THẮT ỐNG DẪN TINH

Thắt ống dẫn tinh là một hình thức kiểm soát sinh sản của nam giới và cần chắc chắn rằng bạn không muốn làm cha của một đứa trẻ trong tương lai. Sau đây hãy cùng tìm hiểu về thủ thuật thắt ống dẫn tinh nhé.

daydreaming distracted girl in class

THẮT ỐNG DẪN TINH

Tổng quan

Thắt ống dẫn tinh là một hình thức kiểm soát sinh sản của nam giới, thực hiện để cắt nguồn cung cấp tinh trùng cho tinh dịch của bạn. Nó được thực hiện bằng cách cắt và niêm phong các ống dẫn tinh trùng. Thắt ống dẫn tinh có nguy cơ thấp xảy ra vấn đề và thường có thể được thực hiện ngoại trú sau khi gây tê cục bộ.

Trước khi thắt ống dẫn tinh, bạn cần chắc chắn rằng bạn không muốn làm cha của một đứa trẻ trong tương lai. Mặc dù có thể đảo ngược thủ thuật thắt ống dẫn tinh, nhưng thắt ống dẫn tinh nên được coi là một hình thức kiểm soát sinh sản vĩnh viễn ở nam giới.

Thắt ống dẫn tinh không có tác dụng bảo vệ khỏi các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.

Tại sao cần thực hiện

Thắt ống dẫn tinh là một lựa chọn kiểm soát sinh sản an toàn và hiệu quả cho những người đàn ông chắc chắn rằng họ không muốn làm cha một đứa trẻ trong tương lai.

  • Thắt ống dẫn tinh có hiệu quả gần như 100% trong việc ngừa thai.

  • Thắt ống dẫn tinh là một phẫu thuật ngoại trú với ít nguy cơ biến chứng hoặc tác dụng phụ.

  • Chi phí thắt ống dẫn tinh thấp hơn nhiều so với chi phí triệt sản nữ (thắt ống dẫn trứng) hoặc chi phí thuốc ngừa thai lâu dài cho phụ nữ.

  • Thắt ống dẫn tinh có nghĩa là bạn sẽ không cần thực hiện các bước kiểm soát sinh sản trước khi quan hệ tình dục, chẳng hạn như đeo bao cao su.

Rủi ro

Một mối lo ngại tiềm ẩn với thắt ống dẫn tinh là sau này bạn có thể thay đổi ý định muốn làm cha một đứa trẻ. Mặc dù có thể đảo ngược quá trình thắt ống dẫn tinh, nhưng không có gì đảm bảo rằng nó sẽ hoạt động lại bình thường. Phẫu thuật đảo ngược phức tạp hơn thắt ống dẫn tinh, có thể tốn kém và không hiệu quả trong một số trường hợp.

Các kỹ thuật khác cũng có sẵn để bạn vẫn có thể con sau thắt ống dẫn tinh, chẳng hạn như thụ tinh trong ống nghiệm. Tuy nhiên, những kỹ thuật này tốn kém và không phải lúc nào cũng hiệu quả. Trước khi thắt ống dẫn tinh, hãy chắc chắn rằng bạn không muốn làm cha của một đứa trẻ trong tương lai.

Nếu bạn bị đau tinh hoàn mãn tính hoặc bệnh tinh hoàn, bạn không phải là ứng cử viên sáng giá để thực hiện thủ thuật thắt ống dẫn tinh. Đối với hầu hết nam giới, thắt ống dẫn tinh không gây ra bất kỳ tác dụng phụ đáng chú ý nào và rất hiếm khi xảy ra các biến chứng nghiêm trọng.

Các tác dụng phụ ngay sau khi phẫu thuật có thể bao gồm:

  • Chảy máu hoặc một cục máu đông (tụ máu) bên trong bìu

  • Máu xuất hiện trong tinh dịch của bạn

  • Bầm tím bìu của bạn

  • Nhiễm trùng vùng phẫu thuật

  • Đau nhẹ hoặc khó chịu

  • Sưng tấy

Các biến chứng trễ có thể bao gồm:

  • Đau mãn tính, có thể xảy ra từ 1% – 2% những người phẫu thuật 

  • Chất lỏng tích tụ trong tinh hoàn, có thể gây đau âm ỉ và tồi tệ hơn khi xuất tinh

  • Viêm do tinh trùng bị rò rỉ (u hạt)

  • Mang thai, trong trường hợp thủ thuật thắt ống ống dẫn tinh của bạn không thành công, điều này hiếm khi xảy ra.

