Giới thiệu về dược liệu
Lá thúi địch còn được gọi với tên khác là dây mơ lông hay ngưu bì đống.
Tên nước ngoài là King’s tonic hay stinky opal berry (Anh).
Tên khoa học Paederia foetida L. với “Foetida” theo tiếng La tinh là mùi hôi, bốc mùi; thuộc họ Cà phê (Rubiaceae).
Thúi địch là cây dạng leo thân quấn, sống nhiều năm với phần thân màu lục hay tím đỏ, phát triển rất tốt. Phần lá có đầu nhọn, hình trứng hoặc bầu dục, ở giữa có đường gân nổi. Lá thường mọc đối nhau trên thân, chiều dài từ 5 – 10 cm và rộng từ 2 – 4 cm, với phần mặt trên có màu xanh và mặt dưới có màu tím với lớp lông mịn. Gốc lá tròn hoặc hình tim với cuống dài.
Khi vò nát, lá mơ lông này có thể tỏa ra mùi hôi. Đây chính là lý do mà nhiều nơi gọi loại thảo dược này là lá thúi địch.
Hoa có màu trắng có điểm màu tím nhạt và mọc ra từ nách lá hoặc đầu ngọn thành xim, có thể mọc thành từng chùm. Quả hình tròn dẹt và màu vàng, nhẵn màu nâu bóng.
Lá thúi địch rất phổ biến và có thể tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới. Cây thúi địch phân bố chủ yếu ở khu vực cận nhiệt đới, nhiệt đới như châu Á và Nam Mỹ. Tại Việt Nam có 5 loài, và trong đó Paederia foetida là loài phổ biến nhất. Ở nước ta, cây thường mọc hoang dại ở những hàng rào, ưa sáng ẩm và chịu bóng râm. Khi sử dụng làm thuốc, người ta thường dùng phần lá. Có thể sử dụng cả lá tươi hoặc lá đã phơi khô.
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến
Bộ phận dùng làm thuốc của cây thúi địch có thể toàn cây, đa số là lá. Thường thu hái lá tươi khi cần dùng.
Thành phần hóa học
Trong lá thúi địch có chứa protein (44,6 %), bao gồm:
-
Argenin.
-
Lysin.
-
Threonine.
-
Histidin.
-
Cystin.
-
Tyrosin.
-
Methionin.
-
Valin.
-
Tryptophan.
-
Phenylalanine.
Ngoài ra, trong cây còn chứa tinh dầu với mùi hăng của disulfua carbon. Mùi thối đặc trưng của mơ lông là từ methyl mercaptan. Bên cạnh đó, cây thúi địch còn có một lượng acid béo.
Tác dụng - Công dụng
Lá thúi địch đã được sử dụng rất phổ biến trong các bài thuốc dân gian từ xa xưa. Loại thảo dược này có những công dụng rất tốt trong điều trị các bệnh trên đường tiêu hóa bao gồm đầy bụng, viêm đại tràng, tiêu chảy,...
Theo Y học cổ truyền, loại dược liệu này có tính bình, vị đắng, ngọt, có công dụng thanh nhiệt, giải độc rất hiệu quả, đồng thời hỗ trợ rất tốt cho hệ tiêu hóa.
Theo Y học hiện đại, cây thúi địch có chứa một số hợp chất với công dụng tương tự với thuốc kháng sinh, từ đó mang lại công dụng kháng viêm, ức chế hoạt động của một số vi khuẩn vô cùng hiệu quả.
Theo Y học hiện đại
Hoạt tính kháng viêm
Chiết xuất từ lá mơ lông có công dụng kháng viêm, đã được ghi nhận trên chuột. Hoạt tính kháng viêm do công dụng ức chế di chuyển bạch cầu, các hóa chất trung gian của phản ứng viêm. Đồng thời hiệu quả kháng viêm thông qua ức chế hình thành mô hạt ở chuột cấy viên cotton.
Dịch chiết lá mơ lông thấy khả năng kháng viêm giống cơ chế của DMARD – Thuốc điều trị thấp khớp tác dụng chậm. Kết quả này hứa hẹn sẽ mang lại lợi ích cho những bệnh nhân viêm khớp trong tương lai.
