RỐI LOẠN LƯỠNG CỰC

daydreaming distracted girl in class

RỐI LOẠN LƯỠNG CỰC

Tổng quát

Rối loạn lưỡng cực, trước đây được gọi là hưng - trầm cảm, là một tình trạng sức khỏe tâm thần gây ra sự thay đổi tâm trạng cực độ bao gồm cảm xúc lên cao (hưng cảm) và trầm cảm.

Khi bị trầm cảm, bạn có thể cảm thấy buồn hoặc tuyệt vọng và mất hứng thú hoặc niềm vui trong hầu hết các hoạt động. Khi tâm trạng chuyển sang hưng cảm, bạn có thể cảm thấy hưng phấn, tràn đầy năng lượng hoặc cáu kỉnh bất thường. Những thay đổi tâm trạng này có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, năng lượng, hoạt động, khả năng phán đoán, hành vi và khả năng suy nghĩ rõ ràng.

Các giai đoạn thay đổi tâm trạng có thể xảy ra ít hoặc nhiều lần trong năm. Hầu hết trường hợp sẽ trải qua một số triệu chứng cảm xúc, một số có thể không gặp phải bất kỳ triệu chứng nào.

Mặc dù rối loạn lưỡng cực là một tình trạng kéo dài suốt đời, tuy nhiên bạn có thể kiểm soát tâm trạng thất thường và các triệu chứng khác bằng cách tuân theo kế hoạch điều trị. Trong hầu hết các trường hợp, rối loạn lưỡng cực được điều trị bằng thuốc và tư vấn tâm lý (liệu pháp tâm lý).

 

Triệu chứng

Có một số loại rối loạn lưỡng cực và các rối loạn liên quan. Chúng có thể bao gồm hưng cảm hoặc trầm cảm. Các triệu chứng có thể gây ra những thay đổi không thể đoán trước về tâm trạng và hành vi, dẫn đến đau khổ và khó khăn đáng kể trong cuộc sống.

Mặc dù rối loạn lưỡng cực có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng nó thường được chẩn đoán ở độ tuổi thanh thiếu niên hoặc đầu những năm 20 tuổi. Các triệu chứng có thể khác nhau ở mỗi người và các triệu chứng có thể thay đổi theo thời gian.

Mania và hypomania

Mania và hypomania là hai loại cơn hưng phấn khác nhau, nhưng chúng có các triệu chứng giống nhau. Mania trầm trọng hơn hypomania và gây ra nhiều vấn đề đáng chú ý hơn ở nơi làm việc, trường học và các hoạt động xã hội, cũng như những khó khăn trong mối quan hệ. Mania cũng có thể gây ra tình trạng xa rời thực tế (rối loạn tâm thần).

Các triệu chứng đều có thể xảy ở các hai loại Mania và hypomania bao gồm:

  • Bất thường lạc quan

  • Tăng động, kích động

  • Cảm giác hạnh phúc và tự tin quá mức (hưng phấn)

  • Giảm nhu cầu ngủ

  • Nói nhiều bất thường

  • Ý nghĩ hoang tưởng

  • Mất tập trung

  • Ra quyết định kém

Giai đoạn trầm cảm nghiêm trọng

Giai đoạn trầm cảm chính bao gồm các triệu chứng đủ nghiêm trọng để gây khó khăn đáng kể trong các hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như công việc, trường học, các hoạt động xã hội hoặc các mối quan hệ. Một đợt bao gồm năm hoặc nhiều hơn các triệu chứng sau:

  • Tâm trạng chán nản, chẳng hạn như cảm thấy buồn, trống rỗng, tuyệt vọng hoặc rơi nước mắt (ở trẻ em và thanh thiếu niên, tâm trạng chán nản có thể xuất hiện như cáu kỉnh)

  • Có dấu hiệu mất hứng thú hoặc không cảm thấy thích thú gần như tất cả hoạt động

  • Giảm cân rõ rệt khi không ăn kiêng

  • Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều

  • Bồn chồn hoặc hành vi chậm lại

  • Mệt mỏi hoặc mất năng lượng

  • Cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi quá mức 

  • Giảm khả năng suy nghĩ, tập trung, hoặc thiếu quyết đoán

  • Suy nghĩ, lập kế hoạch cố gắng tự tử

 

Nguyên nhân

Nguyên nhân chính xác của rối loạn lưỡng cực chưa được biết, nhưng một số yếu tố có thể liên quan, chẳng hạn như:

  • Sự thay đổi về thể chất. Những người bị rối loạn lưỡng cực dường như có những thay đổi về thể chất trong não của họ.

  • Di truyền học. Rối loạn lưỡng cực có liên quan đến yếu tố di truyền đặc biệt trong gia đình có người mắc chứng rối loạn lưỡng cực. Các nhà nghiên cứu đang cố gắng tìm ra các gen có thể liên quan đến việc gây ra chứng rối loạn lưỡng cực.

