daydreaming distracted girl in class

UỐN VÁN

 

Tổng quan

Uốn ván là một bệnh nghiêm trọng liên quan đến hệ thống thần kinh, gây ra bởi một loại vi khuẩn sản sinh chất độc. Căn bệnh này khiến cơ bắp co thắt, đặc biệt là ở cơ hàm và cơ cổ. Khóa cứng hàm là dấu hiệu nhận biết thường thấy ở uốn ván.

Các biến chứng nghiêm trọng của uốn ván có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Hiện không có phương pháp đặc trị cho bệnh này. Việc chữa trị hiện tập trung vào làm giảm nhẹ triệu chứng và biến chứng cho đến khi chất độc của vi khuẩn uốn ván được giải quyết.

Do vaccine uốn ván được tiêm chủng rộng rãi, bệnh này rất hiếm xảy ra ở Mĩ và các nước phát triển. Tuy nhiên, uốn ván vẫn là một mối nguy thường trực với những người chưa được tiêm chủng đầy đủ và kịp thời, nhất là ở các nước đang phát triển.

 

Triệu chứng

Thời gian trung bình từ khi bị nhiễm trùng tới lúc xuất hiện những dấu hiệu của triệu chứng (thời gian ủ bệnh) là 10 ngày. Thời gian ủ bệnh nằm trong khoảng 3 đến 21 ngày.

Loại uốn ván phổ biến nhất được gọi là uốn ván thông thường. Dấu hiệu và triệu chứng tăng dần và chuyển biến nhanh sau 2 tuần. Bệnh bắt đầu từ cơ hàm và phát triển xuống thân dưới cơ thể.

Dấu hiệu và triệu chứng của bênh uốn ván thông thường bao gồm:

  • Cơ bị co thắt và căng cứng gây đau đớn, không thể di chuyển cơ (khóa cơ) ở hàm

  • Cơ bị căng ở quanh môi, đôi khi khiến môi hở ra liên tục 

  • Co thắt và căng cơ ở cổ

  • Khó nuốt

  • Cơ bụng bị căng cứng

Sự tiến triển của bệnh uốn ván gây đau liên tục, xuất hiện những cơn co thắt tương tự như bị co giật trong vòng vài phút (bệnh uốn ván thông thường). Triệu chứng hay gặp là cổ và lưng bị uốn cong, 2 chân căng cứng, tay duỗi thẳng theo thân người, bàn tay nắm chặt. Căng cứng cơ ở cổ và bụng có thể cản trở sự hô hấp.

Những cơn cho thắt nghiêm trọng có thể bị kích thích bởi những điều kiện sau đây – tiếng động mạnh, bị chạm vào người, một luồng gió hoặc ánh đèn bất chợt.

Khi bệnh tiến triển nặng, những dấu hiệu và triệu chứng khác có thể xuất hiện bao gồm:

  • Huyết áp cao

  • Đường huyết thấp

  • Nhịp tim nhanh

  • Sốt

  • Toát rất nhiều mồ hôi 

Bệnh uốn ván cục bộ

Dạng uốn ván không phổ biến này gây ra căng cứng cơ gần vết thương. Thường thì bệnh này ít nghiêm trọng hơn uốn ván thông thường nhưng nó vẫn có thể tiển triển thành bệnh uốn ván thông thường.

Bệnh uốn ván vùng đầu

Dạng uốn ván hiếm gặp này gây ra bởi vết thương nhiễm trùng uốn ván ở đầu. Nó làm yếu cơ ở mặt và co cứng hàm. Bệnh này cũng có thể tiến triển thành uốn ván thông thường.

Khi nào cần gặp bác sĩ

Uốn ván là một bệnh nguy hiểm đến tính mạng. Cần được cấp cứu ngay nếu có bất kì dấu hiệu hoặc triệu chứng nào của bệnh này.

Nếu bạn có một vết thương đơn giản và đã được làm sạch – và đã được tiêm chủng lần gần nhất trong 10 năm đổ lại – vết thương có thể được săn sóc tại nhà.

Tìm kiếm trợ giúp y tế trong những trường hợp sau:

  • Bạn chưa được chích uốn ván định kì trong 10 năm.

  • Bạn không chắc về lần gần nhất được chính uốn ván là bao giờ.

  • Bạn bị một vết đâm sâu, một vật thể ngoại lại ở vị trí vết thương, bị động vật cắn hoặc một vết cắt sâu.

