LỤC THẦN KHÚC

Lục thần khúc thực chất không phải là tên của một loại cây thuốc nhất định, mà nó được tạo nên từ nhiều loại dược liệu khác nhau được lên men cùng với bột mì hoặc bột gạo rồi được đóng bánh và phơi khô để sử dụng.

daydreaming distracted girl in class

LỤC THẦN KHÚC

Giới thiệu về dược liệu Lục thần khúc 

Lục thần khúc còn được biết đến với một số tên gọi khác như: Thần khúc, Xích khúc, Lục khúc, Kiến thần khúc,… Tên khoa học được biết đến là: Massa medicata fermentata. Lục thần khúc được sử dụng để điều trị và cải thiện các chứng bệnh ở hệ tiêu hóa, cải thiện ứ tắc sữa, giúp lợi sữa,…

Tổng quan về dược liệu Lục Thần Khúc

Theo lịch sử Trung Quốc, Lục thần khúc đã được sử dụng rộng rãi từ những năm đầu tiên của thế kỷ thứ 3. Ban đầu số lượng dược liệu sử dụng chỉ gồm 4 – 6 thành phần cơ bản, sau này tăng lên đến 30 - 52 loại dược liệu. Vì vậy nên cách thức bào chế cũng phức tạp và khác nhau ở các khu vực trên thế giới. Theo dược điển Trung Quốc, một số dược liệu được sử dụng để bào chế Lục thần khúc có thể kể đến như: Thanh hao hoa vàng (Artemisia annua), Răm nước (Polygonum hydropiper), Ké đầu ngựa (Xanthium strumarium),… Để quá trình lên men diễn ra nhanh hơn, người ta thường tiến hành chế biến vào mùa hè. 

Theo một số tài liệu tham khảo, dân gian có quan niệm rằng các vị thần sẽ hội họp với nhau vào tháng 5 âm lịch. Vì vậy, người ta thường bào chế thuốc trùng thời điểm này với hy vọng tâm linh và đặt tên “thần khúc” hoặc “lục thần khúc”. Bên cạnh đó, nếu có xuất xứ từ tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) thì đôi khi còn được là Kiến thần khúc.

Đặc điểm dược liệu Lục Thần Khúc

Khi quan sát ở bên ngoài, Lục thần khúc có dạng khối vuông hay khối hình chữ nhật, với chiều dài khoảng 3 cm và độ dày khoảng 1 cm. Có màu vàng hay vàng nâu, bề mặt sần sùi. Dược liệu có thể chất cứng tuy nhiên lại giòn, dễ vỡ vụn. Có vị đắng, loại tốt là loại không bị ẩm mốc, ít mối mọt và tạp chất.

Bộ phận dùng, thu hái và chế biến

Trong suốt các thời kỳ lịch sử từ những năm đầu tiên của thế kỷ thứ 3, Lục thần khúc đã được sử dụng ở Trung Quốc. Theo thời gian, công thức và cách chế biến cũng có nhiều thay đổi. 

Hiện nay ngay cả ở Trung Quốc cũng chưa thống nhất được về công thức chính xác để bào chế Lục thần khúc, vì vậy cần phải lưu ý về thành phần công thức và cách chế biến có thể dẫn đến nhiều tác dụng khác nhau đối với người sử dụng.

Các vị thuốc được chọn lựa trong công thức thường là những vị thuốc có nhiều tinh dầu, đem đi phối hợp với bột mì, bột gạo hay hồ nếp. Hỗn hợp đem ủ cho lên mốc, cuối cùng đem đi phơi khô và sử dụng.  Thời gian chế thuốc từ ngày 5 tháng 5 đến ngày 20 tháng 7 âm lịch (Với điều kiện khí hậu của Trung Quốc). 

- Công thức chế biến đầu tiên được ghi nhận trong tài liệu (Tế dân yếu thuật): 

+ Lúa mạch 100 L (60 L đem đi sao, 30 L nấu chín và 10 L để sống). Sau đó đem tán thành bột. 

+ Thuốc có: Lá dâu 5 phần, cây Ké đầu ngựa 1 phần, cây Ngải cứu 1 phần, Ngô thù du hoặc cây Nghể 1 phần. Các vị nấu đặc vắt lấy nước, trộn với bột lúa mạch cho đều nắm thành bánh hoặc ép thành khuôn.

- Công thức Thần khúc đang được sản xuất và lưu hành bởi Quốc doanh dược liệu Việt Nam: gồm 22 vị thuốc, tán thành bột mịn, trộn với hồ nếp rồi đóng bánh 40 g mỗi bánh, phơi khô ngay để tránh ẩm mốc.

+ Các vị thuốc được sử dụng trong công thức: Thanh hao 1000 g, Hương nhu 1000 g, Hương phụ 1000 g, Thương nhĩ thảo 1000 g, Sơn tra 1000 g, Ô dược 1000 g, Thiên niên kiện 800 g, Quế 800 g, Hậu phác 800 g, Trần bì 800 g, Bán hạ chế 700 g, Bạc hà, Sa nhân, Bạch đàn hương; Tô diệp, Kinh giới và Thảo đậu khấu mỗi vị 600 g; Mạch nha, Địa liên mỗi vị 200 g.

