TINH DẦU GỪNG

Gừng có tên khoa học là Zingiber officinale, thuộc họ Zingiberaceae. Đây là một trong những loại gia vị được sử dụng rất phổ biến trong căn bếp trên khắp thế giới. Không chỉ vậy, loại gia vị này còn được sử dụng từ hàng ngàn năm trước để điều trị nhiều bệnh. Các sản phẩm chiết xuất từ gừng ngày càng được ưa chuộng, bao gồm cả tinh dầu gừng, với mùi thơm đặc trưng và nhiều lợi ích sức khỏe khác. Sau đây hãy cùng tìm hiểu về tinh dầu gừng và những công dụng tuyệt vời của nó nhé.

daydreaming distracted girl in class

TINH DẦU GỪNG

Giới thiệu về dược liệu

Gừng là một loại thảo dược quen thuộc, dễ dàng bắt gặp ở mọi căn bếp người Việt. Đây là một loại gia vị cổ điển, rất phổ biến ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới bao gồm Đông Nam Á, Nam Á, Đông Á…

Quần thể dược liệu gừng đa dạng về giống loài, vì vậy đặc điểm sinh thái sẽ tùy thuộc vào từng giống cũng như điều kiện trồng trọt. Bộ phận thường được sử dụng trong ẩm thực hay y học là thân rễ.

Thành phần thường bao gồm:

  • Tinh dầu gừng.

  • Nhóm các chất tạo ra vị cay nồng bao gồm shogaol, zingerol, zingeron,…

  • Lượng nhỏ chất xơ, protein, carb…

Tinh dầu gừng, còn được gọi là Ginger essential oil. Thành phần này được chiết xuất từ thân rễ của loài Zingiber officinale bằng phương pháp chưng cất hơi nước hay chiết xuất dung môi. Tinh dầu gừng có một số đặc điểm bao gồm:

  • Màu vàng nhạt, trong suốt.

  • Mùi thơm ấm, cay nồng đặc trưng, có xen lẫn chút mùi gỗ trầm.

  • Khả năng lan tỏa hương thơm ở mức trung bình – mạnh.

Sản lượng cũng như thành phần hóa học có trong tinh dầu Ginger bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố như:

  • Nguồn nguyên liệu (thân rễ), điều kiện và khí hậu trồng trọt.

  • Độ khô, tươi của bộ phận chiết xuất.

  • Phương pháp chiết xuất.

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Tinh dầu gừng được chiết xuất từ phần thân rễ. Để điều chế tinh dầu, cần chuẩn bị:

  • 1 chén gừng tươi đã băm nhỏ.

  • 2 chén dầu nền (dầu vận chuyển) như ô liu, hạnh nhân, dầu dừa…

Cách tiến hành:

  • Sử dụng gừng đem đi băm nhỏ và rửa sạch, để ráo từ 1 - 2 tiếng.

  • Cho phần gừng đã chuẩn bị vào chén, thêm dầu nền vào, nghiền đều.

  • Khuấy đều hỗn hợp này và đặt chén vào lò nướng 2 tiếng, ở nhiệt độ từ 170°F (~77°C). Hoặc có thể cho hỗn hợp này vào nồi, đun nhỏ lửa cho tới khi sôi (khoảng 40 phút).

  • Dùng một lớp vải thưa để lọc dầu và tạp chất ra riêng biệt nhau. Phần dầu thu được đựng trong lọ thủy tinh.

  • Nén chặt phần gừng còn lại vào lớp vải để thu được tối đa lượng dầu gừng.

  • Bảo quản tinh dầu trong lọ hoặc hộp kín, tránh ánh nắng trực tiếp.

Thành phần hóa học

Các chuyên gia đã nghiên cứu và tìm thấy một số thành phần hoạt chất có trong tinh dầu gừng bao gồm:

  • Hợp chất sesquiterpenes như β-zingiberen, curcumene, β-farnesen…

  • Hợp chất monoterpenes như geraniol, linalool, borneol,…

  • Các chất khác như eucalyptol, α-camphene, β- phellandrene, gingerol…

Lợi ích và công dụng của tinh dầu chính là nhờ các thành phần chiết xuất được.