Tác dụng chống vi khuẩn lỵ
Lỵ là một tình trạng nhiễm trùng tiêu hóa nghiêm trọng, gây tiêu chảy với phân lỏng kèm nhầy và máu. Đi ngoài thường xuyên có thể gây mất nước, rối loạn điện giải và nặng hơn là suy thận hay nhiễm trùng huyết.
Các nghiên cứu ở động vật cho thấy lá mơ lông có hiệu quả ức chế sự phát triển của:
-
Shigella flexneri.
-
Entamoeba histolytica.
Các triệu chứng của lỵ thường do các tác nhân trên gây ra. Bên cạnh đó chiết xuất từ lá có thể giúp làm giảm nhu động đường tiêu hóa, hỗ trợ tăng hấp thu nước và điện giải. Vì vậy có cơ sở cho việc sử dụng thành phần này trở thành thuốc chống tiêu chảy.
Tác dụng giảm đường huyết
Nồng độ đường trong máu tăng cao kéo dài là nguy cơ làm gia tăng xuất hiện các biến chứng trên bệnh nhân đái tháo đường. Các triệu chứng thường xuất hiện ở các cơ quan như não, mắt, tim, thận… Chiết xuất từ lá Paederia foetida L. với công dụng hạ đường huyết thông qua cơ chế kích thích tụy sản xuất insulin trên chuột thí nghiệm. Đồng thời nó còn giúp giảm lipid máu, giúp làm chậm sự xuất hiện của các biến chứng đái tháo đường.
Khả năng chống giun sán
Nhiễm giun sán là một trong tình trạng bệnh nhiễm ký sinh trùng phổ biến trên thế giới. Bệnh lý này lây qua trứng trong phân người. Từ đó có thể làm ô nhiễm đất ở những nơi kém vệ sinh.
Chiết xuất của lá có công dụng tốt trong hoạt tính chống lại giun lươn Trichostrongylus và giun tròn Haemonchus spp. Bên cạnh đó, có tác động vừa phải đối với giun móc Bunostomum và sán dây Moniezia spp.
Theo Y học cổ truyền
Lá mơ lông có tính mát, vị hơi đắng, mặn và mùi hôi. Theo dân gian, lá thúi địch có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, thường được sử dụng để chữa chứng phong thấp, đau nhức, kiết lỵ, đau bụng, đầy bụng hay chậm tiêu.
Cách dùng - Liều dùng
Liều dùng thông thường của lá mơ lông là 20 – 30g/ngày, nhưng có thể dùng đến 50g và vẫn an toàn. Nếu sử dụng ít, với công dụng như một loại rau thơm thì lá thúi địch có tác dụng thanh nhiệt, chống dị ứng.
Nên sử dụng đúng liều lượng được khuyến cáo hoặc hướng dẫn của bác sĩ.
Không sử dụng nếu bị dị ứng với bất cứ thành phần nào trong lá thúi địch.
Có thể sử dụng lá để làm thuốc. Dù ăn sống, đắp ngoài, sắc nước uống cũng nên ngâm trong nước muối từ 20 phút để khử khuẩn.
Chữa kiết lỵ
Một số thành phần trong lá thúi địch có công dụng tiêu diệt các loại vi khuẩn, bao gồm cả các loại vi khuẩn gây ra kiết lỵ như vi khuẩn shigella và amip. Sử dụng lá thúi địch tươi (từ 30 - 50g) trộn đều cùng trứng gà sống. Sau đó, bọc hỗn hợp này lại bằng lá chuối, đem nướng chín hay dùng chảo (không dầu) để đun cho vàng hai mặt.
Để phát huy hết tác dụng, cần sử dụng liên tục từ 2 đến 3 ngày. Trong quá trình chế biến cần lưu ý, không sử dụng lòng trắng trứng nhằm hạn chế nguy cơ khó tiêu. Ngoài ra, cần đảm bảo lá chuối còn tươi để giúp lá thúi địch chín từ từ, từ đó hạn chế nguy cơ mất tinh dầu.
