Giới thiệu về dược liệu
Thảo Quả có tên khoa học là Amomum tsao-ko Crév. et Lem. (Amomum aromaticum Roxb., Amomum medium Lour.), còn được biết đến với tên gọi khác như Tò Ho, Đò Ho, Mac Hâu, May Mac Hâu, thuộc họ Gừng (Zingiberaceae).
Thảo quả là loại cây lâu năm, có chiều cao khoảng 2 – 2,5m. Phần thân rễ to khoẻ (giống như củ gừng) có màu hồng, mọc ngang và thắt khúc hình bầu với đường kính khoảng 2,5 – 4 cm. Rễ có vảy mỏng và mùi thơm. Lá Thảo quả có màu xanh lục, nhẵn, hơi nhọn và hình bầu dục, dài khoảng 40 – 70cm và rộng khoảng 10 – 20cm.
Quả có màu đỏ hình bầu dục, khi còn tươi xếp dày đặc với nhau. Quả có chiều dài khoảng 2,5 – 4,5cm khi chín với lớp vỏ ngoài màu nâu xám cho tới nâu. Quả có các rãnh dọc và gân, không có lông hay gai. Trong mỗi quả có khoảng 20 – 25 hạt, khi ăn có vị ngọt hơi đắng, mùi khá nồng. Đây là phần quý nhất thường được sử dụng để làm thuốc. Hạt có hình nón đa diện mọc bên trong quả thành cụm và được chia thành ba phần theo hàng. Hạt màu nâu đỏ và bao phủ bởi lớp áo trắng xám, rất thơm.
Cụm hoa gồm một bông dài 13 – 20cm, mọc từ gốc thân. Rất nhiều hoa mọc sát nhau, có màu đỏ nhạt hoặc đỏ cam, với cuống cụm.
Mùa ra hoa từ tháng 5 – 7, mùa ra quả từ tháng 10 – 12.
Thảo quả là cây ưa bóng râm, ưa ẩm ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Loại dược liệu này phân bố chủ yếu ở Tây Nam Trung Quốc ở các tỉnh Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu và ở miền Bắc Việt Nam.
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến
Bộ phận sử dụng làm thuốc của Thảo quả là quả chín phơi khô.
Thu hái quả lúc mùa đông, đem đi phơi hay sấy khô. Khi sử dụng cần đập bỏ vỏ ngoài và lấy hạt.
Một số phương pháp chế biến Thảo quả:
-
Thảo quả nướng: Dùng quả của cây Thảo quả còn cả vỏ, nướng bằng tro nóng tới khi có mùi thơm thì đem bóc bỏ vỏ ngoài. Có thể dùng bột mì nhão, làm lớp áo bọc ngoài rồi mới nướng, cho tới khi áo bột chuyển đen thì lấy ra và bóc bỏ vỏ.
-
Thảo quả sao: Dùng quả Thảo quả sao cho đến khi có màu vàng cháy. Lấy ra và bóc bỏ vỏ ngoài; khi sử dụng cần giã nhỏ.
-
Thảo quả sao cát: Đem cát rang tới nóng già; cho nhân Thảo quả vào sao tới khi có màu vàng hơi đen. Sau đó đem rây bỏ cát.
-
Thảo quả sao cám: Sử dụng Thảo quả (10kg) cùng cám (1kg) sao nhỏ lửa cho tới khi có màu vàng. Sau đó đem rây bỏ cám.
-
Thảo quả chích gừng: Giã 2kg gừng tươi, lấy nước cốt và tẩm đều vào Thảo quả. Sau đó để hút hết nước, đem sao tới khi khô cho mùi thơm.
Bảo quản dược liệu ở nơi khô ráo và đậy kín, do dễ bị mốc. Tránh nơi nhiệt độ quá nóng để bảo quản tinh dầu. Khi quả chớm mốc phải đem đi phơi hay sấy nhẹ.
Thành phần hóa học
Cho tới nay, các chuyên gia đã tìm ra hơn 300 hợp chất trong quả Thảo quả và ít nhất 209 trong số đó đã được xác định. Dựa trên đặc điểm của cấu trúc, các hợp chất có thể được phân loại thành t phenylpropanoid, terpenoid, acid hữu cơ và các hợp chất khác. Sơ bộ có khoảng 157 phenylpropanoid, 32 terpenoid, 19 acid hữu cơ và 1 pyrrole. Do Thảo quả có mùi thơm và cay, thành phần tinh dầu trong dược liệu này đã được sự quan tâm từ các chuyên gia. Thành phần tinh dầu trong Thảo quả bao gồm terpenoid, axit phenolic, acid hữu cơ.
