Giới thiệu về dược liệu Nghệ vàng
- Nhắc đến Nghệ vàng, ai cũng sẽ biết đến một loại dược liệu có vẻ ngoài giống với Gừng nhưng có mùi vị và màu sắc rất đặc trưng và thường được sử dụng từ xa xưa. Phần thân rễ cây Nghệ vàng được gọi là Khương hoàng. Ngoài công dụng thường thấy là dùng để làm gia vị trong những món ăn, Khương hoàng còn được biết đến như là một vị thuốc tốt với nhiều công dụng hữu ích trong điều trị các bệnh lý về dạ dày. Bên cạnh đó, còn nhiều những công dụng tuyệt với khác mà Nghệ vàng hay Khương hoàng còn có thể mang lại cho sức khỏe con người.
- Tên khoa học: Curcuma longa L. hoặc Curcuma domestica Lour. Phần thân rễ của cây gọi là Khương hoàng có tên khoa học là Rhizoma Curcuma longa và rễ củ thì có tên khoa học là Radix Curcuma longa
- Họ khoa học: Zingiberaceae (họ Gừng).
- Tên gọi khác: Khương hoàng,…
Đặc điểm thực vật và phân bố dược liệu Nghệ vàng
- Đặc điểm thực vật:
-
Nghệ vàng thuộc loại cây thân cỏ nhỏ, có chiều cao khoảng 60 – 100 cm. Phần thân rễ Nghệ vàng có hình trụ hơi dẹt và khi bẻ hoặc cắt ngang thân rễ thì phần bên trong có màu vàng đậm hoặc màu cam.
-
Lá Nghệ vàng thon và có hình trái xoan, lá thuôn nhọn ở 2 đầu và có 2 mặt nhẵn, phần cuống lá có bẹ lá. Lá có thể đạt chiều dài lên đến 45 cm và đường kính lá khoảng 18 cm.
-
Cụm hoa Nghệ vàng thường mọc từ giữa các nách lá có hình nón thưa. Lá bắc hữu thụ thì khum có hình máng rộng và có đầu tròn, mang màu xanh lục nhạt. Lá bắc bất thụ thì hẹp hơn và có màu hơi tím nhạt. Tràng hoa có phiến và các cánh hoa có màu xanh lục hay màu vàng nhạt, chia thành 3 chùy với thùy trên to. Phiến cánh hoa phía bên trong cũng được chia làm 3 thùy với 2 thùy bên đứng, phẳng và thùy bên dưới lõm tại thành hình máng khá sâu.
-
Quả Nghệ vàng là quả nang có 3 ngăn và mở 3 van. Bên trong quả có các hạt có lớp áo bên ngoài.
- Phân bố dược liệu:
-
Ở Việt Nam, Nghệ vàng được trồng ở khắp nơi và thường được các hộ gia đình sử dụng làm gia vị hoặc làm thuốc chữa bệnh.
-
Trên thế giới, Nghệ vàng còn được trồng ở nhiều quốc gia thuộc khu vực nhiệt đới như Lào, Indonesia, Campuchia, Ấn Độ, Trung Quốc,…
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản dược liệu
- Bộ phận dùng: là phần thân rễ của Nghệ vàng hay còn được gọi là củ Nghệ (cần phân biệt với Uất kim – vị thuốc từ rễ Nghệ do 2 vị thuốc này đều từ cây Nghệ vàng nên dễ nhầm lẫn).
- Thu hái: thường thu hái Nghệ vàng vào mùa thu để có chất lượng dược liệu tốt nhất.
- Chế biến: sau khi thu hái, cắt lọc phần thân rễ và phần rễ củ để riêng. Sau đó đem đi đồ hoặc đem đi hấp trong vòng 6 – 12 giờ, tiếp đến để cho ráo nước và mang đi sấy hoặc phơi khô. Cần lưu ý phân biệt giữa phần củ gọi là Khương hoàng và phần rễ gọi là Uất kim.
- Bảo quản: bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát và tránh mối mọt, ẩm thấp.
Thành phần hóa học của Nghệ vàng
Nghệ vàng có các thành phần hóa học như sau:
- 0,3% curcumin (hoạt chất chính).
- 1 – 5% các tinh dầu có màu vàng và có mùi thơm.
- 40 – 50% tinh bột nhựa.
- Các thành phần khác như nước (8 – 10%), các tinh bột khác, muối calci oxalate, chất béo, các chất vô cơ,…
Công dụng – Tác dụng của dược liệu Nghệ vàng theo Y học hiện đại
Nghệ vàng có các tác dụng dược lý hữu ích như sau:
- Kích thích bài tiết mật của tế bào gan, tăng co bóp túi mật: các tác dụng này từ đó giúp thông mật và làm giảm nguy cơ sỏi mật.