Chữa ăn khó tiêu, sôi bụng khi ăn thức ăn sống lạnh
Sử dụng một nắm lá thúi địch tươi, rửa sạch và giã nát lấy nước uống. Có thể sử dụng ăn cùng với thức ăn vẫn có hiệu quả. Ăn liền trong 2 – 3 ngày.
Trị giun kim và giun đũa
Sử dụng lá thúi địch giã nhỏ, thêm một ít muối ăn sống hay vắt lấy nước uống, tùy vào khẩu vị mà thực hiện. Sử dụng liên tiếp bài thuốc vào 3 buổi sáng. Lưu ý, cần sử dụng khi đói để có thể trị bệnh giun hiệu quả.
Trị đau nhức xương khớp, phong thấp ở người già
Sử dụng phần thân và lá thúi địch, nấu lấy nước uống vài lần trong ngày. Giã nát lá và cho nước sôi vào, hãm như uống trà. Khi cần có thể thêm một chút rượu. Phơi khô phần lá cây, thân cây, sau đó ngâm với rượu trong vòng 10 ngày. Mỗi ngày uống từ 1 - 2 ly. Bên cạnh đó, có thể dùng rượu ngâm từ lá và thân cây để xoa lên phần khớp bị đau.
Làm lành vết thương ngoài da
Sử dụng vài lá thúi địch giã nát, sử dụng đắp trực tiếp lên khu vực tổn thương. Thực hiện mỗi ngày 2 lần. Trước khi sử dụng cần lưu ý rửa kỹ lá cùng nước muối để diệt khuẩn và ngăn ngừa nhiễm trùng cho vết thương.
Chữa suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ
Sử dụng khoảng 15 g rễ lá thúi địch cùng với 1 cái dạ dày lợn đã thái nhỏ. Thêm phần rễ cây và dạ dày lợn vào nồi, sắc cùng 2 chén nước cho đến khi còn 1 chén nước. Sau đó, chia lượng thuốc đã sắc thành 2 phần và cho trẻ uống trong ngày.
Điều trị viêm đại tràng
Rửa sạch và băm nhỏ lá. Chuẩn bị một ít gừng tươi và giã nhuyễn, sau đó lọc lấy nước cốt. Trộn nước cốt gừng cùng lá thúi địch và trứng gà. Tiến hành chưng cách thủy và ăn ngay khi vừa chín tới. Mỗi ngày thực hiện một lần và kiên trì trong vòng 15 ngày để nhận thấy các triệu chứng cải thiện rõ rệt.
Trị chứng bí tiểu
Sử dụng lá thúi địch để sắc nước uống. Thực hiện từ 2 - 3 lần, bạn sẽ thấy tình trạng bí tiểu cải thiện rõ rệt.
Lưu ý
Lá thúi địch là một loại thảo dược quen thuộc, được sử dụng rất phổ biến trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, rất ít người quan tâm cũng như tìm hiểu về loại thảo dược này để đảm bảo mang lại hiệu quả tốt nhất. Khi sử dụng lá cây thúi địch, cần lưu ý những ý sau:
-
Những bài thuốc trên chỉ có tác dụng hỗ trợ trong cải thiện triệu chứng bệnh, không thể sử dụng đơn lẻ để điều trị bệnh triệt để.
-
Không lạm dụng để tránh gặp phải những tác dụng không mong muốn.
-
Không sử dụng lá cây thúi địch nếu bị dị ứng với các thành phần trong lá.
-
Không sử dụng các bài thuốc để thay thế các phương pháp điều trị từ bác sĩ.
-
Đối với trường hợp ăn sống, đắp thuốc hay sắc nước thì đều cần rửa sạch lá trước khi sử dụng. Tốt nhất là rửa sạch cùng nước muối để có tác dụng khử trùng tốt nhất.
-
Trong quá trình sử dụng thuốc, cần sinh hoạt và ăn uống khoa học để tăng hiệu quả cũng như rút ngắn quá trình điều trị.