Tác dụng - Công dụng

Kháng khuẩn và kháng nấm

Các nghiên cứu về khả năng chống vi khuẩn của tinh dầu gừng cho thấy nhiều kết quả tích cực. Các chuyên gia cho rằng thành phần này có công dụng chống lại vi khuẩn phổ rộng, có thể sử dụng trong ngành dược phẩm hay làm chất bảo quản tự nhiên trong thực phẩm hoặc mỹ phẩm.

Tinh dầu gừng bao gồm citral, zingiberene, β-bisabolene, β-sesquiphellandrene, geranyl acetate, geraniol… có tác dụng chống lại vi sinh vật bao gồm:

  • S. aureus.

  • Streptococcus pyogenes.

  • B. subtilis.

  • Salmonella typhi.

  • E. coli.

  • P. aeruginosa.

Bên cạnh đó, nghiên cứu còn cho thấy tinh dầu gừng còn tác động tới sự phát triển của flavus, quá trình sản xuất aflatoxin B1 và ​​B2. Một nghiên cứu khác còn cho thấy khả năng chống nấm, đặc biệt đối với Fusarium oxysporum.

Do đó, khi dùng tinh dầu gừng qua đường tiêu hóa, một số tình trạng nhiễm trùng đường ruột như bệnh lỵ do vi khuẩn hay ngộ độc thực phẩm có thể được cải thiện.

Chống oxy hóa

Thành phần tìm thấy trong tinh dầu gừng có chứa nồng độ các chất chống oxy hóa rất cao. Đây là những hoạt chất giúp ngăn ngừa một số tổn thương tế bào, đặc biệt liên quan tới một số bệnh lý bao gồm bệnh tim, ung thư, sa sút trí tuệ.

Tác động chống oxy hóa của tinh dầu gừng được nghiên cứu và có kết quả khả quan.  Bên cạnh đó, có nghiên cứu cho rằng tác động chống oxy hóa của tinh dầu gừng tốt hơn so với butylated hydroxyanisole (BHA). Tinh dầu gừng đã được ghi nhận khả năng tăng nồng độ của superoxide dismutase, glutathione peroxidase, glutathione-s-transferase ở gan.

Một nghiên cứu trên động vật cho thấy tác động chống oxy hóa cũng như chống viêm và ung thư của tinh dầu gừng. Sau khi điều trị với tinh dầu gừng trong một tháng, nồng độ enzym trong máu tăng lên, giảm các gốc tự do và làm giảm đáng kể tình trạng viêm.

Một nghiên cứu khác trên chuột sử dụng cho thấy chúng ít bị tổn thương thận hơn do stress oxy hóa. Bên cạnh đóm các nghiên cứu gần đây cho thấy tác động chống ung thư của tinh dầu gừng, liên quan đến gingerol và zerumbone. Theo nghiên cứu, các thành phần này ngăn chặn quá trình oxy hóa của tế bào ung thư, có hiệu quả trong việc ngăn chặn CXCR4, một thụ thể protein ở nhiều loại ung thư, như ung thư tuyến tụy, phổi, thận, da.

Kháng viêm

Viêm là phản ứng tự nhiên trong cơ thể, giúp tiêu diệt tác nhân gây bệnh. Thế nhiên, khi hoạt động quá mức, hệ thống miễn dịch sẽ bắt đầu tấn công các mô khỏe mạnh gây ra các triệu chứng khó chịu như đau, sưng tấy.

Đã có nhiều nghiên cứu báo cáo về tác động hỗ trợ giảm tình trạng viêm của tinh dầu chiết xuất từ thân rễ gừng, bao gồm:

  • Nghiên cứu trên chuột: Tinh dầu gừng có tiềm năng trong việc bảo vệ thận, ngăn chặn sự suy giảm chức năng thận. Tác động này có cơ chế thông qua việc ức chế hoạt động của ADA, điều chỉnh các cytokine gây viêm (bao gồm IL-6, IL-10, TNF-Alpha).

