NỘI SOI PHẾ QUẢN

Nội soi phế quản là thủ thuật giúp quan sát, từ đó hỗ trợ chẩn đoán các bệnh lý ở phổi. Sau đây hãy cùng tìm hiểu về quá trình thực hiện nội soi phế quản

daydreaming distracted girl in class

NỘI SOI PHẾ QUẢN

Tổng quan

Nội soi phế quản là một thủ thuật cho phép bác sĩ quan sát phổi và đường dẫn khí của bạn. Nó thường được thực hiện bởi một bác sĩ chuyên về các bệnh lý phổi (một bác sĩ chuyên khoa phổi). Trong quá trình nội soi phế quản, một ống mỏng (ống soi phế quản) được đưa qua mũi hoặc miệng, xuống cổ họng và tới phổi của bạn.

Nội soi phế quản được thực hiện phổ biến nhất thông qua cách sử dụng ống soi phế quản mềm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn như bị chảy máu nhiều trong phổi hay có một vật lớn bị mắc kẹt trong đường thở, có thể cần đến một ống nội soi phế quản cứng.

Những lý do phổ biến cần thực hiện nội soi phế quản bao gồm ho dai dẳng, nhiễm trùng hoặc vấn đề gì đó bất thường nhìn thấy trên phim chụp X-quang phổi hay xét nghiệm khác.

Nội soi phế quản cũng có thể được sử dụng để lấy mẫu chất nhầy hay mô, loại bỏ dị vật hoặc các vật tắc nghẽn khác khỏi đường thở, phổi, hoặc để điều trị các bệnh lý về phổi.

Tại sao cần thực hiện

Nội soi phế quản thường được thực hiện để tìm nguyên nhân của các vấn đề ở phổi. Ví dụ, bác sĩ có thể chỉ định bạn thực hiện nội soi phế quản khi bạn bị ho dai dẳng hoặc bất thường khi chụp X-quang ngực.

Các lý do cần thực hiện nội soi phế quản bao gồm:

  • Chẩn đoán các bệnh lý về phổi

  • Xác định nhiễm trùng phổi

  • Sinh thiết mô từ phổi

  • Loại bỏ chất nhầy, dị vật gây tắc nghẽn trong đường thở hoặc phổi, chẳng hạn như khối u

  • Đặt một ống nhỏ để giữ đường thở mở (stent)

  • Điều trị một vấn đề về phổi (nội soi phế quản can thiệp), chẳng hạn như chảy máu, hẹp bất thường đường thở hoặc xẹp phổi (tràn khí màng phổi)

Trong một số thủ thuật, các thiết bị đặc biệt có thể được đưa qua ống soi phế quản, chẳng hạn như dụng cụ sinh thiết, đầu dò đốt điện nhằm kiểm soát chảy máu hoặc tia laser để giảm kích thước khối u ở đường thở. Các kỹ thuật đặc biệt có thể được sử dụng trong việc thu thập sinh thiết nhằm đảm bảo lấy mẫu vùng phổi mong muốn.

Ở những người bị ung thư phổi, một ống soi phế quản có đầu dò siêu âm tích hợp có thể được sử dụng để kiểm tra các hạch bạch huyết trong ngực. Đây được gọi là thủ thuật siêu âm nội phế quản (EBUS) và giúp bác sĩ xác định được phương pháp điều trị thích hợp. EBUS có thể được sử dụng trong các loại ung thư khác nhằm xác định xem ung thư đã lan rộng hay chưa.

Rủi ro

Các biến chứng do nội soi phế quản là không phổ biến và thường nhẹ, hiếm khi nghiêm trọng. Các biến chứng có thể xảy ra nhiều hơn khi đường thở bị viêm hoặc tổn thương do bệnh lý. Các biến chứng có thể gặp phải liên quan tới chính thủ thuật hoặc thuốc an thần, thuốc tê tại chỗ.

  • Chảy máu. Có nhiều nguy cơ bị chảy máu hơn khi thực hiện sinh thiết. Thông thường, chảy máu ít và sẽ ngừng mà không cần phải điều trị.

  • Tổn thương phổi. Trong một số trường hợp hiếm, đường thở có thể bị thương trong quá trình nội soi phế quản. Khi phổi bị thủng, không khí có thể tích tụ trong không gian xung quanh phổi, dẫn tới làm xẹp phổi. Thông thường tình trạng này có thể dễ dàng điều trị, nhưng bệnh nhân có thể phải nhập viện.

  • Sốt. Sốt tương đối phổ biến sau khi thực hiện nội soi phế quản nhưng không phải lúc nào cũng là dấu hiệu của nhiễm trùng. Nói chung không cần phải điều trị.

Bạn chuẩn bị những gì?

