TINH DẦU HOA ANH THẢO

Tinh dầu hoa anh thảo là một chế phẩm ngày càng phổ biến, thường có trong các sản phẩm thực phẩm chức năng hay thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Thành phần này được ghi nhận có nhiều công dụng điều trị nhiều bệnh lý mạn tính. Thế nhưng, không phải ai cũng biết rõ và có thể sử dụng tinh dầu Hoa anh thảo hợp lý. Sau đây hãy cùng tìm hiểu về tinh dầu Hoa anh thảo và những công dụng tuyệt vời của nó nhé.

daydreaming distracted girl in class

TINH DẦU HOA ANH THẢO

Giới thiệu về dược liệu

Hoa anh thảo, tên khoa học là Oenothera biennis, họ Onagraceae. Loài dược liệu này có nguồn gốc từ châu Mỹ, nhưng tới nay phổ biến nhiều ở châu Âu và châu Á. 

Bên cạnh tinh dầu, một số người Mỹ bản địa cũng có sử dụng chất nhầy được ép từ thân và lá. Phương pháp này được sử dụng ngoài da, giúp làm dịu tình trạng viêm trên da, giảm các vết bầm tím và vết thương nhỏ.

Tinh dầu hoa anh thảo được biết đến nhiều nhất với công dụng đối với sức khỏe phụ nữ, kiểm soát các bệnh phụ khoa.

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Tinh dầu hoa anh thảo là phần dầu được chiết xuất từ hạt của cây. Tinh dầu Hoa anh thảo có chứa nhiều loại axit béo thiết yếu, có công dụng hình thành màng tế bào, bổ sung các hormone và các chất tương tự hormone cho cơ thể. Bên cạnh đó, tinh dầu Hoa anh thảo cũng có chứa axit béo omega-6, có trò quan trọng trong duy trì và phát triển các chức năng của não, hỗ trợ tăng trưởng và phát triển bình thường của cơ thể.

Thành phần tinh dầu Hoa anh thảo thu được bằng cách chiết xuất với phương pháp ép lạnh hoặc dung môi.

Thành phần hóa học

Thành phần hóa học chứa trong hạt bao gồm dầu béo khoảng 24%, đa số là axit linolic, γ-linolenic, palmitic, oleic, stearic. Bên cạnh đó, hạt cũng có chứa khoảng 15% protein, 43% lignans và cellulose. Hàm lượng dầu có trong hạt phụ thuộc nhiều vào độ tuổi, điều kiện trồng trọt và phát triển.

Trong lá Anh thảo hứa các hợp chất phenolic như ellagitannin và axit caffeoyl tartaric, flavonoid như quercetin glucuronide và kaempferol glucuronide, carbohydrate bao gồm arabinose, glucose, mannose, galactose, glucuronic, axit galacturonic; và tannin gồm oenothein A và oenothein B

Rễ Anh thảo được phân lập và tìm thấy các sterol (bao gồm oenothera lanosterol A, oenothera lanosterol, sitosterol), axit maslinic loại triterpene pentacyclic, axit oleanolic, tannin, carbohydrate, xanthone và các dẫn xuất.

Tác dụng - Công dụng

Tác dụng sinh học được ghi nhận của tinh dầu Hoa anh thảo là nhờ vào các thành phần hóa học. Những hoạt chất chính mang hoạt tính sinh học bao gồm các axit béo, chủ yếu là axit linoleic (LA), axit γ-linolenic (GLA) thuộc nhóm axit omega-6. Những axit béo này đã được khoa học chứng minh là có nhiều công dụng đối với sức khỏe.

Tác dụng chống oxy hóa

Theo một số nghiên cứu trước đây, hoạt tính chống oxy hóa của tinh dầu hoa anh thảo được ghi nhận khá rõ ràng. Hàm lượng các chất chống oxy hóa của nó cao hơn so với cây chè xanh (tên khoa học là Camellia sinensis L.) cũng như cây phỉ (tên khoa học là Corylus avellana L.). Nhưng, hàm lượng của các chất chống oxy hóa ảnh hưởng nhiều bởi điều kiện địa lý – khí hậu, bộ phận sử dụng cũng như phương pháp chiết xuất.

Tác dụng kháng khuẩn

Tinh dầu Hoa anh thảo có công dụng ức chế đáng kể sự phát triển của một số loại vi khuẩn và nấm, bao gồm S. aureus, E. coli, P. aeruginosa, S. epidermidis, C. albicans, Salmonella typhimurium, A.niger. Tác động này của tinh dầu được cho là do nhóm hợp chất phyto, oenothera lanosterol B và dihydroxy prenyl xanthone acetylated.