  • Vết thương bị vấy bẩn bởi bụi, đất, phân, kim loại rỉ sét hoặc nước bọt – hoặc bạn nghi ngờ vết thương không được sạch sau khi tiếp xúc những tác nhân trên. Vết thương bị nhiễm bẩn cần được tiêm vaccine tăng cường nếu bạn chưa tiêm vaccine uốn ván trên 5 năm.

 

Nguyên nhân

Vi khuẩn gây bệnh uốn ván có tên là Clostridium tetani. Vi khuẩn này có thể tồn tại ở dạng bào tử trong đất và phân động vật. Cơ bản thì vi khuẩn này bất hoạt cho đến khi nó tìm được môi trường sinh sôi thích hợp.

Khi bào tử vi khuẩn đi vào vết thương – điều kiện thuận lợi cho sự phát triển – các tế bào được “thức giấc”. Khi chúng phát triển và phân chia, một loại chất độc có tên là tetanospasmin được sản sinh. Loại chất độc này làm suy yếu dây thần kinh điều khiển các cơ.

 

Yếu tố nguy cơ

Yếu tố nguy cơ lớn nhất với nhiễm trùng uốn ván là việc chưa được tiêm chủng đều đặn uốn ván mỗi 10 năm.

Những yếu tố khác tang rủi ro nhiễm trùng uốn ván là:

  • Vết thương hoặc vết cắt tiếp xúc với đất hoặc phân chuồng

  • Vật thể lạ nằm trong vết thương, ví dụ như móng tay hoặc dằm

  • Có bệnh sử về việc suy yếu hệ miễn dịch 

  • Nhiễm trùng vết thương ngoài da ở những người mắc bệnh tiểu đường

  • Nhiễm trùng cuống rốn ở những người mẹ chưa được tiêm phòng đầy đủ

  • Sự dụng chung kim tiêm nhiễm khuẩn ở những người tiêm chích ma túy

 

Biến chứng

Những biến chứng của nhiễm trùng uốn ván bao gồm:

  • Khó thở. Biến chứng khó thở gây nguy hiểm đến tính mạng có thể xảy ra khi dây thanh quản bị co thắt và cơ bị căng cứng ở vùng cổ và bụng, đặc biệt là khi xảy ra cơn co thắt thông thường.

  • Tắc nghẽn động mạch phổi. Một khối máu đông từ nơi khác của cơ thể có thể gây tắc động mạch chính của phổi hoặc một trong các nhánh của nó.

  • Viêm phổi. Phổi bị nhiễm trùng do vô tình hít phải một vật nào đó là một biến chứng của những cơn co thắt.

  • Gãy xương. Những cơn co thắt có thể làm gãy xương sống hoặc xương khác.

  • Tử vong. Tử vong do uốn ván thường xảy ra do các cơn co thắt  gây tắc nghẽn khí quản hoặc làm tổn thương dây thần kinh hô hấp, tim hoặc dây thần kinh điều khiển chức năng các nội quan khác. 

Phòng ngừa

Chích vaccine đầy đủ và kịp thời là phương thức phòng ngừa uốn ván hữu hiệu nhất.

Vaccine cho trẻ em

Vaccine uốn ván cho trẻ em được tiêm dưới dạng vaccine kết hợp bạch hầu, ho gà, uốn ván (DTaP). Bạch hầu là một bênh nghiêm trọng gây ra bởi nhiễm trùng ở mũi và họng. Ho gà là một bệnh truyền nhiễm đường hô hấp lây lan rất nhanh.

Nếu trẻ không chích được vaccine ho gà thì vaccine thay thế có tên là DT kết hợp vaccine bạch hầu và uốn ván sẽ được dùng để tiêm.

Chỉ định tiêm vaccine DTaP gồm 5 liều tiêm ở bắp tay hoặc đùi vào tuổi:

  • 2 tháng

  • 4 tháng

  • 6 tháng

  • 15 đến 18 tháng

  • 4 đến 6 tuổi

Vaccine cho trẻ từ 7 đến 18 tuổi

Một liều tăng cường nên được tiêm cho trẻ ở tuổi 11 hoặc 12. Liều tăng cường này có tên là Tdap. Phụ huynh nên trao đổi với bác sĩ nếu trẻ chưa được tiêm liều tăng cường ở tuổi này.