Thành phần hóa học

Do công thức chế biến khác nhau, nên thành phần hóa học trong Lục thần khúc cũng sẽ có những sự thay đổi. Theo kết quả của một nghiên cứu, các thành phần hóa học được tìm thấy ở các nguyên liệu đầu vào của Lục thần khúc gồm có: cellulose, hemicellulose, tinh bột, protein, tinh dầu, chất béo, các vitamin, flavonoid, coumarin, sesquiterpene lactone, lignin, các hợp chất glycoside,… 

Tuy nhiên trong quá trình lên men để tạo thành phẩm, thành phần tinh dầu sẽ bị biến mất, các thành phần khác cũng sẽ bị biến đổi cấu trúc hóa học ban đầu và cho ra các sản phẩm khác. 

Bên cạnh đó, hệ vi sinh vật đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình lên men để tạo ra sản phẩm cuối cùng. Gần đây các nhà khoa học đã phân tách ra được một lượng lớn nấm men và vi khuẩn và một lượng nhỏ vi khuẩn sản xuất acid lactic trong Lục thần Khúc. Trong đó chủng nấm Aspergillus spp. Chiếm phần lớn ở giai đoạn đầu của quá trình lên men. Tuy nhiên nấm Saccharomycopsis fibuligera và Rhizopus oryzae dần chiếm số lượng nhiều hơn khi quá trình lên men tiếp diễn.Ngoài ra các nhà khoa học còn phân lập được một số chủng nấm men khác trong quá trình lên men như  Cryptococcus albidus, Saccharomyces cerevisiae, Pichia kudriavzevii và Endomyces fibuligera. Các vi khuẩn thuộc nhóm Enterobacter cũng chiếm phần lớn ở giai đoạn đầu. 

Hiện nay vẫn chưa có công bố về thành phần gây tác dụng dược lý chính của Lục thần Khúc. Tuy nhiên một số nghiên cứu đã chỉ ra trong quá trình lên men quan sát thấy sự tăng hoạt tính của enzyme amylase và sự giảm pH của hỗn hợp lên men. Các yếu tố này thúc đẩy tích cực vào quá trình tiêu hóa thức ăn trong cơ thể.

Tác dụng – công dụng theo y học hiện đại của Dược liệu Lục thần khúc

- Lục thần khúc khi sử dụng sẽ làm gia tăng nhu động ở ruột non, giúp cho quá trình tiêu hóa thức ăn diễn ra nhanh hơn. 

- Sự tăng hoạt tính của enzyme amylase trong quá trình lên men cũng thúc đẩy sự thủy phân các phân tử thức ăn lớn thành các phân tử nhỏ hơn, giúp cho quá trình hấp thu thức ăn diễn ra dễ dàng hơn. Ngoài ra, pH giảm trong quá trình lên men cũng giúp kích thích sự bài tiết của tuyến tụy, từ đó giúp ích cho quá trình tiêu hóa thức ăn.

- Các thành phần cellulose và hemicellulose trong các bột cám hay gạo khi lên men cùng với các loại dược liệu sẽ giúp ích cho quá trình kéo nước vào lòng ruột, từ đó làm mềm phân và giúp quá trình đại tiện dễ dàng hơn. Các thành phần protein trong Lục thần khúc khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành các phân tử amino acid thiết yếu cho cơ thể và cung cấp dưỡng chất cho cơ thể. 

Tác dụng – công dụng theo y học cổ truyền

- Tính vị: vị ngọt, cay, tính ôn.

- Quy kinh: vào kinh Tỳ, Vị.

- Công năng chủ trị: Tác dụng tiêu thực, dưỡng vị, kiện tỳ, dùng chữa các triệu chứng do ăn uống không tiêu, đầy hơi, tiêu lỏng hay táo bón, khai thông tuyến sữa, lợi sữa. Ngoài ra còn có tác dụng trị cảm mạo, cảm nắng hay cảm lạnh.

Cách dùng – Liều dùng của Lục thần khúc

Theo các tài liệu tham khảo, liều sử dụng hàng ngày của Lục thần khúc từ 9 – 30 g, có thể dùng liều lên đến 40 g. Có thể sắc uống hoặc tán thành bột để uống. Một vài trường hợp cần phải sao đen trước khi sử dụng.

Lục thần khúc trong một số trường hợp vẫn có thể phối hợp với một số vị thuốc khác, trong bài thuốc “Tiêu tam tiên”, người ta phối hợp Lục thần khúc với Mạch nha và Sơn tra.

Một số bài thuốc dân gian có Lục thần khúc

- Thần khúc tán: dùng cho người bị tiêu chảy hoặc đau bụng quặn. 

  + Chuẩn bị: 30 g thần khúc được tán thành bột mịn, sau kết hợp với 15 g Thục địa và 15 g Bạch truật. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 4 g kết hợp với nước đun sôi hay nước gạo rang.

