Giới thiệu về dược liệu Mật mông hoa
Dược liệu Mật mông hoa hay còn được gọi với các tên gọi khác như Lão mông hoa, Tiểu cẩm hoa, Kê cốt đầu hoa,... thường xuất hiện trong các bài thuốc Y học cổ truyền trong điều trị những bệnh lý ở mắt. Hiện nay, nhiều nghiên cứu còn chỉ ra rằng Mật mông hoa còn có các tác dụng tuyệt vời khác như kháng viêm, hỗ trợ điều trị các bệnh lý về mạch máu hoặc cải thiện chức năng gan.
- Tên khoa học: Buddleja officinalis Maxim.
- Họ khoa học: Loganiaceae (Họ Mã tiền).
- Tên gọi khác: Lão mật mông hoa, Lão mông hoa, Tiểu cẩm hoa, Mông hoa, Hoàng phạn hoa, Ngật đáp bì thụ hoa, Kê cốt đầu hoa, Hoa mật hồng,…
Mô tả dược liệu Mật mông hoa
- Về cây Mật mông hoa:
-
Cây nhỏ; thân và cành non có các lông đơn màu nâu đỏ hoặc màu trắng nhạt và lông tuyến.
-
Lá Mật mông mọc đối, có hình trứng hoặc hình mũi mác, thuôn và có chiều dài từ 6 – 10 cm, chiều rộng khoảng 2 – 4 cm, gốc lá và đầu lá thuôn hẹp, mép lá nguyên hoặc có răng cưa rất nhỏ, mặt trên nhẵn có màu lục thẫm còn mặt dưới có lông màu trắng nhạt; cuống lá ngắn.
-
Cây có nhiều hoa mọc thành cụm ở ngọn thân và đầu cành thành xim phân thành nhiều nhánh có cuống phủ nhiều lông, đài có chiều dài khoảng 15 cm; hoa mọc rất nhiều, có màu hơi ngà, mọc sát nhau; đài hoa có 4 răng tụ lại với nhau tạo thành hình chuông; tràng hoa có 4 cánh, phần dưới kết hợp với nhau tạo thành ống cong nhẹ, mặt ngoài có lông; nhị 4 dính ở 1/3 phía trên ống tràng; bầu có lông.
-
Quả nang có hình thuôn dài, mang phần đài hoa còn sót lại ở phía dưới.
-
Mùa ra hoa khoảng tháng 2 đến tháng 3 và mùa ra quả vào khoảng tháng 7 đến tháng 8 hằng năm.
-
Mật mông hoa là loại cây sinh trưởng nhanh, ưa ánh sáng và thường mọc ở những khu vực mà đất còn tương đối màu mỡ như rừng thứ sinh, rừng ẩm hoặc là những khu vực đất sau nương rẫy với các cây bụi khác. Cây ra hoa quả nhiều hàng năm. Hoa có tuyến mật nên khi nở thu hút rất nhiều ong, bướm đến hút mật, do đó cây rất dễ dàng để được thụ phấn. Cây Mật mông hoa tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt và sau khi mọc từ 2 - 3 năm là có thể có hoa. Cành & lá cây thường được khai thác để sử dụng làm phân xanh.
- Về phân bố thực vật:
-
Hiện nay có 3 loài được nhận thấy có ở Việt Nam. Mật mông hoa là loài tương đối quen thuộc do sự xuất hiện phổ biến của nó ở những tỉnh miền núi phía Bắc nước ta như Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Tuyên Quang & các tỉnh khác.
-
Ngoài ra cây Mật mông hoa mọc dại tự nhiên ở các khu vực cánh rừng thuộc tỉnh ở Trung Quốc như Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Hồ Nam, Hồ Bắc, Cam Túc,...
Bộ phận dùng, thu hái và chế biến
- Bộ phận dùng: cụm hoa đã phơi khô hoặc sấy khô.
- Thu hái: thu hái khi còn là nụ. Sau khi thu hái thì đem đi loại bỏ tạp chất và bụi bẩn, sau đó phơi khô hoặc sấy khô.
- Chế biến:
-
Ở thời điểm khoảng từ tháng 2 và tháng 3 lúc hoa chưa nở thì thu hái, thu những hoa có màu tro, nhiều nụ có lông mịn không lẫn nhiều cành là tốt nhất. Nên loại bỏ các phần cành. Sau đó đem đi phơi khô
-
Mật mông hoa rửa sạch để loại bỏ bụi bẩ, tạp chất. Sau đó tẩm rượu qua 1 đêm rồi vớt ra để khô rồi lại tẩm mật, tiến hành đồ từ 5 giờ sáng đến 5 giờ chiều, sau đó đem đi phơi khô, lặp lại quá trình như vậy 3 lần.
-
Ngày nay thường bỏ mật vào trong nồi, thêm nước, nấu sôi. Cho Mật mông hoa đã được làm sạch vào nồi và đảo đều, tiến hành sao đến khi có màu vàng và không còn dính tay, lấy ra đem đi phơi khô. Sử dụng với tỷ lệ 25 kg mật cho mỗi 100 kg Mật mông hoa.
Thành phần hóa học của Mật mông hoa
Thành phần có trong Mật mông hoa bao gồm:
- Hoa chứa các saponin triterpen (như olean–13(18)–en–3–on; γ–amyrin, α–spinasterol), galactitol, acid vanillic, các flavonoid (như acacetin, apigenin, linarin, luteolin-7-O-glycoside, luteolin-7-O-rutinosid,…)
- Nụ hoa có chứa phenylpropanoid (như verbascosid, cistanosid, echinacosid,…) và các flavonoid glycosid (như linarin, apigenin-7-rutinosid,…)
Công dụng – Tác dụng theo Y học hiện đại
- Tác động đối với mắt: thành phần flavonoid trong chiết xuất Mật mông hoa có công dụng cải thiện tình trạng khô mắt.
