LUPUS BAN ĐỎ

daydreaming distracted girl in class

LUPUS BAN ĐỎ

Tổng quan

Lupus là một căn bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các mô và cơ quan của chính cơ thể (bệnh tự miễn). Viêm gây ra do lupus có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể - bao gồm khớp, da, thận, tế bào máu, não, tim và phổi.

Lupus khó được chẩn đoán vì các dấu hiệu và triệu chứng của nó thường giống với các bệnh khác. Dấu hiệu đặc biệt nhất của bệnh lupus là phát ban trên mặt hình dạng giống như cánh bướm trên cả hai bên má - xảy ra ở nhiều trường hợp nhưng không phải ai mắc bênh lupus đều có triệu chứng trên.

Một số người sinh ra đã có xu hướng phát triển của bệnh lupus, và có thể phát bệnh nếu bị nhiễm trùng, sử dụng một số loại thuốc nhất định hoặc thậm chí tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Mặc dù không có cách chữa khỏi bệnh lupus, một số phương pháp điều trị có thể giúp kiểm soát các triệu chứng.

Triệu chứng Phát ban đỏ, hình cánh bướm trên mũi và má

Không có hai trường hợp mắc bệnh lupus nào có triệu chứng hoàn toàn giống nhau. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể xuất hiện đột ngột hoặc phát triển từ từ, có thể nhẹ hoặc nặng, và có thể tạm thời hoặc vĩnh viễn. Hầu hết những người mắc bệnh lupus đều ở dạng nhẹ, đặc trưng bởi các đợt bùng phát, đây là khoảng thời gian các triệu chứng trở nên nặng, sau đó chúng thuyên giảm hoặc thậm chí biến mất hoàn toàn trong một khoảng thời gian.

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh lupus mà bệnh nhân gặp phải sẽ phụ thuộc vào bộ phận cơ thể bị ảnh hưởng bởi bệnh. Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến nhất bao gồm:

  • Mệt mỏi

  • Sốt

  • Đau khớp, cứng khớp và sưng tấy

  • Phát ban hình cánh bướm trên mặt bao phủ má và sống mũi hoặc phát ban ở những nơi khác trên cơ thể

  • Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời làm xuất hiện hoặc làm trầm trọng hơn các tổn thương trên da

  • Ngón tay và ngón chân có màu trắng hoặc xanh khi cơ thể đang căng thẳng hoặc tiếp xúc với không khí lạnh

  • Khó thở 

  • Tức ngực

  • Khô mắt

  • Nhức đầu, lú lẫn và mất trí nhớ

Khi nào nên đến gặp bác sĩ

Đi khám bác sĩ nếu bạn phát ban không rõ nguyên nhân, sốt liên tục, đau nhức hoặc mệt mỏi kéo dài.

Nguyên nhân

Là một bệnh tự miễn, lupus xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công các mô khỏe mạnh của cơ thể. Có khả năng bệnh lupus được gây ra bởi sự kết hợp giữa di truyền và môi trường xung quanh nơi bạn sống.

Những bệnh nhân mắc lupus do di truyền thường phát bệnh nếu tiếp xúc với một yếu tố môi trường nào đó. Tuy nhiên, nguyên nhân của bệnh lupus trong hầu hết các trường hợp vẫn chưa được biết rõ. Một số tác nhân tiềm tàng bao gồm:

  • Ánh sáng mặt trời. Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể gây ra các tổn thương lupus trên da hoặc gây ra phản ứng bên trong cơ thể ở những người nhạy cảm.

  • Nhiễm trùng. Bị nhiễm trùng có thể khởi phát bệnh lupus hoặc gây tái phát ở một số người.

  • Sử dụng thuốc. Lupus có thể được kích hoạt bởi một số loại thuốc huyết áp, thuốc chống co giật và thuốc kháng sinh. Ở những người bị lupus do thuốc, ngừng sử dụng thuốc sẽ giảm nhẹ triệu chứng bệnh. Hiếm khi các triệu chứng vẫn tồn tại sau khi ngừng sử dụng thuốc.

Yếu tố nguy cơ

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh lupus bao gồm:

  • Giới tính. Lupus phổ biến hơn ở phụ nữ.

  • Độ tuổi. Mặc dù bệnh lupus có thể xuất hiện đến mọi lứa tuổi, thường bệnh được chẩn đoán ở độ tuổi từ 15 đến 45.

  • Chủng tộc. Lupus phổ biến hơn ở người Mỹ gốc Phi, người gốc Tây Ban Nha và người Mỹ gốc Á.

Các biến chứng

Viêm do lupus có thể ảnh hưởng đến nhiều vùng trên cơ thể bạn, bao gồm:

  • Thận. Bệnh lupus có thể gây tổn thương thận nghiêm trọng, và suy thận là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở những người mắc bệnh lupus.