- Thần khúc nhục quế tiểu hồi tán: thích hợp cho người viêm loét dạ dày – tá tràng thể hư hàn, lạnh bụng gây đau... 

  + Chuẩn bị: 10 g Thần khúc và 10 g Nhục quế tán thành bột mịn, cùng 5 g Tiểu hồi. Mỗi lần dùng 2 g, ngày uống khoảng 2 - 3 lần.

- Bột thần khúc trần bì cam thảo: dùng cho trẻ em bị nôn mửa, tiêu chảy, hoặc rối loạn tiêu hóa. 

  + Chuẩn bị: 10 g Thần khúc và 10 g Trần bì được tán thành bột mịn , thêm 5 g Cam thảo hòa với nước cháo hoặc nước gạo rang rồi uống.

Lưu ý khi sử dụng Lục thần khúc

- Một số đối tượng nhạy cảm như phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú khi sử dụng Lục thần khúc cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ. 

- Bệnh nhân tỳ âm hư vị hỏa thịnh không nên sử dụng Lục thần khúc.

 

Có thể bạn quan tâm?
CÁP GIỚI

CÁP GIỚI

Cáp giới (Gekko Gekko) có nguồn gốc từ Nam Á và Đông Nam Á. Với nhiều đặc tính hữu ích, Cáp giới đã được sử dụng trong Y học cổ truyền từ hàng trăm năm nay. Toàn bộ cơ thể của Cáp giới được sử dụng để điều trị nhiều bệnh lý khác nhau, từ các vấn đề về da, đường tiêu hóa đến bệnh ung thư. Tuy nhiên, cần lưu ý một số điều quan trọng khi sử dụng Cáp giới để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
administrator
GĂNG TU HÚ

GĂNG TU HÚ

Găng tu hú, hay còn được biết đến với những tên gọi: Cây tu hú, mây nghiêng pa, găng tía, găng trâu, găng trai. Găng tu hú,dược liệu thuộc họ cà phê. Dược liệu có tác dụng kích thích gây nôn, gây sảy thai, cầm lỵ. Ngoài ra dược liệu còn có tác dụng kháng viêm, chống khuẩn, điều trị mụn nhọt, lở loét, bổ và lợi tiêu hóa. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của dược liệu này.
administrator
ĐẬU ĐEN

ĐẬU ĐEN

Đậu đen, hay còn được biết đến với những tên gọi: Ô đậu, hắc đại đậu, hương xị. Hạt Đậu đen là một loại ngũ cốc dinh dưỡng vô cùng quen thuộc đối với người dân Việt. Ngoài vai trò là một loại thực phẩm ra, loại đậu này còn là nguyên liệu để chế biến thành các bài thuốc. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của dược liệu này.
administrator
CỎ DÙI TRỐNG

CỎ DÙI TRỐNG

Cỏ dùi trống được sử dụng làm thuốc trong Đông y với tên gọi là cốc tinh thảo. Dược liệu này có vị cay, ngọt nhẹ, tính bình giúp làm sáng mắt, điều trị đau đầu, viêm họng, tăng nhãn áp, ho do phong nhiệt.
administrator
DÂY TƠ HỒNG

DÂY TƠ HỒNG

Dây tơ hồng, hay còn được biết đến với những tên gọi: Đậu ký sinh, thỏ ty tử, kim tuyến thảo, la ty tử, hoàng la tử, xích cương. Dây tơ hồng là một loại thực vật có hoa, thân mềm dạng sợi nhỏ sống ký sinh trên cây khác. Dựa theo màu sắc và đặc điểm của cây, dây tơ hồng được chia thành hai loại là dây tơ hồng vàng và dây tơ hồng xanh. Hạt của cây (thỏ ty tử) có tác dụng cố tinh, bổ thận, minh mục, kiện cốt nên được dùng trong bài thuốc chữa các chứng bệnh do thận hư suy như liệt dương, di hoạt tinh, đau lưng mỏi gối, thị lực suy giảm,...Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của dược liệu này.
administrator
ANH TÚC XÁC

ANH TÚC XÁC

Anh Túc hay còn gọi là a phiến, á phiện, thuốc phiện... được xem là cây dược liệu quý, sử dụng cho giảm đau tốt nhất trong các loại dược liệu cả Đông lẫn Tây y.
administrator
TINH BỘT NGHỆ

TINH BỘT NGHỆ

Tinh bột nghệ đã được dân gian sử dụng từ rất lâu đời giúp hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý, trong đó đặc biệt là đau dạ dày. Hiện nay, khi khoa học phát triển, các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu kỹ càng hơn về loại dược liệu này, cũng như khám phá ra nhiều công dụng tuyệt vời khác của nó. Sau đây hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về Tinh bột nghệ.
administrator
CHUỐI HỘT

CHUỐI HỘT

Chuối hột là một vị thuốc Nam quý, thường được dùng để ngâm rượu, nấu uống, có tác dụng thông kinh lạc, hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, cao huyết áp, sỏi tiết niệu.
administrator