Lợi ích trên da

Tăng tính đàn hồi

Axit linoleic có trong hoa anh thảo đã được nghiên cứu là có vai trò quan trọng với sức khỏe của làn da, đặc biệt là lớp sừng. Hoạt chất này có công dụng ngăn ngừa da bị bong tróc, giảm mất nước qua biểu bì. Bên cạnh đó, nó còn giúp cải thiện độ mềm mại và đàn hồi của da, điều chỉnh quá trình sừng hóa của lớp biểu bì. Những người bị thiếu hụt axit linoleic sẽ làm giảm khả năng bảo vệ của lớp sừng. Tuy nhiên, các nghiên cứu về hiệu quả này được thực hiện khi bôi và uống tinh dầu Hoa anh thảo.

Viêm da dị ứng

Đối với bệnh viêm da dị ứng, các chuyên gia đã ghi nhận được sự suy giảm axit γ-linolenic và các chất chuyển hóa khác của nó. Các nghiên cứu chỉ ra rằng sử dụng tinh dầu Hoa anh thảo qua đường uống, với thành phần chứa axit γ-linolenic; sẽ giúp giảm các triệu chứng của tình trạng viêm da dị ứng. Nhưng các chuyên gia vẫn đề nghị cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu khác để tìm hiểu rõ hơn về cơ chế và hiệu quả của nó.

Giảm tác dụng phụ do isotretinoin

Những người bị mụn trứng cá đang điều trị bằng isotretinoin thường có làn da khô, bong tróc do tác dụng phụ. Tinh dầu Hoa anh thảo có hiệu quả giữ ẩm, mang đến nhiều lợi ích cho da. Sử dụng dầu hoa anh thảo được cho là giúp cải thiện sự cân bằng nước trên da, đã bị suy yếu do quá trình điều trị bằng isotretinoin.

Làm sáng da, ức chế melanin

Tyrosinase, một enzyme liên quan tới quá trình hình thành sắc tố melanin ở da; góp phần tạo nên màu sắc da, cũng như vết thâm, nám và sạm da. Tinh dầu hoa anh thảo với cơ chế làm giảm sản xuất melanin, sẽ hỗ trợ làm sáng da tùy vào liều lượng. Tác động này được nghiên cứu là do cơ chế giảm hoạt động của enzyme tyrosinase.

Kháng viêm

Axit linoleic, thành phần có trong tinh dầu Hoa anh thảo, thuộc nhóm axit béo thiết yếu. Cơ thể chúng ta không tự tổng hợp được loại axit này, và do đó cần phải bổ sung từ thực phẩm. Tinh dầu Hoa anh thảo có chứa hơn 70% axit linoleic và khoảng 9% axit γ-linolenic. Chính 2 thành phần này góp phần vào hoạt động bình thường của nhiều mô trong cơ thể, liên quan tới các quá trình viêm mãn tính (như trong viêm khớp dạng thấp hay bệnh đa xơ cứng). Cơ chế của chúng là tác động tới các hóa chất trung gian gây viêm, interleukins.

Thử nghiệm trên động vật, các chuyên gia đã cho thấy khi sử dụng tinh dầu Hoa anh thảo kết hợp với celecoxib giúp tăng hiệu quả kháng viêm, giảm các stress oxy hóa trên bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp.

Lợi ích tới sức khỏe phụ nữ

Hội chứng tiền kinh nguyệt

Hội chứng tiền kinh nguyệt là tình trạng đặc trưng bởi các triệu chứng cảm xúc và hành vi, xảy ra trong thời kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ. Những triệu chứng như lo lắng, trầm cảm, mệt mỏi, nổi mụn, đau đầu là rất phổ biến. Có tới 85% phụ nữ có kinh nguyệt gặp phải các triệu chứng này. Nguyên nhân là do sự suy giảm nồng độ của prostaglandin E1, do thiếu hụt các axit béo thiết yếu làm tăng đáp ứng với prolactin.

Các nghiên cứu cho thấy, phụ nữ sử dụng tinh dầu hoa anh thảo hàng ngày trong vòng ba tháng đã cải thiện đáng kể triệu chứng tiền kinh nguyệt.

Đau ngực theo chu kỳ

Đau ngực theo chu kỳ là tình trạng do sự thay đổi hormone trong chu kỳ kinh nguyệt. Sự suy giảm axit γ-linolenic và các dẫn xuất của nó khiến cho các mô vú nhạy cảm với hormone và gây ra triệu chứng này.