  • Một số nghiên cứu khác cho thấy tinh dầu từ gừng có đặc tính chống viêm sử dụng trong nhiễm độc thần kinh do Cadmium (Cd) – một chất có khả năng gây độc thần kinh, gây ra thách thức lớn đối với sức khỏe môi trường toàn cầu.

  • Trên chuột bị viêm khớp dạng thấp, tiêm tinh dầu gừng không làm giảm sưng khớp giai đoạn cấp tính nhưng lại ức chế đáng kể sưng khớp mãn tính.

Thoa hỗn hợp tinh dầu, bao gồm cả tinh dầu gừng, lên da hàng ngày có thể phát huy công dụng kháng viêm hiệu quả.

Một thành phần được gọi là zingibain, được ghi nhận là hoạt chất chính với công dụng kháng viêm. Chính do đó, tinh dầu gừng sẽ giúp giảm đau, hỗ trợ điều trị đau cơ, viêm khớp hay đau nửa đầu. Công dụng này thông qua tác động giảm nồng độ prostaglandin trong cơ thể.

Giảm buồn nôn

Nhiều chuyên gia đã thực hiện các nghiên cứu về sử dụng tinh dầu gừng trên người bị buồn nôn, nôn sau phẫu thuật. Bước đầu, các nghiên cứu cho kết quả tốt về hiệu quả trên nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Khi cho sử dụng tinh dầu gừng hít qua mũi, các thành phần có trong nó mang lại hiệu quả trong việc giảm buồn nôn, giảm nhu cầu sử dụng thuốc giảm buồn nôn sau phẫu thuật. Bên cạnh đó, tinh dầu gừng cũng được ghi nhận tác động giảm đau ngay sau khi phẫu thuật.

Hỗ trợ hô hấp

Những công dụng của tinh dầu từ gừng đối với hệ hô hấp bao gồm:

  • Tinh dầu gừng có tác động làm giãn phế quản, nhờ thành phần như citral, eucalyptol, camphor… Công dụng này được ghi nhận giúp thư giãn đường thở của chuột. Nghiên cứu này là cơ sở quan trọng để tiến hành ứng dụng thành phần này trong điều trị bệnh lý hen suyễn trên người.

  • Bên cạnh đó, tinh dầu gừng còn có tác động hỗ trợ sát khuẩn đường hô hấp, làm loãng đờm và hạn chế cơn ho.

  • Sử dụng tinh dầu gừng trong liệu pháp hương thơm sẽ giúp thanh lọc không khí, loại bỏ mùi khó chịu.

Một nghiên cứu cho thấy tinh dầu gừng hỗ trợ tống xuất chất nhầy từ cổ họng và phổi. Theo Y học cổ truyền, tinh dầu gừng đã được sử dụng như một phương thuốc tự nhiên điều trị cảm lạnh, cúm, hen suyễn, ho, viêm phế quản và cả chứng khó thở.

Các chuyên gia đã tiến hành nghiên cứu trên bệnh nhân hen suyễn, một bệnh lý mạn tính trên đường hô hấp với các cơn co thắt cơ phế quản, phù nề trên niêm mạc phổi, tăng sản xuất chất nhầy. Tình trạng này làm hẹp đường thở và khiến người bệnh khó thở cấp tính. Một số yếu tố khởi phát cơn hen bao gồm ô nhiễm, dị ứng, béo phì, nhiễm trùng, tập thể dục, căng thẳng, mất cân bằng nội tiết tố. Nghiên cứu cho thấy, với đặc tính kháng viêm, cơn hen sẽ cải thiện nhờ tác động giãn nở cơ trơn đường hô hấp.