  • Một u nang bất thường phát triển trong mào tinh hoàn (ống nhỏ, cuộn lại nằm trên tinh hoàn phía trên có chức năng thu thập và vận chuyển tinh trùng)

  • Một túi chứa đầy chất lỏng (hydrocele) bao quanh tinh hoàn gây sưng bìu

Các lo lắng không có cơ sở

Nhiều nam giới lo lắng rằng thắt ống dẫn tinh có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng - nhưng những lo ngại này là không có cơ sở. Ví dụ: thắt ống dẫn tinh sẽ không:

  • Ảnh hưởng đến hoạt động tình dục của bạn. Thắt ống dẫn tinh sẽ không ảnh hưởng đến ham muốn tình dục hoặc vẻ nam tính của bạn theo bất kỳ cách nào khác ngoài việc ngăn bạn có con. Một số nam giới thậm chí đã báo cáo mức độ thỏa mãn tình dục cao hơn sau khi thắt ống dẫn tinh.

  • Làm tổn thương vĩnh viễn các cơ quan sinh dục của bạn. Có rất ít nguy cơ rằng tinh hoàn, dương vật hoặc các bộ phận khác của hệ thống sinh sản của bạn bị tổn thương trong quá trình phẫu thuật. Trong một số trường hợp cực kỳ hiếm, tình trạng tác động tới nguồn cung cấp máu có thể dẫn đến mất tinh hoàn, nhưng điều đó khó có thể xảy ra nếu bác sĩ phẫu thuật của bạn có tay nghề cao.

  • Tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư. Mặc dù đã có một số lo ngại về mối liên hệ có thể có giữa thắt ống dẫn tinh và ung thư tinh hoàn hoặc ung thư tuyến tiền liệt, nhưng vẫn chưa nghiên cứu nào chứng minh.

  • Tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Cũng như nỗi sợ hãi về ung thư, dường như không có bất kỳ mối liên hệ nào giữa thắt ống dẫn tinh và các vấn đề về tim.

  • Gây đau dữ dội. Bạn có thể cảm thấy đau nhẹ, co kéo hoặc đau giật trong khi phẫu thuật, nhưng hiếm khi đau dữ dội. Tương tự như vậy, sau khi phẫu thuật, bạn có thể bị đau một chút, nhưng đối với hầu hết nam giới, cơn đau nhẹ và sẽ hết sau vài ngày.

Bạn chuẩn bị như thế nào

Thực phẩm và thuốc

Bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bạn ngừng dùng aspirin, thuốc kháng viêm không steroid hoặc các loại thuốc chống đông máu khác vài ngày trước khi phẫu thuật. Chúng có thể bao gồm warfarin (Coumadin, Jantoven, những loại khác), heparin và thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen (Advil, Motrin IB, những loại khác).

Quần áo và đồ dùng cá nhân

Mang theo một chiếc quần lót vừa vặn hoặc một đồ thể thao để mặc sau khi làm thủ thuật để giảm thiểu sưng tấy.

Các lưu ý khác

Tắm rửa sạch sẽ vào ngày phẫu thuật. Hãy chắc chắn rằng đã rửa vùng sinh dục của bạn kỹ lưỡng. Cắt tỉa lông nếu cần thiết.

Sắp xếp chuyến xe về nhà sau khi phẫu thuật để tránh tự di chuyển và đặt áp lực lên vùng phẫu thuật do lái xe.

Quá trình thực hiện

Trước khi làm thủ thuật

Trước khi thực hiện thắt ống dẫn tinh, bác sĩ sẽ muốn gặp bạn để đảm bảo rằng đó là hình thức kiểm soát sinh sản phù hợp.

Tại cuộc hẹn ban đầu, hãy chuẩn bị để thảo luận về:

  • Bạn cần hiểu rằng thắt ống dẫn tinh là vĩnh viễn và đó không phải là một lựa chọn tốt nếu bạn có thể muốn làm cha của một đứa trẻ trong tương lai

  • Bạn đã có con và đối tác của bạn cảm thấy thế nào về quyết định này, nếu bạn đang ở trong một mối quan hệ

  • Các phương pháp ngừa thai khác có sẵn cho bạn

  • Phẫu thuật và quá trình phục hồi sau thắt ống dẫn tinh bao gồm những gì, và các biến chứng có thể xảy ra

Một số bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ đa khoa có thể thực hiện thắt ống dẫn tinh, nhưng hầu hết được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên về cơ quan sinh sản nam giới (bác sĩ tiết niệu).