Nghiên cứu cho thấy sử dụng tinh dầu hoa anh thảo đường uống mỗi ngày, trong vòng 3 tháng có hiệu quả tương đương với thuốc Tây, nhưng tác dụng phụ lại thấp hơn đáng kể. Do đó, tinh dầu Hoa anh thảo có thể được khuyến khích sử dụng an toàn và hiệu quả trong điều điều trị chứng đau vú ở phụ nữ.

Bốc hỏa ở phụ nữ mãn kinh

Bốc hỏa là triệu chứng mãn kinh thường gặp nhất ở phụ nữ. Nghiên cứu trên 1296 phụ nữ mãn kinh tại Sydney cho kết quả rằng 66,3% các triệu chứng mãn kinh giảm rõ rệt trong vòng 6 tuần.

Rút ngắn thời gian chuyển dạ

Các nghiên cứu lâm sàng đã được thực hiện với tinh dầu hoa anh thảo trong việc rút ngắn thời gian chuyển dạ. Thành phần này với tiền chất prostaglandin E1 và E2 có tác động làm giãn cơ trơn, làm thay đổi trương lực cổ tử cung; từ đó giúp cổ tử cung giãn nở tốt hơn. Tác động này khiến cho quá trình chuyển dạ cần ít thời gian hơn.

Cách dùng - Liều dùng

Các chế phẩm trên thị trường có chứa tinh dầu Hoa anh thảo phổ biến ở dạng viên nang hoặc dung dịch uống. Một viên nang 1g tiêu chuẩn bao gồm 0,62 g axit linoleic, 0,08 g GLA, 0,062 g axit oleic.

Nhu cầu hàng ngày của cơ thể với các axit béo thiết yếu là 250 – 600mg axit γ-linolenic. Do đó, liều sử dụng hàng ngày của tinh dầu hoa anh thảo là 2,6 – 5,2 g. Tuy nhiên, thành phần này sẽ không cho hiệu quả ngay lập tức mà cần sử dụng thường xuyên lên tới 4 tháng.

Tùy theo mục đích khác nhau mà liều sử dụng thay đổi. Cần cân nhắc hỏi ý kiến của bác sĩ.

  • Điều trị eczema: sử dụng 1 – 4 viên dầu hoa anh thảo, uống 2 lần/ngày trong 12 tuần. Đối với dạng kem bôi, có thể bôi 1 ml dầu hoa anh thảo nồng độ 20% lên da 2 lần/ngày trong tối đa 4 tháng.

  • Đẹp da: sử dụng viên nang hàm lượng 500mg x 3 lần/ngày, tối đa 12 tuần.

  • Phụ nữ tiền mãn kinh: Uống 6 - 12 viên (liều 500 mg - 6.000 mg) từ 1 – 4 lần/ngày trong tối đa 10 tháng. Cần bắt đầu dùng liều nhỏ nhất có thể, tăng lên khi cần để giảm triệu chứng.

  • Đau ngực: Uống từ 1 – 3 gram (g) hoặc 2,4 ml dầu hoa anh thảo mỗi ngày trong vòng 6 tháng.

  • Nóng bừng, bốc hỏa: Uống 500 mg dầu hoa anh thảo x 2 lần/ngày trong 6 tuần.

Lưu ý

Tinh dầu hoa anh thảo được cho là dung nạp tốt, có rất ít các tác dụng phụ được báo cáo, thường là triệu chứng khó chịu ở đường tiêu hóa (như đau bụng, buồn nôn, khó tiêu, phân nhão) và đau đầu.

Tránh sử dụng ở bệnh nhân có dùng phenothiazine điều trị bệnh tâm thần phân liệt.

Hoa anh thảo có thể tương tác với các thuốc chống kết tập tiểu cầu và chống đông máu. Dù chưa có nghiên cứu khoa học nào, nhưng vẫn cần thận trọng khi sử dụng ở những đối tượng bệnh nhân đặc biệt.

Các tác dụng phụ được ghi nhận của tinh dầu hoa anh thảo bao gồm:

  • Đau dạ dày.

  • Đau đầu, chóng mặt.

  • Đau bụng, buồn nôn, phân mềm

  • Trong một số ít trường hợp có thể gây ra phản ứng dị ứng, đặc trưng bởi các triệu chứng phát ban, viêm tay chân, khó thở, khò khè.

  • Nếu đang dùng thuốc chống đông máu, tinh dầu hoa anh thảo có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.

  • Có thể gây hạ huyết áp.