-
Terpenoid là thành phần hợp chất có nhiều trong quả Thảo quả, gồm 1 monoterpene hydrocarbon, 22 oxygenated monoterpenes, 1 sesquiterpenoid, 5 diterpenoid và 2 sterol đã được phân lập.
-
Phenylpropanoid là một nhóm các chất chuyển hóa thứ cấp thường gặp trong thực vật. Ít nhất 157 loại phenylpropanoid đã được phân lập từ quả Thảo quả. Các phenylpropanoid bao gồm các acid phenolic đơn giản, flavonoid điển hình, các dẫn xuất flavonoid bao gồm liên hợp flavanol-menthane, flavanol-monoterpenoid hybrid, flavanol-fatty alcohol hybrid, diarylheptanoids, phenylethanoid glycoside.
-
Acid hữu cơ từ quả Thảo quả gồm acid béo, aliphatic alcohol, aliphatic aldehyde và aliphatic ester. Bên cạnh đó, khoảng 49 acid hữu cơ khác cũng được ghi nhận trong tinh dầu quả Thảo quả.
Tác dụng - Công dụng
Theo y học cổ truyền
Theo các tài liệu Y học cổ truyền, Thảo quả có vị cay, tính ấm, không độc. Quy vào 2 kinh Tỳ và Vị. Có công dụng táo thấp, trừ đờm, trừ đầy trướng, tiêu thực, chữa sốt rét và trừ khí độc ôn dịch.
Bên cạnh đó, còn có công dụng làm ấm Tỳ Vị, giảm nôn mửa, ích nguyên khí, trị chứng hàn thấp, giải được rượu độc, hàn đờm, trị đau bụng, trừ hôi miệng.
Theo y học hiện đại
Một số công dụng đã được ghi nhận của Thảo quả bao gồm
Giảm huyết áp
Nghiên cứu khi sử dụng 3g thảo quả/ngày ở 20 người trưởng thành bị cao huyết áp cho thấy sau 12 tuần, chỉ số huyết áp trở về mức bình thường. Công dụng này là do hàm lượng các chất oxy hóa trong thảo quả cao, mang lại tác dụng hạ huyết áp rõ rệt.
Một số chuyên gia cho rằng Thảo quả có thể giúp giảm huyết áp vì có tác dụng lợi tiểu. Thảo quả được ghi nhận có thể thúc đẩy tiểu tiện, từ đó thải lượng nước dư thừa ra khỏi cơ thể.
Chống ung thư
Một số hợp chất có trong Thảo quả được ghi nhận với công dụng chống lại tế bào ung thư. Nghiên cứu trên chuột cho thấy bột từ quả của cây Thảo quả làm gia tăng hoạt động của một số loại enzyme giúp chống lại ung thư. Bên cạnh đó, dược liệu Thảo quả còn tăng khả năng tiêu diệt các tế bào tấn công trực tiếp vào khối u.
Kháng viêm
Viêm kéo dài có nguy cơ tiến triển thành tình trạng mãn tính. Thảo quả với thành phần các chất chống oxy hóa cao giúp bảo vệ tế bào trước nguy cơ bị tổn thương, giúp ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm xảy ra.
Cải thiện tiêu hóa
Kết hợp Thảo quả cùng các loại dược liệu khác có thể làm giảm các triệu chứng trên đường tiêu hóa như buồn nôn, khó chịu. Những nghiên cứu trên thảo quả đã chỉ công dụng làm giảm các triệu chứng trên dạ dày, nhất là làm lành vết loét. Bên cạnh đó, Thảo quả còn được ghi nhận công dụng bảo vệ chống lại vi khuẩn Hp (tác nhân gây viêm loét dạ dày).
Giải quyết nhiễm trùng, kháng khuẩn
Chiết xuất và tinh dầu từ dược liệu Thảo quả có chứa hợp chất với công dụng chống lại một số loại vi khuẩn, vi nấm bao gồm Candida, Staphylococcus, E. coli (những tác nhân thường gặp gây ngộ độc thực phẩm).