Thắt ống dẫn tinh thường được thực hiện tại văn phòng bác sĩ hoặc trung tâm phẫu thuật sau khi gây tê cục bộ, có nghĩa là bạn sẽ tỉnh táo và được sử dụng thuốc để làm tê vùng phẫu thuật.

Trong quá trình

Phẫu thuật thắt ống dẫn tinh thường mất khoảng 10 – 30 phút. Để thực hiện thắt ống dẫn tinh, bác sĩ có thể sẽ làm theo các bước sau:

  • Làm tê vùng phẫu thuật bằng cách dùng kim nhỏ và tiêm thuốc gây tê cục bộ vào vùng da bìu.

  • Cắt một đường nhỏ (rạch) ở phần trên của bìu sau khi gây tê. Hoặc với kỹ thuật "không dao", đâm một vết nhỏ ở bìu thay vì rạch.

  • Xác định vị trí ống dẫn tinh dịch từ tinh hoàn (ống dẫn tinh).

  • Rút một phần ống dẫn tinh qua vết mổ hoặc vết đâm.

  • Cắt ống dẫn tinh khi nó đã được kéo ra khỏi bìu.

  • Bịt ống dẫn tinh bằng cách thắt, sử dụng nhiệt (cauterizing), kẹp phẫu thuật hoặc kết hợp nhiều phương pháp. Sau đó, bác sĩ sẽ đưa hai đầu ống dẫn tinh trở lại bìu.

  • Đóng vết mổ tại vùng được phẫu thuật. Có thể sử dụng chỉ khâu hoặc keo. Trong một số trường hợp, vết thương có thể tự liền lại theo thời gian.

Sau khi làm thủ thuật

Sau khi thắt ống dẫn tinh, bạn sẽ xuất hiện bầm tím, sưng và đau tại vị trí phẫu thuật. Tình trạng này thường có thể cải thiện trong vòng vài ngày. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn quá trình phục hồi. Bác sĩ của bạn có thể yêu cầu bạn:

  • Gọi ngay nếu bạn có dấu hiệu nhiễm trùng, chẳng hạn như máu rỉ ra từ chỗ phẫu thuật; sốt cao hơn 100,4 oF (38 oC); đỏ; cơn đau hoặc sưng tấy trở nên tồi tệ hơn.

  • Nâng bìu của bạn bằng băng và mặc quần lót vừa vặn trong ít nhất 48 giờ sau khi thắt ống dẫn tinh.

  • Chườm đá lạnh vùng bìu trong 2 ngày đầu.

  • Hạn chế hoạt động sau phẫu thuật. Bạn sẽ cần nghỉ ngơi trong 24 giờ sau khi phẫu thuật. Bạn có thể hoạt động nhẹ nhàng sau 2 hoặc 3 ngày, nhưng bạn cần tránh chơi thể thao, khuân vác và làm việc nặng trong 1 tuần hoặc lâu hơn. Nếu lạm dụng nó có thể gây đau hoặc chảy máu bên trong bìu.

  • Tránh bất kỳ hoạt động tình dục nào trong 1 tuần hoặc lâu hơn. Nếu xuất tinh, bạn có thể cảm thấy đau hoặc có máu trong tinh dịch. Nếu có quan hệ tình dục, hãy sử dụng một hình thức ngừa thai khác cho đến khi bác sĩ xác nhận rằng tinh trùng không còn trong tinh dịch của bạn.

Bạn sẽ xuất tinh ra tinh dịch sau khi thắt ống dẫn tinh nhưng nó sẽ không còn chứa tinh trùng (tế bào sinh sản) khi bạn đã xuất tinh khoảng 20 lần. Thắt ống dẫn tinh ngăn cản tinh trùng do tinh hoàn tạo ra đi đến tinh dịch. Thay vào đó, cơ thể sẽ hấp thụ tinh trùng và vô hại.