Liệu pháp hương thơm

Tương tự với hầu hết các loại tinh dầu thiên nhiên khác, tinh dầu gừng rất hiệu quả khi sử dụng để giúp thư giãn, loại bỏ căng thẳng và cân bằng tâm trạng. Tinh dầu này có thể được sử dụng bằng phương pháp khuếch tán, xông hơi. Với các phương pháp này, chúng ta sẽ có được những trải nghiệm tuyệt vời với hương thơm nồng ấm dễ chịu. Đặc tính làm ấm của tinh dầu gừng mang lại tác động như một chất hỗ trợ giấc ngủ, tạo ra cảm giác dễ chịu.

Hỗ trợ chức năng dạ dày và đường tiêu hóa

Tinh dầu gừng được xem là một một trong những biện pháp hiệu quả nhất để chữa các triệu chứng đường tiêu hóa bao gồm đau bụng, tiêu chảy, khó tiêu, co thắt đường ruột, nôn mửa. Từ xa xưa tinh dầu gừng đã được sử dụng để chữa buồn nôn khi say tàu xe hay thay đổi tư thế.

Một nghiên cứu thực hiện ở động vật đã ghi nhận tác động bảo vệ dạ dày của tinh dầu gừng. Khi sử dụng ethanol để gây loét dạ dày trên chuột, tinh dầu gừng đã ức chế vết loét lên tới 85%. Quá trình kiểm tra cho thấy những tổn thương do ethanol, bao gồm hoại tử và xuất huyết thành dạ dày, đã giảm đáng kể sau khi sử dụng tinh dầu gừng.

Tăng cường sức khỏe tim mạch

Tinh dầu gừng được nghiên cứu với công dụng làm giảm nồng độ cholesterol và ảnh hưởng tới quá trình đông máu. Một số nghiên cứu sơ bộ ghi nhận được tác động này và có thể sử dụng trong điều trị bệnh tim mạch, các bệnh lý gây tắc nghẽn mạch máu, dẫn tới đau tim hoặc đột quỵ.

Bên cạnh công dụng giảm mức cholesterol, tinh dầu gừng cũng giúp cải thiện chuyển hóa lipid, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường.

Kích thích tình dục 

Tinh dầu gừng được ghi nhận với công dụng làm tăng ham muốn tình dục. Do đó, có thể giải quyết các vấn đề bao gồm bất lực hay giảm ham muốn tình dục.

Với đặc tính làm ấm và kích thích, thành phần này đã được sử dụng như một phương pháp kích thích tình dục hiệu quả và từ thiên nhiên. Bên cạnh đó, tác động giảm căng thẳng cũng đem lại cảm giác tự tin vào bản thân cho cánh mày râu.

Giảm đau do thống kinh

Các thành phần giảm đau có trong tinh dầu gừng, như zingibain, có công dụng giúp giảm đau bụng kinh, đau lưng, đau đầu và đau nhức tiền kinh nguyệt.

Bên cạnh đó, một nghiên cứu cho thấy sử dụng 1 hoặc 2 giọt tinh dầu gừng mỗi ngày có công dụng tốt hơn trong việc điều trị đau cơ, khớp so với các loại thuốc giảm đau. Công dụng này là nhờ vào tác động giảm viêm, hỗ trợ tuần hoàn của tinh dầu gừng.

Cải thiện chức năng gan

Nhờ tác động chống oxy hóa của tinh dầu gừng và hoạt động bảo vệ gan, nghiên cứu trên động vật đã ghi nhận được hiệu quả của tinh dầu gừng trong điều trị bệnh gan nhiễm mỡ do rượu. Tình trạng này có liên quan đáng kể tới xơ gan và ung thư gan.

Cách dùng - Liều dùng

Liệu pháp hương thơm:

  • Sử dụng máy xông tinh dầu, máy khuếch tán là cách thông dụng để lan tỏa mùi hương của tinh dầu gừng. Thực hiện theo hướng dẫn đi kèm với thiết bị khuếch tán để đạt được hiệu quả tốt nhất.

  • Xông hơi bằng cách thêm vài giọt tinh dầu gừng nồi nước xông truyền thống.

