TINH DẦU NGHỆ

Nghệ là một loại gia vị được sử dụng rất phổ biến cùng với nhiều công dụng tốt đối với sức khỏe của chúng ta. Tinh dầu nghệ là thành phần được chiết xuất từ thân rễ. Tinh dầu này đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những lợi ích đối với sức khỏe như đẹp da, kháng khuẩn, kháng nấm, kháng dị ứng, chống ký sinh trùng và điều trị nhiều bệnh lý khác. Sau đây hãy cùng tìm hiểu về tinh dầu nghệ và cách dùng tinh dầu nghệ hiệu quả nhất nhé.

daydreaming distracted girl in class

TINH DẦU NGHỆ

Giới thiệu về dược liệu

Nghệ, có tên khoa học là Curcuma longa, là một loại cây thân thảo lâu năm, họ Gừng (Zingiberaceae).

Nghệ có chiều cao khoảng 0,6 – 1 m. Phần thân rễ to, có ngấn, phân nhánh thành nhiều hình bầu dục. Cây nghệ có màu vàng sẫm cho tới vàng đỏ, có mùi thơm đặc trưng. Lá mọc thẳng ra từ thân rễ với phần gốc thuôn hẹp và đầu hơi nhọn. Lá bắc rời, màu nhạt. Cụm hoa hình trụ (hoặc hình trứng), mọc từ giữa túm lá. Quả nang.

Nghệ theo các tài liệu cổ xưa có nguồn gốc nguyên thủy từ Ấn Độ. Tuy nhiên, hiện nay cây được du nhập sang nhiều quốc gia khác từ Đông Phi, Tây Phi, rồi tới Đông Nam Á. Tại Việt Nam, nghệ là loại thảo dược thông dụng và được trồng ở khắp nơi, từ vùng đồng bằng ven biển cho tới vùng núi cao trên 1500 m.

Nghệ là thực vật ưa ẩm, ưa sáng, hơi chịu bóng râm. Chính vì nghệ có biên độ sinh thái rộng, nên thích nghi được với nhiều khu vực có thời tiết khí hậu khác nhau.

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Tinh dầu nghệ là thành phần được chiết xuất từ từ thân rễ củ hay rễ ngầm của cây. Tinh dầu nghệ thường được sản xuất bằng cách chưng cất hơi nước, sử dụng dung môi hexan. Tinh dầu thu được có màu vàng, mùi thơm nhẹ.

Tinh dầu nghệ vẫn có thể được chiết xuất tại nhà với các nguyên liệu sau:

  • Nghệ vàng khoảng 2kg (lựa những củ nghệ già, sẽ thu được nhiều tinh chất)

  • Chén

  • Khăn sạch để lọc

Các bước tiến hành:

  • Bước 1: Rửa sạch củ nghệ và cạo sạch phần vỏ

  • Bước 2: Thái mỏng, cho vào máy xay cùng nước lạnh. Xay cho đến khi thu được hỗn hợp mềm, nhuyễn và mịn.

  • Bước 3: Lọc qua khăn vải, loại bỏ phần bã. Nên lọc lại từ 2 - 3 lần để thu được càng nhiều tinh chất càng tốt.

  • Bước 4: Thêm nước lạnh vào dung dịch nghệ thu được trong tô, đợi khoảng 3 giờ.

  • Bước 5: Khi bột nghệ bắt đầu lắng xuống, gạn bớt phần nước phía trên. Tiếp tục đợi trong 3 giờ và thu bột nghệ tinh khiết.

  • Bước 6: Bột nghệ thu được đem đi đun sôi cùng nước, sau đó bỏ vào hũ thu được tinh dầu nghệ.

Cần bảo quản thành phẩm ở khu vực thoáng mát, sử dụng trong vòng 1 tháng để đảm bảo chất lượng tốt nhất.

Thành phần hóa học

Các nghiên cứu đã được thực hiện và ghi nhận được những thành phần chính có trong tinh dầu nghệ bao gồm turmerone thơm chiếm 25,3%; a-turmerone chiếm 18,3% và curlone chiếm 12,5%. Một số thành phần khác bao gồm caryophyllene chiếm 2,26 %, eucalyptol chiếm 1,60 % và a-phellandrene chiếm 0,42 %. Tuy nhiên, hàm lượng của các thành phần chỉ mang tính tương đối, do có sự khác nhau về loại, vị trí địa lý và điều kiện trồng trọt.

