THỎ TY TỬ

Thỏ ty tử là một vị thuốc được sử dụng khá nhiều trong dân gian. Theo Y học cổ truyền, dược liệu này có rất nhiều công dụng tốt với sức khỏe. Sau đây hãy cùng tìm hiểu về Thỏ ty tử, công dụng, cách dùng và những lưu ý khi sử dụng.

daydreaming distracted girl in class

THỎ TY TỬ

Giới thiệu về dược liệu

Thỏ ty tử có tên khoa học là Cuscuta sinensis Lam. (hoặc Cuscuta hygrophilae Pears.), thuộc họ Bìm bìm (Convolvulaceae), hay còn được gọi với cái tên khác là Tơ hồng, Miễn từ, Đậu ký sinh hay hạt cây tơ hồng. Semem Cuscutae sinensis là tên khoa học của phần hạt phơi hoặc sấy khô dược liệu này

Cây tơ hồng (dây tơ hồng) là một loại ký sinh sông cuốn trên các cây khác. Phần thân cây hình sợi, màu vàng hoặc đỏ nâu nhạt. Thỏ ty tử không có lá, mà đã biến thành vảy. Cây có rễ mút, có chức năng hút dinh dưỡng từ cây chủ. Ít thấy hoa, có hình cầu vàng trắng nhạt, không có cuống và mọc tụ thành chùm từ 10 – 20 hoa. Quả có hình cầu, chiều ngang rộng hơn so với chiều cao, khoảng 3mm. Quả có đường nứt từ dưới đi lên. Số lượng hạt thường từ 2 – 4, có dạng hình trứng với phần đỉnh dẹt, dài 2mm.

Dây tơ hồng thường phát triển rất nhanh, mọc trùm kín tán cây chủ từ đó khiến cây không ra hoa kết trái. Chính vì vậy, cây chủ sẽ chết dần dần. Dây tơ hồng thường sống kí sinh trên các loài cây bụi chẳng hạn cúc tần, chè hàng rào… hay các cây gỗ như nhãn vải, ổi...

Thỏ ty tử phân bố rộng rãi ở khu vực Đông Á, cho đến Đông Nam Á, bao gồm các quốc gia như Việt Nam, Lào, Thái Lan, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Campuchia.

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Bộ phận sử dụng làm thuốc là hạt của dây tơ hồng.

Cây tơ hồng mọc khắp nơi trên cả nước. Tuy nhiên, nhân dân ta ít dùng phần hạt mà thường hái cả cây, phơi khô. Hạt cây tơ hồng còn được gọi là thỏ ty tử chủ yếu vẫn được nhập từ Trung Quốc. Tại Trung Quốc, vào tháng 8 – 9 người dân sẽ hái cả cây về phơi khô, sau đó đập lấy hạt, lọc bỏ tạp chất.

Ở miền Bắc, thường gặp Tơ hồng ký sinh trên cây cúc tần (tên khoa học Pluchea indica, họ Cúc Asteraceae (Compositae)). 

Thỏ ty tử chế muối: tiến hành phun nước muối nên dược liệu sạch. Sau đó, trộn đều cho hạt ngấm nước và sao nhỏ lửa tới khi hạt hơi phồng lên, để nguội. Mỗi 100kg dược liệu tương ứng 2kg muối.

Thành phần hóa học

Thành phần hóa học được tìm thấy trong hạt Dây tơ hồng là Alkaloid (cuscutamin), Lignan (cuscutosid A, cuscutosid B, acid clorogenic, acid caffeic, arbutin), flavonoid (astragalin, quercetin, hyperin…), acid p. coumaric, các loại dầu béo có 9 acid béo.

Tác dụng - Công dụng

Theo y học cổ truyền

Theo Đông y, Thỏ ty tử có vị ngọt, cay, tính ôn ấm. Quy kinh Can, Thận. Hạt của Dây tơ hồng có công dụng bổ can thận, ích tinh tủy và mạnh gân cốt. Sử dụng trong trường hợp thận hư tinh lạnh (chẩn đoán theo y học cổ truyền), chân lưng mỏi đau, đau lưng mỏi gối, liệt dương, di tinh, tiểu tiện đục, tai ù mắt mờ, sử dụng lâu ngày giúp cải thiện nhan sắc.

Theo y học hiện đại

Tác động lên hệ sinh sản

Thành phần flavonoid trong vị thuốc này có tác động lên hệ sinh sản và nội tiết thí nghiệm trên chuột đực. Thỏ ty tử làm tăng trọng lượng của tinh hoàn, mào tinh, tuyến yên ở chuột. Bên cạnh đó, nó còn kích thích tiết hormone testosterone và LH. Nghiên cứu này là bằng chứng bước đầu cho thấy công dụng của Thỏ ty tử.

