CẤY GHÉP THẬN

Cấy ghép thận là một cuộc phẫu thuật có thể giúp những người bị bệnh thận giai đoạn cuối duy trì sự sống.

daydreaming distracted girl in class

CẤY GHÉP THẬN

Tổng quan

Cấy ghép thận là một cuộc phẫu thuật để lấy một quả thận khỏe mạnh từ người hiến tặng còn sống hoặc đã qua đời và cấy ghép vào người có thận không hoạt động bình thường.

Thận là cơ quan hình hạt đậu nằm ở mỗi bên của cột sống ngay dưới khung xương sườn. Mỗi quả thận có kích thước bằng một nắm tay. Chức năng chính của chúng là lọc và loại bỏ chất thải, khoáng chất và dịch ra khỏi máu bằng cách tạo ra nước tiểu.

Khi thận mất khả năng lọc này, lượng dịch và chất thải có hại sẽ tích tụ trong cơ thể, có thể làm tăng huyết áp và dẫn đến suy thận (bệnh thận giai đoạn cuối). Bệnh thận giai đoạn cuối xảy ra khi thận đã mất khoảng 90% khả năng hoạt động bình thường. 

Nguyên nhân phổ biến của bệnh thận giai đoạn cuối bao gồm:

  • Bệnh tiểu đường

  • Huyết áp cao mãn tính, không kiểm soát được

  • Viêm cầu thận mãn tính - tình trạng viêm và cuối cùng gây ra sẹo của các bộ lọc nhỏ bên trong thận

  • Bệnh thận đa nang

Những người bị bệnh thận giai đoạn cuối cần được loại bỏ chất thải khỏi máu của họ thông qua một thiết bị (lọc máu) hoặc ghép thận để duy trì sự sống.

Phân loại

  • Ghép thận từ người hiến tặng đã qua đời

  • Ghép thận từ người hiến tặng còn sống

  • Ghép thận sớm (dự phòng)

Tại sao cần thực hiện

Cấy ghép thận thường là lựa chọn trong điều trị suy thận, bên cạnh việc chạy thận suốt đời. Cấy ghép thận có thể điều trị bệnh thận mãn tính hoặc bệnh thận giai đoạn cuối để cải thiện chất lượng cuộc sống và sống lâu hơn.

So với lọc máu, ghép thận có những lợi ích:

  • Chất lượng cuộc sống tốt hơn

  • Giảm nguy cơ tử vong

  • Ít hạn chế trong chế độ ăn uống hơn

  • Chi phí điều trị thấp hơn

Một số người cũng có thể được hưởng lợi từ việc ghép thận trước khi cần phải chạy thận, một thủ thuật được gọi là ghép thận sớm.

Nhưng đối với một số người bị suy thận, ghép thận có thể mang lại rủi ro hơn lọc máu. Các tình trạng có thể khiến bạn không đủ điều kiện để ghép thận bao gồm:

  • Tuổi cao

  • Bệnh tim nặng

  • Ung thư đang hoạt động hoặc được điều trị gần đây

  • Sa sút trí tuệ hoặc bệnh tâm thần kiểm soát kém

  • Lạm dụng rượu hoặc ma túy

  • Bất kỳ yếu tố nào khác có thể ảnh hưởng đến tính an toàn của quy trình và việc dùng các loại thuốc cần thiết sau khi cấy ghép để ngăn ngừa đào thải nội tạng

Chỉ cần một quả thận được hiến tặng để thay thế cho hai quả thận bị suy giảm chức năng ở người bệnh. Việc này khiến việc cấy ghép thận từ người còn sống trở nên khả thi.

Nếu không người hiến tặng còn sống không tương thích, bạn có thể sẽ được đưa vào danh sách chờ để nhận một quả thận từ người hiến tặng đã qua đời.