 

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển rối loạn lưỡng cực hoặc đóng vai trò là yếu tố bắt đầu cơn rối loạn lưỡng cực bao gồm:

  • Có người thân cấp một, chẳng hạn như cha mẹ hoặc anh chị em, mắc chứng rối loạn lưỡng cực

  • Giai đoạn căng thẳng cao độ, chẳng hạn như cái chết của một người thân yêu hoặc sự kiện đau buồn khác

  • Lạm dụng ma túy hoặc rượu

Rối loạn lưỡng cực là tình trạng hưng cảm và trầm cảm có thể kéo dài đến suốt cuộc đời

Các biến chứng

Nếu không được điều trị, rối loạn lưỡng cực có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực trong cuộc sống, chẳng hạn như:

  • Các vấn đề liên quan đến sử dụng ma túy và rượu

  • Tự tử hoặc cố gắng tự sát

  • Các vấn đề pháp lý hoặc tài chính

  • Các mối quan hệ bị tổn hại

  • Kết quả học tập hoặc công việc kém

Các tình trạng sức khỏe đồng thời

Nếu bạn bị rối loạn lưỡng cực, bạn cũng có thể mắc một tình trạng sức khỏe khác cần được điều trị cùng với chứng rối loạn lưỡng cực. Một số tình trạng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng rối loạn lưỡng cực hoặc khiến việc điều trị kém hiệu quả. Những ví dụ bao gồm:

  • Rối loạn lo âu

  • Rối loạn ăn uống

  • Rối loạn tăng động (ADHD)

  • Các vấn đề về rượu hoặc ma túy

  • Các vấn đề sức khỏe thể chất, chẳng hạn như bệnh tim, các vấn đề về tuyến giáp, đau đầu hoặc béo phì

 

Phòng ngừa

Không có cách nào chắc chắn để ngăn ngừa rối loạn lưỡng cực. Tuy nhiên, điều trị sớm nhất khi có dấu hiệu rối loạn sức khỏe tâm thần có thể giúp ngăn ngừa rối loạn lưỡng cực hoặc các tình trạng sức khỏe tâm thần khác trở nên tồi tệ hơn.

Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lưỡng cực, một số biện pháp có thể giúp ngăn các triệu chứng nhỏ trở thành giai đoạn hưng cảm hoặc trầm cảm toàn diện:

  • Chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo. Giải quyết các triệu chứng sớm có thể ngăn các đợt bệnh trở nên tồi tệ hơn. Gọi cho bác sĩ nếu bạn cảm thấy mình đang rơi vào giai đoạn trầm cảm hoặc hưng cảm.

  • Tránh ma túy và rượu. Sử dụng rượu hoặc thuốc kích thích có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng và khiến chúng có nhiều khả năng tái phát hơn.

  • Dùng thuốc đúng theo chỉ dẫn.

 

Chẩn đoán

Để xác định xem bạn có bị rối loạn lưỡng cực hay không, các chẩn đoán có thể bao gồm:

  • Khám sức khỏe. Bác sĩ có thể khám sức khỏe và xét nghiệm để xác định bất kỳ vấn đề y tế nào có thể gây ra các triệu chứng.

  • Giám định tâm thần. Bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến một bác sĩ tâm thần, người sẽ nói chuyện với bạn về những suy nghĩ, cảm xúc và cách cư xử của bạn. Bạn cũng có thể điền vào bảng câu hỏi hoặc tự đánh giá tâm lý.

  • Biểu đồ tâm trạng. Bạn có thể được yêu cầu ghi chép hàng ngày về tâm trạng, giấc ngủ hoặc các yếu tố khác có thể giúp chẩn đoán và tìm ra phương pháp điều trị thích hợp.

Chẩn đoán ở trẻ em

Mặc dù chẩn đoán trẻ em và thanh thiếu niên bị rối loạn lưỡng cực bao gồm các tiêu chí giống nhau được sử dụng cho người lớn, tuy nhiên các triệu chứng ở trẻ em và thanh thiếu niên thường có các mô hình khác nhau để phù hợp với các phân loại chẩn đoán.

Ngoài ra, trẻ em bị rối loạn lưỡng cực cũng thường được chẩn đoán với các tình trạng sức khỏe tâm thần khác như rối loạn tăng động (ADHD) hoặc các vấn đề về hành vi, có thể khiến chẩn đoán phức tạp hơn.

 

Điều trị

Điều trị tốt nhất nên được hướng dẫn bởi một bác sĩ chuyên chẩn đoán và điều trị các tình trạng sức khỏe tâm thần (bác sĩ tâm thần), người có kỹ năng điều trị lưỡng cực và các rối loạn liên quan.

Rối loạn lưỡng cực là một tình trạng kéo dài suốt đời. Điều trị được hướng vào việc quản lý các triệu chứng, điều trị có thể bao gồm:

  • Sử dụng thuốc. Thông thường, bạn sẽ cần bắt đầu dùng thuốc để cân bằng tâm trạng ngay lập tức.