Tác dụng - Công dụng

Hỗ trợ điều trị, phòng ngừa ung thư đại tràng

Nghiên cứu năm 2013 tại Đại học Kyoto, Nhật Bản nghiên cứu về hoạt động của hoạt chất turmerone thơm (ar-turmerone) có trong tinh dầu nghệ. Kết hợp cùng với curcumin, những thành phần này trong nghệ có hiệu quả giúp chống lại bệnh ung thư đại tràng khi thử nghiệm ở mô hình động vật. Nghiên cứu này hứa hẹn mang đến một liệu pháp điều trị mới cho các bệnh nhân đang mắc phải căn bệnh này. Curcumin kết hợp với turmerone sử dụng qua đường uống có công dụng loại bỏ sự hình thành khối u ở cả liều thấp và liều cao.

Nghiên cứu này đã đưa ra kết luận rằng turmerone là “ứng cử viên” mới giúp ngăn ngừa ung thư đại tràng. Bên cạnh đó, sử dụng turmerone kết hợp với curcumin là phương pháp tự nhiên, hiệu quả giúp ngăn ngừa ung thư đại tràng do viêm.

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn khuyến cáo thực hiện thêm nhiều nghiên cứu để xác nhận hiệu quả này.

Giúp ngăn ngừa bệnh lý thần kinh

Các nghiên cứu được thực hiện cho thấy turmerone, một trong những thành phần chính trong tinh dầu nghệ, có công dụng ức chế sự kích hoạt microglia, là một loại tế bào thần kinh đệm ở khắp não và tủy sống. Tình trạng kích hoạt microglia là dấu hiệu báo trước của bệnh lý thần kinh. Chính vì đó, tinh dầu nghệ có công dụng ngăn chặn quá trình này, hữu ích cho việc phòng ngừa cũng như điều trị các bệnh lý liên quan đến não.

Một nghiên cứu thực hiện trên động vật cho thấy turmerone có công dụng giúp tăng nhanh số lượng của tế bào gốc thần kinh. Turmerone trong tinh dầu nghệ được cho giúp hỗ trợ quá trình tái tạo thần kinh. Từ đó cải thiện một số bệnh lý thần kinh bao gồm Parkinson, Alzheimer, tổn thương tủy sống, đột quỵ.

Điều trị động kinh

Tác động chống co giật của tinh dầu nghệ, hay các sesquiterpenoids được chiết xuất (bao gồm ar – turmerone, α -, β – turmerone, α – atlantone) được ghi nhận trên ngựa vằn và chuột bị co giật do hóa chất. Một nghiên cứu khác năm 2013 cho thấy đặc tính chống co giật của turmerone khi thử nghiệm trong tình trạng co giật cấp tính ở chuột. Turmerone được cho là tác động tới các kiểu biểu hiện của 2 gen liên quan tới động kinh ở cá ngựa vằn.

Tuy nhiên, thực hiện thêm nhiều nghiên cứu khác là cần thiết để giúp xác nhận lợi ích này của tinh dầu nghệ.

Giảm viêm khớp, hỗ trợ điều trị các vấn đề về khớp

Nghệ đã được sử dụng trong điều trị viêm khớp nhờ vào tác dụng của các thành phần hoạt tính được biết là có hiệu quả ngăn chặn các cytokine, enzym gây viêm.

Một số nghiên cứu chỉ ra hiệu quả của nghệ trong giảm đau, giảm viêm và cứng khớp liên quan tới tình trạng viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp. Một nghiên cứu khác đánh giá tác dụng chống viêm khớp của tinh dầu thô khi sử dụng mỗi ngày, cho thấy hiệu quả chống viêm khớp ở động vật thử nghiệm.

Hỗ trợ sức khỏe gan

Nghệ từ xưa tới nay nổi tiếng với hiệu quả giúp cải thiện sức khỏe gan. Gan là cơ quan quan trọng nhất, có công dụng giải độc cơ thể. Các nghiên cứu đã đánh giá methotrexate (MTX), thuốc được sử dụng rộng rãi trong điều trị ung thư, các bệnh tự miễn và có độc tính với gan. Nghiên cứu chỉ rằng nghệ giúp bảo vệ gan khỏi tình trạng nhiễm độc gan do MTX.