Chuẩn bị cho nội soi phế quản thường bao gồm việc hạn chế ăn và uống thuốc, cũng như thảo luận với bác sĩ về các biện pháp phòng ngừa bổ sung.

Thực phẩm và thuốc

Bạn có thể được yêu cầu ngừng sử dụng thuốc chống đông máu như aspirin, clopidogrel (Plavix) và warfarin (Coumadin, Jantoven) vài ngày trước khi thực hiện  nội soi phế quản. Bạn cũng sẽ được yêu cầu không ăn và uống trong vòng 4 đến 8 giờ trước khi làm thủ thuật.

Quần áo và đồ dùng cá nhân

Vào ngày làm thủ thuật, bạn sẽ được yêu cầu mặc áo choàng và tháo ra bất kỳ loại răng giả nào, răng giả bán phần hoặc cầu răng tháo lắp. Bạn cũng có thể được yêu cầu tháo máy trợ thính, kính áp tròng hay kính cận.

Các biện pháp phòng ngừa khác

Nếu bạn sẽ về nhà sau khi làm thủ thuật, bạn sẽ cần một người bạn hay người thân trong gia đình đưa về. Bạn sẽ không thể lái xe do tác dụng kéo dài của các loại thuốc được sử dụng trong quá trình phẫu thuật. Bạn cũng nên để ai đó ở chăm sóc trong suốt thời gian còn lại trong ngày.

Quá trình thực hiện thủ thuật

Nội soi phế quản thường được thực hiện trong phòng phẫu thuật ở phòng khám hoặc trong phòng phẫu thuật của bệnh viện. Toàn bộ quy trình, bao gồm cả thời gian chuẩn bị và phục hồi, thường mất khoảng 4 giờ. Nội soi phế quản thường kéo dài khoảng 30 đến 60 phút.

Trước khi làm thủ thuật

Bạn sẽ được yêu cầu ngồi hoặc nằm trên bàn hay giường và đặt cánh tay ở hai bên. Bạn sẽ được kết nối với thiết bị để nhóm chăm sóc sức khỏe có thể theo dõi nhịp tim, huyết áp và mức oxy của bạn trong suốt quá trình thực hiện.

Bạn sẽ được tiêm thuốc an thần qua tĩnh mạch để giúp bạn thư giãn, giảm cảm giác đau. Bạn sẽ cảm thấy buồn ngủ, nhưng bạn vẫn sẽ tỉnh táo, tự thở và có thể trả lời cho bất kỳ câu hỏi nào mà bác sĩ hỏi bạn trong quá trình phẫu thuật. Thuốc an thần thường khiến bạn nhớ rất ít về quy trình nội soi phế quản sau khi đã hoàn thành.

Một loại thuốc gây tê được gọi sẽ được xịt vào cổ họng của bạn. Đôi khi, một loại gel gây tê được xoa vào mũi của bạn. Những loại thuốc này làm tê khu vực, giúp giảm nôn và ho khi ống nội soi được đặt vào cổ họng của bạn. Lúc đầu thuốc có thể có vị khó chịu, nhưng sau đó sẽ hết mùi vị.

Trong quá trình thủ thuật

Trong khi nội soi phế quản, ống soi phế quản được đặt vào mũi hoặc miệng của bạn. Ống nội soi có đèn và một camera rất nhỏ ở đầu để hiển thị hình ảnh trên màn hình từ đó giúp bác sĩ thực hiện thủ thuật.

Ống nội soi được đưa từ từ xuống phía dưới cổ họng của bạn, qua dây thanh quản và vào đường thở. Bạn có thể cảm thấy khó chịu, nhưng nó sẽ không đau. Nhóm chăm sóc sức khỏe của bạn sẽ cố gắng làm cho bạn thoải mái nhất có thể.

Bác sĩ có thể lấy mẫu mô và dịch thông qua sử dụng các thiết bị đưa qua ống nội soi phế quản. Bác sĩ có thể hỏi liệu bạn có bị đau ở ngực, lưng hoặc vai hay không. Nói chung, bạn sẽ thường không có cảm giác đau.

Sau khi làm thủ thuật

Bạn sẽ được theo dõi trong vài giờ sau khi nội soi phế quản. Miệng và cổ họng của bạn có thể sẽ bị tê trong vài giờ. Bạn sẽ không được phép ăn uống cho đến khi hết tê. Điều này giúp ngăn thức ăn và chất lỏng xâm nhập vào đường thở và phổi của bạn.

Khi miệng và cổ họng không còn tê, bạn có thể nuốt, ho bình thường trở lại, bạn có thể uống thứ gì đó. Bắt đầu với từng ngụm nước. Sau đó, bạn có thể ăn các loại thức ăn mềm, chẳng hạn như súp và cháo. Bổ sung các loại thực phẩm khác khi bạn cảm thấy thoải mái khi ăn.