Vaccine cho người lớn từ 19 tuổi trở lên

Một liều tăng cường nên được chích mỗi 10 năm. Có hai loại vaccine để lựa chọn, Tdap hoặc Td. Nếu bạn chưa được chích vaccine ngừa uốn ván khi trẻ tuổi hoặc không chắc về tình trạng vaccine của bản thân, bạn nên tham vấn ý kiến của bác sĩ về liều Tdap.

Chích ngừa cho thai phụ

Liều vaccine tang cường nên được chích cho thai phụ ở thai kì thứ ba, bất kể tình trạng vaccine của thai phụ ra sao.

Những lời khuyên khác

  • Thường xuyên hỏi bác sĩ về tình trạng vaccine của bản thân.

  • Kiểm tra liệu đã chích đủ vaccine chưa nếu bạn có dự định đi du lịch nước ngoài.

Chẩn đoán

Bác sĩ chẩn đoán uốn ván dựa vào thăm khám, bệnh sử và lịch sử tiêm vaccine, dấu hiệu và triệu chứng của những cơn co giật, cơ đau và căng cứng. Xét nghiệm được chỉ định khi bác sĩ nghi ngờ nguyên nhân khác không phải uốn ván gây nên tình trạng co giật và căng cứng.

Điều trị

Hiện chưa có thuốc điều trị cho uốn ván. Bệnh nhân nhiễm trùng uốn ván cần được cấp cứu kịp thời và điều trị trong khoảng thời gian dài khi đã phát bệnh. Điều trị bao gồm chăm sóc vết thương, giảm nhẹ triệu chứng và chăm sóc hỗ trợ. Việc điều trị thường diễn ra ở phòng chăm sóc đặc biệt (ICU).

Bệnh thường diễn ra trong 2 tuần, nhưng để bệnh nhân hồi phục cần đến 1 tháng.

Chăm sóc vết thương

Chăm sóc vết thương cần rửa sạch và loại bỏ bụi bẩn, cặn và các vật thể lạ có thể chứa vi khuẩn. Y tá sẽ làm sạch vết thương và loại bỏ những tế bào chết có thể làm nơi ẩn nấp cho vi khuẩn.

Thuốc điều trị

  • Liệu pháp kháng độc tố được sử dụng để chống lại độc tố chưa tấn công các mô thần kinh. Cách điều trị này được gọi là miễn dịch thụ động, chính là kháng thể của cơ thể chống lại độc tố.

  • Thuốc an thần được sử dụng để giảm phản ứng của hệ thần kinh, từ đó giúp kiểm soát các cơn co giật.

  • Tiêm chủng với một liều vaccine uốn ván tiêu chuẩn sẽ giúp hệ miễn dịch có vũ khí chống lại độc tố uốn ván.

  • Thuốc khác. Các loại thuốc khác được sử dụng để kiểm soát các cơ không tự chủ như cơ tim và cơ hô hấp. Morphine có thể được sử dụng cho mục đích này cũng như có tác dụng an thần.

Liệu pháp hỗ trợ

Các liệu pháp hỗ trợ kết hợp với việc điều trị bao gồm bảo đảm khí quản không bị tắc và hỗ trợ hô hấp ví dụ như thở máy. Ống nuôi được nối vào dạ dày để cung cấp dinh dưỡng. Phòng điều trị cần được sắp xếp để giảm thiểu tiếng động, ánh sáng hoặc những tác nhân khác có nguy cơ gây nên cơn co giật.

 

 

 
Có thể bạn quan tâm?
VIÊM ỐNG DẪN TRỨNG

VIÊM ỐNG DẪN TRỨNG

administrator
CHÓNG MẶT KỊCH PHÁT LÀNH TÍNH

CHÓNG MẶT KỊCH PHÁT LÀNH TÍNH

administrator
VIÊM LỒI CẦU NGOÀI XƯƠNG CÁNH TAY

VIÊM LỒI CẦU NGOÀI XƯƠNG CÁNH TAY

administrator
SÓN TIỂU

SÓN TIỂU

administrator
ĐẠM NIỆU (PROTEIN NIỆU)

ĐẠM NIỆU (PROTEIN NIỆU)

administrator
HỘI CHỨNG ĐẦU CỔ

HỘI CHỨNG ĐẦU CỔ

administrator
HỘI CHỨNG SHEEHAN

HỘI CHỨNG SHEEHAN

administrator
GAI ĐEN

GAI ĐEN

administrator