  • Pha loãng tinh dầu gừng cùng nước (từ 10 – 15 giọt trong 30 ml nước) rồi cho vào bình xịt. Lắc bình kỹ và xịt quanh nhà.

Dùng ngoài:

  • Nhỏ từ 1 - 2 giọt tinh dầu vào loại kem dưỡng ưa thích. Sử dụng thoa lên những vùng da thô ráp mang lại công dụng dưỡng ẩm và làm mềm da.

  • Tinh dầu gừng pha loãng cùng dầu nền (dầu dừa, dầu bơ, dầu jojoba, dầu hạnh nhân). Sử dụng hỗn hợp này để massage lên cơ thể có công dụng giảm đau, tăng lưu thông tuần hoàn.

Các chuyên gia khuyến cáo không được sử dụng tinh dầu gừng với nồng độ cao hơn 3 – 5%. Thêm 20 giọt tinh dầu trong mỗi 30ml dầu nền thu được thành phần chứa 3% tinh dầu gừng.

Một số công dụng và cách dùng tinh dầu gừng:

  • Cải thiện lưu thông máu, tăng cường sức khỏe tim mạch: Thoa 1 – 2 giọt tinh dầu gừng lên vùng da quanh ngực 2 lần/ngày.

  • Đau cơ và khớp: Thoa từ 2 – 3 giọt tinh dầu gừng lên vùng da 2 lần/ngày.

  • Cải thiện tâm trạng, tăng cường cảm giác tự tin: Sử dụng 2 – 3 giọt tinh dầu gừng trong máy khuếch tán.

  • Cảm giác buồn nôn: Thoa 1 – 2 giọt tinh dầu gừng lên dạ dày. Thêm 1 giọt dầu gừng vào cốc nước ấm hoặc tách trà và dùng.

  • Nam giới ham muốn tình dục thấp: Sử dụng máy khuếch tán, dùng 2 – 3 giọt tinh dầu gừng hay thoa 1 – 2 giọt vào bàn chân, vùng bụng dưới.

  • Hỗ trợ tiêu hóa và thải độc tố: Thêm 2 – 3 giọt tinh dầu gừng vào nước ấm và tắm.

  • Hỗ trợ hô hấp: Uống trà gừng hoặc thêm 1 giọt tinh dầu gừng vào trà xanh, dùng 2 lần/ngày.

Lưu ý

Mặc dù tinh dầu gừng có nhiều công dụng và an toàn, nhưng cần thận trọng khi sử dụng, nhất là những người có tiền sự dị ứng với các sản phẩm từ gừng. Không được uống trực tiếp bất kỳ loại tinh dầu nào.

Khi sử dụng tinh dầu gừng lên da, cần pha loãng trước với nước hoặc dầu nền. Có thể cần kiểm tra thử bằng cách dùng một lượng nhỏ tinh dầu lên vùng da để theo dõi dấu hiệu dị ứng.

Không để để tinh dầu gừng tiếp xúc trực tiếp mắt, niêm mạc,… do có thể gây bỏng hoặc tổn thương. Không được lạm dụng tinh dầu, cần sử dụng đúng khuyến cáo của chuyên gia để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.

 

Có thể bạn quan tâm?
CỦ GAI

CỦ GAI

Củ gai, hay còn được biết đến với những tên gọi: Trữ ma căn, tầm ma. Cây lá Gai là cây mà người ta vẫn thường dùng làm bánh gai hay bánh ít lá gai để ăn và lấy sợi để dệt làm lưới đánh cá. Tuy nhiên, ít ai biết phần rễ củ của loài cây này cũng chính là một vị thuốc quý, gọi là củ Gai. Củ gai từ lâu đã được sử dụng làm vị thuốc giúp ăn thai và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe thai kỳ cho mẹ bầu theo kinh nghiệm dân gian. Ngoài ra, nó còn được sử dụng làm vị thuốc chữa các chứng bệnh như mụn nhọt mưng mủ, phong thấp, tê mỏi chân tay, tiểu dắt,… do ứ nhiệt. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của dược liệu này.
administrator
BẠCH HOA XÀ THIỆT THẢO

