daydreaming distracted girl in class

HODGKIN

Tổng quan

U lympho Hodgkin , hay bệnh Hodgkin, là một loại ung thư của hệ bạch huyết (một phần của hệ miễn dịch). Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất ở đối tượng từ 20 đến 40 tuổi và trên 55 tuổi.

Trong ung thư hạch Hodgkin, các tế bào của hệ bạch huyết tăng sinh bất thường và có thể lan rộng ra các mô, cơ quan khác.

Ung thư hạch Hodgkin là một trong hai loại ung thư phổ biến của hệ bạch huyết. Trong đó, u lympho không Hodgkin là loại phổ biến hơn hết.

Ngày nay, chẩn đoán và điều trị ung thư hạch Hodgkin đã có những bước tiến mới giúp những người mắc bệnh có cơ hội chữa khỏi hoàn toàn và tiên lượng tốt.

 

Triệu chứng

Các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư hạch Hodgkin bao gồm:

  • Hạch to nhưng không đau ở cổ, nách hoặc bẹn.

  • Mệt mỏi kéo dài.

  • Sốt.

  • Đổ mồ hôi đêm.

  • Sụt cân không giải thích được.

  • Ngứa nhiều.

  • Tăng nhạy cảm với rượu hoặc đau các hạch bạch huyết sau khi uống rượu.

Phì đại hạch, không đau ở cổ, nách hoặc bẹn là một trong những triệu chứng thường gặp trong u lympho Hodgkin.

 

Nguyên nhân

Hiện nay vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính xác gây ung thư hạch Hodgkin. Nhưng bệnh bắt đầu khi một tế bào có chức năng chống nhiễm trùng được gọi là tế bào lympho xuất hiện đột biến gây tăng sinh tế bào nhanh chóng và mất kiểm soát. Đồng thời cũnglàm các tế bào bất thường này tiếp tục nhân lên.

Từ đó, đột biến tạo ra một số lượng lớn các tế bào lympho bất thường, có kích thước lớn, tích tụ trong hệ bạch huyết, lấn át các tế bào khỏe mạnh và gây ra các biểu hiện bệnh.

 

Chẩn đoán

Chẩn đoán bệnh Hodgkin

Để chẩn đoán ung thư hạch Hodgkin, trước tiên cần dựa vào bệnh sử, tiền sử cá nhân và gia đình. Sau đó, tùy vào từng trường hợp bác sĩ sẽ chỉ định một số loại xét nghiệm khác nhau, như:

  • Khám lâm sàng: bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám các hạch sưng to, bao gồm hạch cổ, hạch nách và hạch bẹn cũng như kiểm tra xem lách hoặc gan có to không.

  • Xét nghiệm máu: tìm kiếm các dấu ấn của ung thư.

  • Chẩn đoán hình ảnh: thực hiện chụp chiếu các vùng khác nhau trên cơ thể bằng các kỹ thuật như Xquang, CT, PET và PET CT để tìm các dấu hiệu của ung thư hạch Hodgkin.

  • Sinh thiết hạch bạch huyết: nhằm tìm kiếm đặc điểm của các tế bào ung thư giúp phân loại bệnh, ví dụ: mẫu mô chứa tế bào Reed – Sternberg sẽ được chẩn đoán là ung thư hạch Hodgkin cổ điển.

  • Chọc hút và sinh thiết tủy xương: là thủ thuật đưa kim vào xương chậu để thu mẫu tủy xương. Sau đó, phân tích mẫu tìm tế bào ung thư.

Chẩn đoán thể bệnh

Ung thư hạch Hodgkin được chia thành nhiều thể bệnh phụ thuộc vào loại tế bào hiện diện và các đặc tính của nó trong mẫu sinh thiết. Bao gồm:

Ung thư hạch Hodgkin cổ điển

Ung thư hạch Hodgkin cổ điển là loại phổ biến hơn của căn bệnh này và được chẩn đoán khi có sự hiện diện tế bào Reed – Sternberg với đặc điểm lớn và dị dạng trong hạch bạch huyết.

Ung thư hạch Hodgkin cổ điển còn được chia thành các thể sau:

  • Xơ nốt.

  • Hỗn hợp tế bào.

  • Nghèo tế bào lympho.

  • Giàu tế bào lympho.

Sự khác biệt giữa tế bào ung thư hạch Hodgkin cổ điển và tế bào lympho bình thường

Ung thư hạch Hodgkin dạng nốt, lympho ưu thế

Là loại ung thư hạch Hodgkin hiếm hơn và được chẩn đoán khi có sự hiện diện của các tế bào “ bỏng ngô” – biến thể của tế bào Reed – Sternberg cũng có đặc điểm lớn và dị dạng.

Chẩn đoán giai đoạn 

Sau khi chẩn đoán xác định được bệnh và thể bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành xác định giai đoạn. Chẩn đoán chính xác bệnh, thể bệnh và giai đoạn là chìa khóa để tiên lượng và lựa chọn chiến lược điều trị thích hợp.

Các giai đoạn của ung thư hạch Hodgkin bao gồm:

  • Giai đoạn I: tế bào ung thư chỉ giới hạn ở một vùng hạch hoặc một cơ quan.

  • Giai đoạn II: tế bào ung thư  hiện diện ở hai vùng hạch hoặc đã xâm lấn một cơ quan và các hạch lân cận. Nhưng vẫn giới hạn ở một phía cơ hoành (trên hoặc dưới).

  • Giai đoạn III: tế bào ung thư đã di căn đến các hạch bạch huyết ở cả trên và dưới cơ hoành. Tế bào ung thư cũng có thể xâm lấn một phần mô hoặc cả một cơ quan gần nhóm hạch bị di căn hoặc trong lách.