  • Não bộ và hệ thần kinh trung ương. Nếu não của bạn bị tác động bởi bệnh lupus, bạn có thể bị đau đầu, chóng mặt, thay đổi hành vi, các vấn đề về thị lực và thậm chí là đột quỵ hoặc co giật. Nhiều người mắc bệnh lupus gặp vấn đề về trí nhớ và có thể gặp khó khăn khi diễn đạt suy nghĩ của họ.

  • Máu và mạch máu. Lupus có thể dẫn đến các vấn đề về máu, bao gồm giảm số lượng tế bào hồng cầu khỏe mạnh (thiếu máu) và tăng nguy cơ chảy máu hoặc đông máu. Nó cũng có thể gây viêm mạch máu.

  • Phổi. Mắc bệnh lupus làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm niêm mạc khoang ngực, gây đau khi thở. Xuất huyết phổi và viêm phổi cũng có thể xảy ra.

  • Tim. Lupus có thể gây viêm cơ tim, động mạch hoặc màng tim của bạn. Nguy cơ mắc bệnh tim mạch và các cơn đau tim cũng tăng lên rất nhiều.

Các biến chứng khác

Mắc bệnh lupus cũng làm tăng nguy cơ:

  • Nhiễm trùng. Những người mắc bệnh lupus dễ bị nhiễm trùng hơn vì hệ thống miễn dịch bị suy yếu do bệnh lupus và các phương pháp điều trị lupus.

  • Ung thư. Có khả năng lupus gia tăng rủi ro mắc bệnh ung thư, tuy nhiên xác suất là rất hiếm.

  • Chết mô xương. Xảy ra khi nguồn cung cấp máu cho xương giảm, dẫn đến các vết nứt nhỏ trong xương và cuối cùng dẫn đến gãy xương.

  • Các biến chứng khi mang thai. Phụ nữ mắc bệnh lupus có nguy cơ sẩy thai cao hơn. Lupus làm tăng nguy cơ cao huyết áp khi mang thai và sinh non. Để giảm nguy cơ mắc các biến chứng này, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên hoãn việc mang thai cho đến khi bệnh lupus đã được kiểm soát trong ít nhất sáu tháng.

Điều trị

Điều trị bệnh lupus sẽ tùy thuộc vào các dấu hiệu và triệu chứng. 

Khi các dấu hiệu và triệu chứng bùng phát, sau đó dần dần thuyên giảm, thuốc cùng với liều sử dụng cần được điều chỉnh cho phù hợp. Các loại thuốc thường được sử dụng để kiểm soát bệnh lupus bao gồm:

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID). NSAID không kê đơn, chẳng hạn như naproxen sodium (Aleve) và ibuprofen (Advil, Motrin IB, những loại khác), có thể được sử dụng để điều trị các cơn đau, sưng và sốt liên quan đến bệnh lupus. Thuốc NSAID có tác dụng mạnh hơn được bán theo toa. Các tác dụng phụ của NSAID có thể bao gồm chảy máu dạ dày, các vấn đề về thận và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim.

  • Thuốc trị sốt rét. Các loại thuốc thường được sử dụng để điều trị bệnh sốt rét, chẳng hạn như hydroxychloroquine (Plaquenil), tác động đến hệ thống miễn dịch và có thể giúp giảm nguy cơ xảy ra các đợt bùng phát của lupus. Các tác dụng phụ có thể bao gồm đau bụng và ở trong các trường hợp hiếm là tổn thương võng mạc ở mắt. Nên kiểm tra mắt thường xuyên khi dùng các loại thuốc này.

  • Thuốc corticoid. Prednisone và các loại corticosteroid khác có thể dùng để chữa trị tình trạng viêm do lupus. Thuốc steroid liều cao như methylprednisolone (Medrol) thường được sử dụng để kiểm soát tình trạng bệnh nghiêm trọng liên quan đến thận và não. Các tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm tăng cân, dễ bị bầm tím, loãng xương, cao huyết áp, tiểu đường và tăng nguy cơ nhiễm trùng. Nguy cơ xảy ra tác dụng phụ tăng lên khi thời gian điều trị kéo dài cũng với liệu lượng thuốc sử dụng cao hơn.

  • Thuốc ức chế miễn dịch. Thuốc ức chế hệ thống miễn dịch có thể hữu ích trong các trường hợp lupus nghiêm trọng. Ví dụ như azathioprine (Imuran, Azasan), mycophenolate (Cellcept), methotrexate (Trexall, Xatmep, những loại khác), cyclosporine (Sandimmune, Neoral, Gengraf) và leflunomide (Arava). Các tác dụng phụ tiềm ẩn bao gồm tăng nguy cơ nhiễm trùng, tổn thương gan, giảm khả năng sinh sản và tăng nguy cơ ung thư.