Bên cạnh đó, một số nghiên cứu trên động vật chỉ ra rằng các enzym chống oxy hóa trong máu g tăng lên sau khi dùng tinh dầu nghệ. Ngoài ra, tinh dầu này cũng cho thấy hiệu quả đáng kể đối với enzym chống oxy hóa khi thử nghiệm trên mô gan chuột sau khi điều trị trong 30 ngày.

Hỗ trợ điều trị ung thư vú

Nghiên cứu chỉ ra rằng thành phần turmerone thơm trong tinh dầu nghệ có hiệu quả ức chế hoạt động các enzym trong ung thư vú. Bên cạnh đó, nó còn có công dụng ức chế sự biểu hiện của MMP-9, COX-2 ở tế bào ung thư vú trên người. Turmerone cũng ức chế sự xâm nhập, di chuyển cũng như hình thành khuẩn lạc trong tế bào ung thư vú. Ngoài ra, cá chuyên gia còn cho thấy các thành phần trong tinh dầu này có hiệu quả ức chế TPA - chất thúc đẩy sự phát triển của khối u.

Giảm trầm cảm, lo âu

Tinh dầu nghệ được ghi nhận có hiệu quả thư giãn và cân bằng cơ thể. Các nghiên cứu được thực hiện cho thấy thành phần này giúp chống lại các tình trạng rối loạn phổ biến bao gồm trầm cảm và lo âu.

Một nghiên cứu ngẫu nhiên, đối chứng giả dược trên 56 bệnh nhân mắc trầm cảm. Kết quả cho thấy bổ sung BCM-95 curcumin không chỉ giúp giảm nhanh các triệu chứng trầm cảm mà còn hiệu quả như chất chống lo âu khi sử dụng trong 8 tuần. BCM-95 curcumin sản xuất bằng cách kết hợp giữa curcumin và tinh dầu nghệ, không có chất phụ gia tổng hợp.

Nghiên cứu khác ngẫu nhiên, mù đôi, đối chứng với giả dược vào năm 2018 đánh giá tác động của BCM-95 curcumin và nghệ tây trên 123 bệnh nhân rối loạn trầm cảm nặng. Nghiên cứu chỉ ra những người điều trị 2 lần/ngày với liều thấp (250 mg), liều cao (500 mg) BCM-95 curcumin hay kết hợp với liều thấp (15 mg) curcumin và nghệ tây trong vòng 12 tuần đều giúp làm giảm các triệu chứng trầm cảm và lo âu.

Điều trị cảm lạnh thông thường

Khả năng kháng viêm và kháng khuẩn từ tinh dầu nghệ có hiệu quả trị chứng nghẹt mũi và cảm lạnh. Các chuyên gia khuyến cáo nên thực hiện liệu pháp hương thơm bằng máy khuếch tán hoặc xông trong bát nước nóng giúp làm dịu nhanh chứng nghẹt mũi.

Lợi ích đối với sức khỏe làn da

Tinh dầu nghệ thường được nhiều người sử dụng để làm sáng da. Khi bôi tại chỗ, tinh dầu nghệ được ghi nhận giúp giảm chứng tăng sắc tố trên da cũng như nếp nhăn, vết chân chim. Với công dụng kháng viêm và kháng khuẩn, tinh dầu nghệ cũng hữu ích giúp điều trị mụn trứng cá.

Cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng loại tinh dầu này vào quy trình chăm sóc da.

Cách dùng - Liều dùng

Tinh dầu nghệ trị mụn

Trộn đều từ 2 – 3 giọt tinh dầu nghệ cùng một loại dầu nền chẳng hạn như dầu mù u. Sử dụng hỗn hợp này bôi lên vùng da bị ảnh hưởng hàng ngày cho tới khi tình trạng mụn giảm dần.

Tinh dầu nghệ làm sáng da

Sử dụng từ 1 – 2 giọt tinh dầu nghệ, trộn cùng một loại dầu nền khác hay trong kem dưỡng có hiệu quả trong cải thiện sắc tố da, làm mờ vết thâm.