Thời gian bạn phải chờ đợi phụ thuộc vào mức độ phù hợp hoặc tương thích giữa bạn và người hiến tặng, thời gian lọc máu, danh sách chờ ghép và khả năng sống sót sau ghép. Một số người có thể được cấy ghép thận trong vòng vài tháng, trong khi những người khác có thể đợi vài năm.

Rủi ro

Cấy ghép thận có thể giúp điều trị bệnh thận tiến triển và suy thận, nhưng phẫu thuật không phải là cách để chữa khỏi bệnh. Một số tình trạng bệnh thận có thể trở lại sau khi cấy ghép.

Những rủi ro sức khỏe liên quan đến việc ghép thận bao gồm những rủi ro liên quan trực tiếp đến việc phẫu thuật và đào thải cơ quan được hiến tặng. Rủi ro cũng bao gồm các tác dụng phụ của việc dùng thuốc chống thải ghép (thuốc ức chế miễn dịch) để cơ thể không tấn công cơ quan được hiến tặng.

Quyết định ghép thận có phù hợp với bạn hay không là một quyết định cá nhân cần được suy nghĩ và cân nhắc kỹ lưỡng về những rủi ro và lợi ích. Trao đổi về quyết định này với gia đình, bạn bè và các chuyên gia đáng tin cậy khác.

Các biến chứng của thủ thuật

Phẫu thuật ghép thận có nguy cơ biến gặp chứng đáng kể, bao gồm:

  • Cục máu đông và chảy máu

  • Rò rỉ hoặc tắc nghẽn ống liên kết thận với bàng quang (niệu quản)

  • Nhiễm trùng

  • Thất bại trong phẫu thuật hoặc cơ thể đào thải thận được hiến tặng

  • Nhiễm trùng hoặc ung thư có thể di truyền từ quả thận được hiến tặng

  • Tử vong, đau tim và đột quỵ

  • Tác dụng phụ của thuốc chống thải ghép

Sau khi ghép thận, bạn sẽ cần sử dụng thuốc để ngăn cơ thể tấn công thận của người hiến tặng. Những loại thuốc này có thể gây ra nhiều tác dụng phụ, bao gồm:

  • Loãng xương và tổn thương xương

  • Bệnh tiểu đường

  • Tóc mọc quá nhiều hoặc rụng tóc

  • Huyết áp cao

  • Cholesterol cao

Các tác dụng phụ khác có thể bao gồm:

  • Tăng nguy cơ ung thư, đặc biệt là ung thư da và ung thư hạch

  • Sự nhiễm trùng

  • Phù

  • Tăng cân

  • Mụn

Bạn cần chuẩn bị như thế nào?

Chọn một trung tâm cấy ghép

Bác sĩ có thể giới thiệu một trung tâm cấy ghép cho bạn. Bạn cũng có thể tự do chọn một trung tâm cấy ghép của riêng mình hoặc chọn một trung tâm từ danh sách các nhà cung cấp ưu tiên của công ty bảo hiểm của mình.

Khi cân nhắc một trung tâm cấy ghép, bạn có thể cần:

  • Tìm hiểu về số lượng và loại ca cấy ghép mà trung tâm thực hiện mỗi năm

  • Hỏi về tỷ lệ sống sót của người hiến và người nhận tạng của trung tâm cấy ghép

  • So sánh số liệu thống kê của trung tâm cấy ghép 

  • Tìm hiểu xem trung tâm có các chương trình hiến tặng có thể giúp tăng cơ hội được cấy ghép thận hay không

Bạn cũng có thể cân nhắc:

  • Các chi phí sẽ phát sinh trước, trong và sau khi cấy ghép. Chi phí sẽ bao gồm các xét nghiệm, mua thận, phẫu thuật, nằm viện, di chuyển đến và từ trung tâm để làm thủ thuật và các cuộc hẹn tái khám.

