Khái quát về cây sen
Sen là cây thân thảo sống dưới nước, to khỏe và có chiều cao khoảng 1m. Phần thân rễ của sen hay còn được gọi là ngó sen khá to, mọc bò bên trong bùn, bén rễ ở các mấu, thân và lá mọc lên từ các mấu này.
Lá sen có dạng trong, nằm trên mặt nước, có kích thước khá lớn. Hoa sen mọc riêng rẽ, có kích thước cũng khá lớn, mỗi cuống lá chỉ có 1 hoa sen. Hoa sen có rất nhiều cánh, các cánh ở bên ngoài có kích thước lớn và các cánh hoa bên trong có kích thước nhỏ dần, giữa các cánh hoa xen kẽ các nhị hoa.
Nhị sen có số lượng rất nhiều, có màu vàng và chỉ nhị mỏng, có một phần phụ (thường được gọi là gạo sen) màu trắng và có mùi thơm. Bộ nhụy của hoa bao gồm nhiều những lá noãn rời, nằm trên đế hoa hình nón ngược (thường được gọi là gương sen). Quả bế có núm nhọn (thường được biết đến với cái tên là hạt sen) có phần bên ngoài hơi mỏng và cứng có màu lục tía, còn phần mềm ở giữa hạt có màu trắng ngà chứa nhiều tinh bột, phần bên trong là lá mầm dày có màu lục đậm. Tất cả những bộ phận của cây sen đều có thể được sử dụng để làm thuốc.
Sen là cây sống trong nước nên thường mọc hoang hoặc mọc ở những nơi có nước. Loài cây này đặc biệt phát triển mạnh mẽ ở những khu vực nhiệt đới, đặc biệt là một số nước châu Á như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia hay Ấn Độ,... Ở Việt Nam, sen được trồng khá nhiều ở các ao, hồ, đầm lầy để làm dược liệu, làm thực phẩm hoặc làm trà. Một số nhà còn trồng sen trong những chậu nước để trang trí do hoa sen rất đẹp.
Những bộ phận sử dụng được của cây sen:
- Liên nhục: hạt còn màng đỏ bên ngoài.
- Liên thạch: quả được thu hái khi chín.
- Liên tâm: tâm sen là cây mọc mầm ở trong hạt sen.
- Liên phòng: gương sen sau khi đã lấy quả.
- Liên diệp: lá sen được thu hái vào mùa thu và bỏ cuống.
- Liên ngẫu: phần thân rễ được thu hái quanh năm.
- Liên tu: nhị sen được bỏ hạt gạo ở đầu
Giới thiệu về dược liệu liên tu
Liên tu là tua của nhị đực ở hoa sen sau khi đã được bỏ hạt gạo rồi đem đi phơi khô. Liên tu có tên khoa học là Stamen Nelumbinis, được biết đến rộng rãi với các tác dụng trong điều trị thổ huyết, băng huyết, đái dầm, trĩ bạch đới,….
Bộ phận dùng – Thu hái – Chế biến
Bộ phận dùng của dược liệu liên tu chính là phần nhị hoa khô, nhị hoa có dạng sợi nhỏ hơi dẹt, cong có bao phấn dài khoảng 1,2 – 1,5 cm. Nhị hoa màu vàng hoặc màu nâu nhạt, được chia thành 2 ngăn theo chiều dọc, ở bên trong gồm những hạt phấn màu vàng.
Thu hái và chế biến: việc thu hái liên tu được thực hiện sau khi sen nở hoa vào mùa hè, nhị hoa sau khi được thu hoạch được đem đi phơi khô trong bóng râm.
Thành phần hóa học
Liên tu có chứa thành phần hóa học chính là tanin, bên cạnh đó còn những thành phần khác như flavonoid, các hydrocarbon mạch thẳng, linalol, terpinen-4-ol, limonen,…
Tác dụng - Công dụng theo y học hiện đại
- Hạ lipid huyết: alkaloid trong liên tu chính là thành phần có tác dụng giúp làm giảm lipid huyết. Bên cạnh đó, thành phần flavonoid trong liên tu cũng có khả năng giúp điều hòa lipid huyết, một số flavonoid có thể kể đến như hyperosid, catechin, isoquercetin, astragalin,…
- Nhuận trường: thành phần có tác dụng nhuận tràng trong liên tu chính là cellulose. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng cellulose giúp làm tăng thể tích phân từ đó kích thích nhu cầu đại tiện, ngăn ngừa tình trạng táo bón và ung thư ruột kết. Bên cạnh đó, liên tu còn có thể có tác dụng hỗ trợ làm giảm nguy cơ mắc bệnh mạch vành.