Bạn có thể bị đau họng nhẹ, khàn giọng, ho hoặc đau cơ. Điều này là bình thường. Súc miệng bằng nước ấm và ngậm nước trong họng có thể giúp giảm bớt cảm giác khó chịu. Chỉ cần chắc chắn rằng tất cả cơn tê đã biến mất trước khi bạn thử súc miệng hoặc sử dụng viên ngậm.

Liên hệ cho bác sĩ của bạn ngay lập tức nếu:

  • Sốt kéo dài hơn 24 giờ

  • Đau ngực ngày càng nhiều

  • Khó thở

  • Ho ra máu nhiều

Kết quả

Bác sĩ của bạn thường sẽ thảo luận về kết quả nội soi phế quản từ một đến ba ngày sau khi làm thủ thuật. Bác sĩ của bạn sẽ sử dụng kết quả để quyết định phương pháp điều trị bất kỳ tình trạng bệnh lý ở phổi nào được tìm thấy hay thảo luận về các thủ thuật đã được thực hiện. Cũng có thể bạn cần thực hiện các xét nghiệm hoặc thủ thuật khác.

Nếu bạn được thực hiện sinh thiết trong quá trình nội soi phế quản, sẽ cần thời gian để bác sĩ giải phẫu bệnh thực hiện xét nghiệm. Bởi vì các mẫu mô cần quy trình chuẩn bị đặc biệt, một số kết quả sẽ mất nhiều thời gian hơn những mẫu khác để thực hiện xét nghiệm. Một số mẫu sinh thiết sẽ cần được gửi đi để xét nghiệm di truyền, có thể mất 2 tuần hoặc hơn.

 

 

 
Có thể bạn quan tâm?
SINH THIẾT VÚ

SINH THIẾT VÚ

Sinh thiết vú là thủ thuật hỗ trợ chẩn đoán bệnh lý ung thư vú
administrator
PHẪU THUẬT NAM TÍNH HÓA

PHẪU THUẬT NAM TÍNH HÓA

Phẫu thuật nam tính hóa được sử dụng cho những người chuyển giới nam nhằm điều trị chứng bức bối giới. Sau đây hãy cùng tìm hiểu về các thủ thuật phẫu thuật nam tính hóa nhé.
administrator
GHÉP TẠNG TỪ NGƯỜI HIẾN TẶNG GIÁN TIẾP

GHÉP TẠNG TỪ NGƯỜI HIẾN TẶNG GIÁN TIẾP

Người hiến tặng gián tiếp là người còn sống hiến tặng một bộ phận cơ thể, thường là một quả thận, không nêu tên hoặc không có người nhận chủ đích. Nội tạng được hiến tặng như một món quà và người hiến không có mong muốn được đáp lại cũng như không có mối liên hệ nào giữa người hiến và người nhận.
administrator
XÉT NGHIỆM YẾU TỐ DẠNG THẤP

XÉT NGHIỆM YẾU TỐ DẠNG THẤP

Xét nghiệm yếu tố dạng thấp thường được các bác sĩ sử dụng để xét nghiệm các bệnh lý liên quan tới hệ miễn dịch (bệnh tự miễn dịch). Sau đây hãy cùng tìm hiểu về xét nghiệm yếu tố thấp nhé.
administrator
PHỤC HỒI CHỨC NĂNG TỔN THƯƠNG TỦY SỐNG

PHỤC HỒI CHỨC NĂNG TỔN THƯƠNG TỦY SỐNG

Sau chấn thương tủy sống, bạn sẽ cần phục hồi chức năng tổn thương tủy sống để tối ưu hóa sự phục hồi và có thể thích nghi với một lối sống mới.
administrator
KÍCH THÍCH THẦN KINH PHẾ VỊ

KÍCH THÍCH THẦN KINH PHẾ VỊ

Kích thích dây thần kinh phế vị là thủ thuật cấy ghép một thiết bị để kích thích dây thần kinh phế vị nhằm điều trị chứng động kinh và trầm cảm.
administrator
TRUYỀN MÁU

TRUYỀN MÁU

Truyền máu là một thủ thuật y tế có thể giúp cứu sống nhiều người. Sau đây hãy cùng tìm hiểu các thông tin cần thiết về truyền máu nhé
administrator
CHỈ SỐ HUYẾT ÁP CỔ CHÂN CÁNH TAY

CHỈ SỐ HUYẾT ÁP CỔ CHÂN CÁNH TAY

Chỉ số huyết áp cổ chân cánh tay giúp chẩn đoán nhanh bệnh lý tắc nghẽn động mạch ngoại vi. Sau đây hãy cùng tìm hiểu về cách kiểm tra chỉ số huyết áp cổ chân cánh tay nhé.
administrator