  • Xem xét các dịch vụ bổ sung do trung tâm cấy ghép cung cấp, chẳng hạn như các nhóm hỗ trợ, sắp xếp việc đi lại và các nguồn lực khác

  • Cam kết của trung tâm trong việc cập nhật công nghệ và kỹ thuật cấy ghép mới nhất, điều này cho thấy chương trình đang được phát triển.

Đánh giá

Sau khi bạn đã chọn được một trung tâm cấy ghép, bạn sẽ được đánh giá để xác định xem mình có đáp ứng các điều kiện của trung tâm để ghép thận hay không.

Các nhân viên y tế tại trung tâm cấy ghép sẽ đánh giá xem bạn có:

  • Đủ sức khỏe để phẫu thuật và dung nạp thuốc sau cấy ghép suốt đời

  • Có bất kỳ tình trạng y tế nào có thể cản trở sự thành công của ca cấy ghép

  • Sẵn sàng và có thể dùng thuốc theo chỉ dẫn, tuân theo các đề xuất của nhóm cấy ghép

Quá trình đánh giá có thể mất vài ngày và bao gồm:

  • Kiểm tra sức khỏe kỹ lưỡng

  • Xét nghiệm hình ảnh, chẳng hạn như chụp X-quang, MRI hoặc CT

  • Xét nghiệm máu

  • Đánh gia tâm lý

  • Bất kỳ xét nghiệm cần thiết nào khác theo quyết định của bác sĩ

Sau khi đánh giá, nhóm cấy ghép của bạn sẽ thảo luận kết quả và cho bạn biết liệu bạn có được chấp nhận là ứng viên ghép thận hay không. Mỗi trung tâm cấy ghép có tiêu chí đủ điều kiện riêng. Nếu bạn không được chấp nhận tại một trung tâm cấy ghép, bạn có thể nộp đơn cho những đơn vị khác.

Quá trình thực hiện

Trước khi làm thủ thuật

Tìm kiếm sự phù hợp

Người hiến thận có thể còn sống hoặc đã qua đời, có liên quan hoặc không liên quan với bạn. Nhóm cấy ghép sẽ xem xét một số yếu tố khi đánh giá xem quả thận được hiến tặng có phù hợp với bạn hay không.

Các xét nghiệm để xác định xem một quả thận được hiến tặng có thể phù hợp với bạn hay không bao gồm:

  • Nhóm máu. Tốt hơn hết là bạn nên nhận quả thận từ một người hiến tặng có nhóm máu phù hợp hoặc tương thích với của bạn.

    Cũng có thể thực hiện cấy ghép khi người cho và người nhận có nhóm máu không tương thích nhưng cần các phương pháp điều trị y tế bổ sung trước và sau khi cấy ghép nhằm giảm nguy cơ đào thải nội tạng. Chúng được gọi là cấy ghép thận không tương thích ABO.

  • Nhóm mô. Nếu nhóm máu của bạn tương thích, bước tiếp theo là kiểm tra kháng nguyên bạch cầu (HLA). Xét nghiệm này so sánh các dấu ấn di truyền làm tăng khả năng quả thận được cấy ghép sẽ tồn tại trong thời gian dài. Sự tương hợp có nghĩa là cơ thể bạn ít có khả năng đào thải nội tạng hơn.

  • Xét nghiệm đọ chéo (crossmatch). Xét nghiệm thứ ba và cuối cùng bao gồm việc trộn một mẫu máu nhỏ của bạn với máu của người hiến tặng trong phòng thí nghiệm. Xét nghiệm xác định liệu các kháng thể trong máu của bạn có phản ứng chống lại các kháng nguyên trong máu của người hiến tặng hay không.

    Kết quả xét nghiệm đọ chéo âm tính có nghĩa là chúng tương thích và cơ thể bạn không có nhiều khả năng đào thải thận của người hiến tặng. Cấy ghép thận vẫn có thể được thực hiện khi kết quả dương tính nhưng yêu cầu điều trị y tế bổ sung trước và sau khi cấy ghép để giảm nguy cơ kháng thể của bạn phản ứng với cơ quan được hiến tặng.