Công dụng kháng viêm

Dịch chiết từ hạt Dây tơ hồng đã cho thấy hiệu quả ức chế các hóa chất trung gian gây viêm bao gồm NO, prostaglandin 2, giảm sản xuất TNF-α, IL-1β và IL-6, ngăn chặn biểu hiện của iNOS và COX-2. Kết quả của nghiên cứu này cho thấy rằng chiết xuất Thỏ ty tử có khả năng ngăn chặn phản ứng viêm.

Kích thích miễn dịch

Khi thử nghiệm trên mô hình chuột ăn thiếu protein, dịch chiết từ hạt của Dây tơ hồng làm tăng tỷ lệ của trọng lượng lách so với cơ thể. Bên cạnh đó, làm tăng lượng protein và albumin toàn phần trong máu.

Tác động lên u nhú và carcinom da

Nghiên cứu về tác động của dịch chiết thỏ ty tử, các chuyên gia đã cho chuột uống mỗi ngày 3 lần và theo dõi lên tới 252 ngày. Kết quả chỉ ra rằng vị thuốc này làm chậm sự xuất hiện và quá trình phát triển của u nhú. Từ đó giúp giảm tỷ lệ chuột có carcinom. Kết quả này cho thấy khả năng dự phòng khối u của dược liệu này.

Cách dùng - Liều dùng

Liều dùng thông thường của Thỏ ty tử là từ 8 – 16 gam, được phối hợp trong nhiều bài thuốc chữa bệnh khác nhau.

Chữa suy nhược ở người cao tuổi: Sử dụng 8g mỗi loại gồm Thỏ ty tử, Sơn thù, Đương quy, Phụ tử chế; 16 g Thục địa; 12 g mỗi loại gồm Lộc giác giao và Đỗ trọng; 10 g mỗi loại gồm Kỷ tử và Nhục quế. Sắc lấy nước uống.

Chữa thận hư không tàng tinh, di tinh: Sử dụng 8g mỗi vị gồm Thỏ ty tử, Hoài sơn, Kỷ tử, đương quy, Đỗ trọng, Phụ tử chế; 12 g mỗi vị gồm Thục địa, Cao ban long; 6 g Sơn thù và 4 g Nhục quế. Đem tất cả dược liệu tán thành bột làm hoàn, mỗi ngày uống 10 – 20 g. Hoặc đem tất cả sắc lấy nước uống.

Chữa liệt dương: Sử dụng Thỏ ty tử 12 g, Thục địa 12 g, Phá cố chỉ 12 g, Bá tử nhân 12 g, Lộc giác giao 20 g, Phục linh 12 g. Đem tất cả dược liệu làm hoàn, mỗi ngày uống từ 20 – 30 g.

Thất bảo mỹ nhiệm đơn: Bài thuốc này gồm Thỏ ty tử, Hà thủ ô, Đương quy, Phá cố chỉ, Bạch phục linh, Ngưu tất, Câu kỷ tử; được sử dụng trong y học cổ truyền từ thời nhà Minh (Trung Quốc thế kỷ 14 CN) với công dụng bổ thận và bổ cốt. Ngoài ra còn ghi nhận với hiệu quả điều trị loãng xương, đặc biệt ở phụ nữ sau mãn kinh, giúp giảm cân, giảm tình trạng bốc hỏa thường gặp ở phụ nữ mãn kinh. Trên chuột thí nghiệm cho thấy khả năng giảm teo âm đạo, tử cung, tuyến vú. Ngoài ra còn tăng biểu hiện của thụ thể estrogen trong các cơ quan sinh sản, hỗ trợ điều hòa nồng độ estradiol, FSH, LH trong máu.

Bổ thận hoạt huyết: Bài thuốc gồm Thỏ ty tử, Hoàng kỳ, Đương quy, Xuyên khung, Tục đoạn, Tang ký sinh, được sử dụng với công dụng điều tiết hormone buồng trứng và các thụ thể. Bên cạnh đó còn giúp điều chỉnh sự phát triển của mạng lưới nội mạc tử cung trong giai đoạn mang thai. Vì vậy, được sử dụng trong ngăn ngừa sẩy thai.

Lưu ý

Người dễ cường dương, bí đại tiện thì không sử dụng.