  • Dầu hoa anh thảo cũng \ làm tăng nguy cơ co giật, buồn nôn và ói mửa nghiêm trọng trên những người sử dụng thuốc phenothiazine.

  • Phụ nữ mang thai không nên dùng do có nguy cơ gặp tác dụng phụ.

 

 
Có thể bạn quan tâm?
BÀN LONG SÂM

BÀN LONG SÂM

Theo dân gian, Bàn long sâm thường được sử dụng trong trường hợp suy nhược cơ thể. Bàn long sâm còn có tên gọi khác là Sâm cuốn chiếu, Mễ dương sâm, Thao thảo.
administrator
HÚNG CHANH

HÚNG CHANH

Húng chanh là một loại cỏ, được sử dụng làm dược liệu trong y học, có tác dụng chữa cảm cúm, chữa ho hen, ho ra máu, dùng ngoài để đắp lên những vết do rết và bọ cạp cắn, viêm họng, sát trùng, khàn tiếng, sốt cao, ngộ độc, nôn ra máu, chảy máu mũi, đau bụng, sốt cao không ra mồ hôi, chảy máu cam,... Ngoài ra húng chanh cũng được sử dụng làm gia vị.
administrator
HẠT BO BO

HẠT BO BO

Hạt bo bo hay Ý dĩ là hạt của cây Lúa miến (sorghum) dùng làm thực phẩm và thay thế gạo thóc, ngoài ra Ý dĩ nhân còn được dùng trong đông y và được dùng trong các vị thuốc trừ tý, kiện tỳ, chỉ thống, điều trị viêm phổi, tiêu chảy, gân co quắp không duỗi thẳng được,…
administrator
NGŨ BỘI TỬ

NGŨ BỘI TỬ

Dược liệu Ngũ bội tử là một vị thuốc khá phổ biến trong nền y học cổ truyền của Trung Hoa. Đây không phải là cây thuốc mà là tổ đã phơi hoặc sấy khô của ấu trùng loài sâu Ngũ Bội tử sống kí sinh trên những cành non hay lá của cây Muối.
administrator
BẠCH MAO CĂN

BẠCH MAO CĂN

Bạch mao căn, hay còn được biết đến với những tên gọi: Rễ cỏ tranh, mao căn, mao thảo căn, vạn căn thảo. Bạch mao căn hay còn gọi là rễ cỏ tranh, là thân rễ phơi hay sấy khô của cây cỏ tranh. Cỏ tranh mọc hoang khắp nơi ở nước ta. Bạch mao căn được dùng để chữa bệnh nhiệt phiền khát, tiểu tiện khó khăn, tiểu ít, tiểu buốt, tiểu ra máu, ho ra máu, chảy máu cam, phù viêm thận cấp và hen suyễn.
administrator
HOÀNG TINH

HOÀNG TINH

Hoàng tinh, hay còn được biết đến với những tên gọi: Hoàng tinh lá mọc vòng, hoàng tinh hoa đỏ, cây cơm nếp, cứu hoang thảo, mễ phủ. Hoàng tinh là một loài cây mọc ở những nơi rừng ẩm ở các tỉnh miền Bắc. Người xưa cho rằng vị thuốc có màu vàng do tinh khí của đất sinh ra nên có tên Hoàng tinh. Nó có công dụng bổ Phổi, giúp ích tiêu hoá, chữa các bệnh do lao lực. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của dược liệu này.
administrator
TINH DẦU HOÀNG ĐÀN

TINH DẦU HOÀNG ĐÀN

Hoàng Đàn là loài thực vật rất nổi tiếng không chỉ bởi là một loại gỗ quý mà còn có mùi hương vô cùng độc đáo. Đối với những người say mê mùi thơm tự nhiên đều không thể bỏ qua tinh dầu Hoàng đàn. Sau đây hãy cùng tìm hiểu về tinh dầu Hoàng đàn và những công dụng tuyệt vời của nó nhé.
administrator
CÂY ĐƯỚC

CÂY ĐƯỚC

Cây đước, hay còn được biết đến với những tên gọi: Trang, vẹt, sú, đước bợp, đước xanh. Cây đước là một loại thực vật rất quen thuộc ở vùng rừng ngâp mặn. Từ lâu loại cây này đã được biết đến với tên gọi vệ sĩ bờ biển. Tuy nhiên, ngoài tác dụng về mặt sinh thái thì loại cây này còn chứa nhiều thành phần có dược tính tốt và có thể được sử dụng với mục đích chữa bệnh. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của dược liệu này.
administrator