- Kháng khuẩn: nước sắc liên tu có thể ức chế tụ cầu vàng Staphylococcus aureus và Bacillus proteus.
Tác dụng - Công dụng theo y học cổ truyền
Theo y học cổ truyền, liên tu là dược liệu có vị chát, tính ấm, quy kinh tâm, thận và tỳ. Công dụng sáp tinh, ích thận, thanh tâm, chỉ huyết; chủ trị các chứng băng huyết, thổ huyết, di tinh, mộng tinh, trĩ bạch đới, đái dầm, đái nhiều, mất ngủ,..
Một số bài thuốc với liên tu và liều lượng
- Kim tỏa cố tinh hoàn: liên tu thường được dùng chung với sa uyển tử, khiếm thực, long cốt, mẫu lệ. Trong bài thuốc Kim tỏa cố tinh hoàn (Y phương tập giải) có các vị nguyên liệu gồm: sa uyển tử, liên tu, long cốt, mẫu lệ, khiếm thực để điều trị các chứng mộng tinh, di tinh, đái dầm, đái nhiều, băng lậu, nục huyết, thổ huyết. Mỗi lần sử dụng với liều lượng khoảng 1,5 - 5g.
- Trà sen giúp cơ thể thanh mát, ăn ngon, ngủ ngon: nguyên liệu gồm 400 g nhị sen, 300 g hạt sen cùng khoảng 400 g cúc hoa. Mang nhị sen đi phơi hoặc sấy khô, ngâm hạt sen trong nước nóng, bóc sạch vỏ ngoài và loại bỏ tim sen bên trong, sấy khô rồi đem đi sao vàng. Cúc hoa mang phơi khô trong bóng râm (hoặc mang sấy), đem tất cả những loại trên đi sao vàng cho đến khi nghe mùi thơm thì để nguội, cho vào lọ đậy kín, để dành và khi dùng uống như trà. Loại trà này giúp ăn ngon ngủ ngon.
- Bài thuốc chữa đau lưng, mệt mỏi: nguyên liệu gồm 6 g cam thảo, 4 g nhị sen. Cho 2 loại dược liệu này vào nồi với khoảng 3 chén nước, sắc đến khi còn 1 chén và uống trước khi đi ngủ. Liên tu đã được sử dụng trong y học cổ truyền từ lâu, giúp chống loét, xuất huyết và giảm đau… Tuy nhiên, bộ phận này của sen chưa được phổ biến giống như các thành phần khác. Bạn đọc nên tham khảo kỹ trước khi dùng để mang lại hiệu quả tốt nhất.
- Bài thuốc trị đái tháo đường: sử dụng khoảng 8 g liên tu, 20 g thạch cao thiên môn, sa sâm, hoài sơn, ý dĩ, bạch biển đậu, mỗi vị khoảng 12 g. Sắc uống 1 thang mỗi ngày.
- Bài thuốc trị di tinh, di niệu, hoạt tinh: sử dụng khoảng 2 kg liên nhục, 1 kg liên tu, 1 kg sừng nai, 2 kg hoài sơn, 0.5 kg kim anh, 0.5 kg khiếm thực. Tất cả những vị trên tán thành bột, riêng dược liệu kim anh nấu làm cao và làm thành viên hoàn, uống mỗi ngày với liều lượng từ 10 – 20 g.
- Bài thuốc chữa khó ngủ, huyết áp tăng, hồi hộp: sử dụng khoảng 1,5 – 3 g liên tu pha trà uống.
Lưu ý
Cơ thể suy nhược, có tình trạng táo bón, bí tiểu không nên sử dụng. Lưu ý không sử dụng liên tu cùng với địa hoàng, hành, tỏi.
Dược liệu liên tu đã được dùng trong y học cổ truyền từ lâu với những tác dụng phổ biến như chống xuất huyết, chống loét và giảm đau,..Tuy nhiên, bộ phận dùng này của sen chưa thực sự phổ biến như những bộ phận khác, do đó bạn đọc cần tham khảo kỹ trước khi sử dụng để đem đến hiệu quả tốt nhất.