BẠCH HOA XÀ THIỆT THẢO

Bạch hoa xà thiệt thảo, hay còn được biết đến với những tên gọi: Lưỡi rắn hoa trắng, lữ đồng, giáp mãnh thảo. Càng ngày người dân ta càng phải đối mặt với căn bệnh ung thư nhiều hơn, vì vậy nền Đông y cũng không ngừng phát triển nghiên cứu những dược liệu có tác dụng hỗ trợ chữa trị căn bệnh này. Bạch hoa xà thiệt thảo cũng là một trong những loại cây có tác dụng chữa trị ung thư hiệu quả. Bạch hoa xà thiệt thảo đã được sử dụng hàng ngàn năm trong Y Học Cổ Truyền như một loại thuốc thanh nhiệt giải độc, nhưng nó đã trở nên phổ biến với tác dụng chống ung thư. Đồng thời, các nghiên cứu cũng cho thấy nhiều tác dụng khác như tác dụng chống oxy hóa, điều hòa miễn dịch, kháng viêm, bảo vệ thần kinh.
administrator
CỦ CHÓC

CỦ CHÓC

Củ chóc, hay còn được biết đến với những tên gọi: Bán hạ nam, bán hạ lá ba thùy, cây chóc chuột, tậu chó, mía dò. Củ chóc là loài cây mọc hoang ở nhiều nơi trên nước ta. Từ lâu, củ Chóc được dùng như một vị thuốc chống nôn mửa cho phụ nữ có thai, hen suyễn nhiều đờm, tiêu hoá kém mà ngực bụng đầy trướng. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của dược liệu này.
administrator
CẢO BẢN

CẢO BẢN

Cảo bản là dược liệu mọc tự nhiên, sau được trồng ở Trung Quốc với nhiều công dụng như: chữa cảm phong hàn, đau đầu, kinh nguyệt không đều, liệt nửa người, ghẻ, mẩn ngứa, gàu,…
administrator
NGHỆ VÀNG - KHƯƠNG HOÀNG

NGHỆ VÀNG - KHƯƠNG HOÀNG

Nhắc đến Nghệ vàng, ai cũng sẽ biết đến một loại dược liệu có vẻ ngoài giống với Gừng nhưng có mùi vị và màu sắc rất đặc trưng và thường được sử dụng từ xa xưa. Phần thân rễ cây Nghệ vàng được gọi là Khương hoàng. Ngoài công dụng thường thấy là dùng để làm gia vị trong những món ăn, Khương hoàng còn được biết đến như là một vị thuốc tốt với nhiều công dụng hữu ích trong điều trị các bệnh lý về dạ dày. Bên cạnh đó, còn nhiều những công dụng tuyệt với khác mà Nghệ vàng hay Khương hoàng còn có thể mang lại cho sức khỏe con người.
administrator
CHÈ VẰNG

CHÈ VẰNG

Cây chè vằng là một loại cây mọc tự nhiên ở các vùng núi và miền Trung của Nhật Bản, thường được dùng làm thuốc chữa mẩn ngứa, vết thương, rất tốt cho phụ nữ sau khi sinh nở.
administrator
CÂY CẢI TRỜI

CÂY CẢI TRỜI

Cải trời là loại cây mọc hoang nhiều ở nước ta, trong dân gian được biết đến như một loại rau ăn được. Đồng thời là loại dược liệu chữa bệnh như chữa mụn nhọt, tiêu viêm, cầm máu, hạ sốt, băng huyết,…
administrator
KÊ HUYẾT ĐẰNG

KÊ HUYẾT ĐẰNG

- Tên khoa học: Caulis Spatholobi suberecti - Họ: Fabaceae (Đậu) - Tên gọi khác: cây máu gà, đại hoàng đằng, đại huyết đằng, cây hồng đăng, cây dây máu.
administrator