- Giảm cholesterol huyết: nhờ thành phần curcumen trong Nghệ vàng có tác dụng này từ đó có công dụng trong hỗ trợ điều trị các bệnh lý về rối loạn lipid huyết, các bệnh lý rối loạn chuyển hóa và trong các bệnh lý liên quan đến xơ vữa,…
- Kháng khuẩn, kháng nấm: Nghệ vàng có tác dụng đối với các chủng vi khuẩn thuộc nhóm tụ cầu Staphylococcus hoặc các vi khuẩn khác như Mycobacterium tuberculosis (trực khuẩn lao), Salmonella paratyphi (vi khuẩn thương hàn). Đối với nấm thì Nghệ vàng có tác dụng trên chủng nấm Trichophyton gypseum và một vài chủng nấm khác.
- Ngoài ra Nghệ vàng còn có các tác dụng dược lý khác như giúp tử cung co bóp đều đặn, hỗ trợ giải độc gan, giúp hạ huyết áp,…
Vị thuốc Nghệ vàng trong Y học cổ truyền
- Tính vị: vị cay đắng, tính ôn ấm.
- Quy kinh: vào Can và Tỳ.
- Công năng: phá ác huyết, sinh cơ, huyết tích, kim sang, chỉ huyết, hành huyết, chỉ thống,…
- Chủ trị:
-
Các chứng kinh nguyệt không đều, bế kinh.
-
Phụ nữ sau sinh nở chưa ra hết dịch.
-
Đau tức ngực, đau ngực sườn, đau dạ dày,…
-
Các vết thương, sẹo lâu lành.
-
Mụn nhọt, mụn trứng cá, nám da, sạm da,…
Cách dùng – Liều dùng Nghệ vàng
- Cách dùng: có thể sử dụng Khương hoàng ở dạng thuốc sắc, dạng viên hoàn, dạng thuốc bột hoặc có thể dùng ngoài da. Khương hoàng có thể sử dụng đơn độc hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.
- Liều dùng: mỗi ngày khoảng 3 – 10 g nếu sử dụng dạng uống. Còn dùng ngoài thì liều lượng sử dụng tùy vào nhu cầu và tình trạng bệnh.
Một số bài thuốc có vị thuốc Nghệ vàng
- Bài thuốc trị viêm gan virus mãn tính:
-
Chuẩn bị: 12 g Nghệ vàng, 40 g Bạch mao căn, 40 g Nhân trần, 40 g Bồ công anh, Đại hoàng và Hoàng liên mỗi vị 9 g và 16 g Chi tử.
-
Tiến hành: các nguyên liệu trên đem đi sắc thuốc và chia thành 3 lần uống trước các bữa ăn. Uống 1 thang thuốc mỗi ngày và nên uống liên tục trong vòng 3 đến 4 tuần.
- Bài thuốc chữa viêm gan mãn tính:
-
Chuẩn bị: 4 g Nghệ vàng, Đình lịch tử và Côn bố mỗi vị 12 g, Hải tảo và hạt Bìm bìm mỗi vị 10 g và 6 g Quế tấm.
-
Tiến hành: các nguyên liệu trên đem đi sắc thuốc uống và chia thành 3 lần uống trước mỗi bữa ăn. Uống 1 thang mỗi ngày.
- Bài thuốc chữa xơ gan:
-
Chuẩn bị: 6 – 8 g Nghệ vàng, 6 – 8 g Uất kim, 6 – 8 g Liên kiều, 6 – 8 g Sài hồ, 6 – 8 g Mộc hương, 15 g Bạch thược, 15 g Bạch truật, 15 g Đương quy và 3 g Cam thảo.
-
Tiến hành: các nguyên liệu trên đem đi sắc thuốc uống.
- Bài thuốc điều trị sỏi gan mật:
-
Chuẩn bị: Nghệ vàng và Phèn chua mỗi loại 10 g.
-
Tiến hành: 2 nguyên liệu trên đem đi tán thành bột và uống trước mỗi bữa ăn, uống 1 thang mỗi ngày. Nếu có thêm Mật gấu thì có thể bổ sung vào để tăng cường hiệu quả điều trị.
- Bài thuốc chữa đau bụng, bế kinh:
-
Chuẩn bị: 15 g Nghệ vàng và 10 g Huyền hồ.
-
Tiến hành: cả 2 nguyên liệu trền đều đem đi chích với giấm, sau đó đem đi sắc thuốc uống 1 thang mỗi ngày, chia làm 3 lần uống trước các bữa ăn. Nên sử dụng thuốc liên tục trong vòng 2 đến 3 tuần.
