HỘI CHỨNG RAYNAUD

daydreaming distracted girl in class

HỘI CHỨNG RAYNAUD

Tổng quan

Hội chứng Raynaud là tình trạng co thắt của các động mạch làm giảm lưu lượng máu đến các mô, khiến một số vùng trên cơ thể như ngón tay, ngón chân có cảm giác lạnh và tê khi gặp nhiệt độ thấp hoặc căng thẳng. 

Tỷ lệ mắc hội chứng này ở phụ nữ nhiều hơn nam giới và cũng phổ biến hơn ở vùng khí hậu lạnh.

Hội chứng Raynaud được chia làm 2 loại:

  • Raynaud nguyên phát: còn được gọi là bệnh Raynaud, là dạng phổ biến nhất và không liên quan đến các tình trạng bệnh lý khác. Thường nhẹ và không cần điều trị.

  • Raynaud thứ phát: còn được gọi là hiện tượng Raynaud, là kết quả của các bệnh lý sẵn có. Dù không phổ biến như Raynaud nguyên phát nhưng nghiêm trọng hơn và thường khởi phát vào khoảng 40 tuổi - muộn hơn so với Raynaud nguyên phát.

Điều trị phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và bệnh nền. Với hầu hết các trường hợp, hội chứng Raynaud không gây tàn phế, nhưng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

 

Triệu chứng

Dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng Raynaud bao gồm:

  • Lạnh ngón tay hoặc ngón chân.

  • Thay đổi màu sắc da khi gặp lạnh và căng thẳng.

  • Cảm giác tê như kim châm hoặc đau nhói khi ủ ấm hoặc giảm căng thẳng.

Khi khởi phát, vùng da bị ảnh hưởng thường chuyển sang màu trắng, sau đó chuyển sang màu xanh, đồng thời cảm thấy lạnh và tê. Khi được làm ấm và tuần hoàn máu được cải thiện, vùng da đó sẽ chuyển sang màu đỏ, đau nhói, ngứa ran, thậm chí sưng lên.

Thay đổi màu sắc da là một trong những triệu chứng của hội chứng Raynaud

Hội chứng Raynaud thường biểu hiện ở ngón tay và ngón chân nhưng cũng có thể biểu hiện tại các vùng khác như mũi, môi, tai hay thậm chí cả núm vú. 

Sau khi khởi phát, các triệu chứng thường kéo dài khoảng 15 phút để tuần hoàn máu trở về bình thường.

 

Nguyên nhân

Hiện nay, nguyên nhân gây ra hội chứng Raynaud vẫn chưa rõ ràng, nhưng tình trạng phản ứng quá mức của các động mạch với nhiệt độ thấp hoặc căng thẳng gây co thắt mạch máu trong thời gian ngắn dường như là chìa khóa gây ra hội chứng Raynaud. Theo thời gian, các tiểu động mạch này sẽ trở nên dày hơn và hạn chế tuần hoàn máu hơn nữa.

Nguyên nhân của Raynaud thứ phát bao gồm:

  • Các bệnh mô liên kết: hầu hết những người mắc các bệnh hiếm gặp có khả năng dẫn đến xơ cứng và sẹo trên da (xơ cứng bì) đều mắc hội chứng Raynaud. Các bệnh lý khác làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Raynaud như lupus, viêm khớp dạng thấp và hội chứng Sjogren.

  • Các bệnh về động mạch: như xơ vữa động mạch, rối loạn miễn dịch gây viêm các mạch máu vùng chi và tăng áp động mạch phổi.

  • Hội chứng ống cổ tay: liên quan đến chèn ép dây thần kinh giữa – một trong những dây thần kinh chính ở bàn tay, gây tê và đau khiến bàn tay dễ bị lạnh hơn.

  • Động tác lặp đi lặp lại hoặc rung động: các hoạt động như đánh máy, chơi piano hoặc các động tác lặp đi lặp lại trong thời gian dài hay vận hành các công cụ có rung động quá mức như búa khoan có thể dẫn đến chấn thương tâm lý.

  • Hút thuốc lá: hút thuốc làm co mạch máu.

  • Chấn thương ở tay hoặc chân như gãy xương cổ tay, phẫu thuật hoặc bỏng lạnh.

Vận hành các máy tạo rung động quá mức có thể làm tang nguy cơ mắc Raynaud.

 

Biến chứng

Hiếm gặp nhưng khi hội chứng Raynaud thứ phát trở nên nghiêm trọng, việc giảm lưu lượng máu đến ngón tay hoặc ngón chân có thể gây tổn thương mô.

Khi động mạch bị tắc hoàn toàn có thể dẫn đến lở loét, thậm chí hoại tử, đều là các tình trạng khó điều trị. Dù hiếm nhưng với những trường hợp không được điều trị kịp thời người bệnh có thể sẽ phải cắt bỏ các phần cơ thể bị ảnh hưởng nặng nề.

 

Chẩn đoán

Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng, tiền sử bệnh của bạn và thăm khám nhằm đưa ra chẩn đoán ban đầu. Bên cạnh đó, các bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm để loại trừ các bệnh lý khác có các biểu hiện tương tự.

Phân biệt Raynaud nguyên phát và thứ phát:

Để phân biệt Raynaud nguyên phát và thứ phát, bác sĩ sẽ làm xét nghiệm soi mao mạch nền móng. Trong quá trình kiểm tra, bác sĩ sẽ xem xét vùng da gốc móng tay dưới kính hiển vi hoặc kính lúp để tìm bất thường như dị dạng hoặc căng phồng các vi mạch đầu ngón (Raynaud thứ phát).