Chống cháy nắng

Những ngày thời tiết nắng nóng, sử dụng tinh dầu nghệ có thể giúp làm dịu kích ứng và mẩn đỏ. Trộn 1 – 2 giọt dầu nghệ cùng dầu jojoba. Sử dụng hỗn hợp này thoa lên vùng da bị ảnh hưởng bởi ánh nắng mặt trời.

Cải thiện các vấn đề da đầu

Da đầu bị nhiễm nấm có thể dẫn tới kích ứng, ngứa, đỏ. Thêm vài giọt dầu nghệ vào loại dầu dưỡng tóc yêu thích và sử dụng có thể giúp cải thiện những tình trạng này. Hiệu quả được cho là do hơn 300 hợp chất hoạt tính sinh học với hiệu quả chống oxy hóa.

Giảm viêm và giảm đau

Để phát huy hiệu quả giảm viêm, trộn 4 – 5 giọt dầu nghệ cùng một muỗng canh dầu nền như hạnh nhân ngọt hay dầu ô liu. Sử dụng hỗn hợp này massage nhẹ nhàng lên vị trí bị ảnh hưởng.

Giảm cảm lạnh, nghẹt mũi

  • Xông hơi: Dùng 5 – 6 giọt tinh dầu nghệ nguyên chất, thêm vào một bát nước nóng và trùm một chiếc khăn trên đầu. Hít hỗn hợp này trong khoảng 5 – 10 phút. Hơi nóng sẽ có hiệu quả làm loãng đờm, cùng với tác động kháng khuẩn của tinh dầu nghệ giúp tiêu diệt các vi khuẩn gây cúm, cảm lạnh.

  • Khuếch tán: Dùng 5 giọt tinh dầu nghệ, cho vào máy khuếch tán trước khi đi ngủ. Phương pháp này có hiệu quả tương tự với xông hơi kèm theo tác dụng giúp thư giãn.

Lưu ý

Tinh dầu nghệ có rất nhiều lợi ích đối với làn da bao gồm làm sáng da, giảm chứng tăng sắc tố, giảm nếp nhăn, vết chân chim và điều trị mụn trứng cá. Tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.

Hỏi ý kiến ​​bác sĩ trước khi sử dụng tinh dầu nghệ trên những đối tượng sau:

  • Phụ nữ mang thai

  • Phụ nữ đang cho con bú

  • Những người mắc bệnh đang sử dụng thuốc

  • Những người đang mắc các tình trạng về chảy máu, vô sinh, bệnh lý túi mật, đái tháo đường, thiếu sắt, trào ngược dạ dày thực quản (GERD)

  • Phụ nữ mắc các tình trạng nhạy cảm với hormone, bao gồm ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư cổ tử cung, lạc nội mạc tử cung hay u xơ tử cung.

  • Tinh dầu nghệ khiến làn da nhạy cảm hơn với tia UV. Do đó, cần thận trọng khi sử dụng.

  • Để tinh dầu tránh xa trẻ em và vật nuôi.

  • Nghệ có tương tác với các thuốc chống đông máu. Cần ngừng sử dụng các sản phẩm từ nghệ ít nhất 2 tuần trước khi thực hiện phẫu thuật.

Nghệ là một loại dược liệu được xem là khá an toàn và ít gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng. Tuy nhiên, một số người có thể gặp triệu chứng đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, chóng mặt sau khi sử dụng nghệ.

 

 
Có thể bạn quan tâm?
BÒNG BONG

BÒNG BONG

Bòng bong, hay còn được biết đến với những tên gọi: Thòng bong, hải kim sa, thạch vi dây, dương vong,... Trong Đông Y bòng bong được gọi là hải kim sa bởi các bào tử trên cây nhiều như biển (tức hải), và có sắc vàng lóng lánh như cát vàng (tức kim sa). Đây là một loài cây quen thuộc thường trồng trong nhà để làm cảnh, ít ai biết đến loài cây này là một vị thuốc quý có công dụng chữa bệnh đến thận và tiết niệu như: sỏi thận, sỏi bàng quang, sỏi niệu đạo,...Bài viết này sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của vị thuốc này.
administrator
TINH DẦU HƯƠNG THẢO