Kết quả

Thắt ống dẫn tinh không giúp bảo vệ ngay lập tức khỏi việc mang thai. Sử dụng một hình thức ngừa thai thay thế cho đến khi bác sĩ xác nhận không có tinh trùng trong tinh dịch của bạn. Trước khi quan hệ tình dục không được bảo vệ, bạn sẽ cần đợi vài tháng hoặc lâu hơn. Xuất tinh từ 15 – 20 lần hoặc hơn để loại bỏ hết tinh trùng còn lại khỏi tinh dịch.

Hầu hết các bác sĩ thực hiện phân tích tinh dịch theo dõi từ 6 – 12 tuần sau khi phẫu thuật để chắc chắn rằng không còn tinh trùng. Bạn sẽ cần cung cấp cho bác sĩ các mẫu tinh dịch để kiểm tra. Để tạo ra một mẫu tinh dịch, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thủ dâm và xuất tinh vào một vật chứa hoặc sử dụng bao cao su đặc biệt không có chất bôi trơn hay chất diệt tinh trùng để thu thập tinh dịch trong quá trình giao hợp. Sau đó, tinh dịch của bạn sẽ được kiểm tra dưới kính hiển vi để xem liệu có tinh trùng hay không.

Thắt ống dẫn tinh là một hình thức kiểm soát sinh sản hiệu quả, nhưng nó sẽ không bảo vệ bạn hoặc bạn tình của bạn khỏi các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, chẳng hạn như chlamydia hoặc HIV / AIDS. Vì lý do đó, bạn nên sử dụng các hình thức bảo vệ khác như bao cao su nếu bạn có nguy cơ bị nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục - ngay cả sau khi bạn đã thắt ống dẫn tinh.

 

Có thể bạn quan tâm?
SINH THIẾT VÚ

SINH THIẾT VÚ

Sinh thiết vú là thủ thuật hỗ trợ chẩn đoán bệnh lý ung thư vú
administrator
SINH THIẾT VÀ CẮT BỎ KHỐI U BÀNG QUANG SAU UNG THƯ

SINH THIẾT VÀ CẮT BỎ KHỐI U BÀNG QUANG SAU UNG THƯ

Phẫu thuật cắt bỏ khối u bàng quang (TURBT) có thể bao gồm cả sinh thiết và cắt bỏ khối u (loại bỏ). Vì thủ thuật thực hiện qua niệu đạo nên không cần thiết phải thực hiện vết rạch. Phẫu thuật có thể giúp ngăn ngừa ung thư xâm lấn vào thành cơ.
administrator
PHẪU THUẬT CẮT BỎ KHỐI U TẠI MÔ VÚ

PHẪU THUẬT CẮT BỎ KHỐI U TẠI MÔ VÚ

Cắt bỏ khối u là thủ thuật được thực hiện để giúp diều trị ung thư hoặc loại bỏ các mô bất thường ở ngực. Sau đây hãy cùng tìm hiểu về phẫu thuật cắt bỏ khối u tại mô vú nhé.
administrator
NGHIỆM PHÁP BÀN NGHIÊNG

NGHIỆM PHÁP BÀN NGHIÊNG

Nghiệm pháp bàn nghiêng là thủ thuật giúp đánh giá nguyên nhân gây ra tình trạng ngất xỉu không rõ nguyên nhân. Sau đây hãy cùng tìm hiểu về nghiệm pháp bàn nghiêng nhé.
administrator
PHẪU THUẬT CẮT BỎ U XƠ CÓ SỰ HỖ TRỢ CỦA ROBOT

PHẪU THUẬT CẮT BỎ U XƠ CÓ SỰ HỖ TRỢ CỦA ROBOT

Phẫu thuật cắt bỏ u xơ bằng robot là một phương pháp xâm lấn tối thiểu để điều trị u xơ tử cung, có thể giúp ít mất máu hơn, ít biến chứng hơn và thời gian nằm viện ngắn hơn.
administrator
PHỤC HỒI CHỨC NĂNG TỔN THƯƠNG TỦY SỐNG

PHỤC HỒI CHỨC NĂNG TỔN THƯƠNG TỦY SỐNG

Sau chấn thương tủy sống, bạn sẽ cần phục hồi chức năng tổn thương tủy sống để tối ưu hóa sự phục hồi và có thể thích nghi với một lối sống mới.
administrator
NGỒI THIỀN

NGỒI THIỀN

administrator
TIÊM BOTOX

TIÊM BOTOX

Tiêm botox có thể giúp điều trị một số tình trạng bệnh lý. Sau đây hãy cùng tìm hiểu về tiêm botox nhé
administrator