cổ truyền, rau cần ta vị ngọt, hơi cay, tính mát, có tác dụng: thanh nhiệt, lương huyết, lợi tiểu tiện, tiêu thũng, chỉ huyết, chỉ thống. Do đó được dùng để chữa sốt, cảm lạnh cao huyết áp, viêm nhiễm đường tiết niệu, đái khó, rong kinh, bạch đới, chống đầy hơi và buồn nôn. Ngoài ra, cây còn được giã nát, đắp dùng ngoài để chữa tổn thương do té ngã, áp xe, rắn cắn, bò cạp đốt.
Theo Y học hiện đại, rau cần ta có công dụng:
- Cung cấp nhiều sắt và photpho giúp kích thích sản xuất tế bào hồng cầu, cải thiện chứng thiếu máu.
- Thành phần albumin trong cây cần có tính năng giải độc, thanh lọc cơ thể, tiêu trừ mụn nhọt
- Giúp ổn định lượng đường trong máu, giảm cholesterol xấu và mỡ máu, ổn định huyết áp.
- Hỗ trợ điều trị sản hậu với các biểu hiện xuất huyết, đau bụng.
- Cải thiện các triệu chứng viêm khớp, ho do lao phổi, viêm gan mãn tính, suyễn…
- Tác dụng kháng viêm, miễn dịch
- Tác dụng giảm ho, chống viêm: Chất p – pinen có tác dụng giảm ho, loãng đờm, kháng viêm và kháng nấm; ngoài ra chất myrcen có tác dụng giảm ho đàm.
Cách dùng - Liều dùng
Rau cần ta có thể được dùng làm dược liệu dưới dạng tươi hoặc khô dưới dạng sắc uống, xay hoặc ép rau tươi lấy nước uống, giã đắp ngoài tổn thương hoặc chế biến thành các món ăn bài thuốc.
Một số bài thuốc có dược liệu rau cần ta:
- Bài thuốc chữa bí tiểu: Rửa sạch 50-100 g rau cần ta tươi, sau đó cắt ngắn và nấu khoảng 10 phút. Lấy nước uống vài lần trong ngày
- Bài thuốc điều trị cao huyết áp: Sắc các dược liệu rau cần ta 200g, tiểu kế và mã diêu linh mỗi vị 15g với 500ml nước cho cạn còn một nửa, vớt bỏ bã. Tiếp tục đun nước sắc cho cô đặc còn 100ml. Bảo quản thuốc trong tủ lạnh dùng dần. Mỗi lần uống 10ml x 3 lần/ngày để ổn định huyết áp.
- Bài thuốc bổ huyết, chữa thiếu máu: Dùng rau cần tây luộc nấu canh ăn thường xuyên. Hoặc có thể xào chung với các thực phẩm chứa hàm lượng sắt cao như thịt bò, gan ăn mỗi tuần 2 bữa.
- Bài thuốc điều trị bệnh tiểu đường: Ép 500g rau cần ta lấy nước cốt chia 2 lần uống.
- Bài thuốc điều trị bệnh viêm phế quản: Đun sôi 30 g mạch nha rồi cho 100 g gốc rau cần và 9 g trần bì vào sao cháy Thêm 400ml nước vào sắc cạn còn một nửa. Chia 2 lần uống trong ngày để cải thiện các triệu chứng của bệnh viêm phế quản.
Lưu ý
Không dùng cây cần ta làm thuốc chữa bệnh cho các trường hợp bị:
- Bệnh vẩy nến
- Tỳ vị hư hàn
- Huyết áp thấp
- Nhiễm giun sán