Các yếu tố khác mà nhóm cấy ghép của bạn có thể xem xét để tìm quả thận hiến tặng thích hợp nhất cho bạn bao gồm độ tuổi phù hợp, kích thước thận và mức độ phơi nhiễm nhiễm trùng.

Người hiến tặng còn sống

Tìm một người hiến thận còn sống là một giải pháp thay thế cho việc phải chờ đợi một quả thận của người hiến tặng đã qua đời.

Các thành viên trong gia đình thường là những người hiến thận tương thích nhất. Tuy nhiên, các ca ghép thận từ người hiến tặng còn sống thành công cũng thường xảy ra với những quả thận được hiến tặng từ những người không cùng huyết thống, chẳng hạn như bạn bè, đồng nghiệp hoặc thành viên giáo đoàn tôn giáo.

Hiến tặng ghép đôi là một hình thức hiến nếu bạn có một người sẵn sàng hiến thận nhưng không tương thích với bạn hoặc không phù hợp vì những lý do khác. Thay vì hiến tặng trực tiếp cho bạn, họ sẽ tặng một quả thận cho người phù hợp hơn. Sau đó, bạn sẽ nhận được một quả thận tương thích từ người hiến tặng của người nhận đó.

Trong một số trường hợp, nhiều hơn hai cặp người cho và người nhận có thể được liên kết với một người hiến thận còn sống. Họ tạo thành một chuỗi hiến tặng với nhiều người nhận được hưởng lợi từ một người hiến tặng gián tiếp.

Nếu không có một người hiến tặng còn sống tương thích, bạn sẽ được đưa vào danh sách chờ để nhận một quả thận của người hiến đã qua đời. Vì số lượng thận ít hơn số người đang chờ ghép, danh sách chờ đợi có thể tiếp tục tăng lên. Thời gian chờ đợi một quả thận từ người hiến tặng đã qua đời thường là vài năm.

Duy trì lối sống khỏe mạnh

Cho dù bạn đang chờ đợi một quả thận được hiến hay cuộc phẫu thuật cấy ghép của bạn đã được lên lịch, hãy giữ một lối sống khỏe mạnh. Sức khỏe và sự năng động có thể giúp bạn sẵn sàng hơn cho cuộc phẫu thuật cấy ghép khi đến thời điểm. Nó cũng có thể giúp tăng tốc độ hồi phục của bạn sau phẫu thuật. Hãy nhớ:

  • Uống thuốc theo quy định.

  • Thực hiện theo hướng dẫn về chế độ ăn uống và tập thể dục.

  • Ngưng hút thuốc. Nếu bạn cần giúp đỡ để bỏ thuốc lá, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn.

  • Tái khám đều đặn với nhóm chăm sóc sức khỏe của bạn.

  • Hãy tham gia vào các hoạt động lành mạnh, chẳng hạn như thư giãn và dành thời gian cho gia đình và bạn bè.

Giữ liên lạc với nhóm cấy ghép của bạn và họ biết về bất kỳ thay đổi quan trọng nào về sức khỏe của bạn. Nếu bạn đang chờ đợi một quả thận được hiến tặng, hãy đảm bảo rằng nhóm cấy ghép luôn biết cách liên lạc với bạn. Chuẩn bị sẵn hành lý và sẵn sàng để di chuyển đến trung tâm cấy ghép.

Trong quá trình

Việc cấy ghép thận được thực hiện cùng với thủ thuật gây mê toàn thân, vì vậy bạn sẽ không tỉnh táo trong quá trình phẫu thuật. Nhóm phẫu thuật theo dõi nhịp tim, huyết áp và nồng độ oxy trong máu của bạn trong suốt quá trình.

Trong quá trình phẫu thuật:

  • Bác sĩ phẫu thuật rạch một đường ở phần dưới của một bên bụng và đặt quả thận mới vào. Trừ khi thận của bạn đang gây ra các biến chứng như tăng huyết áp, sỏi thận, đau hoặc nhiễm trùng, chúng vẫn sẽ được giữ nguyên.