Nhưng những nghiên cứu về công dụng kháng khuẩn chỉ được thực hiện trên các chủng vi khuẩn cô lập trong phòng thí nghiệm. Vì vậy, cần có những nghiên cứu khác để xác minh công dụng tương tự trên người.
Hạ đường huyết
Sử dụng Thảo quả ở dạng bột đã được ghi nhận có thể làm giảm đường huyết. Các nghiên cứu trên chuột có ăn nhiều chất béo và thực phẩm giàu carb cho thấy lượng đường huyết của chúng tăng cao hơn so với chuột có chế độ ăn bình thường.
Một số công dụng khác
-
Bảo vệ gan bằng cơ chế làm giảm men gan, cholesterol, triglyceride. Với công dụng này, thảo quả giúp ngăn ngừa nguy cơ tổn thương gan, giảm nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ.
-
Giảm tâm lý lo lắng, hồi hộp nhờ nồng độ chất chống oxy hóa trong máu, có liên quan với nguy cơ mắc phải các chứng rối loạn tâm trạng, đặc biệt là lo âu.
Cách dùng - Liều dùng
Liều sử dụng thông thường là từ 3 – 6g/ngày. Có thể sử dụng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác để tăng hiệu quả, sắc lấy nước uống hay làm thành thuốc viên.
Chữa hôi miệng: Sử dụng Thảo quả giã dập, ngậm trong miệng và nuốt nước.
Chữa sốt, sốt rét, đặc biệt dùng trong trường hợp sốt ít, rét nhiều, đại tiểu tiện nhiều quá, không ăn được: Thảo quả 10g, Kha tử 10g, Sinh khương 7 miếng, Táo đen 2 quả, nước 600ml, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.
Chữa sốt rét mới khỏi, hỗ trợ tiêu hoá, ăn ngon: Dùng 4g mỗi vị gồm Thảo quả, Bạch chỉ, Tứ tô, Xuyên khung, Thanh quất bì, Cam thảo và 2g Cao lương khương. Đem tất cả sắc lấy nước uống.
Chữa Tỳ hư tiết tả, đau bụng, đầy trướng: Sử dụng Thảo quả phối hợp Sa nhân, Thần khúc, Cam thảo, Gừng, Mạch nha, Táo (với lượng bằng nhau). Đem sắc lấy nước uống.
Chữa xích bạch lỵ, Tỳ Vị nóng lạnh bất hoà, sốt, đại tiện ra máu: Sử dụng Thảo quả, Địa du, Cam thảo, Chỉ xác, Táo nhỏ (với lượng bằng nhau). Mỗi lần sử dụng 6g, thêm Gừng và sắc nước uống.
Chữa chứng hàn thấp, tích đọng, trướng đầy, đau bụng, tức ngực: Sử dụng Thảo quả (nướng chín) 5g, Hậu phác 9g, Cao lương khương 5g, Hoắc hương 9g, Thần khúc 6g, Gừng sống 9g, Thanh bì 6g, Đinh hương 3g, Cam thảo 3g, Đại táo 9g. Đem tất cả sắc lấy nước uống.
Lưu ý
Thảo quả là một loại dược liệu rất tốt cho sức khỏe, tuy nhiên khi sử dụng cần có một số lưu ý sau:
-
Người bị cảm nắng, đi tả dữ dội, nước tiểu đỏ, miệng khô đắng không dùng.
-
Chứng âm hư, thiếu máu, không hàn thấp, thực tà không dùng.
-
Phụ nữ mang thai và cho con bú không được dùng quá nhiều để tránh bị tức ngực, đau bụng và khó thở.
-
Bệnh nhân bị sỏi mật, sỏi thận cần thận trọng, chú ý hỏi ý kiến chuyên gia trước khi sử dụng.
-
Không dùng thảo quả khi bị thiếu máu, thể trạng gầy yếu.
Nguyên tắc khi sử dụng Thảo quả là bóc bỏ lớp vỏ bên ngoài. Nếu cần mùi thơm nồng và đậm vị lan tỏa thì có thể đập thật nhỏ trước khi đem đi chế biến. Thảo quả có thể được dùng trong làm thuốc, gia vị hoặc ngâm rượu. Để đảm bảo hương vị ngon trọn vẹn thì khi ngâm rượu nên dùng dao để cắt đôi quả.