- Bài thuốc trị kinh nguyệt không đều:
-
Chuẩn bị: 8 g Nghệ vàng, 8 g Đào nhân, 8 g Xuyên khung, Ích mẫu và Kê huyết đằng 16 g mỗi vị và 12 g Sinh địa.
-
Tiến hành: các nguyên liệu trên đem đi sắc thuốc uống 1 thang mỗi ngày. Nên dùng thuốc liên tục trong vòng từ 2 đến 3 tuần trước khi có kinh và nên duy trì vài liệu trình thì tình trạng sẽ dần ổn định.
- Bài thuốc trị huyết ứ sau sinh:
-
Chuẩn bị: 10 g Nghệ vàng và 6 g Quế tăm.
-
Tiến hành: 2 nguyên liệu trên đem đi tán thành bột mịn, uống mỗi ngày từ 2 đến 3 lần cùng với rượu nhẹ.
- Bài thuốc chữa viêm loét dạ dày, chướng bụng hoặc đau bụng:
-
Chuẩn bị: 9 – 12 g Nghệ vàng, 9 – 12 g Sài hồ và 9 – 12 g Hương phụ.
-
Tiến hành: các nguyên liệu trên đem đi sắc thuốc uống hoặc tán thành bột uống. Uống 1 thang mỗi ngày và uống trước bữa ăn từ khoảng 1 đến 1,5 giờ.
- Bài thuốc điều trị loét dạ dày - tá tràng, đau bao tử:
-
Bài thuốc 1: lấy 10 g Nghệ vàng, 5 g Ô dược và 3 g Cam thảo đem đi sắc thuốc uống.
-
Bài thuốc 2: sử dụng bột 120 g Nghệ vàng, 30 g cao Ban long (cao chứa khoảng 18 – 19% nước), 20 g Mật ong, 100 g Calci gluconate (hoặc calci phosphate) cùng các tá dược vừa đủ 1 viên. Uống 2 lần mỗi ngày, mỗi lần uống từ 2 – 3 viên và nên uống thuốc trước các bữa ăn.
- Bài thuốc hỗ trợ chữa rối loạn thần kinh:
-
Chuẩn bị: 250 g Nghệ vàng và 100 g Phèn chua.
-
Tiến hành: 2 nguyên liệu trên đem đi tán thành bột mịn rồi hòa cùng nước cháo để chế thành viên hoàn có kích thước cỡ bằng hạt bắp. Sử dụng 50 viên mỗi ngày và sử dụng đến hết bệnh.
- Bài thuốc chữa mụn nhọt hoặc đinh nhọt:
-
Bài thuốc 1: dùng 1 củ Nghệ vàng có trọng lượng khoảng 60 g, 80 g Củ Ráy, 40 g Sáp ong, 80 g Dầu mè và 40 g Nhựa thông. Củ Ráy và Nghệ vàng thì đem đi rửa sạch đất cát rồi giã nhuyễn, tiếp đến nấu cho nhừ cùng với các vị thuốc còn lại. Sau đó lọc lấy bã rồi để nguội, thoa lên giấy bản để dán vào các vị trí bị mụn nhọt.
-
Bài thuốc 2: sử dụng bột Nghệ vàng, Đại hoàng, Thiên hoa phấn và Bạch chỉ, tất cả nguyên liệu trên đem đi tán thành bột mịn và trộn đều, sau đó dùng đắp ngoài da giúp tiêu sưng. Lưu ý chỉ dùng bài thuốc này khi mụn nhọt đang bị sưng tấy.
-
Bài thuốc 3: lấy 6 g Nghệ vàng, 10 g Xích thược, 10 g Hải đồng bì, 10 g Bạch chỉ, 6 g Khương hoạt và 3 g Cam thảo, các nguyên liệu này đem đi sắc thuốc uống.
Lưu ý khi sử dụng Nghệ vàng
- Phụ nữ mang thai và phụ nữ đang bị các bệnh lý hậu sinh nhưng không phải do ứ nhiệt thì không nên sử dụng Nghệ vàng.
- Những người bị bệnh trào ngược dạ dày – thực quản (GERD) thì không nên sử dụng Nghệ vàng do dược liệu này có thể tương tác với các thuốc kháng acid hoắc các thuốc ức chế tiết acid dịch vị.
- Người đang bị thiếu máu thì không sử dụng Nghệ vàng.
- Những người sắp trải qua phẫu thuật thì không được sử dụng Nghệ vàng do dược liệu có thể làm tăng thời gian đông máu nên có khả năng gây xuất huyết.
- Những người đang sử dụng các thuốc khác trong điều trị những bệnh lý khác cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng Nghệ vàng.