  • Các mạch máu của thận mới sẽ được gắn với các mạch máu ở phần dưới của bụng, ngay phía trên chân của bạn.

  • Niệu quản của thận mới được nối với bàng quang.

Sau khi làm thủ thuật

Sau khi ghép thận, bạn có thể cần:

  • Dành vài ngày đến một tuần trong bệnh viện. Các bác sĩ và y tá theo dõi tình trạng của bạn và các dấu hiệu biến chứng.

    Quả thận mới của bạn sẽ có chức năng tạo ra nước tiểu giống như quả thận của cũ khi còn khỏe mạnh. Thường thì điều này sẽ được bắt đầu ngay lập tức. Ở một số người khác, có thể mất vài ngày và bạn có thể cần lọc máu tạm thời cho đến khi thận mới của bạn bắt đầu hoạt động bình thường.

    Có thể bị đau nhức xung quanh vết mổ khi hồi phục. Hầu hết những người được ghép thận có thể trở lại làm việc và các hoạt động bình thường khác trong vòng 8 tuần sau khi cấy ghép. Tránh nâng các vật nặng hơn 10 pound hoặc tập thể dục ngoài việc đi bộ cho đến khi vết thương lành (thường là khoảng 6 tuần sau khi phẫu thuật).

  • Thường xuyên kiểm tra sức khỏe khi hồi phục. Sau khi bạn xuất viện, cần theo dõi chặt chẽ trong vài tuần để kiểm tra xem quả thận mới của bạn hoạt động có tốt không và để đảm bảo rằng cơ thể bạn không đào thải nó.

    Bạn có thể cần phải xét nghiệm máu vài lần một tuần và điều chỉnh thuốc trong những tuần sau khi cấy ghép. Trong thời gian này, bạn có thể cần phải thu xếp để ở gần trung tâm cấy ghép.

  • Dùng thuốc trong suốt phần đời còn lại. Bạn sẽ dùng một số loại thuốc sau khi ghép thận. Thuốc ức chế miễn dịch giúp giữ cho hệ thống miễn dịch của bạn không tấn công và đào thải quả thận mới của bạn. Các loại thuốc khác giúp giảm nguy cơ mắc các biến chứng, chẳng hạn như nhiễm trùng, sau khi cấy ghép.

Kết quả

Sau khi ghép thận thành công, thận mới của bạn sẽ lọc máu và bạn sẽ không cần chạy thận nữa.

Để ngăn cơ thể đào thải thận hiến tặng, bạn cần dùng thuốc để ức chế hệ thống miễn dịch của mình. Vì những loại thuốc chống thải ghép này khiến cơ thể bạn dễ bị nhiễm trùng hơn, bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc kháng sinh, kháng vi-rút và kháng nấm.

Điều quan trọng là phải uống tất cả các loại thuốc được bác sĩ kê đơn. Cơ thể bạn có thể đào thải quả thận mới nếu bạn quên dùng thuốc ngay cả trong một thời gian ngắn. Liên hệ với nhóm cấy ghép của bạn ngay lập tức nếu bạn gặp các tác dụng phụ khiến bạn không thể dùng thuốc.

Sau khi cấy ghép, hãy đảm bảo thực hiện tự kiểm tra da và thăm khám với bác sĩ da liễu để tầm soát ung thư da. Ngoài ra, bạn nên cập nhật các phương pháp tầm soát ung thư khác.

Nếu thận mới của bạn bị hỏng, bạn có thể tiếp tục chạy thận hoặc xem xét việc cấy ghép lần thứ hai. Bạn cũng có thể chọn ngừng điều trị. Nếu bạn quyết định ngừng điều trị, bác sĩ có thể cung cấp cho bạn các loại thuốc để giúp giảm các triệu chứng. Quyết định này phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn, khả năng chịu đựng cuộc phẫu thuật và kỳ vọng của bạn về việc duy trì chất lượng cuộc sống.