- Bảo vệ thần kinh: nhờ tác dụng kháng viêm của các thành phần trong Mật mông hoa và từ đó ức chế sự hoạt hóa các tế bào tiểu thần kinh đệm.
- Kháng viêm: có vai trò trong giảm tình trạng xơ vữa động mạch.
- Bảo vệ gan: bảo vệ gan trước các thương tổn nhờ cơ chế hóa học, bên cạnh đó còn có tiềm năng trong việc cải thiện rối loạn chức năng gan.
- Tác dụng đối với ung thư: thành phần saponin đã cho thấy tác động ức chế tế bào ung máu dòng HL-60.
Vị thuốc Mật mông hoa trong Y học cổ truyền
- Tính vị: vị ngọt, tính hơi hàn.
- Quy kinh: kinh Can là chủ yếu.
- Công năng: giúp nhuận gan, sáng mắt, tan màng mộng,…
- Chủ trị:
-
Chữa mắt sưng đỏ, chảy nước mắt, có tia đỏ trong mắt, thong manh, trẻ em lên đậu.
-
Can nhiệt biểu hiện như mắt đau, sưng & đỏ, sợ ánh sáng, chảy nước mắt nhiều: sử dụng Mật mông hoa cùng với Cúc hoa, Thạch quyết minh & Bạch tật lê.
-
Can âm hư kèm dương bốc lên trên biểu hiện như hoa mắt, mờ mắt, khô mắt và mờ giác mạc: sử dụng Mật mông hoa cùng với Câu kỷ tử & Sa uyển tử.
- Kiêng kỵ: không sử dụng trong trường hợp đau mắt do ngoại cảm phong nhiệt.
Cách dùng – Liều dùng
Liều sử dụng: mỗi ngày sử dụng từ 3 – 6 g.
Một số bài thuốc có vị thuốc Mật mông hoa
- Bài thuốc chữa Can nhiệt, mắt nhiều ghèn, đau mắt hoặc mờ mắt, nhìn không rõ: sử dụng 16 g Cam cúc hoa, 8 g Chích thảo, 16 g Chử thực, 30 g Mật mông hoa, 16 g Phòng phong, 16 g Tật lê tử và 16 g Thuyền thoái. Tán bột các nguyên liệu trên, mỗi lần sử dụng khoảng 4 g, uống cùng với nước ấm.
- Bài thuốc trị mắc sưng đỏ, đau và nhạy cảm ánh sáng, chảy nước mắt nhiều do Can nhiệt: sử dụng 6 g Mật mông hoa, 12 g Cúc hoa, 12 g Thạch quyết minh và 12 g Bạch tật lê. Các nguyên liệu trên đem sắc uống 1 thang mỗi ngày.
- Bài thuốc chữa đau mắt sau khi mọc đậu hoặc do dịch đậu chảy vào mắt: sử dụng 4 g Hạt hoa mào gà, 4 g Hạt muồng, 2 g hạt Mã đề, 6 g Mật mông hoa. Các nguyên liệu trên cho vào gan dê và nướng chín để ăn.
- Bài thuốc trị mắt sưng đỏ, đau hoặc chảy nước mắt nhiều:
-
Sử dụng 9 g Mật mông hoa, 4 g Cúc hoa, 4 g Kinh giới, 4 g Long đờm thảo, 4 g Phòng phong, 4 g Bạch chỉ và 2 g Cam thảo. Sắc các nguyên liệu trên uống 1 thang mỗi ngày.
-
Hoặc sử dụng 12 g Mật mông hoa, 12 g Cúc hoa, 12 g Thanh tương tử và 8 g Hoàng đằng. Sắc thuốc uống khoảng từ 3 – 5 thang mỗi ngày.
- Bài thuốc trị đau mắt đỏ do thời tiết, ngứa mắt, đau đầu và sốt: sử dụng 12 g mỗi vị gồm Mật mông hoa, Bạc hà, Kinh giới, hạt Muồng sao, Dành dành, Huyền sâm, vỏ Núc nác, Ngưu tất, Mạch môn. Sắc các nguyên liệu trên uống từ 2 – 3 lần mỗi ngày.
- Bài thuốc trị mắt bị quáng gà, mắt khô, nhìn mờ: sử dụng 6 g Mật mông hoa, 6 g Cốc tinh thảo, 5 g Dạ minh sa, 10 g Thảo quyết minh và 3 g Cam thảo. Sắc các nguyên liệu trên uống 1 thang mỗi ngày.
Lưu ý khi sử dụng
- Ngày nay tại một số tỉnh nước ta có một loài hoa cũng có tên gọi là Mật mông hoa. Tuy nhiên đó là hoa của cây Hung hục hay còn gọi là cây Cám lợn (tên khoa học là Mallotus furetianus thuộc họ Thầu dầu). Vì vậy khi sử dụng phải tham khảo và kiểm tra kỹ càng để tránh nhầm lẫn.
- Những người mắc các bệnh về mắt nhưng phần dương của cơ thể suy yếu, trong người cảm thấy ớn lạnh thì cần thật thận trọng khi dùng vị thuốc Mật mông hoa.