Nếu nghi ngờ bệnh lý nền khác, chẳng hạn như rối loạn tự miễn hoặc bệnh mô liên kết, những nguyên nhân có thể gây ra hội chứng Raynaud, bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm máu, như:

  • Xét nghiệm kháng thể kháng nhân: xét nghiệm dương tính với các kháng thể này có thể là dấu hiêu của sự kích thích hệ miễn dịch, thường gặp ở bệnh nhân mắc bệnh mô liên kết hoặc các rối loạn tự miễn khác.

  • Tốc độ lắng hồng cầu: giúp xác định tốc độ tế bào hồng cầu lắng xuống đáy ống nghiệm. Tốc độ nhanh hơn bình thường có thể báo hiệu tình trạng viêm nhiễm hoặc bệnh tự miễn tiềm ẩn.

 

Điều trị

Mặc quần áo nhiều lớp để tránh lạnh và đeo găng tay hoặc tất dày thường có hiệu quả trong việc đối phó với các triệu chứng nhẹ của hội chứng Raynaud. Ngoài ra, các triệu chứng nặng có thể được điều trị bằng các thuốc có sẵn trên thị trường. Với mục tiêu điều trị là:

  • Hạn chế tần suất và độ nghiêm trọng của các đợt cấp.

  • Ngăn ngừa tổn thương mô.

  • Kiểm soát các bệnh lý nền.

Thuốc

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra các triệu chứng, một số loại thuốc có thể hữu dụng. Để giãn mạch và tăng lưu lượng máu, bác sĩ có thể kê các loại thuốc sau:

  • Thuốc chẹn canxi: giúp giãn các vi mạch ở bàn tay và bàn chân, làm giảm độ nghiêm trọng và tần suất các đợt cấp ở hầu hết những người có hội chứng Raynaud. Những loại thuốc này còn giúp chữa lành vết loét da trên ngón tay hoặc ngón chân. Bao gồm: nifedipine (Adalat CC, Procardia), amlodipine (Norvasc), felodipine và isradipine.

  • Thuốc giãn mạch: bao gồm nitroglycerin dạng kem (Nitro – Dur), bôi vào gốc ngón tay giúp chữa lành vết loét trên da. Các thuốc giãn mạch khác bao gồm thuốc điều trị tăng huyết áp - losartan (Cozaar), thuốc điều trị rối loạn cương dương - sildenafil (Viagra, Revatio), thuốc chống trầm cảm - fluoxetine (Prozac, Sarafem) và một nhóm thuốc gọi là prostaglandin.

Phẫu thuật

Khi bị hội chứng Raynaud nặng, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật hoặc tiêm hóa chất:

  • Cắt dây thần kinh: các dây thần kinh giao cảm ở bàn tay và bàn chân kiểm soát việc co giãn các mạch máu trên da. Việc cắt các dây thần kinh này sẽ hạn chế các phản ứng quá mức của chúng. Thông qua các vết rạch nhỏ ở bàn tay hoặc bàn chân bị ảnh hưởng, bác sĩ sẽ cắt các dây thần kinh nhỏ xung quanh mạch máu. Phẫu thuật này nếu thành công có thể giảm thiểu tần suất và rút ngắn thời gian diễn tiến của các đợt cấp.

  • Tiêm hóa chất: các hóa chất như thuốc gây tê cục bộ hoặc onabotilinumtoxin A (Botox) có thể được tiêm nhằm ức chế các dây thần kinh giao cảm ở bàn tay hoặc bàn chân bị ảnh hưởng. Phương pháp này có thể cần lặp lại khi các triệu chứng quay trở lại hoặc kéo dài.

 

Thay đổi lối sống

Những thay đổi trong lối sống có thể hạn chế tần suất các đợt cấp và giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn:

  • Tránh khói thuốc lá: hút thuốc hoặc hít phải khói thuốc khiến nhiệt độ da giảm xuống do co mạch và có thể khởi phát đợt cấp.

  • Tập thể dục: tập thể dục giúp tăng tuần hoàn máu. Tuy nhiên, khi mắc Raynaud thứ phát cần xin ý kiến bác sĩ trước khi tập thể dục ngoài trời lạnh.

  • Kiểm soát căng thẳng: học cách nhận diện và tránh các tình huống căng thẳng có thể hạn chế tần suất các đợt cấp.

  • Tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột: cố gắng không di chuyển từ môi trường nóng sang phòng điều hòa ngay. Nếu có thể, hãy tránh các khu vực thực phẩm đông lạnh ở các cửa hàng.

 

 
Có thể bạn quan tâm?
BỎNG

BỎNG

administrator
NHIỄM GIUN KIM

NHIỄM GIUN KIM

administrator
BỆNH CƠ TIM

BỆNH CƠ TIM

administrator
BỆNH MẠCH VÀNH

BỆNH MẠCH VÀNH

administrator
THẬN Ứ NƯỚC

THẬN Ứ NƯỚC

administrator
BỆNH LAO KÊ

BỆNH LAO KÊ

administrator
U MẠCH MÁU GAN

U MẠCH MÁU GAN

administrator
CHỨNG HAY QUÊN

CHỨNG HAY QUÊN

administrator