  • Giai đoạn IV: là giai đoạn nặng nhất của ung thư hạch Hodgkin. Tế bào ung thư có thể lan tỏa rải rác một phần của một hoặc nhiều cơ quan và mô ngoài hạch như gan, phổi hoặc xương. 

Ngoài ra, bác sĩ còn sử dụng ký hiệu A và B, cho biết liệu bệnh nhân có các triệu chứng của bệnh ung thư hạch Hodgkin hay không, với quy ước:

  • B: bệnh nhân có các biểu hiện quan trọng như sốt kéo dài, sụt cân không giải thích được hoặc đổ mồ hôi đêm nghiêm trọng.

  • A: không có các triệu chứng trên.

 

Điều trị

Lựa chọn phương pháp điều trị ung thư hạch Hodgkin phụ thuộc vào loại, giai đoạn bệnh, tổng trạng và mong muốn của bệnh nhân. Với mục tiêu điều trị là tiêu diệt càng nhiều tế bào ung thư càng tốt và thuyên giảm các triệu chứng bệnh. Các phương pháp có thể được lựa chọn bao gồm:

Hóa trị

Hóa trị là phương pháp sử dụng hóa chất tiêu diệt tế bào ung thư. Thuốc hóa trị sẽ đi theo máu và đến khắp nơi trên cơ thể người bệnh.

Đối với bệnh nhân ung thư hạch Hodgkin cổ điển giai đoạn đầu, thường được kết hợp hóa trị và xạ trị (thực hiện sau hóa trị). Đối với ung thư hạch Hodgkin tiến triển, có thể lựa chọn hóa trị đơn độc hoặc kết hợp với xạ trị.

Thuốc hóa trị có thể được dùng ở dạng viên hoặc truyền tĩnh mạch, hoặc đôi khi sử dụng kết hợp cả hai dạng trên cùng một bệnh nhân.

Tác dụng phụ của hóa trị phụ thuộc vào từng loại thuốc, thường gặp là buồn nôn và rụng tóc. Khi sử dụng lâu dài, có thể gặp các biến chứng nghiêm trọng khác như tổn thương tim, phổi, các vấn đề về khả năng sinh sản và các bệnh ung thư khác như bệnh bạch cầu.

Xạ trị

Xạ trị là phương pháp sử dụng chùm tia năng lượng cao như tia X và proton để tiêu diệt tế bào ung thư. Đối với ung thư hạch Hodgkin cổ điển, xạ trị thường được tiến hành sau hóa trị. Đối với ung thư hạch Hodgkin dạng nốt, ưu thế lympho giai đoạn đầu có thể thực hiện xạ trị đơn độc.

Trong quá trình xạ trị, người bệnh nằm trên bàn và có thiết bị chuyên dụng cỡ lớn di chuyển xung quanh, hướng các chùm năng lượng đến các vị trí cụ thể trên cơ thể người bệnh. Bức xạ nhắm thẳng vào các hạch bạch huyết bị ung thư và các vùng lân cận. 

Thời gian xạ trị sẽ khác nhau tùy vào giai đoạn bệnh. Thông thường, liệu trình điều trị sẽ kéo dài từ năm ngày đến vài tuần, với mỗi lần xạ trị kéo dài khoảng 30 phút.

Xạ trị có thể gây mẩn đỏ da và rụng tóc tại vị trí chiếu xạ. Cần lưu ý bệnh nhân có thể mệt trong quá trình xạ trị. Những tác dụng phụ nghiêm trọng hơn có thể gặp bao gồm bệnh tim mạch, đột quỵ, các vấn đề về tuyến giáp, vô sinh và các bệnh ung thư khác như ung thư vú hoặc phổi.

Xạ trị là một trong những phương pháp điều trị ung thư phổ biến

Ghép tủy tự thân

Ghép tủy xương, hay còn gọi là ghép tế bào gốc, là phương pháp thay thế tủy xương bị bệnh bằng các tế bào gốc khỏe mạnh giúp tái tạo tủy xương mới khỏe mạnh. 

Ghép tủy xương thường được cân nhắc lựa chọn khi ung thư hạch Hodgkin tái phát.

Trong quá trình ghép tủy, các tế bào gốc máu của người được lấy ra, đông lạnh và lưu trữ để sử dụng sau. Tiếp theo, người bệnh cần tiếp nhận hóa trị và xạ trị liều cao nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư trong cơ thể. Cuối cùng, tế bào gốc của người bệnh được rã đông và tiêm lại vào cơ thể qua đường tĩnh mạch. Các tế bào gốc này sẽ giúp tái tạo tủy xương khỏe mạnh.

Tuy nhiên, những bệnh nhân trải qua ghép tủy tự thân có thể tăng nguy cơ nhiễm trùng. Do đó, bệnh nhân cần được chăm sóc và theo dõi kỹ lưỡng sau ghép tủy.

 

 

 
Có thể bạn quan tâm?
UNG THƯ NỘI MẠC TỬ CUNG

UNG THƯ NỘI MẠC TỬ CUNG

administrator
XƠ VỮA ĐỘNG MẠCH NGOẠI BIÊN

XƠ VỮA ĐỘNG MẠCH NGOẠI BIÊN

administrator
VIÊM XƯƠNG

VIÊM XƯƠNG

administrator
CĂNG CƠ QUÁ MỨC

CĂNG CƠ QUÁ MỨC

administrator
NHIỄM KHUẨN HẬU SẢN

NHIỄM KHUẨN HẬU SẢN

administrator
NÁM DA

NÁM DA

administrator
ÁM ẢNH SỢ HÃI

ÁM ẢNH SỢ HÃI

administrator
HEN SUYỄN

HEN SUYỄN

administrator