 

 
Có thể bạn quan tâm?
XÉT NGHIỆM CHẨN ĐOÁN COVID-19

XÉT NGHIỆM CHẨN ĐOÁN COVID-19

COVID-19 là một đại dịch toàn cầu được phát hiện lần đầu tiên tại Vũ Hán, Trung Quốc. Xét nghiệm chẩn đoán COVID-19 có thể thực hiện xem liệu bạncó đang bị nhiễm vi rút gây bệnh coronavirus 2019 hay không. Sau đây hãy cùng tìm hiểu về xét nghiệm chẩn đoán COVID-19 nhé.
administrator
SINH THIẾT HẠCH BẠCH HUYẾT

SINH THIẾT HẠCH BẠCH HUYẾT

Sinh thiết hạch là một thủ thuật được sử dụng để xác định xem liệu ung thư đã lan ra ngoài khối u nguyên phát vào hệ thống bạch huyết hay chưa. Thủ thuật này được sử dụng phổ biến nhất để đánh giá tình trạng ung thư vú và u ác tính.
administrator
PHẪU THUẬT CẮT TUYẾN GIÁP

PHẪU THUẬT CẮT TUYẾN GIÁP

Cắt tuyến giáp là phẫu thuật được thực hiện cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần tuyến giáp nhằm điều trị ung thư, phì đại tuyến giáp không phải ung thư (bướu cổ) và tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp).
administrator
THỦ THUẬT ĐỊNH VỊ LẠI ỐNG TAI

THỦ THUẬT ĐỊNH VỊ LẠI ỐNG TAI

Thủ thuật định vị lại ống tai có thể giúp giảm tình trạng chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (BPPV). Sau đây hãy cùng tìm hiểu về thủ thuật định vị lại ống tai nhé.
administrator
SINH THIẾT VÀ CẮT BỎ KHỐI U BÀNG QUANG SAU UNG THƯ

SINH THIẾT VÀ CẮT BỎ KHỐI U BÀNG QUANG SAU UNG THƯ

Phẫu thuật cắt bỏ khối u bàng quang (TURBT) có thể bao gồm cả sinh thiết và cắt bỏ khối u (loại bỏ). Vì thủ thuật thực hiện qua niệu đạo nên không cần thiết phải thực hiện vết rạch. Phẫu thuật có thể giúp ngăn ngừa ung thư xâm lấn vào thành cơ.
administrator
PHẪU THUẬT TÁN SỎI QUA DA

PHẪU THUẬT TÁN SỎI QUA DA

Tán sỏi qua da là một thủ thuật được thưc hiện để loại bỏ sỏi thận ra khỏi cơ thể được áp dụng cho những viên sỏi lớn hoặc khi các thủ thuật ít xâm lấn không hiệu quả hoặc không thể thực hiện được.
administrator
SIÊU ÂM

SIÊU ÂM

Siêu âm là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh, cung cấp thông tin có giá trị nhằm chẩn đoán, hướng dẫn điều trị cho nhiều loại bệnh và tình trạng khác nhau. Sau đây hãy cùng tìm hiểu về xét nghiệm siêu âm nhé.
administrator
PHẪU THUẬT HỢP NHẤT KHỚP CỔ CHÂN

PHẪU THUẬT HỢP NHẤT KHỚP CỔ CHÂN

Phẫu thuật hợp nhất khớp cổ chân được thực hiện để kết hợp xương mắt cá chân của bạn thành một xương. Nó làm giảm các triệu chứng của viêm khớp mắt cá chân bao gồm đau, viêm và sưng. Nếu bạn đi giày dép do các bác sĩ chỉ định sẽ giúp giảm tình trạng đi khập khiễng. Thời gian phục hồi thường từ 6 – 12 tuần.
administrator