TINH DẦU HƯƠNG THẢO

Hương thảo là một loại gia vị quen thuộc trong nền ẩm thực, được sử dụng phổ biến trên toàn thế giới. Không những thế, Hương thảo còn có nguồn tinh dầu với nhiều công dụng tuyệt vời đối với sức khỏe. Sau đây hãy cùng tìm hiểu về tinh dầu Hương thảo và cách sử dụng hiệu quả nhé.
administrator
TINH DẦU XẠ HƯƠNG

TINH DẦU XẠ HƯƠNG

Cỏ xạ hương là một loại cây không còn xa lạ gì trong nền ẩm thực. Trong đó, tinh dầu của dược liệu này được sử dụng rất phổ biến trong sản xuất nước hoa, mỹ phẩm, thực phẩm trong theo văn hóa Địa Trung Hải. Thế nhưng, nó còn có những lợi ích rất tốt cho sức khỏe mà không phải ai cũng biết. Sau đây hãy cùng tìm hiểu xem tinh dầu xạ hương có tác dụng gì, khi sử dụng tinh dầu xạ hương cần lưu ý gì?
administrator
VẠN TUẾ

VẠN TUẾ

Vạn tuế (Cycas revoluta) là một loại cây thân gỗ thuộc họ Tuế (Cycadaceae). Từ lâu, cây vạn tuế đã được sử dụng trong Y học cổ truyền của các nước như Nhật Bản và Trung Quốc để chữa trị nhiều bệnh lý khác nhau. Vạn tuế được đánh giá là có tác dụng tốt trong việc hỗ trợ điều trị bệnh tim mạch, giảm đau đầu, tăng cường hệ miễn dịch, giảm căng thẳng và bảo vệ gan.
administrator
THANH HAO HOA VÀNG

THANH HAO HOA VÀNG

Thanh hao hoa vàng (Artemisia annua) là một loại thảo dược được sử dụng từ lâu đời trong y học truyền thống và hiện đại. Dược liệu này chứa nhiều hoạt chất có tính kháng khuẩn, kháng viêm, kháng sốt và kháng ung thư. Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng Thanh hao hoa vàng có thể hỗ trợ trong điều trị nhiều loại bệnh, bao gồm cả bệnh ung thư và bệnh sốt rét. Trong bối cảnh các chuyên gia đang tìm kiếm các phương pháp chữa bệnh tự nhiên và an toàn, Thanh hao hoa vàng là một lựa chọn hữu hiệu.
administrator
DÂY THUỐC CÁ

DÂY THUỐC CÁ

Dây thuốc cá, hay còn được biết đến với những tên gọi: Dây cát, dây mật, lầu tín, dây duốc cá, dây cóc, touba, tuba root, derris. Từ lâu, con người đã dùng dây thuốc cá như một loại thuốc trừ sâu và để đánh bắt cá trong ao hồ. Đây là loại cây có độc. Tổ chức y tế thế giới xếp vào loại chỉ có hại ở mức độ vừa phải. Có ít báo cáo về độc tính của cây này trên con người. Tuy nhiên chúng ta cần biết và cẩn trọng khi sử dụng chúng trong đời sống. Bài viết này sẽ cung cấp một số những công dụng của dây thuốc cá và độc tính của nó.
administrator
DÂY ĐAU XƯƠNG

DÂY ĐAU XƯƠNG

Dây đau xương, hay còn được biết đến với những tên gọi: Tục cốt đằng, khoan cân đằng, cây đau xương, khau năng cấp. Dây đau xương là loại dược liệu mọc hoang khắp các vùng đồng bằng, trung du và miền núi thấp ở nước ta. Dây đau xương có vị đắng, tính mát, có tác dụng mạnh gân cốt, trừ phong thấp được sử dụng để chữa các triệu chứng của bệnh tê thấp, đau nhức xương khớp. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của dược liệu này.
administrator
NHỤC QUẾ

NHỤC QUẾ

Nhục quế không chỉ là một loại gia vị thân thuộc đối với nền ẩm thực văn hóa phương Đông mà còn ở đất nước Việt Nam. Bên cạnh đó, Nhục quế vừa là gia vị có hương thơm đặc trưng nổi bật bởi sự nồng ấm và dễ chịu thì dược liệu này còn là một vị thuốc thông dụng trong Y học cổ truyền.
administrator