 

Có thể bạn quan tâm?
THẠCH SÙNG

THẠCH SÙNG

Thạch sùng một loài bò sát, thường gặp rất nhiều xung quanh cuộc sống của chúng ta. Thế nhưng, thạch sùng lại là một vị thuốc quý, được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc cổ Y học cổ truyền để trị những căn bệnh nan y. Thạch sùng, còn được gọi với tên khác là thằn lằn, thiên long, mối rách, bích cung, bích hổ,... Loài vật này thuộc họ Tắc kè, có danh pháp khoa học là Gekkonidae. Theo y học, Thạch sùng được sử dụng với các công dụng chữa bệnh bao gồm ức chế tế bào ung thư gan, chống co giật, hỗ trợ chống ung thư máu, trị suy nhược thần kinh. Sau đây, hãy cùng tìm hiểu về những đặc tính của Thạch sùng, bao gồm tác dụng, cách dùng và lưu ý khi sử dụng.
administrator
TỬ UYỂN

TỬ UYỂN

Tử uyển (Aster tataricus) là một loài thực vật thuộc họ Cúc, được sử dụng trong y học cổ truyền với công dụng giảm viêm, giảm đau và hỗ trợ tiêu hóa. Sau đây hãy cùng tìm hiểu về Tử uyển và cách sử dụng tốt nhất cho sức khỏe nhé.
administrator
HƯƠNG NHU

HƯƠNG NHU

Hương nhu là một loại dược liệu có tác dụng kích thích, chống co thắt, sát trùng, xua đuổi côn trùng, đuổi ký sinh trùng bên trong, hạ sốt, trị cảm lạnh, cảm sốt, nhức đầu, liệt dương, đầy hơi, tiêu chảy, kiết lỵ, hậu sản, giun ở trẻ em, chữa thấp khớp, đau thắt lưng,…
administrator
TINH DẦU HƯƠNG THẢO

TINH DẦU HƯƠNG THẢO

Hương thảo là một loại gia vị quen thuộc trong nền ẩm thực, được sử dụng phổ biến trên toàn thế giới. Không những thế, Hương thảo còn có nguồn tinh dầu với nhiều công dụng tuyệt vời đối với sức khỏe. Sau đây hãy cùng tìm hiểu về tinh dầu Hương thảo và cách sử dụng hiệu quả nhé.
administrator
MẬT KỲ ĐÀ

MẬT KỲ ĐÀ

Mật kỳ đà là vị thuốc được lưu truyền rộng rãi trong dân gian với các công dụng rất hữu ích như giúp giải độc, chữa các chứng co giật hay co thắt ở trẻ em, bồi bổ sức khỏe và những công dụng khác nhờ vào sự đa dạng trong thành phần mà vị thuốc này mang đến.
administrator
DẦU HẠNH NHÂN

DẦU HẠNH NHÂN

Dầu hạnh nhân được ép từ hạnh nhân tươi nguyên chất. Bên trong chúng chứa hàm lượng axit béo lớn tốt cho cơ thể vì vậy nó là nguyên liệu tuyệt vời để làm dầu. Ngoài ra nhờ vào số lượng vitamin và khoáng chất khá nhiều trong dầu mà chúng có lợi ích rất tích cực đối với sức khỏe cơ thể. Trong mỗi hạt hạnh nhân chứa 1/2 trọng lượng là dầu. Hạt hạnh nhân chín sẽ được ép dầu, nếu không qua tinh chế thì gọi là dầu hạnh nhân thô. Dầu này có đầy đủ dưỡng chất và giữ được hương vị cho dầu. Sau đó, dầu thô được đem đi tinh chế bằng hóa chất và nhiệt độ cao. Dầu trở thành dầu tinh luyện. Dầu tinh luyện chịu được nhiệt độ tốt hơn dầu thô.
administrator
TANG DIỆP

TANG DIỆP

Vị thuốc Tang diệp thực chất là lá của cây Dâu tằm được thu hái, phơi và sấy khô để sử dụng. Cây Dâu tằm là một loài cây rất phổ biến đối với mọi người bởi những giá trị dinh dưỡng và kinh tế mà nó mang lại khi có thể sử dụng như một loại trái cây hay chế biến thành những sản phẩm với hương vị hấp dẫn.
administrator
LÁ KHẾ

LÁ KHẾ

Lá khế, hay còn được biết đến với những tên gọi: Khế chua, ngũ từ liêm, dương đào, khế giang. Lá khế từ lâu đã là vị thuốc được dân gian sử dụng để trị mề đay, mẩn ngứa. Loại lá này tươi thường được ông bà ta nấu nước tắm cho các trẻ bị mề đay, rôm sảy… khi mà chưa có nhiều loại thuốc tắm cho em bé như bây giờ. Ngoài ra, lá tươi còn được nghiên cứu rộng rãi, có nhiều ứng dụng tuyệt vời khác. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của dược liệu này.
administrator