  • Các chương trình điều trị ban ngày. Bác sĩ có thể đề nghị một chương trình điều trị ban ngày. Các chương trình này cung cấp sự hỗ trợ và tư vấn bạn cần trong khi kiểm soát được các triệu chứng.

  • Điều trị lạm dụng chất gây nghiện. Nếu bạn gặp vấn đề với rượu hoặc ma túy, bạn cũng sẽ cần điều trị lạm dụng chất kích thích. Nếu không, có thể rất khó quản lý chứng rối loạn lưỡng cực.

Sử dụng thuốc

Một số loại thuốc được sử dụng để điều trị rối loạn lưỡng cực. Các loại và liều lượng thuốc được kê đơn dựa trên các triệu chứng cụ thể của bạn.

Thuốc có thể bao gồm:

  • Chất ổn định tâm trạng. 

  • Thuốc chống loạn thần. 

  • Thuốc chống trầm cảm. 

  • Chống trầm cảm-chống loạn thần.

  • Thuốc chống lo âu.

Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu là một phần quan trọng của điều trị rối loạn lưỡng cực. Một số loại liệu pháp có thể hữu ích. Bao gồm các:

  • Liệu pháp hài hòa tương quan xã hội (IPSRT). IPSRT tập trung vào việc ổn định hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như ngủ, thức và ăn. Một thói quen nhất quán cho phép quản lý tâm trạng tốt hơn. Những người bị rối loạn lưỡng cực có thể được hưởng lợi từ việc thiết lập một thói quen hàng ngày cho giấc ngủ, chế độ ăn uống và tập thể dục.

  • Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT). Trọng tâm là xác định những niềm tin và hành vi không lành mạnh, tiêu cực và thay thế chúng bằng những niềm tin và hành vi lành mạnh, tích cực. CBT có thể giúp xác định những gì gây ra các cơn lưỡng cực. Bạn cũng học được các chiến lược hiệu quả để kiểm soát căng thẳng và đối phó với những tình huống khó chịu.

  • Giáo dục tâm lý. Tìm hiểu về rối loạn lưỡng cực có thể giúp bạn và những người thân yêu của bạn hiểu được tình trạng bệnh. Biết được những gì đang xảy ra có thể giúp bạn có được sự hỗ trợ tốt nhất, xác định các vấn đề, lập kế hoạch ngăn ngừa tái phát và gắn bó với việc điều trị.

  • Liệu pháp tập trung vào gia đình. Sự hỗ trợ và giao tiếp của gia đình có thể giúp bạn kiên định với kế hoạch điều trị của mình, đồng thời giúp bạn và những người thân của bạn nhận ra và quản lý các dấu hiệu cảnh báo về rối loạn lưỡng cực.

Các lựa chọn điều trị khác

Tùy thuộc vào nhu cầu, các phương pháp điều trị khác có thể được thêm vào liệu pháp điều trị rối loạn.

Trong liệu pháp sốc điện (ECT), các dòng điện được truyền qua não, cố ý gây ra một cơn co giật ngắn. ECT dường như gây ra những thay đổi trong hoạt động não có thể đảo ngược các triệu chứng của một số bệnh tâm thần. 

Điều trị ở trẻ em và thanh thiếu niên

Các phương pháp điều trị cho trẻ em và thanh thiếu niên thường được quyết định theo từng trường hợp cụ thể, tùy thuộc vào các triệu chứng, tác dụng phụ của thuốc và các yếu tố khác. Các hướng điều trị bao gồm:

  • Sử dụng thuốc. Trẻ em và thanh thiếu niên bị rối loạn lưỡng cực thường được kê những loại thuốc giống như những loại thuốc được sử dụng ở người lớn. Có ít nghiên cứu về tính an toàn và hiệu quả của thuốc điều trị lưỡng cực ở trẻ em hơn ở người lớn, vì vậy các quyết định điều trị thường dựa trên nghiên cứu của người lớn.

  • Tâm lý trị liệu. Liệu pháp ban đầu và lâu dài có thể giúp ngăn các triệu chứng quay trở lại. Trị liệu tâm lý có thể giúp trẻ em và thanh thiếu niên quản lý các thói quen của mình, phát triển các kỹ năng đối phó, giải quyết những khó khăn trong học tập, giải quyết các vấn đề xã hội, đồng thời giúp tăng cường mối quan hệ gia đình và giao tiếp. 

  • Giáo dục tâm lý.

 

 

 
Có thể bạn quan tâm?
RỐI LOẠN TIỀN ĐÌNH

RỐI LOẠN TIỀN ĐÌNH

administrator
TIÊU CHẢY CẤP

TIÊU CHẢY CẤP

administrator
BẠCH BIẾN

BẠCH BIẾN

administrator
VIÊM XƯƠNG TAI CHŨM

VIÊM XƯƠNG TAI CHŨM

administrator
NHIỄM GIARDIA

NHIỄM GIARDIA

administrator
LOÃNG XƯƠNG

LOÃNG XƯƠNG

administrator
HỘI CHỨNG CROUZON

HỘI CHỨNG CROUZON

administrator
GAI ĐEN

GAI ĐEN

administrator