  • Chế phẩm sinh học. Đại diện là belimumab (Benlysta) được tiêm qua đường tĩnh mạch, có tác dụng làm giảm các triệu chứng lupus ở một số trường hợp. Các tác dụng phụ bao gồm buồn nôn, tiêu chảy và nhiễm trùng. Đôi khi có thể làm trầm trọng thêm bệnh trầm cảm.

Rituximab (Rituxan, Truxima) có thể có lợi cho một số bệnh nhân mà các loại thuốc khác có tác dụng. Các tác dụng phụ bao gồm phản ứng dị ứng với việc truyền qua đường tĩnh mạch và nhiễm trùng.

Trong các thử nghiệm lâm sàng, voclosporin đã được chứng minh là có hiệu quả trong điều trị bệnh lupus.

Các loại thuốc tiềm năng khác để điều trị bệnh lupus hiện đang được nghiên cứu, bao gồm abatacept (Orencia), anifrolumab và những loại khác.

Các thay đổi về lối sống

  • Khám sức khỏe thường xuyên. Thường xuyên kiểm tra sức khỏe thay vì chỉ đi khám khi các triệu chứng nặng hơn có thể giúp ngăn ngừa các đợt bùng phát. Điều này còn giúp giải quyết các vấn đề thường gặp về sức khỏe như stress, chế độ ăn uống và tập luyện thể dục

  • Tránh ánh nắng mặt trời. Tia cực tím từ mặt trời có thể kích hoạt các đợt bùng phát lupus, do đó nên sử dụng quần áo có tác dụng bảo vệ cơ thể, ví dụ như mũ, áo dài tay, quần dài, và sử dụng kem chống nắng có độ bảo vệ (SPF) thấp nhất là 55 khi ra ngoài trời.

  • Tập thể dục thường xuyên. Thường xuyên tập thể dục khiến xương khỏe hơn, giảm rủi ro đau tim và giúp cho sức khỏe tổng quát trở nên tốt hơn.

  • Không hút thuốc. Hút thuốc làm tăng rủi ro mắc các bệnh về tim mạch và làm trầm trọng hơn tác động của bẹnh lupus lên tim và mạch máu.

  • Ăn uống lành mạnh. Một chế độ ăn uống lành mạnh tập trung vào các loại trái cây, rau củ quả và ngũ cốc nguyên cám. Ở các trường hợp huyết áp cao, tổn thương thận hoặc các vấn đề về dạ dày tá trạng, bạn sẽ cần thực hiện chế độ ăn kiêng.

  • Tham khảo ý kiến bác sĩ về việc bổ sung vitamin D và canxi. Có nhiều bằng chứng cho thấy người mắc lupus có thể được hưởng lợi từ việc bổ sung vitamin D. Việc bổ sung canxi giúp cơ thể đạt được liều lượng khuyến cáo hằng ngày ở mức từ 1000 đến 1200 mg để giúp cho xương chắc khỏe.

Sử dụng thuốc thay thế

Đôi khi những người bị lupus tìm đến các loại thuốc thay thế hoặc bổ sung. Không có bất kỳ liệu pháp thay thế nào đã được chứng minh là có thể thay đổi diễn tiến của bệnh, mặc dù một số liệu pháp có thể giúp giảm bớt các triệu chứng.

Các phương pháp điều trị bổ sung và thay thế cho bệnh lupus bao gồm:

  • Dehydroepiandrosterone (DHEA). Uống thực phẩm chức năng có chứa loại hormone này kết hợp với phương pháp điều trị thông thường có thể giúp giảm các đợt bùng phát của bệnh lupus. DHEA có thể dẫn đến mụn trứng cá ở phụ nữ.

  • Dầu cá. Bổ sung dầu cá chứa axit béo omega-3 có thể mang lại lợi ích cho những người mắc bệnh lupus. Các nghiên cứu sơ bộ đã một số kết quả đầy hứa hẹn, mặc dù vẫn cần phải nghiên cứu thêm. Tác dụng phụ của việc bổ sung dầu cá có thể bao gồm buồn nôn, ợ hơi và có vị tanh trong miệng.

  • Châm cứu. Có thể giúp giảm các cơn đau cơ liên quan đến lupus.

 

 
Có thể bạn quan tâm?
HỘI CHỨNG EISENMENGER

HỘI CHỨNG EISENMENGER

administrator
NHIỄM VI KHUẨN HP

NHIỄM VI KHUẨN HP

administrator
SONG THỊ

SONG THỊ

administrator
TIÊU CHẢY ROTA

TIÊU CHẢY ROTA

administrator
HỘI CHỨNG TOURETTE

HỘI CHỨNG TOURETTE

administrator
VIÊM XƯƠNG TAI CHŨM

VIÊM XƯƠNG TAI CHŨM

administrator
Ù TAI

Ù TAI

administrator
BỆNH ĐA U TỦY XƯƠNG

BỆNH ĐA U TỦY XƯƠNG

administrator